Tôn sư trọng đạo không có nghĩa là bắt quỳ gối

FB Lê Ngọc Luân

9-3-2018

Ảnh: internet

Phải khẳng định, đạo lý “tôn sư trọng đạo” có một ý nghĩa đẹp mà chúng ta cần gìn giữ nhưng không có nghĩa là chúng ta cổ súy cho những biện pháp giáo dục hà khắc. Tôi hiểu nhiều Thầy/Cô vì mục đích giúp trò nên người nhưng chắc chắn có không ít đã sử dụng “quyền uy” vì mục đích nào đó.

Tôi hoàn toàn bất ngờ và không đồng ý với lập luận “xưa kia, bố, mẹ, ông, bà…bị Thầy/Cô đòn roi nhưng cũng nên người, có sao đâu. Nếu không hà khắc, bao nhiêu học sinh hư, lớn lên giết người, trộm cướp…”. Mới nghe qua có vẻ đúng nhưng đó là một sai lầm có tác hại “ẩn mình”.

Nhiều thế hệ học sinh, ngay cả bây giờ, nhiều bạn sinh viên tốt nghiệp không có chính kiến, lập trường của mình, mọi thứ rập khuôn đến kỳ lạ. Tất nhiên, tôi không có ý phán xét hay chê bai, tôi chỉ muốn chia sẻ và trải lòng để cho thấy nền giáo dục đã đạt “đỉnh đáy”.

“Tôn sư trọng đạo” nghĩa là người học trò cần phải kính trọng Thầy Cô bằng lòng ngưỡng mộ của trí tuệ và trái tim, là sự tôn trọng chứ không phải “cúi đầu và răm rắp tuân thủ” dù Thầy/Cô chưa đúng.

“Tôn sư trọng đạo” nghĩa là khi Thầy/Cô có những phương pháp dạy hoặc ý kiến chưa đúng thì học trò có quyền phản biện nhưng phải biết tôn trọng chứ không phải là hỗn xược.

Tôi nhớ, thưở sinh viên ĐH Luật, giờ giảng môn Luật Doanh nghiệp, tôi tranh luận khá căng thẳng với Thầy mình, và bản thân tôi là người hay phát biểu và thích cãi Thầy/Cô nhất nhưng trong suy nghĩ chưa bao giờ có bất kỳ ý định nào thiếu tôn trọng dù không phải Thầy/Cô đều tuyệt đối đúng vì cũng là con người, còn kiến thức thì vô hạn.

Tôi nhớ và luôn kính trọng Thầy dạy Luật Doanh nghiệp hôm đó, tôi nghĩ mình sẽ bị ghét nhưng không. Cuối buổi học, Thầy đến bên tôi nói “em cố gắng, sinh viên phải thế, thụ động chán lắm, Thầy dạy cũng chán” sau đó mỉm cười. Chao ôi, lúc đó tôi vui và hạnh phúc. Cái ơn mà Thầy dành tôi không quên.

Cũng một giáo viên dạy luật doanh nghiệp, tôi nhớ là Cô Lê, cũng dạy Luật Doanh nghiệp. Giờ học, tôi phát biểu 5 phút, xong Cô mỉm cười “em nói cô không hiểu gì cả, lần sau em nói chậm và từ thôi vì giọng miền Trung mới vào Sài Gòn sẽ khó nghe lắm đó”. Không một ý gì chế giễu hay phân biệt, khó chịu cả.

Quay trở ngược câu chuyện Cô giáo bắt học sinh quỳ. Chúng ta cần phải thừa nhận Cô đã sai, dù tấm lòng Cô tốt. Tôi nghĩ Cô cũng là “nạn nhân” của tư duy giáo dục cũ xưa. Cần phải thay đổi, hãy để những đứa trẻ tự tin nêu chính kiến, khuyến khích lập biện và có chính kiến để thế hệ tương lai, các cháu có thể ngẫng cao đầu tiến bước ra Thế Giới hòng giúp ích cho Tổ Quốc.

Qua đây, tôi cũng mong mọi người mở lòng bao dung cho cả Cô giáo bắt học sinh quỳ và phụ huynh buộc Cô giáo quỳ bởi, chung quy lại, tất cả chúng ta đã và đang sống trong một xã hội loạn lạc.

P/S: Đất nước tôi, một Đất nước xuất khẩu lao động hàng đầu Thế Giới.

Xin lỗi, tôi không có ý xúc phạm vì tôi không và chưa bao giờ có thói quen phán xét cá nhân.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Có bao giờ bọn CS đọc được những bài quý giá như thế này.
    Ngày xưa,khi VNCH còn,học sinh miền Nam chẳng xa lạ gì với tác phẩm Tâm hồn Cao thượng do Hà Mai Anh dịch.Ít nhiều những mẫu chuyện trong đó cũng ảnh hưởng đến lối hành xử của học sinh đối với thầy cô.
    Có đâu mà tồi tệ như trong xã hội Cộng sản bây giờ.
    Ngày xưa.đi học mà bị cô,thầy phạt một thì cha mẹ biết được phải bị phạt đến mười.Có đâu cô giáo phạt con quỳ mà phụ huynh nhặng xị lên như thế.Đúng là Cọng sản.Vô đạo,vô đức.
    Nhân bất học,bất tri lý !

  2. Cướp được quyền cai trị , Việt cộng lập tức áp đặt một ‘bộ chuẩn giá trị‘ khác vào chốn học đường , gần một thế kỷ là khoảng thời gian đủ lâu để chúng ta tận mắt chứng kiến hậu quả là thế nào , khi các thế hệ ‘sản phẩm Giáo dục XHCN’ ây tràn ra xã hội. Lỗi từ đâu ư ? Làm sao biết nói từ đâu ,khi những ‘Sai trái’, ‘Xấu xa’, ‘Ác độc’… của lớp người hôm nay, chính do lớp người đi trước lên lớp truyền dạy đàng hoàng ? …Và ai là ai , khi mà đã nhiều thế hệ cùng ‘dạy và học’ lẫn nhau như thế ?

    Tâm hồn trẻ thơ, có thể không hiểu hết những ý nghĩa sâu sắt dù tốt đẹp hay nguy hại, nhưng chúng luôn tròn mắt quan sát những người trưởng thành và ghi nhớ rất lâu. Ấn tượng mạnh nhất trong tâm hồn trẻ thơ vẫn là những gì chúng nhận biết từ hành vi ứng xử, lời nói, thái độ của cha , của mẹ chúng – đó là “toàn bộ thế giới thực của chúng” . Trong tác phẩm ‘Tâm hồn cao thượng’ ( bản dịch của Hà Mai Anh)- một tác phẩm nhỏ, nhưng gần như đã chạm đến toàn bộ các vấn nạn ‘học đường phi nhân tính’ hiện nay…Thế nào là Thầy cô giáo, thế nào là cha mẹ và thế nào là một học sinh…đều được trình bày bằng những câu chuyện nhỏ, rất đẹp rất cao thường và vô cùng sâu sắt…

    Chẳng hạn, trong đó có câu chuyện “Thầy học cũ của cha tôi”. Không cần cụm từ khó hiểu ‘Tôn sư trọng đạo’ , cậu bé đã hiểu rõ toàn bộ đạo lý ấy chỉ bởi nhìn hành vi, lời nói & thái độ của bố cậu đối với người thầy giáo đã già . Có chút liên quan đến bài chủ , cop &post lại đây xem như chút góp ý :
    ————

    (trích) Thầy học cũ của cha tôi

    Thứ ba, ngày 11

    Hôm kia, cơm trưa xong, cha tôi đang xem nhật báo bỗng kêu lên một tiếng ngạc nhiên rồi bảo chúng tôi:
    _ Ta cứ tưởng cụ mất đã hơn 20 năm nay rồi Cụ Crôxetti là cụ giáo khai tâm cho ta ngày xưa hiện còn sống và đúng 80 tuổi. Ta vừa xem báo thấy tin cụ được thưởng “danh dự bội tinh” vì cụ đã tận tâm với chức vụ trên 60 năm. Cụ mới về hưu được 2 năm nay. Cụ ở thành Cônđôvê cách đây độ một giờ xe lửa, tức là quê bác làm vườn nhà ta ngày xưa ấy.
    Cha tôi nói tiếp :
    _ Enricô ơi ! Mai ta sẽ đi thăm cụ.
    Rồi cả buổi chiều hôm ấy, cha tôi chỉ nói đến chuyện cụ giáo Crôxetti. Cái tên của thầy học “vỡ lòng” đã làm sống lại trong ký ức của cha tôi biết bao nhiêu là kỷ niệm về thuở thiếu thời, kỷ niệm của các bạn cũ và nhất là kỷ niệm của bà cụ thân sinh ra cha tôi.
    Cha tôi kể lại rằng:
    _ Hình ảnh cụ giáo đáng tôn kính ấy vẫn còn in trong óc ta. Khi ta học cụ độ 40 tuổi. Cụ người nhỏ nhắn, lưng hơi gù, mắt sáng, không râu, tính hồn hậu và thương yêu học trò như con. Sinh trưởng ở một nhà nông. Cụ đã chịu bao nhiêu nỗi thiếu thốn và đã tốn bao nhiêu công phu mới thành được một vị giáo viên. Cha mẹ ta rất yêu mến cụ và đãi cụ như một người bạn thân trong nhà. Không hiểu sao quê ở Tôrinô cụ lại về nghỉ ở Cônđôvê? Gặp ta, chắc chắn cụ quên rồi, nhưng không ngại, ta còn nhớ và nhận được cụ 40 năm ! 40 năm qua rồi ! Chóng thật !… Mai ta sẽ đi thăm cụ.
    Hôm sau, độ 9 giờ, chúng tôi đã ra ga Xuxa. Cảnh xuân như vẽ. Chúng tôi qua những cánh đồng xanh, tốt và những bờ giậu đương hoa , mùi thơm ngào ngạt. Cha tôi có vẻ khoan khái, vừa ngắm cảnh, vừa nói với tôi:
    _ Ngoài cha ta thì cụ giáo Crôxetti là người yêu ta hơn hết và đã làm ơn cho ta nhiều nhất. Ta không bao giờ quên được những lời cụ khuyên và cả đến những câu cụ quở, mặc dầu những câu ấy có khi làm cho ta trở về phải phát khóc. Ta hãy còn nhìn rõ những lúc cụ vào lớp, cụ tựa gậy một góc, treo áo lên mắc rồi ngồi vào bàn: hôm nào cũng như hôm nào chẳng sai. Cụ là người điềm đạm, cẩn thận, chịu khó và hết lòng… buổi nào cụ cũng dạy đầy đủ và cẩn thận như buổi ban đầu.
    Ta còn nhớ những lúc cụ gọi ta :
    _ Bôttin ! Ngón tay trỏ quập vào quản bút kia mà !
    Xuống ga Cônđôvê, chúng tôi tìm nhà bác làm vườn cũ nhưng chỉ có người vợ ở nhà. Chị ta có cái cửa hàng nhỏ trong ngõ. Lúc chúng tôi đến thì chị đang bận trông con. Gặp chủ cũ, chị mừng rỡ quá kể chuyện rằng chồng chị sang thành Giênôva làm thợ đã ba năm nay cũng sắp về và đứa con gái đầu lòng bị bệnh câm điếc đang cho học tại trường Câm điếc ở Tôrinô. Sau cùng chị chỉ giúp nhà cụ giáo Crôxetti mà ở làng này không một ai không biết.
    Chúng tôi theo một con đường gồ ghề, hai bên giậu hoa đương nở, để đến nhà cụ.
    Cha tôi không nói chuyện nữa vì mãi ngẫm nghĩ những truyện ngày xưa ; thỉnh thoảng tôi lại thấy cha tôi mỉm cười hoặc lắc đầu thở dài.
    Thình lình, cha tôi đứng dừng lại nói:
    _ Kia rồi ! Đích thị là cụ rồi ! May quá !
    Quả nhiên ở đằng xa, một cụ già lưng còng, râu bạc, đầu đội mũ nỉ, tay chống gậy trúc, đang thủng thỉnh đi về phía chúng tôi.
    Cha tôi bước rảo và nhắc lại:
    _ Chính cụ !
    Khi chúng tôi đến gần cụ thì đứng dừng lại. Cụ cũng không bước nữa và ngẩng nhìn cha tôi. Cha tôi cất mũ hỏi:
    _ Xin cụ tha lỗi, có phải cụ là cụ giáo Crôxetti không?
    Cụ già đáp:
    _ Sao ngài lại biết tôi? Vâng, chính tôi là Crôxetti.
    Cha tôi cầm tay cụ và nói:
    _ Vậy xin cụ cho phép học trò cũ bắt tay cụ. Tôi ở Tôrinô về thăm cụ.
    _ Tôi hân hạnh quá! Vậy ông học tôi vào hồi nào ? Xin lỗi ông, ông cho tôi biết tên.
    Cha tôi xưng danh và nói đã học cụ năm ấy năm nọ. Cụ cúi đầu nghĩ và nhắc đi nhắc lại tên cha tôi đến 3, 4 lần. Bỗng cụ sực nhớ ra, ngẩng lên hỏi :
    _ Anbertô Bottini có phải là con cụ kỹ sư Bôttini ở phố La Côxôlata không?
    Cha tôi giơ hai tay ra, nói :
    _ Thưa cụ, phải đấy !
    _ Quí hoá quá !
    Cụ vừa nói vừa ôm lấy cha tôi. Xong cụ nói tiếp :
    _ Mời ông về nhà tôi chơi.
    Chúng tôi theo cụ về nhà. Một lát sau, chúng tôi đến một cái vườn rộng, trong có ngôi nhà hai gian. Cụ mở cửa gian đầu mời chúng tôi vào một cái buồng chung quanh quét vôi trắng. Góc phòng kê một cái sập trên có cái mền bọc vải kẻ xanh và trắng, bên cạnh là cái bàn giấy có ngăn chứa sách, giữa kê cái bàn con và 4 cái ghế tựa, trên tường treo một tấm bản đồ cũ : đó là tất cả đồ đạc trong phòng.
    Chúng tôi ngồi. Cha tôi và cụ giáo nhìn nhau một lúc, không nói gì.
    Trong phòng, nền lát gách vuông, mặt trời rọi vào như một cái bàn cờ lớn. Cụ đăm đăm nhìn xuống nghĩ ngợi rồi hình như sực nhớ ra, cụ nói to:
    _ Anbertô ! Thôi ! Tôi nhớ ra rồi ! Bà cụ thân sinh ra ông là người tử tế lắm. Năm đầu ông ngồi bàn nhất bên trái, cạnh cửa sổ.
    Cụ nghĩ một lúc như để lục lại những ký ức năm xưa, xong cụ lại nói:
    _ Ngày xưa ông là một cậu bé lanh lợi lắm ! Năm thứ nhì, ông bị chứng yết hầu suýt nguy, sau được lành mạnh, bà cụ lại đưa ông ra trường, người trông hãy còn còm gầy và đầu trùm một cái khăn vuông to tướng. Từ bấy đến nay, đã 40 năm rồi, phải không ? … Nay ông lại có lòng tốt đến thăm thầy cũ thực là quí hoá ! Mấy năm trước cũng có nhiều học trò cũ đến thăm tôi, kẻ là Linh mục, người làm Đại tá và nhiều người nữa đều có địa vị khá cả.
    Cụ giáo nhân hỏi cha tôi nay làm nghề nghiệp gì, cha tôi đáp xong, cụ vui vẻ nói to :
    _ Một chức nghiệp tự do (Theo bài “Chú hề con” ông Anbertô là ký giả) có ích cho quốc dân ! Tôi rất vui lòng.
    Xong cụ bùi ngùi nói:
    _ Đã đến gần một năm nay, tôi không được tiếp ai cả. Có lẽ ông là người khách cuối cùng của tôi, ông ạ.
    Cha tôi vội nói :
    _ Cụ đừng nói thế. Trông cụ còn khoẻ mạnh nhiều.
    Giáo sư giơ bàn tay cho cha tôi xem và nói :
    _ Ông không trông thấy tay tôi run à? Đó là một triệu chứng dỡ… Tôi bị chứng này đã ba năm, khi tôi còn đang dạy học. Trước tôi tưởng không can gì, sau bệnh ấy một ngày một tăng làm cho tay tôi không thể viết được nữa. Tôi phải xin nghỉ. Sau 60 năm vui trong cõi học, bỗng dưng phải từ biệt nhà trường từ biệt học trò và cả công việc, lòng tôi không khỏi đau đớn ngậm ngùi. Sau buổi học cuối cùng, tất cả học trò theo về nhà tôi và ăn mừng. Tuy nhiên tôi vẫn thấy buồn, vì tôi nghĩ thế là cái đời của tôi đã tàn. Năm ngoái bà giáo nhà tôi tạ thế, kế đến đứa con một cũng qua đời. Hiện giờ tôi chỉ còn hai đứa cháu gái thôi. Ruộng, vườn không có, tôi sống với một số lương hưu trí vài trăm lira, tần tiện cũng đủ. Ngồi không thấy ngày dài quá. Cái thú tiêu khiển độc nhất của tôi là cái thú xem sách cũ, đọc học báo và các pho sách truyện mà người ta biếu tôi. Đằng kia… (Cụ trỏ vào ngăn sách trên bàn) …đằng kia đã xếp tất cả những kỷ niệm, những quá khứ của đời. Ngoài những tập ấy ra, tôi không còn có gì là của báu trên đời này nữa.
    Nghỉ một lúc, bỗng cụ vui vẻ bảo cha tôi :
    _ Ông Anbertô ơi ! Ông có muốn tôi đem lại cho ông một sự ngạc nhiên không?
    Nói xong, cụ chạy lại bàn viết, mở ngăn kéo ra, trong có vô số những buộc giấy bên ngoài đánh ghi cẩn thận.
    Cụ bới tìm một lúc lấy một buộc tháo ra trở vài tờ rồi rút một mảnh giấy cũ ra cho cha tôi. Đó là một “bài luận” của cha tôi làm đã bốn mươi năm nay.
    Trên đầu, tôi thấy mấy giòng chữ này:
    “Anbertô Thứ hai, ngày 3 tháng 4 năm 1838
    Luận
    ….”
    Nhận ngay ra nét chữ nguệch ngoạc hồi còn nhỏ, cha tôi cầm đọc và mỉm cười. Đang xem, cha tôi bỗng dân dấn nước mắt. Tôi hỏi tại sao thì cha tôi ôm chặt tôi vào lòng và bảo:
    _ Con ơi ! Con hãy xem trang này. Con nhìn kỹ những chữ L và T mà chính tay bà nội con đã dạm lại cho ngay ngắn, dòng cuối cùng, hoàn toàn do tay bà viết vì thuở ấy bà tập viết giống chữ ta để mỗi khi ta mệt hay buồn ngủ không làm hết bài thì bà lại làm nốt cho ta. Mẹ ta thực đã thương ta vô cùng !
    Nói xong, cha tôi kính cẩn nâng trang giấy lên miệng hôn.
    Cụ giáo trỏ vào các buộc giấy còn lại nói:
    _ Đó là những cuốn sổ tay của tôi. Mỗi năm tôi lấy một bài của mỗi người học trò cất đi, xếp thứ tự và đánh số. Đôi khi trở ra xem lại : chỗ này một câu, chỗ kia một câu thì muôn điều lại hiển hiện ra trong óc tôi và tựa hồ như sống lại cuộc đời dĩ vãng.
    Ông Anbertô ơi ! Từ ngày tôi đi dạy đến giờ, kể biết bao nhiêu học trò ! Nhắm mắt lại, tôi nhìn thấy một đám đầu xanh của trăm nghìn đứa trẻ, lớp nọ kế tiếp lớp kia. Trong số ấy, biết đâu lại không có kẻ thành ra người thiên cổ rồi ! Tôi nhớ dai nhất là những học trò tốt nhất và những học trò xấu nhất, những người đã làm cho tôi vui lòng và những người đã làm cho tôi buồn bực. Nhưng tôi bây giờ cũng như người đã sang bên kia thế giới rồi, tôi yêu tất cả, ai cũng như ai.
    Cha tôi mỉm cười hỏi cụ:
    _ Còn tôi, ngày xưa có nghịch lắm không? Thưa cụ !
    _ Về phần ông à ! Không, ngày ấy tuy có nhỏ tuổi, nhưng ông đã tỏ ra một đứa trẻ đứng đắn và có nết. Tôi còn nhớ bà cụ nhà là người rất hiền hậu và yêu dấu ông vô cùng… Thế nào? Ông bỏ cả công việc để về thăm một nhà giáo thanh bần, tuổi tác ?
    _ Thưa cụ nhắc đến mẹ tôi, tôi lại nhớ đến buổi học đầu tiên của tôi. Mẹ tôi dẫn tôi đến trường. Hôm ấy là lần thứ nhất mà mẹ tôi phải dời tôi trong hai tiếng đồng hộ và giao tôi trong tay người lạ. Đối với mẹ tôi, việc đi học coi như một việc ra đời, một bước đầu trong những kỳ ly biệt liên tiếp nhau sau này không thể tránh được và sẽ làm cho mẹ tôi thương nhớ. Xã hội sẽ lôi kéo con bà ra và không bao giờ giả lại nguyên vẹn. Vì thế, mẹ tôi rất cảm động, kêu xin với thày để thầy chăm chú cho. Ra về, mẹ tôi còn nhìn qua khe cửa, mỉm cười với tôi, hai mắt long lanh giọt lệ. Cụ ra hiệu cho mẹ tôi về và có ý bảo mẹ tôi cứ yên tâm. Cái nét mặt khoan từ ấy,cái cử chỉ hoà nhã ấy, cái cảm tình thân ái ấy đã ghi sâu vào trong cõi lòng, khiến tôi không bao giờ quên được. Ngày nay, chính vì mối kỷ niệm ấy mà tôi phải dời Tôrinô lại đây để thưa với cụ, sau một kỳ xa cách hơn 40 năm trời, rằng :”Cảm ơn thầy đã dạy dỗ con !”

    Cụ không nói gì chỉ lấy bàn tay run vuốt ve đầu tôi và trán tôi. Trong khi ấy, cha tôi đưa mắt nhìn bốn bức tường trơn, chiếc giường gỗ tạp, một miếng bánh tây để cạnh chai dầu ở bệ cửa sổ, rồi có vẻ nghĩ ngợi .
    _ Sau 60 năm tận tuỵ với nghề, phải chăng đó là tất cả những phần thưởng của thầy ?
    Gặp người cũ, xem chừng cụ hài lòng lắm. Cụ nói chuyện về gia đình chúng tôi, về các cụ giáo đồng thời và những bạn học của cha tôi.
    Cha tôi ngắt chuyện và ân cần mời cụ ra thành phố Cônđôvê xơi cơm hiệu với chúng tôi:
    Cụ đáp :
    _ Cảm ơn ông, tôi không đi được.
    Cha tôi liền cầm lấy hai tay cụ mời tha thiết. Cụ nói :
    _ Tay tôi run thế này, ăn làm sao được. Như thế sẽ là cái tội cho tôi và cho cả mọi người nữa.
    Cha tôi nói:
    _ Thưa thầy, lúc ăn, con sẽ hầu thầy, không ngại.
    Cụ bất đắc dĩ phải nhận lời, vừa đóng cửa vừa nói:
    _ Ông Anbertô ơi ! Hôm nay thực là một ngày vui vẻ cho tôi ! Tôi quả quyết với ông rằng tôi sẽ ghi nhớ mãi cho đến khi tôi không còn sống nữa.
    Cha tôi dắt cụ giáo theo đường cũ trở ra.
    Đến hàng cơm thì vừa đúng 12 giờ. Chúng tôi vào bàn.
    Cụ giáo ngồi giữa cha tôi và tôi. Tiệc ăn bắt đầu. Cụ giáo tay đã run lại bị xúc động nên không thể lấy được đồ ăn. Cha tôi cắt thịt, cắt bánh, và lấy muối bỏ vào đĩa cho cụ. Uống rược, cụ phải dùng cả hai tay cầm cốc mà vẫn còn run, làm cho rượu đổ xuống áo gi lê. Cha tôi đứng dậy cầm khăn chực lau, cụ gạt ra, bảo:
    _ Không được. Tôi kiêng…
    Rồi cụ cười và đọc một câu dài bằng tiếng La Tinh.
    Cuối bữa, cụ nâng cốc, trịnh trọng nói :
    _ Ông Anbertô thân quí của tôi ơi ! Tôi uống cốc này để chúc cho ông cho các cháu được mạnh giỏi và để tưởng niệm cụ nhà !
    Cha tôi liền bắt tay cụ và nói :
    _ Thưa thầy, cảm ơn thầy, con cũng xin chúc thầy được trường thọ.
    Ở cuối phòng, chủ tiệm và người nhà xúm xít đứng nhìn, hình như họ lấy làm sung sướng thấy vị giáo sư thân yêu của họ được ưu đãi.Hai giờ, chúng ta ra ga. Cụ giáo tỏ ý muốn tiễn chân. Cha tôi lại khoác tay cụ, còn tôi thì dắt tay cụ và vác gậy cho cụ. Những khách qua đường đều đứng lại trông vì ở đây ai cũng biết cụ và kính cụ như cha.
    Qua một ngõ kia, nghe có tiếng trẻ con đánh vần và đọc sách.
    Cụ đứng lại, nét mặt rầu rầu, bảo cha tôi :
    _ Ông Anbertô ơi ! Tôi buồn quá ! Nghe tiếng trẻ học, tôi lại nhớ đến trường cũ , nơi 60 năm ròng, tôi đã quen bén thứ âm nhạc bằng tiếng trẻ thơ ấy… Than ôi ! Bây giờ tôi không có gia đình, tôi không có học trò nữa !
    Cha tôi đáp :
    _ Thưa thầy, xin lỗi thầy, có lẽ thầy lầm rồi ! Thầy còn có biết bao nhiêu là học trò hiện ở rãi rác trong cõi đời này ! Chúng vẫn nhớ tới thầy cũng như con không bao giờ quên được thầy.
    Cụ già buồn rầu nói :
    _ Không, không. Tôi không có trường học nữa. Tôi không có học trò nữa. Mà không có học trò thì tôi không có cái thú sống ở đời !
    _ Thầy đừng nói thế. Giáo trạch của thầy đã đầm thấm khắp nơi. Thầy đã hy sinh đời thầy một cách rất cao thượng.
    Cụ giáo không nói gì, gục đầu vào vai cha tôi. Khi chúng tôi đến ga thì xe lửa sắp chạy. Cha tôi vội vàng hôn cụ và nói :
    _ Thôi ! Chào thầy ở lại, con về.
    Cụ nắm tay cha tôi ép vào ngực cụ, dân dấn nước mắt nói :
    _ Thầy chào con và cảm ơn con.
    Trước khi lên xe, cha tôi đỡ lấy cái gậy trúc của cụ đưa cái gậy cán bạc có khắc tên tắt của cha tôi cho cụ và nói :
    _ Xin thầy giữ lấy cái gậy này gọi là chút kỷ niệm của người học trò cũ.
    Cụ không chịu nhận, nhưng cha tôi đã nhảy lên xe và quay ra nói :
    _ Kính thầy ở lại.
    Cụ đáp :
    _ Con ơi đi đường thận trọng nhé ! Ta cầu trời phù hộ cho con đã có lòng quí hoá đối với thầy cũ.
    Cha tôi cảm động. Chào cụ lần nữa.
    _ Thôi ! Lạy thầy ! Con mong lại có ngày được gặp thầy !
    Xe chuyển bánh chúng tôi trông thấy cụ lắc đầu như có ý bảo :
    _ Thầy trò ta, có lẽ không bao giờ gặp nhau nữa !
    Cha tôi thấy vậy liền nói thêm :
    _ Xin thầy đừng ngại, thầy trò ta còn nhiều dịp gặp nhau.
    Xe chạy, cụ giơ bàn tay run lên để chào và để trả lời.
    …..

  3. Trong chuyện này, xin Ls giải thích chuyện “Tôn sư trọng đạo” ở đây là gì?

  4. Ô hay, đang là học sinh đã khuyến khích chúng phản biện rồi, lớn lên có mà làm giặc à. Thế thì đảng ta lãnh đạo thế đ… nào được.

Comments are closed.