Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Sĩ quan tình báo Vũ Quang Dũng cánh tay mặt của Trung tướng Đường Minh Hưng

Hiếu Bá Linh tổng hợp

5-5-2018

Trong phái đoàn Công an cấp cao Việt Nam tham dự cuộc họp với phía Slovakia ngày 26/07/2017 (3 ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc) cũng có mặt của Trung tướng Đường Minh Hưng và Vũ Quang Dũng, một sĩ quan tình báo. Vũ Quang Dũng là một trong 2 trợ lý đắc lực của tướng Hưng trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Một số thành viên chính phủ cũ của Slovakia có mối liên hệ với mafia.

Ông Dương Trọng Minh (bên phải), Đại sứ Việt Nam tại Slovakia đã bị Bộ Ngoại giao Slovakia triệu lên chất vấn hôm 3/5/2018 về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: Bộ Ngoại giao Slovakia

Vụ việc xảy ra hồi cuối tháng 7 năm ngoái, đúng 3 ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin, Bộ Nội vụ Slovakia đã cho phái đoàn Công an cao cấp Việt Nam mượn một chuyên cơ của chính phủ Slovakia để bay từ Bratislava, thủ đô nước này, tới Moscow, sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Nội vụ khi đó là Robert Kalinak và Bộ trưởng Công an Việt Nam, Tô Lâm.

Ngày 03/05/2018 Bộ Ngoại giao Slovakia cho biết, họ đã triệu Đại sứ Việt Nam tại Slovakia tới để truyền đạt sự quan ngại và chất vấn về nghi vấn Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam đưa về nước bằng chuyên cơ nói trên của Slovakia.

Sau đây là bản dịch Thông báo đăng trên website của Bộ Ngoại giao Slovakia:

Liên quan đến những thông tin được đăng tải về vụ bắt cóc một công dân Việt Nam từ Đức, hôm nay (ngày 3 tháng 5) Bộ Ngoại giao Cộng hòa Slovakia đã triệu tập Đại sứ CHXHCN Việt Nam, ông Dương Trọng Minh. Trong cuộc phỏng vấn với đại sứ, Vụ trưởng Vụ Chính trị Bộ Ngoại giao Slovakia, ông Marián Jakubócy, yêu cầu giải thích về những nghi ngờ nghiêm trọng trong vụ công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh bị đưa về nước (bằng chuyên cơ của Slovakia). “Nếu những cáo buộc này được xác nhận, chúng tôi sẽ xem đó là một vụ việc nghiêm trọng gây ra tác động tiêu cực đến quan hệ song phương của hai nước. Chúng tôi mạnh mẽ bác bỏ chuyện Slovakia có dính líu đến một hành vi như vậy, đó là một vi phạm Công pháp quốc tế không thể chấp nhận được“, ông M. Jakubócy nói.

Theo lời ông Vụ trưởng, nếu chúng tôi thấy lời giải thích của Việt Nam là không thỏa đáng, thì CH Slovakia bảo lưu quyền áp dụng các biện pháp tiếp theo phù hợp quy tắc ngoại giao.

Điều gì đã xảy ra ở Slovakia? Trịnh Xuân Thanh được đưa về Hà Nội bằng cách nào?

Trong Bài tường thuật của báo Der Spiegel (Tấm gương), tạp chí đứng đầu nước Đức, ra ngày 02/05/2018, có một số chi tiết mới mà trước đây các nhà điều tra Đức chưa từng hé lộ.

Chính xác kẻ bị bắt cóc đã được đưa về Hà Nội bằng cách nào, đến nay các nhà điều tra Đức vẫn chưa làm rõ được. Những thông tin mới từ Bratislava giờ đây có thể giúp họ, gần đây nhất Bộ Ngoại giao Đức đã mời đại sứ Slovakia đến nói chuyện về vấn đề này.

Sau khi nghỉ qua đêm ở thành phố Brno tại Cộng hòa Séc, vào ngày 26/07/2017, chiếc xe Mercedes Vito màu xanh đen mang biển số 4SF-5888 được nghi phạm mật vụ Nguyễn Hải Long và ông cậu Đào Quốc Oai thuê một ngày trước đó, tại văn phòng dịch vụ thuê mướn xe của Bùi Hiếu tại chợ Sapa ở Praha, đã chạy đến Bratislava, thủ đô Slovakia và đậu xe trong khoảng thời gian 1 giờ và 40 phút trong bãi đậu xe của khách sạn Bôrik, là khách sạn của chính phủ – theo dữ liệu của hệ thống định vị GPS trang bị trong chiếc xe này mà các nhà điều tra thu thập được.

Trong ngày đó (26/07/2017) đang diễn cuộc gặp gỡ chính thức giữa các quan chức an ninh cao cấp của Việt Nam và Slovakia trong khoảng thời gian từ 11 sáng đến 17 giờ chiều. Ngoài Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm phó thủ tướng KALIŇÁK và ba cộng sự, phía Việt Nam có Thượng tuớng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam dẫn đầu một phái đoàn Công an cao cấp gồm mười một người tham dự.

Những điều đã khiến cho cuộc gặp gỡ bị nghi ngờ:

– Trong số những người trong phái đoàn tham dự cũng có sự góp mặt của Đường Minh Hưng, một tướng hai sao và là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, và Vũ Quang Dũng, cũng là một quan chức tình báo. Cả hai người này đều bị Tổng công tố viên từ Karlsruhe cáo buộc là đã tham gia vụ bắt cóc của Trịnh Xuân Thanh.

– Tướng Hưng đã rời Berlin đến Praha vào ngày mà vụ bắt cóc diễn ra và sáng hôm sau đã bay về Hà Nội qua ngả Moscow, về đến Hà Nội, ông ta lại lập tức bay trở lại châu Âu để tham dự cuộc họp nói trên tại Bratislava.

– Không tham dự cuộc họp, nhưng nghi phạm mật vụ Nguyễn Hải Long và ông cậu Đào Quốc Oai cũng có mặt tại khách sạn Bôrik.

– Như vậy có ít nhất 4 nghi can tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã có mặt tại khách sạn Bôrik: 2 người không tham dự cuộc họp và 2 người có tham dự cuộc họp, trong đó nhân vật mới nhất là Vũ Quang Dũng.

Theo nguồn tin riêng mà Thoibao.de nhận được, Vũ Quang Dũng là sĩ quan tình báo, bay từ Việt Nam sang Berlin và là một trong 2 trợ lý đắc lực (cánh tay trái và cánh tay mặt) của Trung tướng Đường Minh Hưng trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Các nhà điều tra Đức có cả hình ảnh của Vũ Quang Dũng qua máy camera thu hình của khách sạn. Vũ Quang Dũng cũng là người đích thân tham gia trực tiếp vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Thị Minh Phương.

Sĩ quan tình báo Vũ Quang Dũng trong thời gian ngắn trước đây đã từng sang Berlin tập huấn nghiệp vụ do chính phía Đức tài trợ, thì nay quay lại Đức để gây án.

Sau cuộc gặp gỡ với các nhân viên an ninh của Slovakia, phái đoàn Việt Nam đã bay đi Moscow bằng một chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia. Nguyễn Hải Long đã trả lại chiếc xe Mercedes thuê ngay vào buổi tối hôm đó ở Praha. Đó có phải là chiếc xe đã được sử dụng để đưa Trịnh Xuân Thanh từ Praha đến Bratislava?

Hiện nay, tại thủ đô Bratislava đang lan truyền nhiều tin đồn về mức độ tham gia của Slovakia trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Những tin đồn này rộ đến mức độ, có cáo buộc cho rằng các chính trị gia Slovakia đã được nhận tiền hối lộ cho sự hợp tác của họ. Nếu nạn nhân bị bắt cóc vào ngày 26 tháng 7 năm 2017 quả thật đã có mặt ở trên chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia, thì ít nhất một điều khó có thể xảy ra rằng chính quyền Slovakia đã không biết hoặc ít nhất là đã không nghi ngờ gì cả.

Điều đó không chỉ vì quy trình kiểm soát an ninh chặt chẽ tại sân bay, mà còn là một phái đoàn nước ngoài được cung cấp hẳn một chuyên cơ của chính phủ. Cũng không có nước nào trong các nước thuộc khối EU lại có những mối quan hệ chính trị và kinh tế gần gũi với Việt Nam như Slovakia.

Một số thành viên chính phủ cũ của Slovakia có mối liên hệ với mafia

Báo Der Spiegel, một tuần báo Đức có uy tín quốc tế, cũng đưa tin rằng, một số thành viên chính phủ cũ của Slovakia có mối liên hệ với mafia. Hơn một năm trước, Thủ tướng Slovakia khi đó là Robert Fico – hiện đã từ chức – là khách mời của thủ tướng Đức Merkel, phía Slovakia vẫn kiên quyết để trợ lý riêng của thủ tướng Fico là bà Mária Trosková cùng tham gia một tiệc chiêu đãi tối của Thủ tướng Đức, mặc dù trước đó phía Đức đã đặc biệt yêu cầu Slovakia nên loại bỏ tên bà ta ra khỏi danh sách những người tham gia bữa tiệc chiêu đãi này.

Với vai trò là trợ lý của thủ tướng Fico, Troskava là đối tác kinh doanh của Antonino Vadala, một doanh nhân người Ý và là người bị cáo buộc là thành viên của tổ chức Mafia N’Drangheta – đây là tổ chức tội phạm được coi là một trong những nghi phạm chính trong vụ sát hại nhà báo Slovak Ján Kuciak và Martina Kušnírová, vị hôn thê của ông ta – hiện đang ngồi trong tù ở Slovakia chờ dẫn độ về Ý. Một bản mô tả công việc cụ thể của Trosková làm việc cho Fico chưa bao giờ có, cô ta trong thực tế gần như là tình nhân của thủ tướng Fico.

Một thành viên khác của chính phủ Slovakia cũng có mối liên hệ đến Mafia: Viliam Jasan, thư ký hội đồng An ninh Quốc gia của Chính phủ, người hiện giờ cũng đã từ chức. Jasan cũng là một đối tác kinh doanh của Vadala. Nhà báo điều tra Ján Kuciak đã điều tra ra được mối liên hệ này – cho đến khi ông ta bị giết chết cùng với vị hôn thê của mình trong ngôi nhà chung trong một ngôi làng gần Bratislava vào cuối tháng hai vừa qua.

Tân Thủ tướng Slovakia, ông Peter Pellegrini cũng là một Bộ trưởng trong chính phủ cũ trước đây và được cho là người thân tín của cựu Thủ tướng Robert Fico mới từ chức vào giữa tháng 3 vừa qua. Bộ trưởng nội vụ Slovakia, Robert Kalinak, người đứng đầu phía Slovakia trong cuộc họp với Bộ trưởng Tô Lâm nói trên và là người quyết định cho Việt Nam mượn chuyên cơ, cũng đã từ chức vào ngày 12/03/2018.

Hôm 02/05/2018 trả lời các phóng viên trên chuyến bay đến Đức để hội đàm với bà Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Peter Pellegrini Thủ tướng Slovakia đã phủ nhận chính phủ nước này đã giúp Việt Nam trong vụ bắt cóc và không có bằng chứng cho thấy ông Thanh có mặt trên máy bay. “Lời giải thích khả dĩ duy nhất có thể là Việt Nam đã lợi dụng sự hiếu khách của Slovakia, nhưng không có gì cho thấy chuyện đó đã xảy ra“, ông Pellegrini nói.

Tờ Nhật báo độc lập “DenníkN” của Slovakia ghi nhận những vụ tai tiếng này cùng với những tiết lộ trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mới đây đã tạo nên một hình ảnh thảm họa của chính sách của chính phủ Slovakia. Tờ báo viết: “Hoặc là chúng ta là một băng đảng của những kẻ đổ đốn, hoặc thậm chí là đồng phạm của tội phạm quốc tế“.

Trong chương trình thời sự Heute Journal của đài ZDF, một trong hai đài truyền hình lớn nhất nước Đức phát sóng toàn liên bang, ngày 02/05/2018 đã có tường thuật mới nhất về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (Xem Video-Clip tường thuật của đài ZDF ở đây).
Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tôi nghĩ, dù bị áp lực của EU, chính xác là của Nhân dân các nước EU, dù phải trả gía cao thế nào, nhà cầm quyền VN sẽ vẫn tiếp tục gỉả câm giả điếc.
    Chẳng thể mong chúng thú tội, xin lỗi. Vì người ta có câu “Không ai có thể không thể nhảy qua hình bóng của mình”. Nhân dân các nước EU lại thêm một lần – thấy được bản chất lưu manh của một đảng CS – khi chúng nó được độc tài cầm quyền, chính là bản chất của một băng đảng tôi phạm có tổ chức – Mafia.
    ĐCSVN đã chỉ lừa bịp được dân VN, nhưng nó cũng có mặt tích cực, vì nhờ nó, dân trí các nước khác lại được nâng cao. Đảng của cưóp, lũ vô liêm sỉ!

Comments are closed.