Tác giả: Eric Sciliano
Dịch giả: Trúc Lam
25-3-2018
Tình bạn giữa một chính trị gia Việt Nam và một học giả Mỹ đã đưa trường Đại học Michigan vào một thí nghiệm rộng lớn trong việc xây dựng quốc gia và kéo nước Mỹ dấn sâu vào chiến tranh như thế nào.
Đại học Michigan (MSU) từng là tâm điểm cho cả nước chú ý, chủ yếu là các đội bóng rổ và bóng đá. Sau đó có hơn 250 cô gái cáo buộc ông Larry Nassar, một bác sĩ ở bang Michigan và là bác sĩ của đội thể dục dụng cụ Hoa Kỳ, về hành vi quấy rối tình dục họ trong thời gian huấn luyện môn thể dục dụng cụ cho họ. Kể từ đó, ông Nassar bị kết án 175 năm tù, hiệu trưởng và trưởng khoa điền kinh của trường MSU cùng với năm viên chức khác đã phải từ chức hoặc bị buộc thôi việc, sức ép đặt lên ban quản trị của trường vì cùng chịu trách nhiệm. Từ đó trở đi, nhiều người lo sợ rằng, tên của trường đại học sẽ gắn liền với sự kiện lạm dụng tình dục kinh tởm của bác sĩ Nassar.
Hay nó sẽ xảy ra? Cách đây hơn 50 năm, một vụ bê bối có tầm quốc gia khác đã đuổi kịp Đại học Michigan, một trường hợp nổi tiếng mang tính chính trị và học thuật khiến cho trường bị liên đới mãi mãi – thậm chí một số cộng đồng đã đổ lỗi vụ bê bối này gây nên cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ngày nay, công việc định mệnh trong việc xây dựng đất nước và sự hợp tác giữa chính phủ với trường đại học, được biết đến như Nhóm Tư vấn Đại học Michigan, nhưng là một chú thích cuối trang sử phổ biến của chiến tranh, nếu đúng như vậy. Gần đây, một bộ phim tài liệu dài 18 tiếng của Ken Burns và Lynn Novick “Cuộc chiến tranh Việt Nam” không hề đề cập đến sự kiện này.
Chắc chắn sự vướng víu của Đại học Michigan ở Việt Nam hoàn toàn khác với những tội lỗi của Nassar – một trường thiên tiểu thuyết phức tạp hơn nhiều, mang sắc thái đạo đức theo xu hướng tích cực không theo ý muốn, chứ không phải là sự lạm dụng thô bạo mất kiểm soát. Nhưng hậu quả của nó thì nghiêm trọng hơn nhiều.
Năm 1966, khi tin tức về dự án của MSU mở ra, nó trở nên nổi tiếng nhờ vào những kỹ năng trình bày của một biên tập viên San Francisco tên là Warren Hinckle và tạp chí Ramparts, chuyên bươi móc tin tức của ông ta. Trang bìa số báo tháng 4 năm 1966 của Ramparts là một trong những bức ảnh của tạp chí mang tính thời đại: Biếm hoạ hình ảnh bà Nhu, em dâu của Tổng thống miền Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm với giọng khiêu khích về chế độ của ông ta, khi mặc áo đồng phục của một hoạt náo viên trường MSU.
Câu chuyện bên trong về “trường đại học nhằm đạt mục đích” đã được Hinckle viết cùng với hai biên tập viên khác của Ramparts là Robert Scheer và Sol Stern. Nó mô tả lời giới thiệu như là một sự thú tội nhưng buộc tội, của ông Stanley Sheinbaum, là một nhà khoa học chính trị đã rời khỏi MSU. Nội dung chính của bài báo tường thuật lại chi tiết với giọng tán gẫu và vạch trần, làm thế nào mà một trường đại học có quá nhiều tham vọng đã bán linh hồn của mình, trở thành mặt trận của CIA đáng xấu hổ và đã giúp khởi động một chế độ độc tài tàn nhẫn với cuộc chiến lãng phí bằng cách tự làm nhơ chính mình khi phụng sự cho “Cuộc phiêu lưu Việt Nam”, với đầy đủ người hầu, biệt thự rộng lớn, rượu mạnh miễn phí và các đặc quyền khác của tầng lớp thượng lưu tân thuộc địa.
Lời buộc tội này đã được GS Jeremy Kuzmarov, một giáo sư môn lịch sử của Đại học Tulsa đưa ra gần đây, ông tố cáo vai trò của MSU về “việc đẻ ra một nhà nước cảnh sát ở miền Nam, Việt Nam” trong cuốn sách ‘Hiện đại hóa đàn áp’ (Modernizing Repression) của ông, xuất bản năm 2012 và trong một bài phê bình bộ phim tài liệu của hai đạo diễn Burns/ Novick đăng trên HuffPost. Đó là một câu chuyện thương tâm, đặc biệt khi soi xét kỹ những sai lầm và tấn bi kịch xảy ra ở Việt Nam. Nhưng toàn bộ câu chuyện thì phức tạp hơn, thú vị hơn, và có lẽ nó là một bài học.
Có một câu chuyện mà tôi từng chứng kiến, giống như một trẻ mẫu giáo lại có thể có mặt ở các vở kịch dành cho người lớn với những mưu đồ. Cha tôi, ông Robert Scigliano, là một giáo sư khoa học chính trị trẻ tuổi, làm trợ lý cho trưởng dự án MSU từ năm 1957 đến năm 1959. Sau đó ông cùng viết một cuốn sách phê bình một cách thận trọng về dự án, đó là nguồn chính cho bài báo Ramparts (mặc dù ông hầu như không tán thành Hinckle và những thực hành hay kết luận của công ty) cũng như trong một loạt các bài viết đầu tiên trên các tạp chí của Mỹ, gây ra sự đoạn tuyệt trong quan hệ với Tổng thống Diệm và sự sụp đổ của dự án.
Sống ở Sài Gòn lúc đó là một cuộc phiêu lưu tuyệt vời ở vùng nhiệt đới của một đứa trẻ lúc 4, 5 và 6 tuổi, nhưng đó không phải là những bữa tiệc cocktail và được cưỡi voi của những thành viên làm việc trong nhóm MSU. Nhiều người đã bị bệnh nặng với chứng kiết lỵ amíp (như trường hợp của cha tôi) hoặc viêm gan; thậm chí có người đã chết. Những người khác sống sót dù bị bắt cóc và bị ghìm chặt bởi sự hỗn loạn, bạo động.
Nỗ lực của họ trong việc xây dựng đất nước và tất cả các kết quả đến từ đó, xuất phát từ một tình bạn được đẻ ra ở Nhật năm 1950 giữa hai người đàn ông đặc biệt: ông Diệm, tổng thống tương lai của Việt Nam và Wesley Fishel, tiến sĩ của trường Đại học Chicago và là cựu chuyên gia về ngôn ngữ châu Á trong tình báo quân đội Hoa Kỳ.
Ngô Đình Diệm, một người theo chủ nghĩa dân tộc mãnh liệt và chống cộng, từng là bộ trưởng trong nội các dưới triều vua Bảo Đại, hoàng đế bù nhìn được sự hậu thuẫn của Pháp. Khi thực dân Pháp và Việt Minh cộng sản đánh nhau trên đất nước ông, ông Diệm chọn con đường lưu vong, không theo bất cứ phe nào và tìm kiếm sự ủng hộ của người Mỹ để giải phóng đất nước, cũng như việc đưa ông lên nắm quyền. Fishel, một người theo chủ nghĩa quốc tế tự do hậu chiến tranh cổ điển, nhận thấy rằng, ông Diệm là một hy vọng tốt nhất cho một “lực lượng thứ ba” có thể lèo lái Việt Nam giữa hiểm nguy của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân. Và theo bản năng, ông “rất hứng thú tạo ảnh hưởng”, như cha tôi nhớ lại. Nóng vội và kỳ quặc, Fishel cứ thế rất thích thú khi đến gần quyền lực mà ông đã giành giật từ các đồng nghiệp khác như tự khen mình hoặc tạo ấn tượng. Mỗi người đều thấy cách mà người kia có thể có ích cho mục đích của mình, nhưng như cha tôi ghi lại, ông Diệm chứng tỏ lão luyện hơn trong việc đạt được những gì ông ta muốn.
Năm 1951 Fishel đã trụ lại Đại học Michigan (MSU) với tư cách là phó giáo sư khoa học chính trị. Năm 1952, ông Diệm yêu cầu chính quyền Pháp cho phép tiểu bang Michigan hỗ trợ kỹ thuật để thành lập chính phủ Việt Nam, nhưng bị Pháp bác bỏ. Năm tiếp theo, Fishel bây giờ là trợ lý giám đốc của Văn phòng Nghiên cứu Chính phủ của trường MSU, đã xin cho ông Diệm được bổ nhiệm làm chuyên gia tư vấn của khu vực Đông Nam Á và đưa ông đến Hoa Kỳ. Chuyến thăm đó chứng tỏ một định mệnh. Với sự giới thiệu của Fishel, ông Diệm, một người theo đạo Thiên Chúa giáo, đã gặp và thu hút một số người Công giáo quyền lực nhất trong nền chính trị Mỹ: gia đình Kennedy, Thượng nghị sĩ tương lai Mike Mansfield, là người dẫn đầu khối đa số thượng viện và Đức hồng y John Spellman, là người được mọi người gọi là “Đức Giáo hoàng Mỹ”, một trong những người ủng hộ chế độ ông Diệm và cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam nồng nhiệt nhất.
Năm 1954, Pháp bị Việt Minh đánh bại thảm khốc. Trong hiệp định ngừng bắn đa quốc gia được ký tại Geneva, Việt Nam tạm thời bị chia cắt, dự định thống nhất thông qua các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức hai năm sau đó. Miền Bắc thuộc Việt Minh, miền Nam trở thành Quốc gia Việt Nam (sau này là Cộng hòa Miền Nam Việt Nam), dưới danh nghĩa Bảo Đại đứng đầu, lúc bây giờ là cựu hoàng đế. Các mối quan hệ với người Mỹ của ông Diệm đã giúp ông ta được bổ nhiệm làm thủ tướng; chính phủ của ông và Hoa Kỳ đã từ chối ký Hiệp định Giơ-ne-vơ và ngăn chặn kế hoạch bầu cử mà Việt Minh kỳ vọng sẽ giành chiến thắng.
Ông Diệm ngay lập tức yêu cầu viện trợ từ những người ủng hộ quan trọng của ông, chính phủ Hoa Kỳ và trường Đại học Michigan, ông yêu cầu người bạn cũ Wesley Fishel đến từ nước ngoài, làm cố vấn. Fishel đã chính thức phục vụ như là người liên lạc cho ông Diệm trong sứ mệnh phái viên đặc biệt của Tổng thống Dwight Eisenhower ở Việt Nam.
Quan hệ đối tác chính trị của họ phù hợp với thời kỳ đó. Những chiến binh lạnh lùng của Hoa Kỳ đang tranh giành để biến các quốc gia hậu thuộc địa yếu ớt trở thành những bức tường thành chống lại hệ tư tưởng Marxist và ảnh hưởng của Liên Xô. Nhiều trường đại học tuyển quân nhằm tham gia vào nỗ lực này, hăm hở biến lý thuyết thành hiện thực, thực hiện sứ mệnh của họ ở cấp độ toàn cầu, và vét sạch tiền bạc của liên bang. Tính đến giữa thập niên 1950, chính phủ Hoa Kỳ đã tài trợ cho 42 phái đoàn viện trợ của các trường đại học trên toàn thế giới.
Không có lực lượng nào tham gia hăng hái hơn trường Michigan, trường hỗ trợ cho nhóm Việt Nam, trở thành nhóm lớn nhất trong các sứ mệnh đó. Hiệu trưởng lâu năm của trường, ông John Hannah là một người theo chủ nghĩa duy tâm, là một người có mưu đồ quyền lực và từng là trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, có mối quan hệ mật thiết với Washington DC. Hơn 28 năm dẫn dắt ngôi trường, Hannah đã thay đổi từ trường Cao đẳng Michigan nghèo nàn, trở thành một trong những trường đại học lớn nhất nước, có một viện nghiên cứu quan trọng, tăng số lượng tuyển sinh lên gấp sáu lần. Theo nhà sử học của trường MSU là ông John Ernst, đã chỉ ra trong cuốn sách ‘Forging a Fateful Alliance’, một cuốn sách lịch sử nghiên cứu sâu rộng về dự án Việt Nam của trường đại học, Hannah đã nhìn thấy việc xây dựng quốc gia như một sự mở rộng tự nhiên của sứ mệnh phục vụ trường học như là một trường tiên phong được cấp đất đai. Ông tuyên bố: “Thế giới là khuôn viên của trường chúng tôi”.
Vượt lên trên mối quan hệ giữa Fishel và Diệm, trường Michigan có những nguồn lực đặc biệt trong hai lĩnh vực mà các cơ quan Hoa Kỳ ở Việt Nam bị thiếu là hành pháp và hành chính công.
Để bảo vệ lối sống xa hoa của mình ở Pháp, vua Bảo Đại đã nhượng quyền hoạt động của cảnh sát Sài Gòn cho Bình Xuyên, một quân đội tư nhân đầy thủ đoạn xuất thân từ du đãng ven sông [Sài Gòn] tồn tại dựa vào mại dâm, cờ bạc và ma túy. Các cơ quan cảnh sát Việt Nam rất cần cải tổ lại, huấn luyện và trang bị; trường Michigan, quê nhà của một trong những trường tư pháp hình sự lớn nhất ở Mỹ, có thể cung cấp những dịch vụ đó. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ không chịu giao nhiệm vụ cho MSU: Fishel quá độc lập, quá thân mật với ông Diệm, quá nhanh nhẹn để phô trương các mối quan hệ bên trong và kiến thức của mình. Nhưng ông Diệm tín nhiệm Fishel và khăng khăng đòi ông ta ở lại.
Tháng 5 năm 1955, trong khi Quân đội Quốc gia Việt Nam của ông Diệm tiêu diệt lực lượng Bình Xuyên, Đại học Michigan ký một hợp đồng với Việt Nam Cộng hòa và Cơ quan Quản trị các Chiến dịch ngoài Lãnh thổ của Hoa Kỳ về một chương trình trợ giúp kỹ thuật: Trường sẽ phát triển, đào tạo và trang bị cho lĩnh vực dân sự, hành chính, chính quyền địa phương và cảnh sát.
Với sự ra đi của Bình Xuyên, ông Diệm bắt đầu hạ bệ Bảo Đại trong một cuộc trưng cầu dân ý, tháng 10 năm 1955 ông trở thành Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Hành động đã chuẩn bị, miễn là không phải bận tâm về Việt Minh, họ đã củng cố quyền lực ở miền Bắc và tổ chức cuộc kháng chiến ở miền Nam: Đã đến lúc xây dựng một đất nước.
***
Ngay sau khi MSU, chính phủ Hoa Kỳ và chính quyền miền Nam Việt Nam ký kết giao ước, một cuộc khủng hoảng nhân đạo đã buộc phải rẽ ngoặc. Khoảng 900.000 người tị nạn chạy trốn khỏi miền bắc, hầu hết là người Công giáo lo sợ bị [cộng sản] khủng bố tôn giáo và bị xúi giục bởi sự tuyên truyền của phương Tây. Các cố vấn của MSU đã ứng biến một cách mạnh mẽ để giúp thiết kế và thực hiện một chương trình tái định cư. Theo tất cả các thông tin có được, họ đã tự trang trải và chương trình tái định cư đã được hoan nghênh là một sự thành công tuyệt vời. Nhưng nó đã gieo mầm, dẫn tới sự sụp đổ của ông Diệm và sự thất bại của miền Nam Việt Nam và Hoa Kỳ.
Người theo Công giáo như ông Diệm không được sự ủng hộ trong việc đàn áp Phật giáo Việt Nam. Ông đã đưa những người Công Giáo thân tín vào những chức vụ chính quyền và quân sự quan trọng và đưa những vùng đất nguyên sơ và tái định cư cho những người tị nạn công giáo, bằng phí tổn của những người Phật giáo. Ông phân bổ người Công giáo tới các điểm chiến lược trên khắp cả nước, đặc biệt tại các cao nguyên trung phần, để làm vùng đệm, chống lại các cuộc nổi dậy. Điều đó có nghĩa là diệt trừ tận gốc những người Thượng thiểu số (Montagnard), những người đã sinh sống ở cao nguyên qua nhiều thế hệ.
Chính quyền Sài Gòn đã cố gắng Việt Nam hóa những người cao nguyên và đưa họ vào “những cộng đồng có thể phòng thủ”, một tiền thân của những “ấp chiến lược” gây tranh cãi hồi đầu thập niên 60. Các nhà nhân chủng học MSU đã tranh luận một cách cương quyết nhưng vô ích, chống lại sự dời đổi này. Các cộng sự của họ kêu gọi phải đối xử công bằng với người tị nạn Công giáo và Phật giáo, một lần nữa không đạt được kết quả. Các chính sách trên cao nguyên của ông Diệm đã làm cho người Thượng xa lánh, mở rộng cao nguyên để nổi dậy, gieo những oán giận, đã bùng nổ trong cuộc nổi dậy của Phật giáo vào đầu thập niên 1960, và cuối cùng đã hạ bệ ông ta.
Trong khi đó, các giáo sư MSU đã tiến hành xây dựng thể chế của họ. Họ mở rộng và nâng cấp Học viện Quốc gia Hành chánh, chuyển nó từ một khu nghỉ mát cao cấp tới Sài Gòn, đặt một thư viện nghiên cứu cho chính phủ (với ngôn ngữ là tiếng Anh nên ít được sử dụng), phác thảo đào tạo tại chức cho công chức và dạy học cho họ, mà chỉ hữu hiệu khi các thông dịch viên dịch các bài giảng của họ. (Không có giáo sư nào dạy kỹ năng sử dụng tiếng Việt, và việc đào tạo liên tục của họ không mang lại sự lưu loát).
Nhưng công việc chi tiết về môn giáo dục công dân này chiếm vị trí thứ hai trong chương trình cảnh sát. Các giảng viên dạy về hành pháp của MSU, hầu hết là các viên chức và cảnh sát đã nghỉ hưu, họ làm việc chăm chỉ để đào tạo cho các cơ quan cảnh sát Việt Nam trong mọi lĩnh vực, từ cách cư xử chuyên nghiệp và các thủ tục bắt người, cho đến vấn đề pháp y và vũ khí. Họ đã có một số thành công với cảnh sát Sài Gòn, đặc biệt trong việc giúp đỡ điều khiển lượng giao thông hỗn độn của thành phố. (Tôi rất thích thú khi xem các sĩ quan mang găng tay trắng, ra hiệu lệnh ở trên các trục giao lộ, như sự tự tin của những người điều khiển dàn nhạc).
Các giáo sư cảnh sát đạt được nhiều thành tựu hơn qua những nỗ lực của họ để biến Cục Điều tra Việt Nam (còn được gọi là an ninh), mà Pháp đã sử dụng chủ yếu để kiểm soát chính trị, thành một cơ quan điều tra hiện đại. Họ củng cố các văn phòng rải rác đây đó, cập nhật hệ thống vân tay theo lối cũ, xây dựng một phòng hỏi cung tội phạm và giúp thực hiện một thẻ căn cước (dát mỏng để tránh giả mạo, vì “kẻ ngốc nghếch” – Charlie – không có chất dẻo). Nhưng họ ít có tác động đến chân thứ ba trong ngành cảnh sát, là Cảnh Vệ dân sự bán quân sự. Các cố vấn của MSU kêu gọi biến nó trở thành lực lượng cảnh sát nông thôn, giải quyết và ngăn ngừa tội phạm ở các làng mạc. Chế độ và các quan chức quân sự Hoa Kỳ mong muốn tất cả các lực lượng chống nổi dậy, họ có thể tập trung, cai trị và Cảnh Vệ trở thành một công cụ nhằm mở rộng quân đội, chống lại các giới hạn được quy định trong Hiệp định Geneva. Cha tôi và đồng nghiệp của ông, Guy Fox, viết trong cuốn sách Hỗ trợ Kỹ thuật ở Việt Nam: Kinh nghiệp của Đại học bang Michigan, phê bình dự án trường MSU của họ tài trợ, xuất bản năm 1965.
Các viên chức cảnh sát tỏ ra ít quan tâm đến các bài học về thực thi pháp luật hơn là hướng dẫn kỹ thuật về số lượng lớn các loại vũ khí nhỏ, xe cộ, radio, còng tay, bộ lấy vân tay và các thiết bị khác dành cho cảnh sát do Mỹ tài trợ thông qua nhóm MSU mua sắm và phân phát. Điều này rõ ràng đặt ra một câu hỏi là: Theo những lời của Ramparts: “Làm cách nào để một trường đại học mua được súng?”
Thật ra, lúc Ramparts hỏi điều này, cha tôi và Guy Fox đã trả lời: Cung cấp cho cảnh sát “sử dụng quá nhiều năng lượng [của MSUG] … đã đưa nó tới quá gần mối quan hệ với [chỉ huy của quân đội Mỹ]”, và “làm hoen ố cho quá nhiều người, gồm cả nhân viên của mình, trách nhiệm chính của nó phải là một cơ sở giáo dục”. Tuy nhiên, Hannah và Fishel tiếp tục công khai phủ nhận Nhóm MSU đã mua súng hoặc đạn dược.
Đó không phải là câu hỏi phiền phức nhất mà dự án gây ra. Như cha tôi và Fox đã tiết lộ và Ramparts sau đó đã công bố, từ khi thành lập, Nhóm MSU đã có một đơn vị do CIA tài trợ, cung cấp sự đào tạo chống phản gián và trợ giúp cho sự an toàn của người Việt Nam. Ngoài những đóng góp khác, đơn vị này đã thiết lập một trung tâm để thực hiện kiểm tra an ninh cảnh sát và bị tình nghi là “những người lật đổ”, hoàn chỉnh với các máy móc dò tìm, máy làm phim và máy nghe lén để nghe trộm tù nhân.
Tuy nhiên, một lần nữa Hannah phủ nhận điều mà không chỉ Ramparts mà cả cha tôi và Fox được MSU tài trợ, vốn đã tiết lộ. Hannah nói trong một bản tuyên bố công khai dài 12 trang, đã bác bỏ bài báo Ramparts: “Hãy để tôi tuyên bố mà không có bất kỳ sự bảo lưu nào, rằng trường Michigan không có hoạt động gián điệp nào trong dự án Việt Nam của họ. Nó không có người của CIA hoạt động ngầm do trường đại học cung cấp, hoặc bí mật từ chính phủ Việt Nam”. Khoảng cách đáng tin cậy về thời kỳ chiến tranh rõ ràng mở rộng từ Washington, D.C., tới East Lansing (nơi trường ĐH Michigan tọa lạc – ND).
Đối với một trường đại học để cung cấp vỏ bọc có hệ thống như thế có thể là không bình thường, nhưng trường đại học là một trong nhiều tổ chức, bao gồm quyền lực thứ tư, rằng CIA xâm nhập suốt thời Chiến tranh Lạnh. Họ đã tuyển dụng hoặc đặt hàng chục, có lẽ là hàng trăm gián điệp là những phóng viên nước ngoài và những cộng tác viên. Năm 1977, báo New York Times xác định, có hơn 30 người đã làm việc tại 22 cơ quan truyền thông lớn, bao gồm cả CBS, tạp chí Time, và dĩ nhiên cả New York Times.
Đơn vị CIA của trường MSU hoạt động một cách độc lập, báo cáo với Đại sứ Hoa Kỳ, và các thành viên của họ được phân biệt bởi sự đào tạo ngôn ngữ tốt hơn so với các giáo sư được đào tạo. Ernst viết rằng, “hầu hết nhân viên của Nhóm MSU không để ý đến các hoạt động của CIA”. Nhưng bất cứ ai quan tâm dường như biết về họ. Fox và cha tôi đã viết: Và sự kết hợp của CIA “có khuynh hướng mang toàn bộ nỗ lực của MSU đặt dưới sự ngờ vực”. Một nhà nhân chủng học làm việc ở bên ngoài đã bị sốc khi thấy mình bị các quan chức địa phương từ chối khi là đặc vụ của CIA. Liệu một nhà nghiên cứu kế tiếp bị dính với CIA có bị bắt cóc hay bị thủ tiêu không?
Năm 1959, khi hợp đồng của Nhóm MSU với chính phủ Việt Nam và Mỹ tới lượt gia hạn, trưởng dự án, ông Ralph Smuckler, đã gửi tới cha tôi lời nhắn từ East Lansing: Trường Michigan sẽ không tài trợ thêm nữa. CIA sẽ phải ra đi. Khi cha tôi đưa tin, CIA và các viên chức trong Phái đoàn Công tác Hoa Kỳ đã đón nhận tin đó một cách tồi tệ, nhưng đơn vị này đã chuyển đến Phái đoàn Hoa Kỳ, điều mà họ không thể che giấu lâu hơn nữa việc họ tham gia vào cuộc xung đột ở miền Nam Việt Nam.
Trong ba năm tiếp theo, cuộc xung đột ngày càng sâu hơn, cũng như sự tham gia của Mỹ và các chiến thuật đàn áp của chế độ ông Diệm. Hàng ngàn người bị nghi ngờ có hoạt động lật đổ, các nhà hoạt động và những người chống đối chính trị đã bị cầm tù, tra tấn, tử hình hoặc bị ám sát. Fishel đã hối thúc người bạn cũ của mình kiềm chế, nhưng tiếp tục ủng hộ ông Diệm một cách công khai, phần lớn là do ông tiếp tục ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Mỹ trong những năm tới.
Hợp đồng của MSU quy định rằng, các thành viên trong nhóm không viết sách, báo phản ánh những cái xấu về chế độ ông Diệm. Nhưng khi cuộc đàn áp trở nên tàn nhẫn hơn, các giáo sư bắt đầu phủ nhận sự vi phạm rõ ràng này về tự do học thuật. Đầu tiên là cha tôi, viết trên báo Pacific Affairs, số báo tháng 12/1960. Bài báo của ông nói, “Các đảng phái chính trị ở miền Nam Việt Nam dưới thời Cộng hòa”, ghi chép lại rằng, ông Diệm đã kết nạp, lật đổ hay đàn áp các đảng đối lập, duy trì “‘các đảng để trưng bày’ như là bằng chứng cho thấy Việt Nam là một nước dân chủ”, trong khi biến nó thành “tất cả các mục đích thực tế là một nhà nước độc đảng”. Bài báo lưu ý rằng, ông Diệm sai lầm về hoạt động của Cộng sản “có thể không khác gì hơn là một sự đối lập”, và trong “những nỗ lực để kiểm soát chủ nghĩa cộng sản”, chế độ của ông “đã sử dụng các kỹ thuật giống như cộng sản, như các trung tâm cải tạo chính trị”. Bài báo đã thừa nhận rằng, trong một quốc gia bị đe dọa với lật đổ bên trong và sự tấn công bên ngoài, thì “tự do chính trị phải được giới hạn”, nhưng nó đề nghị rằng, “ít kiểm soát báo chí hơn, Quốc hội đóng một vai trò lớn hơn và có sự khoan dung rộng rãi hơn đối với việc thể hiện quan điểm của phe đối lập” có thể làm suy yếu “nước Việt Nam Cộng hòa”.
Những sự thật bất lợi đó không phải là những thứ cực đoan. Tuy nhiên, như Ernst kể lại, phản hồi của tổng thống rằng, “tổng thống Diệm tỏ ra không hài lòng về bài báo của Bob Scigliano”. Ông cũng đưa ra một ngoại lệ cho một báo cáo trong cùng số báo, trong đó kinh tế gia James Hendry của trường MSU than phiền rằng, Hoa Kỳ đã không có được uy tín ở cấp độ làng xã cho tất cả các khoản hỗ trợ kinh tế mà họ đã gửi tới Việt Nam.
Năm 1961, ba thành viên cũ của Nhóm MSU đã công bố nhiều bài báo tấn công mạnh hơn trên báo New Republic về “nhà nước cảnh sát” của ông Diệm, làm cho vụ việc tương tự như Ramparts đã làm năm năm sau đó. Một người thậm chí còn chỉ trích các đồng nghiệp MSU vì đã không nói ra. Ông Diệm giận tím gan.
Fishel và các quan chức của MSU đã cố gắng giải thích rằng, tự do học thuật là gì, họ không thể kiểm duyệt các giáo sư của họ. Cha tôi nói: “Phải mất nhiều can đảm, hoặc cân bằng, về phía ông Fishel”, bản thân ông không bị phản đối từ trường đại học vì sự xa rời đường lối của chế độ. Cũng không ngạc nhiên, ông Diệm đã không bị mất thể diện. Ông tuyên bố rằng hợp đồng của MSU sẽ không được gia hạn khi nó hết hiệu lực năm 1962.
Fishel bây giờ ở East Lansing, trở lại Sài Gòn để cố gắng chắp vá các thứ. Nhưng ông cảm thấy thất vọng khi nhà lãnh đạo miền Nam Việt Nam bị xuống dốc trong sự cô lập và chuyên quyền, do ảnh hưởng xấu từ người em trai Ngô Đình Nhu và cô em dâu. Ông cảnh báo hiệu trưởng trường MSU là John Hannah rằng, ông Diệm và có lẽ cả miền Nam Việt Nam, sẽ không tồn tại lâu.
Ông Hannah chuyển bản báo cáo của ông Fishel tới Tổng thống John F. Kennedy, là người năm sau đã bật đèn xanh cho một cuộc đảo chính quân sự trên đất nước này, vòng đầu tiên trong trò chơi âm nhạc giành ghế (trò chơi mà những người tham gia sẽ đi vòng quanh một dãy ghế – thiếu một ghế – cho đến khi nhạc dừng lại, người nào không giành được ghế để ngồi vào, sẽ bị loại khỏi trò chơi – ND) của những thay đổi chế độ, trong khi Mỹ tìm kiếm một nhân viên kỳ diệu để có thể cứu vãn miền Nam Việt Nam. Ông Diệm và Nhu cuối cùng đã bị ám sát.
Các giáo sư Michigan đã may mắn không có mặt ở đó. Họ bỏ lỡ cơ hội gia tăng quân đội, Chương trình Phượng hoàng nổi tiếng, Tết Mậu Thân, bom rải thảm, napal và hóa chất phá huỷ cây cỏ ở những khu vực rộng lớn của đất nước, quân đội miền Bắc tiến vào miền Nam và sự sụp đổ của Sài Gòn. Các thành viên trong gia đình chúng tôi nhớ về Việt Nam như một cảnh đồng quê nhiệt đới, đã theo dõi tin tức trong nỗi kinh hoàng.
Những tin sốc tiếp tục làm rung chuyển East Lansing. Phản ứng chống lại sự tham gia vào Việt Nam của MSU đã làm cho nó thành lò tổ chức của Hội Sinh viên Xã hội Dân chủ (được thành lập gần trường Đại học Michigan) và trường trở thành nơi ra tờ báo ngầm đầu tiên của đất nước. Fishel vẫn là cột thu lôi cho những người biểu tình chống chiến tranh, những người đã xông vào các lớp học của ông ta, và cho những cựu đồng nghiệp như Sheinbaum, là người không bao giờ tha thứ cho sự vướng víu của Fishel với chế độ độc tài “quyền lực thứ ba”.
Fishel vẫn còn bướng bỉnh, mặc dù ông ta hết ảo tưởng với việc tiến hành cuộc chiến. Ông ta cúi mặt xuống khi đối mặt với người biểu tình, khuyên chính quyền của Tổng thống Lyndon B. Johnson, thậm chí còn phục vụ như là chủ tịch hội những người bạn Mỹ ủng hộ cuộc chiến Việt Nam. Người bảo trợ cho ông ta là Hannah, cũng bị chỉ trích tương tự, sau đó từ chức đột ngột khỏi trường MSU vào năm 1969 và trở thành giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ. Ở đó, ông đã chấp thuận tài trợ cho Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam mà Fishel đã khởi động tại Đại học Southern Illinois.
Các cuộc phản đối và khinh miệt của trường theo Fishel ở đó và trở về East Lansing. Ông nhận thấy sự nghiệp của mình không còn lối ra và đổ lỗi cho sự oán giận lên công việc của ông ở Việt Nam. Một số đồng nghiệp đổ lỗi cho sự căng thẳng khi góp phần cho cái chết của ông ở tuổi 57. Sheinbaum bác bỏ các cáo buộc một cách giận dữ rằng, những lời chỉ trích của anh đã góp phần dẫn tới cái chết của Fishel.
Kể từ đó, trường Michigan trải qua một quá trình tập thể tự kiểm điểm vai trò của mình ở Việt Nam. Năm 1998, báo chí của trường đại học đã công bố cuốn sách của Ernst: “Forging a Fateful Alliance”, một cuốn sách lịch sử đầy đủ nhất, được Nhóm MSU xuất bản. Trước đó, khi kiên quyết đóng hồ sơ Việt Nam ra khỏi danh mục, trường đại học đã có hơn 80.000 tài liệu đã được số hóa và đăng tải trên mạng. Bất kỳ học giả hay trí thức nào muốn tham gia vào những nỗ lực của Mỹ trong tương lai để xây dựng lại các quốc gia khác, sẽ làm tốt khi tham khảo ý kiến cả hai nơi.
Tháng trước, các sinh viên phản đối vụ trường Michigan giải quyết chuyện bê bối của [bác sĩ] Nassar bên ngoài tòa nhà hành chính, được đặt tên [vị hiệu trưởng Hannah] sau khi trường tổ chức kỷ niệm cho vị hiệu trưởng này. Một bức tượng bằng đồng cao 7 feet của John Hannah ở giữa, như đang theo dõi theo họ. Từng lời của ông được khắc trêng tảng đá granit: “Nếu các nhà giáo dục đồng ý về bất cứ điều gì, thì nó phải là mục đích cơ bản của giáo dục là chuẩn bị cho lớp trẻ trở thành những công dân tốt”.
Eric Scigliano là tác giả làm việc ở Seattle và là nhà báo, đồng dịch giả các bài hát tuyển chọn về chiến tranh của Trịnh Công Sơn, do Diễn đàn Việt Nam của Đại học Yale xuất bản.
© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt