Đạp đổ tâm linh để đổi lấy đất đai, dấu hiệu suy tàn đến cùng cực?

Trí thức VN

Chân Hồ

4-5-2018

Nhà nguyện tu viện dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm Ảnh: Trí thức VN

Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ là một trong số rất nhiều dự án bất động sản đầy ‘tai tiếng’ khác đang được phanh phui. Đáng nói, tại các dự án này, người ta sẵn sàng đạp đổ nhà thờ, chùa chiền, tu viện… để đổi lấy đất đai và tiền bạc – một dấu hiệu của sự suy tàn đến cùng cực?

“Tấm bản đồ bị thất lạc” ở Thủ Thiêm đang trở thành đề tài gây bức xúc trong dư luận. Đa phần các tầng lớp trí thức đều lên tiếng bảo vệ cho những người dân Thủ Thiêm – người bị buộc phải rời khỏi mảnh đất gắn bó để nhường chỗ cho các dự án kinh tế, khu đô thị sầm uất, tráng lệ…

Bên cạnh những khuất tất về quy hoạch, mổ xẻ đất quy hoạch để đầu cơ, phân lô, bán nền với giá cao gấp 10 – 20 lần mức giá đền bù… còn có những góc khuất trong dự án đầy tai tiếng.

Những bất cập xảy ra không hề mới, nó là hệ quả tất yếu của chính sách phát triển kinh tế phụ thuộc vào đầu cơ bất động sản.

Bất động sản không mang lại lợi ích cho Kinh tế – Xã hội ngoài các nhóm lợi ích, chính vì mải mê đầu tư bất động sản nên cả nền kinh tế Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới vẫn chưa sản xuất được cái đinh hay con ốc vít, ngành công nghiệp phụ trợ hoàn toàn bị bỏ quên trên bàn nghị để thay thế vào đó những nào là khu đất công nghiệp, đặc khu kinh tế, hay các dự án đón đầu chính sách của những công ty sân sau.

Đạp đổ tâm linh để đổi lấy đất đai

Điều nguy hiểm hơn hết, vì để làm dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, người ta sẵn sàng san bằng các chứng tích mang dấu ấn lịch sử từ thuở sơ khai của vùng đất Sài Gòn.

Theo kế hoạch phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM), hai cơ sở tôn giáo nằm trong Thủ Thiêm là Tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm đều có khả năng bị phá dỡ để nhường chỗ cho khu đô thị mới.

Cụ thể, trong cuộc họp báo thường kỳ vào hôm 2/5/2018, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa chấp thuận phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 tại Thủ Thiêm, mà Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Trường tiểu học Thủ Thiêm nằm trong số 9 lô đất vàng bị yêu cầu di dời, thu hồi đất.

Đặc biệt, quyết định của Chủ tịch UBND TP.HCM được đưa ra không lâu sau khi Bí thư Thành ủy TP.HCM ông Nguyễn Thiện Nhân đến thăm và chúc Tết các sơ ở Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm vào ngày 9/2/2018.

Một điều đáng nói nữa, Tu viện trên đã tồn tại ở đất Thủ Thiêm từ năm 1840, tức trải qua khoảng 178 năm với nhiều dấu ấn lịch sử và được khá nhiều tổ chức quốc tế về tôn giáo lẫn chính trị và môi trường chú ý.

Trước sự việc này, Tổng lãnh sự quán Canada tại TP.HCM cũng từng đặt nghi vấn: “Có nên phá hủy một di sản còn lâu đời hơn cả Canada ?”

Trong khi đó, Nhà thờ Thủ Thiêm cũng là cơ sở tôn giáo có tuổi thọ gần 160 năm, được xây dựng từ năm 1859.

Trước đó, một cơ sở tôn giáo khác là Chùa Liên Trì trong khu vực này cũng đã bị san phẳng để lấy đất làm dự án. Đây là một trong số vài ngôi chùa cổ còn xót lại từ sau biến cố năm 1975.

Dấu hiệu suy tàn đến cùng cực

Trong văn hóa tự bao đời, mùi khói hương lẫn trong tiếng chuông chùa trong đêm vắng hay tiếng chuông ngân nhà thờ trong buổi sớm luôn là biểu hiện cho sự thanh bình và thịnh vượng của một vùng đất.

Ấy vậy, vùng đất Thủ Thiêm bấy lâu đã vắng tiếng chuông chùa để thay vào đó những khu đô thị sầm uất mà tuyệt nhiên không cơ sở tôn giáo nào được cấp phép tại đó.

Văn hóa kính trời, kính đất và các cơ sở tâm linh là nơi tìm kiếm sự an ổn của tâm hồn con người, nhưng những giá trị văn hóa tinh thần đó lại đang bị xem thường và sẵn sàng bị đạp đổ để đổi lấy đất đai, lợi ích tiền bạc.

Tuy nhiên, sự suy tàn của một quốc gia hay một chế độ, vương triều đều bắt đầu từ sự tha hóa trong tâm linh con người, khi con người bị chủ nghĩa vô thần dẫn động, không việc ác nào mà họ không dám làm. Và sự suy vong của chế độ đó là điều đã được dự báo trước.

Như ai đó đã từng nói: “Nơi nào vắng tiếng chuông từ bi, thì nơi đó cái xấu, cái ác sẽ cùng ma quỷ đội mồ sống dậy.”

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Nhiều người nghĩ Đảng Cộng Sản Việt Nam (nói cho rõ) không chịu lắng nghe trí thức nhà mình, tớ thì nghĩ ngược lại, có lắng nghe nhưng lắng nghe có chọn lọc . Trong chuyện này, trí thức Việt đã nhiều lần nói lên mong muốn Đảng CS Việt Nam nên trở lại thời xưa, thời của Bác Hồ, thời dân 1 lòng tin Đảng . Và Đảng đã lắng nghe .

    “Đạp đổ tâm linh để đổi lấy đất đai, dấu hiệu suy tàn đến cùng cực?”

    Tớ nghĩ ngày xưa miền Bắc đạp đổ cả lịch sử lẫn tâm linh để đổi lấy chủ nghĩa xã hội lẫn Bác Hồ, nhưng chính là lúc chúng ta đạt được những “kỳ (cục, tùy cách nhìn) tích”, nói theo Tố Hĩu, “chấn động địa cầu”, chính là lúc (đại đa số) toàn dân tin vào Đảng . Có cái nhà thờ Thủ Thiêm, ăn nhằm gì so với những “kỳ tích” phản phong cha ông các bác đã đạt được thời Bác Hồ ?

    http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=5396&rb=0306

    “Trèo lên Ngọa Vân Am ở phía tây hòn Yên Tử, ở độ cao khoảng 1.000 mét, nơi người anh hùng hai lần lãnh đạo cả nước chống giặc Nguyên và cũng là vị tổ của nền Phật giáo thống nhất đời Trần: dòng Thiền Trúc Lâm – Trần Nhân Tông – an tịch, người ta thấy choáng váng đến sững sờ: ngôi Tháp Phật hoàng tức tháp Trần Nhân Tông cao sừng sững, bị đào rỗng ruột đứng vật vờ trước gió, bài vị bằng đá đen và một tấm đá bán nguyệt rất lớn khắc mấy chữ “Phật hoàng tháp” thật đẹp trong niên hiệu Minh Mạng (1839) bị đập thành nhiều mảnh. Một tấm bia cao lớn đề năm 1689 do chúa Trịnh Căn cho khắc để ghi nhớ việc ông dẫn các con (vương tử và quận chúa) trèo lên đây chiêm bái người anh hùng, cũng bị đập thành năm bảy mảnh. Bên cạnh đó, ở một ngọn núi khác có động Hồ Thiên nằm ở độ cao khoảng 800 mét, cũng là nơi trần Nhân Tông tu Phật, có nhiều ngôi tháp rất đẹp phía dưới bằng đá xanh phía trên bằng đá đỏ gắn khít với nhau không hề thấy dấu vết vôi vữa, đều bị phạt ngang tất cả. Một ngôi thạch thất được kiến tạo bằng những tấm đá xẻ mỏng rất to lớn nguyên phiến không chắp, kể cả hai mái cũng bằng đá, cũng bị đào rỗng phía dưới và đập vỡ mất một bên vách, mà ở trong còn dựng một tấm bia chạm khắc tinh xảo vào thế kỷ XVIII (tấm bia sẽ đổ bất cứ lúc nào). Rồi đình Trạo Hà ngay giữa thị xã Đông Triều có ngôi mộ một vị tướng của Tây Sơn với bốn phiến đá trắng khắc mấy đạo sắc của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Quang Toản cũng đang bị “đóng băng” để… ai kia tranh thủ bán đất cho người ta xây cửa hàng cửa hiệu … tôi cứ lẩn thẩn nghĩ không hiểu ông vua Trần lừng danh kia có tội tình gì mà bị người ta đối xử thậm tệ đến vậy, một ông vua có tầm vóc trong lịch sử và có tư tưởng khoáng đạt xứng đáng được cả dân tộc tôn vinh – có lẽ còn phải liệt tên ở trước Hồ Chí Minh nữa kia. Hay vì ông đã hòa đồng Phật, Đạo với Nho, không nêu tấm gương “cực quyền” để đời sau học hỏi, nên không xứng tư cách một Hoàng đế đáng được tôn sùng?

    Nhân nói về Hồ Chí Minh, tôi nhớ lại đã nhiều lần đưa khách nước ngoài đi thăm một số di tích ở Hà Nội, nhưng hễ cứ đến ngắm cảnh quan chùa Một Cột hiện nay là ai cũng ngao ngán lắc đầu. Bảo tàng Hồ Chí Minh đã choán hết không gian của cụm chùa Diên Hựu và chùa Một Cột, đến nỗi mới nhìn tưởng đâu như cụm di tích này là một thứ công trình phụ nép vào Bảo tàng, hoặc được mọc lên từ một đáy giếng, không còn đâu một khoảng trời xanh và một khuôn viên đủ rộng cho chúng nữa. Có lần, một vị khách cảm thấy băn khoăn không nín nổi đã chỉ vào tòa nhà xòe cánh lừng lững mà hỏi khéo tôi: “Có phải cái bông sen nở xòe to lớn ấy mọc lên đây trước cả cái bông sen xinh xinh này phải không?” Tôi cười, biết rằng ông khách có một vốn hiểu biết văn hóa Việt khá thâm thúy nên chơi chữ với mình, bèn cũng chơi chữ lại: “Bông sen thời Lý mới nhú khiêm tốn nên đứng âm thầm một góc khuất nẻo càng làm cho người ta quý, còn bông sen thời nay là “sen vàng” (Kim Liên) đã tỏa sáng đến năm châu bốn biển, nên phải vươn thật cao xòe cánh che lấy bầu trời chứ sao”. Nhưng khi khách đã chia tay rồi, lòng tôi tự nhiên thấy trĩu nặng. Sao khi tìm địa điểm làm Bảo tàng Hồ Chí Minh người ta không thèm hỏi gì giới chuyên môn, để cho một di tích vào loại cổ nhất Thăng Long và là một biểu trưng của Thăng Long ngàn năm văn vật – nên nhớ là vào năm 1954 khi người Pháp rút khỏi nơi đây có kẻ nào đó muốn phá biểu trưng kia đi đã manh tâm giật sập chùa Một Cột – phải lâm vào tình trạng bị “cớm” một cách tệ hại mà khách nước ngoài cũng phải thấy là bất nhẫn? Chẳng lẽ với cơ chế này trí thức chẳng một ai có cơ hội bộc lộ chính kiến thật của mình hay sao? Hay người ta có hỏi mà không ai dám trả lời? Không giải đáp nổi thắc mắc cho mình, tôi bèn cất công đi tìm, thi hỡi ôi, lại còn biết thêm một sự thật bàng hoàng hơn: khi xây Bảo tàng, thấy chùa Diên Hựu đứng đó làm vướng víu cho công trình tưởng niệm Bác, một chức sắc cao cấp trong ngành xây dựng chịu trách nhiệm thi công đã ngấm ngầm lệnh cho thợ xây phun nước liên tục vào chùa cho nó sập quách đi. May mà về sau có người – Gs. Trần Quốc Vượng – tìm mọi cách “rỉ tai” nên trước nguy cơ ngàn cân treo sợi tóc, ngôi chùa vẫn còn giữ được “cái mạng” già lão.”

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây