17-5-2018
Mình có nhiều bạn bè ở Mỹ, qua trò chuyện và cả xem phim, thấy họ luôn tư duy “còn người là còn tất cả.” Sinh mệnh con người là quan trọng nhất, không tài sản nào sánh bằng. Trên nền tảng tư duy đó, người ta giáo dục con người đừng có dại dột nhất định bảo vệ tài sản, trinh tiết mà mất mạng trong các tình huống thiên tai, cướp, hiếp…
Một tư duy khác của họ bên cạnh tư duy bảo toàn sinh mệnh: tinh thần bảo vệ công lý, ra tay nghĩa hiệp giúp người yếu thế.
Từ nhỏ, trẻ em đã được dạy phải bênh vực bạn bè khi bạn bị bắt nạt. Ra đường thấy việc sai phải lên tiếng. Phải biết đấu tranh, chiến đấu để bảo vệ các giá trị: công lý, sự thật, dân chủ, tự do, nhân quyền… ta thấy tinh thần này được nói đến, được thể hiện rất nhiều trong phim ảnh qua các nhân vật anh hùng kiểu Mỹ.
Những người lính chết khi đang làm nhiệm vụ luôn được xã hội tôn trọng, vinh danh. Người dân thường chết vì bảo vệ người khác luôn được xã hội ca ngợi và người nhà thì dù rất đau đớn nhưng rất tự hào về hành động của người thân của mình. Chẳng ai bảo người chết là kẻ ngu ngốc, dại dột cả. Vì sao? Vì cái chết đó không chỉ bảo vệ một người nào đó mà còn là bảo vệ các giá trị mà họ cho là quan trọng hơn cả mạng sống của mình, các giá trị làm nên một đất nước giàu, mạnh và được nể vì.
Quay lại với Việt Nam, mấy ngày vừa qua lại dấy lên cuộc tranh luận về tính đúng đắn, nên hay không nên của phong trào “hiệp sĩ đường phố” sau cái chết của hai “hiệp sĩ”, một người dân và vài người bị thương trong một vụ bắt cướp mà công an gần đó không tiếp ứng vì “khác phường.”
Một bên cho rằng phong trào “hiệp sĩ đường phố” ra đời để đáp ứng nhu cầu xã hội, khi mà công an không thể làm tròn trách nhiệm quản lý trật tự xã hội. Do đó, phong trào này cần được công nhận, tôn vinh.(Đây là số đông.) Một bên cho rằng phong trào này đã làm lười thêm cơ quan chức năng là các lực lượng công an lãnh lương từ tiến thuế của dân để làm nhiệm vụ, rằng phong trào này lấn sân, làm dấy lên kiểu hành xử tự xử trong xã hội, chưa kể các tiêu cực nảy sinh trong quá trình tự xử. Và quan trọng nhất là năng lực, kỷ năng, nghiệp vụ của người tham gia phong trào không đủ để làm những việc nguy hiểm cho bản thân lẫn người xung quanh. Phong trào này cần phải bị dẹp bỏ, các lực lượng công an phải thực hiện nhiệm vụ của mình không thể đùn đẩy cho các phong trào tự phát của người dân. (Đây là số ít.)
Ngẫm lại hai tư duy của người Mỹ tôi ghi ở trên, ta thấy:
Người ta tôn vinh những người biết hi sinh để bảo vệ CON NGƯỜI và CÁC GIÁ TRỊ ĐÚNG ĐẮN làm nên phẩm chất con người, dân tộc. Không phải tôn vinh những người liều mình bất chấp việc bản thân chưa đủ kỷ năng để bảo vệ tài sản của chính mình và tài sản của người khác.
Ngẫm hai luồng tư duy ở VN, ta thấy, số đông vẫn không coi trọng sinh mạng con người và PHUNG PHÍ sinh mạng con người để bảo vệ tài sản. Đây có phải là hành động được gọi là “hiệp sĩ” hay không? Tôi nhớ trong tất cả các truyện mà tôi đọc về các “hiệp sĩ” từ Đông sang Tây từ cổ chí kim chẳng có “hiệp sĩ” nào lại được phong danh “hiệp sĩ” vì bảo vệ tài sản người khác cả. Họ được phong “hiệp sĩ” vì bảo vệ con người hoặc các giá trị cao đẹp. Bảo vệ tài sản của người khác có phải là một hành động cao đẹp? Có. Nhưng nó chỉ là hành động kiểu hảo hán chứ không phải “hiệp sĩ.” Để được là “hiệp sĩ” thì cần nhiều hơn thế.
Người biết võ nghệ, có kỷ năng xử lý tình huống, đủ tự tin, đủ dũng cảm, đủ sức khỏe khi đi ra đường gặp kẻ cướp đang cướp túi xách, cướp xe của người khác thì tất yếu ra tay giúp đỡ. Đó là hành động đẹp, lấy lại được tài sản, khống chế được kẻ cướp mà mình vẫn AN TOÀN. Còn khi kỷ năng yếu kém, võ nghệ chỉ tầm tầm vài ba thế, chỉ có tấm lòng hảo hán và sự nhiệt tình cao độ thì tất yếu có ngày bị kẻ liều lĩnh giết chết. Cái chết vì lòng tốt, nhưng đau đớn, không đáng phải chết, đã vậy còn bị miệng đời cho rằng ngu dại. Rất buồn.
Có những trường hợp tai nạn bình thường mà người Việt vẫn chết, tại sao? Vì không lo bảo toàn sinh mạng mình và người khác mà lo giữ của và thêm nữa là vì không hề biết kỷ năng sinh tồn.
Tôi từng nhiều lần băn khoăn tại sao người Việt mình hay sợ những thứ mơ hồ hơn là sợ cho tính mạng mình và sợ cho các giá trị tốt đẹp bị mai một? Và tại sao người Việt lại sẳn sàng chết để bảo vệ tài sản mà hiếm khi chết để bảo vệ các giá trị làm nên phẩm chất con người? Nghèo quá nên tài sản là quan trọng ư? Hay không được học cách sinh tồn? Hay xã hội bị rối loạn các giá trị trong cuộc sống? Tôi thấy người Việt mình liều chứ không phải dũng cảm.
Việc tự xử và bạo lực xã hội ngày càng tăng cao qua các trường hợp người dân tự canh bắt, đánh chết trộm chó cho đến phong trào “hiệp sĩ đường phố” bộc phát là hệ quả tất yếu của một nền quản lý yếu kém, các lực lượng chức năng không (hoặc không thể) làm đúng chức năng, trách nhiệm, nhiệm vụ của mình, pháp luật không được thượng tôn. Xã hội chỉ có thể ổn định, đâu vào đó, khi lãnh đạo và các cơ quan quản lý biết làm đúng phần việc của mình chứ không phải cấu kết để làm bậy, ăn tham và đối phó.
R.I.P. các anh, những người Sài Gòn hảo hán chết uổng và rất buồn.
Chào chị Bích Ngà (tức NV.) tôi từng biết chị hồi còn vào đọc blog HM.!
Bài báo chị viết có tính thuyết phục cao và chị rất hiểu biết về pháp trị nên
đã đề cao vai trò luật pháp,trong thời đại ngày nay,ở thế kỷ 21 chứ không
phải những thế kỷ trước mà ảo tưởng về đức trị hay minh quân !
Chỉ có cai trị bằng pháp luật (pháp trị),xã hội mới ổn định bền vững và có
khả năng bảo đảm công bằng cho mọi thành phần công dân !