Đôi điều về hòa giải

Bá Tân

4-5-2018

Tôi vừa đọc báo Tiền Phong, số đặc biệt nhân sự kiện 30-4. Để rồi xem, ngày này năm sau, Tiền Phong sẽ cho ra “đặc sản” như thế nào để chào đón sự kiện lịch sử này.

Đã thành thông lệ, với báo chí quốc doanh, các sự kiện lịch sử là dịp ra số đặc biệt, vừa tăng trang nội dung vừa tăng dung lượng quảng cáo. In giấy đẹp cùng nhiều ảnh màu, giành vị trí “đất vàng” cho quảng cáo, và đương nhiên doanh thu quảng cáo tăng thẳng đứng so với báo thường ngày.

Tôi lướt qua Tiền Phong số đặc biệt, và sau đó đọc kỹ hơn bài viết “Luận về hòa hợp, hòa giải”. Đây là vấn đề đáng quan tâm, ngoài ra còn có lý do tế nhị.

Bài đăng trên Tiền Phong luận về 2 vấn đề, hòa hợp và hòa giải. Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập một vấn đề: hòa giải. Tôi “luận” vấn đề này theo ý kiến cá nhân, không tranh luận, không phản biện với bài trên Tiền Phong.

Hòa hợp và hòa giải, theo tôi, không chỉ có tính thời sự mà còn có tính muôn thuở. Giống như cơm ăn nước, vấn đề hòa hợp và hòa giải luôn luôn gắn liền đời sống con người.

Trong ngành tòa án, khi xem xét ly hôn, bao giờ cũng đi qua quy trình hòa giải. Không ỷ vào luật pháp mà chủ yếu dùng tình cảm, đại diện tòa án đứng ra hòa giải với mong muốn hai người, đang là vợ chồng, bỏ qua bất đồng, trở lại cuộc sống yên ấm như họ đã từng có. Tỉ lệ hòa giải thành công thấp lắm. Hòa giải không được, giải pháp tình cảm hoàn toàn bất lực, khi đó tòa án mới tiến hành xét xử theo khoản nọ, điều kia của pháp luật.

Láng giềng của nhau, ai cũng muốn khi tắt lửa khi tối đèn có nhau. Những người từng trải càng thấm thía đạo làm người của ông cha để lại: Bán chị em xa, mua láng giềng gần. Tuy nhiên, vẫn là lời của ông cha từ ngàn xưa, bát để trong chạn còn va nhau nữa là…

Láng giềng va chạm nhau, xích mích lẫn nhau là điều không ai muốn nhưng vẫn xẩy ra, cho dù là thiểu số. Khi xẩy ra, tốt nhất hai bên tự xử, giải hòa để hai bên… cùng thắng. Nếu xích mích gia tăng, không ai chịu ai, lúc đó cần vai trò hòa giải của bên thứ ba. Cán bộ khối – xóm làm nhiều việc ở cấp cơ sở, trong đó có việc hòa giải. Có thời, có nơi thành lập tổ hòa giải hoạt động rất hiệu quả, kịp thời giải quyết những xung khắc trong nội bộ dân chúng.

Ly hôn, với xã hội đương thời, không những không giảm mà còn gia tăng.

Láng giềng va chạm xích mích nhau, ít khi xẩy ra nhưng không bao giờ chấm hết, trừ khi toàn dân đều là Phật, là Tiên.

Có cầu thì có cung. Hoạt động hòa giải, nhu cầu hòa giải sẽ còn mãi mãi.

Hòa giải gắn liền bản tính con người. Ở đâu và ai thuộc tính con nhiều hơn thuộc tính người thì hoạt động hòa giải, nhu cầu hòa giải sẽ nhiều hơn, và ngược lại.

Mức độ thành công của hòa giải trước hết phụ thuộc tâm tính của người được hòa giải. Người thành tâm bao giờ cũng dễ hòa giải hơn kẻ tráo trở, nói một đường làm một nẻo. Có kẻ kiêu ngạo đến mức bệnh hoạn, coi mình là đấng giải mã cho mọi hòa giải, trong khi bản thân họ tồn tại không ít chuyện cần được hòa giải bằng loại thuốc cao liều.

Hòa giải, trong nhiều trường hợp, cần có người ngoài cuộc, sự phân giải của họ dễ bảo đảm khách quan và công bằng. Kẻ mạnh hòa giải với người yếu, bên thắng hòa giải bên thua, dễ xảy ra tình trạng bắt nạt hơn là thuyết phục. Viết đến đây sực nhớ, bạn tôi có người bà con, ỷ thế này nọ vênh váo hỗn láo với bậc cha chú, ngạo mạn làm cái việc hòa giải theo kiểu chợ búa, phi đạo đức.

Giải quyết hòa giải, từ chuyện của hai người, hai gia đình, hai quốc gia hay hai “phe” trong một quốc gia, gắn với đời sống trần trụi thường ngày, đừng muốn thành “vĩ đại” mà đẩy nó lên cung trăng và đừng “lập ngôn” theo kiểu làm cho số đông dân chúng lắc đầu không hiểu. Khoa học là diễn giải cái khó hiểu thành cái dễ hiểu, chứ không phải ngược lại. Tục ngữ ca dao, những danh ngôn để đời đều diễn đạt nôm na, vô cùng chí lý và rất dễ hiểu.

Hòa giải có tính muôn thuở, nhằm mục đích tốt đẹp. Từng gia đình, từng khối-xóm, từng đơn vị thực sự làm tốt hòa giải mới hy vọng có được một quốc gia giải quyết tốt vấn đề hòa giải.

Rao giảng ngọt ngào về hòa giải nhưng việc làm thường ngày trở thành “đề bài” cần đươc hòa giải, sống và tuyên truyền kiểu đó là “góp phần” làm xã hội thêm phần nặng gánh hòa giải.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Việt Nam muốn hòa giải hòa hợp dân tộc, cần 1 quyết tâm từ ban lãnh đạo Đảng trở xuống cho chí tới quân đội, đảng viên, trí thức & quần chúng.

    Nói thật là nhân dân đang chờ mệnh lệnh hòa hợp hòa giải dân tộc từ các đại hội Đảng, nhưng những gì nhận được là những thông điệp không rõ ràng kiểu “trên nóng, dưới lạnh, ở giữa hâm hâm”. Chúng ta đã có đường Nguyễn Văn Linh, đường Phạm Văn Đồng, đã có tượng Nguyễn Văn Linh nhưng chưa có tượng Phạm Văn Đồng . Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng rất xứng đáng, ông tổ của phản biện ôn hòa à la mode Việt văng miểng, tại sao chưa có đường lẫn tượng ?

    Nếu Đảng ra chỉ thị quyết tâm hòa giải hòa hợp dân tộc, chúng ta cũng cần luật hóa, hình sự hóa những hoạt động chống phá tiến trình hòa giải hòa hợp dân tộc kiểu tụ tập đông người để kỷ niệm mấy thứ vớ vẩn như Hoàng Sa, Trường Sa mịa rượt nào đó . Và công an lẫn quân đội phải quyết tâm triệt phá những hoạt động kiểu này, thì người dân mới tin tưởng thật sự vào quyết tâm muốn hòa giải hòa hợp dân tộc của Đảng . Mong Đảng đừng tạo ấn tượng “trên bảo dưới không nghe” ngay cả trong việc hòa giải hòa hợp dân tộc . Đảng cứ than “trên bảo dưới không nghe” thì các trí thức sẽ bức xúc về nguy cơ Đảng bị tâm thần phân liệt . Những trí thức trước giờ làm ca-pốt cho Đảng thì sẽ lo cuống lên vì viễn tượng thất nghiệp . Mong Đảng chăm lo sức khỏe của mình bằng cách làm sạch khỏi Đảng những đảng viên thoái hóa về lý tưởng Cộng Sản của Bác Hồ để Đảng mạnh khỏe lên, làm an tâm trí thức trong nước lẫn nước ngoài .

Comments are closed.