Dân chủ Xã hội Chủ nghĩa là cái chi chi?

Phạm Trần

19-4-2018

Nếu 4.5 triệu đảng viên Cộng sản Việt Nam (CSVN) chưa bị tâm thần tất cả thì số đông cán bộ tuyên truyền đã bị lá bùa “dân chủ xã hội chủ nghĩa” làm mê sảng hoảng loạn.

Hiện tượng này đã phản ảnh trong luồng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo, cơ quan có trách nhiệm giữ vững tư tưởng đảng viên, nhằm chống lại những phê phán Việt Nam không có dân chủ và tự do.

Đứng đầu chiến dịch không mới nhưng liên tiếp được thực hiện đã xuất hiện trên báo Quân đội Nhân dân, Tạp chí Cộng sản và trong đội ngũ những nhà lý luận cực đoan, bảo thủ và giáo điều của Hội đồng lý luận Trung ương.

Hãy đọc: “Để thực hiện mục tiêu xuyên suốt trong chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân, chống phá cách mạng Việt Nam, xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về dân chủ, về xây dựng nền dân chủ ở nước ta, các thế lực thù địch đã, đang và sẽ triệt để lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, các phần tử bất mãn, thoái hóa, biến chất, những người nước ngoài và những người nước ngoài vào Việt Nam có ý đồ chống phá cách mạng Việt Nam để tuyên truyền, xuyên tạc phủ nhận những thành tựu về dân chủ, về xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam”. (Báo Quân đội Nhân dân (QĐND), ngày 28/03/2018)

Nhưng tìm đâu ra “những thành tựu về dân chủ” và “dân chủ xã hội chủ nghĩa” là cái chi chi mà Ban Tuyên giáo phải ra công giãi bầy và bênh vực đến tốn công tốn của đến thế?

Trước khi đi sâu hơn vào ngôn ngữ của những loa phường này, nên biết từ năm 2016, Tạp chí kinh tế nổi tiếng của Anh, The Economist đã liệt Việt Nam vào thứ 131/167 các nước “chuyên chế, độc tài (authoritarian regime)” đứng cùng hàng với Triều Tiên, Trung Quốc, Lào và Afghanistan.

Trong khi Feedom House (Ngôi Nhà Tự Do), một tổ chức độc lập ở Hoa Kỳ công bố phúc trình về tự do toàn cầu năm 2017 cho thấy Việt Nam nằm trong số 49 quốc gia trên thế giới, không có tự do trong nhiều lịnh vực.

Một trong những bằng chứng đàn áp dân chủ công khai của nhà nước CSVN là họ đã không ngần ngại trấn áp và bỏ tù những ai bất đồng chính kiến và đòi dân chủ tự do, kể cả các quyền tự do báo chí, ngôn luận, lập hội, biểu tình và tín ngưởng, tôn giáo đã được quy định trong Hiến pháp.

Nhà nước CSVN đã đội lên đầu các nhà báo tự do (bloggers) và tổ chức Xã hội Dân sự chiếc mũ “các thế lực thù nghịch” để tự do đàn áp.

Theo Tổ chức ân xá Quốc tế, ÂXQT (Amnesty International) thì Việt Nam đang giam giữ ít nhất 97 tù nhân lương tâm trong các trại giam khắc nghiệt ở Việt Nam.

Ông James Gomez, giám đốc Amnesty International tại Đông Nam Á, đã nói với báo chí thế giới: “Việt Nam là một trong những nhà tù giam giữ nhiều nhà tranh đấu hòa bình nhất Đông Nam Á – một danh hiệu đáng xấu hổ. Cả 97 tù nhân lương tâm mà chúng tôi biết được là những con người can đảm, đã bị mất đi tự do chỉ vì muốn thúc đẩy nhân quyền. Điều tệ hại nhất là con số này có thể thấp hơn so với thực tế”. (Theo RFI, ngày 04/04/2018).

Tuyên bố của ÂXQT được đưa ra một ngày trước khi các Tòa án của nhà nước kết án 10 nhà đấu tranh dân chủ và xã hội dân sự, trong đó có Luật sư nổi tiếng Nguyễn Văn Đài bị án 15 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Tổng cộng số năm tù của 10 người, bị cáo buộc vào tội danh “Lật đổ chính quyền nhân dân”, hay “tuyên truyền chống nhà nước” là 96 năm tù giam và 32 năm quản chế. Bốn phiên tòa này đã diễn ra theo sắp đặt và ý muốn của nhà nước ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội và Thái Bình từ ngày 04 đến 12/04/2018.

Vậy mà, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng vẫn có thể chối biến để nói ngày 05/04 (2018) rằng “Ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân lương tâm, không có việc những người bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ”.

DÂN CHỦ THEO ĐẢNG

Vậy điều được gọi là “quan điểm của Đảng về dân chủ” và “xây dựng nền dân chủ” ở nước Việt Nam Cộng sản là gì?

Trước hết đó là thứ dân chủ trá hình do đảng vẽ ra và điều hành từ nội dung đến hình thức được gọi là “dân chủ trực tiếp” và “dân chủ đại diện”.

Nhưng dù “trực tiếp” hay “đại diện” thì những kẻ được bầu cũng là người của đảng Cộng sản duy nhất cầm quyền ở Việt Nam. Vì vậy, trên các Hội đồng Nhân dân là Ban đảng địa phương cai trị. Và trên Quốc hội là Bộ Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương đảng.

Tuy không có bất cứ văn kiện nào minh thị cho phép Đảng quyền ngồi trên Hành pháp, hay Pháp quyền cũng phải nằm dưới Đảng quyền nhưng thực tế mọi việc từ nhỏ đến lớn ở Việt Nam đều do Bộ Chính trị của một nhúm người quyết định tất cả.

Tỷ dụ như Bộ Chính trị khóa đảng XII chỉ có 18 Ủy viên do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cầm đầu thì không những chỉ điều khiển 4.5 triệu đảng viên mà cả 94 triệu người Việt Nam. Nhúm người này còn điều khiển cả Chính phủ và Quốc hội.

Do đó, mọi việc của Lập pháp và Hành pháp ở Trung ương phải được sự đồng ý của Bộ Chính trị. Cũng như thế ở địa phương, ông việc của Hội đồng Nhân dân không thể qua mặt Đảng ủy cơ sở. Hơn thế nữa, những vấn đề lớn của địa phương, muốn cho “ăn chắc mặc bền” thì cứ thỉnh ý Trung ương cho vừa lòng nhau.

Lý do có “chồng chéo” lên nhau vì nhiều Lãnh đạo Đảng cũng là lãnh đạo Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp hay là Đại biểu Quốc hội. Ơ cấp địa phương cũng ít khi mà có thể tách đảng ra khỏi Hội đồng nhân dân.

Đó là lý do tại sao “đảng quyền” và “chính quyền” ở Việt Nam đã được người dân gói gọn vào mấy chữ “vừa đá bóng vừa thổi còi” cho tiện việc.

Vì tập quán “ăn trùm quyền lực” của đảng cứ mỗi ngày một phình to ra nên nhân dân phải để mọi việc cho nhà nước lo. Do đó, những khẩu hiệu như : “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, hay “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, hoặc là “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ..”. không có nghĩa gì trong đời sống hàng ngày. Mục đích viết ra chỉ để gõ cho kêu mà thôi, trong bụng chả có gì.

Do đó mới có chuyện đội ngũ tuyên truyền của Ban Tuyên giáo đã phải nhảy chổm lên như bị kiến lửa đốt mỗi khi thứ dân chủ xã hội chủ nghĩa giả tạo của Việt Nam bị tấn công.

Bằng chứng như báo QĐND đã viết: “Những thành tựu to lớn của Đảng, Nhà nước và của nhân dân ta trong quán triệt và thực hành nền dân chủ nhân dân là một thực tế sinh động không ai có thể phủ nhận được. Ấy vậy mà các thế lực thù địch vẫn ra sức xuyên tạc bản chất của chế độ dân chủ và những thành tựu về dân chủ ở nước ta với những thủ đoạn, biện pháp vừa trắng trợn, vừa tinh vi và đều nhằm tới mục đích là chống phá cách mạng Việt Nam, hạ thấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vai trò của Nhà nước XHCN, phủ nhận bản chất ưu việt của chế độ dân chủ ở nước ta”. (QĐND, 28/03/2018)

DÂN CHỦ ĐẤT SÉT

Nhưng “ưu việt” ở chỗ mô, khi mà người dân không được quyền tự do tư tưởng, ra báo; đảng cầm quyền độc tài không chấp nhận đa nguyên đa đảng; không có ứng cử và bầu cử tự do; cứ mãi trì hoãn trình ta Quốc hội hai Luật biểu tình và lập hội để tước bỏ quyền dân.

Chỉ bấy nhiêu chuyện đảng còn nợ dân để tiếp tục tham quyền cố vị đã chứng minh có đốt đuốc đi tìm cũng không thấy được cái ưu việt nó nằm chỗ nào trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Tại sao? Vì Việt Nam ngày nay vẫn còn có nhiều cái đầu đất sét ăn sâu bám rễ trong Bộ Chính trị, Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo, Tổng cục chính trị Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Tiêu biểu như vào năm 2011, cả nước đã “bừng con mắt dậy thấy mình chơi vơi” khi biết Bà Tiến sỹ Nguyễn Thị Doan, khi ấy là Phó Chủ tịch Nước đã hát trên báo Nhân Dân, cơ quan tiếng nói của Ban Chấp hành Trung ương đảng rằng:”Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, biết kế thừa những tinh hoa dân chủ của các Nhà nước pháp quyền trong lịch sử và đã, đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản, nhưng chưa tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu đúng về dân chủ đi liền với kỷ cương nên một số người đã cố tình lợi dụng dân chủ để gây rối, chia rẽ làm tác động xấu đến trật tự, an toàn xã hội”. (Nhân Dân, ngày 5/11/2011)

Bảy năm sau, dù đảng đã khan cổ tuyên truyền mà ông Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Vĩnh Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng vẫn phải ca tiếp Bản nhạc Nguyễn Thị Doan.

Ông viết trên báo QĐND : “Trong bối cảnh hiện nay, trước những tác động to lớn, toàn diện của tình hình thế giới, khu vực, trong nước, sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, thâm độc và những hạn chế, bất cập của việc thực hiện dân chủ ở nước ta, để tiếp tục khẳng định bản chất ưu việt của chế độ dân chủ ở nước ta, cần quan tâm làm tốt một số vấn đề sau đây:

Thường xuyên quan tâm giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân ở những nơi khó khăn, trình độ dân trí còn thấp nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan điểm Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về dân chủ, về xây dựng và thực hành nền dân chủ XHCN, một nền dân chủ gấp triệu lần nền dân chủ tư sản”.

Ông Thắng nêu lên trình độ dân trí thấp để bảo vệ luận điểm có nhiều người ở Việt Nam chưa hiểu rõ giá trị của “nền dân chủ XHCN” là ông đã coi thường dân.

Chuyện này cũng giống như con người, bị lên án là “bất bình thường” Hoàng Hữu Phước, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, đã đề nghị bỏ hai dự Luật lập hội và Luật biểu tình. Phước nói với Quốc hội ngày 17 tháng 11 năm 2011: Biểu tình là hành động để chống lại chính phủ nước mình hoặc chống lại một chủ trương của chính phủ của nước mình” và “Đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn”.

Cùng ngày, khi trả lời báo Tuổi Trẻ tại hành lang Quốc hội, Phước nói: “ Khi nào trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành Luật biểu tình”.

Nhưng liệu đảng có dám tổ chức trưng cầu ý dân để xem có mấy ai còn muôn tiếp tục kiên định thứ Chủ nghĩa thoái trào và lạc hậu Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh, hay muốn cứ để cho đảng độc quyền và độc tài cai trị suốt đời?

Nếu đảng CSVN chưa dám làm vì lòng dạ đảng còn xốn xang, tâm tư còn bức xúc, bực rọc và lo âu cho số phận cũng là điều dễ hiểu.

Bằng chứng như một tài liệu của Ban Tuyên giáo đã được in sách của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2007 đã phản ảnh tâm trạng sợ đa nguyên đa đảng hiện nay.

Tại liệu viết: “Thực chất những luận điệu hô hào, cổ súy đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không có mục đích gì khác là muốn hạ thấp và đi tới phủ nhận, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam, đối với xã hội Việt Nam”.

Khổ nỗi là cũng đã có không thiếu những viên chức cao cấp, trí thức và lão thành cách mạng Cộng sản cũng đòi “đã đổi mới kinh tế thì phải đổi mới chính trị” để thu hút sự đóng góp xây dựng đất nước của toàn dân.

Họ nêu bằng chứng thất bại của chủ trương lạc hậu “đảng phải lãnh đạo” và “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” đã tạo ra một nền kinh tế không co tự do và phải tiếp tục lệ thuộc vào nước ngoài, đặc biệt với Trung Hoa, để tồn tại. Và với hoàn cảnh công nhân phải làm thuê cho nước ngoài ngay trên quê hương mình và bên ngoài Việt Nam mới sống nổi cho thấy còn lâu lắm Việt Nam mới tự lực cánh sinh được.

Tình hình này đã được phản ảnh trên Báo cáo “Chỉ số tự do kinh tế 2018” của Quỹ Heritage ở Washington công bố hôm 02-02-2018. Heritage xếp Việt Nam vào hạng 141/180 với 53, 1 điểm, mức tổng điểm thấp hơn điểm bình quân khu vực và thế giới. Trong 43 nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đứng hạng 35, thua Lào (53, 6 điểm, hạng 34), Myanmar (53, 9 điểm, hạng 33) và Campuchia (58, 7, điểm hạng 22). (Theo báo Tuổi trẻ online, TTO, ngày 04/02/2018)

Như vậy, chừng nào tư duy của những cái đầu đất sét trong đội ngũ tuyên truyền chưa gột tẩy được não trạng khô cứng và cằn cỗi để tiếp tục ăn nói lạc lõng như lý luận dưới đây của ông Thiếu tướng Nguyễn Vĩnh Thắng thì Việt Nam còn chậm tiến dài dài.

Ông Thắng viết: “Thực chất luận điểm “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” là luận điểm mang nặng tính chất mị dân, rất dễ gây nên sự ngộ nhận, nhất là đối với những người có nhận thức hạn chế, từ đó có thể gây nên sự mơ hồ, lẫn lộn, có thể dẫn tới sự dao động về tư tưởng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam, đối với xã hội Việt Nam; gây nên sự phân tâm trong xã hội; làm suy giảm và có thể đi đến mất dần niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực chất của luận điểm “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” là tìm cách xóa bỏ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, lái nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta sang nền dân chủ tư sản; gây nên những khó khăn trong quá trình phát triển của xã hội Việt Nam, nhất là làm cho chính trị – xã hội không ổn định, kinh tế suy giảm, văn hóa xuống cấp, các mâu thuẫn và xung đột xã hội ngày càng gia tăng, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Và nếu cứ nghe theo “lời khuyên” của các thế lực thù địch, cơ hội, chiều theo sự đòi hỏi phi lý của những người (hoặc là do thiếu hiểu biết, hoặc là do động cơ không trong sáng) để thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, thì điều gì sẽ xẩy ra? Điều chắc chắn có thể khẳng định là, chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ đứng trước nguy cơ bị tan rã, chẳng những người dân không được dân chủ, mà xã hội cũng rơi vào rối loạn, khủng hoảng, đình trệ, không phát triển được”.

(Theo Tạp chí Cộng sản điện tử (TCCSĐT), ngày 28/2/2017)

Viết trên báo tư tưởng hàng đầu của đảng như thế thì qủa thật ông Nguyễn Vĩnh Thắng đã coi thường trình độ của không ít người Việt Nam ở Thế kỷ 21.

Bởi vì lối lập luận kiểu “rung cây dọa khỉ” của ông chỉ gây thêm nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của đảng khi so với thành qủa thực tế trên các lĩnh vưc kinh tế, chính trị, quốc phòng và văn hóa.

Điều này càng làm cho thái độ kiêu căng “tính ưu việt” của cụm từ “Dân chủ Xã hội Chủ nghĩa” ở Việt Nam u tối hơn.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Mấy bài trước, nhà báo Phạm Trần trích Bác Hồ như điên để cảnh báo Đảng, sao bài này lại quên béng đi việc trích Bác Hồ nhẩy ? Gặp phải chuyện này, không có Bác Hồ không xong đâu . Hay bác Phạm Trần bắt chước trí thức nước nhà, những gì làm tổn hại đến thanh danh Bác Hồ thì giấu giấu diếm diếm như mèo vậy ?

    OK, tớ nhắc lại 2 điều Bác Hồ kính iêu của chúng ta dạy để làm sáng tỏ “dân chủ xã hội chủ nghĩa” là cái chi chi

    Đại ý Bác Hồ định nghĩa dân chủ xã hội chủ nghĩa ló dư thế lày, Càng dân chủ, chúng ta càng phải độc tài . Và Bác Hồ cũng nhắc thêm, dân chủ của chúng ta triệu lần hơn tư bẩn . Cứ thế mà tính ra . Tính không ra thì nhờ Giáo sư Ngô Bảo Châu .

    Ý thứ 2, Bác Hồ định nghĩa phản động . Bác nói rằng chủ nghĩa xã hội là tốt, là đẹp . Ai mà chống nó tức là phản động gòi .

    Em xin hết ạ . Tội nghiệp bác Phạm Trần, giấu lời dạy của Bác Hồ như mèo í . Chả bù cho mấy bài trước, khoe mình thuộc Bác Hồ hơn cả Đảng .

Comments are closed.