Có phải bài thơ hay nhất thế kỷ?

Võ Thiêm

15-4-2018

Cuối tuần tạm quên chuyện thời sự nhức đầu, mời các bạn xem chuyện thơ phú của “bác Hồ” chơi để thay đổi không khí.

Bài này trích từ email của người bạn học cũ của tôi, Mai Lăng, về bài thơ “Nguyên tiêu” của HCM. Tác giả vốn là dân kỹ thuật nhưng… sính thơ, tự học chữ Hán và là tác giả cuốn “Tuyển dịch thơ Đường Tống”.

***

Mai Lăng

Trước năm 1975, lớp trẻ ở miền Nam có câu nói nghe vừa quê mùa vừa kiểu cách mà cũng rất dễ thương, đó là câu: Xấu đẹp tùy người đối diện. Thưởng thức một bài thơ cũng vậy, tùy cảm nhận của mỗi người.

Có nghe ông Hữu Thỉnh và Hội nhà văn Việt Nam tôn bài thơ Nguyên Tiêu của ông HCM là bài thơ hay nhất thế kỷ XX. Đó là cảm nhận của ổng, mình tôn trọng. Nhưng một bài thơ hay, lại là hay nhất thế kỷ thì tỉ như một viên ngọc không tì vết. Chúng ta xem thử nói dzậy mà có phải dzậy không?

Bài thơ như thế này:

Nguyên Tiêu
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Bán dạ quy lai nguyệt mãn thuyền.

Câu đầu:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên (Đêm nay là rằm tháng giêng, trăng tròn), là câu thơ đơn giản, nói sự việc tự nhiên, không nói lên cảm xúc thẩm mỹ. Cũng như câu: Khứ niên kim nhật thử môn trung (Ngày này nắm ngoái tại cửa này), trong bài Đề Tích Sở Kiến Xứ của Thôi Hộ. Nhưng Thôi Hộ đã hạ bút làm ba câu tiếp tuyệt hay:

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong (Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông-Kiều)

Thôi Hộ làm câu thơ đầu thô kệch, dở ẹt là có ý, khi làm xong ba câu sau, thì câu thơ đầu trở nên đẹp đẽ như một nhành hoa đỡ những đóa hoa tươi thắm. Còn bài thơ Nguyên Tiêu thì những câu sau lại kém hơn.

Câu thứ hai:
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên.

Chữ “tiếp” rẻ, tại sao? Ở đây tác giả có học hỏi người xưa, như Vương Bột với Đằng Vương Các Tự:
Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc.

Hoặc như Lý Bạch với Hoàng Hạc Lâu Tống Mạnh Hạo Nhiên:
Cô phàm viễn ảnh bích không tận.

Màu nước, màu trời có khi khác nhau, có khi giống nhau, có tách biệt. Có tách biệt, nên mới có lúc nhất sắc, có lúc bích không tận.

Còn “Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên”, tác giả nói đến sắc xuân, người ta nói đến sắc xuân là nói đến vẻ xuân, khí xuân chứ không phải sắc màu cụ thể như màu cỏ, màu nước, màu trời v.v..mà sắc xuân là sự tổng hòa cõi đất trời vào mùa xuân. Sắc xuân không tách giàu nghèo, không tách thôn quê thành thị, không tách trời đất vạn vật, không cũ không mới, như Lưu Vũ Tích nói: Xuân sắc vô tân cố.

Đã là tổng hòa không tách biệt, thì dùng chữ “tiếp” là không ổn, nói đến “tiếp” là nói đến tiếp điểm, tiếp tuyến, tiếp diện, người tinh tế không ai dùng chữ “tiếp” trong trường hợp này (sắc xuân). Nên tôi nói chữ “tiếp” rẻ là vì vậy.

Còn nữa, xuân giang với xuân thủy khác gì nhau? không khác nhau sao đã xuân giang còn thêm xuân thủy? Trong thơ tứ tuyệt, nhất là thơ chữ Hán, vì giới hạn số từ ngữ, các tác giả rất thận trọng trong việc sử dụng từ ngữ, từ ngữ có hàm súc thì ý thơ mới sâu rộng. Thế mới có điển tích”thôi-sao” của Gỉa Đảo, mới có câu thơ truyền đời của Đỗ Phủ: “Ngữ bất kinh nhân tử bất an”.

Ở câu ba: Yên ba thâm xứ đàm quân sự, “yên ba thâm xứ” là cum từ ngữ mà trong thơ Đường người ta hay dùng, để chỉ nơi nhàn dật, lánh đời.

Như Cao Bá Quát nói:
Thế sự thăng trầm quân mạc vấn,
Yên ba thâm xứ hữu ngư chu.

Còn “đàm quân sự” với tinh thần hừng hực chiến đấu, dấn thân, dù “đàm” nơi núi rừng, hang hốc cũng không thoát cái tinh thần ấy.

Nên đem “chị” yên ba thâm xứ mà gả cho “anh” đàm quân sự, bảo phạm luật thì không phạm, nhưng bảo xứng đôi thì không xứng. Đã không xứng thì sao bảo là hay là đẹp?

Câu cuối, “Bán dạ quy lai nguyệt mãn thuyền”, câu thơ này làm tôi nhớ câu thơ của Thuyên Tế Hòa Thượng:

Dạ tĩnh thủy hàn ngư bất thực
Mãn thuyền không tải nguyệt minh quy.
(Đêm vắng nước lạnh cá không cắn câu,
Đành chở một thuyền trăng về)

Ở câu cuối trong bài Nguyên Tiêu, lẽ ra tác giả nên nói về tâm sự, cảm xúc để có đột biến tứ thơ, đàng này vẫn là một câu tả cảnh, mà là cảnh trăng sáng như câu đầu, làm cho tứ thơ bị vo tròn.

Tóm lại, bài thơ Nguyên Tiêu có được xem là viên ngọc quý hay không, còn chờ các bạn yêu thơ có lương tâm đánh giá. Còn tôi với kiến thức thô thiển của mình, tôi lấy làm tiếc vì những tì vết của “viên ngọc”.

Đọc bài thơ, điệu thơ bình bình, ý thơ lẩn quẩn, làm tôi nhớ lại thời thơ ấu, thường nghe bác Tư nhà hàng xóm kéo đàn Nhị: “Hò xự cống bắp sống đem rang, hò xự xang bắp rang trộn đường…”

Bìa sách “Tuyển dịch thơ Đường – Tống” của tác giả Mai Lăng.
Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây