Lợi thế lãnh đạo của Mỹ ở Châu Á không suy giảm

Project Syndicate

Tác giả: Joseph S. Nye

Dịch giả: Đỗ Kim Thêm

9-4-2018

Người dân Hàn biểu tình phản đối ông Trump. Ảnh: ED JONES/AFP/Getty Images

Khi Ủy ban Ba bên – gồm có một nhóm các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh, các nhà báo và các học giả – đã gặp nhau gần đây, nhiều người bày tỏ mối quan ngại về vai trò lãnh đạo của Mỹ suy giảm ở châu Á. Hiện nay, mỗi quốc gia châu Á giao thương với Trung Quốc nhiều hơn là với Hoa Kỳ, thường bằng mức từ hai đến một. Mối lo ngại đó càng trầm trọng hơn do việc áp đặt thuế quan gần đây và những biểu hiện khinh thường các thể chế đa phương của Tổng thống Donald Trump. Một câu hỏi thường được đề ra ở Singapore là liệu sự lãnh đạo Hoa Kỳ ở châu Á còn sống sót trong nhiệm kỳ của Trump không.

Lịch sử cung cấp một số quan điểm. Năm 1972, Tổng thống Richard Nixon đơn phương áp đặt thuế cho các đồng minh của Mỹ mà không cảnh báo, ông đã vi phạm khuôn khổ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và theo đuổi một cuộc chiến không được ủng hộ ở Việt Nam. Nỗi lo sợ khủng bố đã lan rộng, và các chuyên gia bày tỏ mối quan ngại về tương lai của nền dân chủ.

Năm sau đó, David Rockefeller và Zbigniew Brzezinski đã thành lập Ủy ban Ba bên, họp mỗi năm một lần để thảo luận về những vấn đề như vậy. Trái với các lý thuyết về âm mưu, Ủy ban có ít quyền lực; nhưng cũng giống như các kênh không chính thức khác của một nền ngoại giao hai phía, nó cho phép cá nhân dân chúng khám phá cách quản lý các vấn đề gai góc. Các kết quả có thể được tìm thấy trong các ấn phẩm và trên trang mạng của họ.

Ở Singapore, không ai có sự đồng thuận nào về vấn đề châu Á sau thời của Trump. Ví dụ như các thành viên Ấn Độ và Trung Quốc có các quan điểm khác nhau về vai trò của Trung Quốc trong các dự án về cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường”. Một số người châu Á và Mỹ nhìn khác biệt về triển vọng giải quyết thành công của cuộc khủng hoảng về vũ khí hạch tâm của Hàn Quốc, cũng như vấn đề lớn hơn là liệu một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể tránh được không. Một số người châu Âu tự hỏi liệu tình trạng bất trắc trên toàn cầu hiện nay phản ánh sự trỗi dậy của Trung Quốc hay sự trỗi dậy của Trump.

Suy đoán của riêng tôi có thể sai khi tôi đã cảnh báo nhóm này là Hoa Kỳ có thể phục hồi vị trí lãnh đạo sau nhiệm kỳ của Trump, nếu Hoa Kỳ học lại các bài học về việc sử dụng quyền lực với nước khác, cũng như qua những nước khác. Nói một cách khác, Hoa Kỳ sẽ phải sử dụng quyền lực mềm để tạo ra các mạng lưới và thể chế cho phép Hoa Kỳ hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Châu Âu và các nước khác để giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia – ví dụ như ổn định tiền tệ, thay đổi khí hậu, khủng bố và tội phạm trên mạng – và không một quốc gia nào có thể giải quyết một cách đơn phương. Điều đó sẽ đòi hỏi vượt qua các chính sách đơn phương và các thái độ gắn liền với sự trỗi dậy của Trump.

Đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, trái ngược với thái độ bi quan hiện tại, Hoa Kỳ sẽ giữ được những lợi thế quan trọng về quyền lực mà nó sẽ kéo dài hơn cả một nhiệm kỳ tám năm nữa, nếu như Trump được tái đắc cử.

Thứ nhất là vấn đề dân số. Theo số liệu của Cơ quan Liên Hiệp Quốc, Mỹ là nước phát triển duy nhất dự kiến sẽ đóng góp vào tăng trưởng dân số toàn cầu vào năm 2050. Trung Quốc có dân số đông nhất hiện nay, dự kiến sẽ mất vị trí hàng đầu so với Ấn Độ.

Lợi thế thứ hai là năng lượng. Một thập kỷ trước, Hoa Kỳ dường như phụ thuộc một cách vô vọng về năng lượng nhập khẩu. Hiện nay, cuộc cách mạng đá phiến đã chuyển hoá Hoa Kỳ từ một nước nhập khẩu năng lượng sang xuất khẩu, và Bắc Mỹ có thể tự túc trong thập kỷ tới cùng lúc mà Trung Quốc đang phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu năng lượng.

Công nghệ là một lợi thế thứ ba đối với Hoa Kỳ. Trong số những công nghệ sẽ mang lại quyền lực trong thế kỷ này là công nghệ sinh học, công nghệ nano và thế hệ tiếp theo của công nghệ thông tin như trí thông minh nhân tạo và dữ liệu quy mô. Theo hầu hết các chuyên gia, trong khi năng lực của Trung Quốc đang được cải thiện, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa các ngành công nghệ này.

Hơn nữa, nếu xét về cơ sở nghiên cứu, Mỹ có lợi thế thứ tư trong hệ thống giáo dục đại học. Theo một bảng xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng hải, trong số 20 trường đại học hàng đầu trên thế giới, 16 trường ở Mỹ, trong khi đó không có trường nào là ở Trung Quốc.

Lợi thế thứ năm của Mỹ có thể vượt qua thời của kỷ nguyên Trump là vai trò của đồng đô la. Trong số các dự trữ ngoại tệ của các chính phủ trên thế giới, chỉ có 1,1% là đồng nhân dân tệ, so với mức 64% của đồng đô la. Khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế thu nhận đồng nhân dân tệ thành đơn vị thanh toán trong cơ sở tài khoản Quyền Trích xuất Đặc biệt, nhiều người tin rằng ngày tàn của đồng đô la đến gần kề. Nhưng tỷ lệ của đồng nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế đã giảm kể từ đó. Tiền tệ dự trữ khả tín phụ thuộc vào các thị trường tư bản vững chắc, một chính phủ thành tín và tinh thần trọng pháp. Trong tương lai gần, các khía cạnh này không có khả năng xảy ra ở Trung Quốc.

Thứ sáu, Hoa Kỳ có những lợi thế về địa lý mà Trung Quốc thiếu. Hoa Kỳ bao quanh bởi các đại dương, Canada và Mexico vẫn thân thiện, bất chấp chính sách sai lầm của Trump về việc cắt đứt Hợp đồng Thương mại Tự do Bắc Mỹ. Mặt khác, Trung Quốc có biên giới với 14 quốc gia và các tranh chấp lãnh thổ với một số quốc gia quan trọng nhất, như Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam. Điều này hạn chế quyền lực mềm của Trung Quốc. Mặc dù địa lý cho phép phóng chiếu một quyền lực dựa trên lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông, Hoa Kỳ không có yêu sách lãnh thổ ở đó và có thẩm quyền tối thượng về hải quân đối với 95% đại dương còn lại của thế giới.

Nhưng quan trọng nhất là chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không phải là chuyện định mệnh an bài. Không có nuớc nào đe doạ sinh tồn cho nước nào. Khi Thế chiến thứ Nhất bắt đầu, Đức đã vượt qua Anh vào năm 1900, và sự sợ hãi của Anh về ý định của Đức đã góp phần vào thiên tai. Ngược lại, Hoa Kỳ và Trung Quốc có thời gian để xử lý nhiều cuộc xung đột mà không cần phải chịu đựng nỗi kinh hoàng hay sợ hãi.

Hoa Kỳ giữ lại không chỉ những lợi thế về quyền lực được mô tả ở trên mà còn liên minh với Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong cuộc đàm phán sắp tới với Kim Chính Ân, nhà lãnh đạo Triều Tiên, Trump sẽ phải lo ngăn chặn chế độ Kim trong việc đạt được mục tiêu lâu dài là làm suy yếu các liên minh.

Tại Singapore, tôi đã trích dẫn câu trả lời của Lý Quang Diệu về một câu hỏi mà tôi từng hỏi ông về việc Trung Quốc có vượt qua mặt Mỹ hay không. Ông nói “Không”, bởi vì trong khi Trung Quốc có tài năng với dân số 1,4 tỷ người tham gia, tinh thần cởi mở của Hoa Kỳ cho phép họ khai thác và kết hợp tài năng 7,5 tỷ người với sự sáng tạo lớn hơn là Trung Quốc có thể đạt được. Nếu tinh thần cởi mở đó vẫn còn tồn tại, thì vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á, và ở nơi khác, cũng có thể sẽ tồn tại.

***

Joseph S. Nye, Jr. Cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, Giáo sư Đại học Harvard. Ông là tác giả của Is the American Century Over?

Nguyên tác: Asia After Trump. Tựa đề bản dịch là của người dịch.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Mặc dù địa lý cho phép phóng chiếu một quyền lực dựa trên lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông, Hoa Kỳ không có yêu sách lãnh thổ ở đó và có thẩm quyền tối thượng về hải quân đối với 95% đại dương còn lại của thế giới”.
    – Nghĩa là dù TQ có độc chiếm Biển Đông, hay dù VN có trở thành thuộc địa của TQ, “lợi thế lãnh đạo của Mỹ ở (phần còn lại của) Châu Á vẫn không suy giảm”.

Comments are closed.