Tâm lý chiến của Trump và Hoà bình Thế giới

Tác giả: Bandy X. Lee & Jeffrey D. Sachs

Dịch giả: Đỗ Kim Thêm

23-2-2018

Donald Trump và vợ đang đi duyệt binh. Ảnh: Kazuhiro Nogi-Pool/ Anadolu Agency/ Getty Images

Khi Donald Trump nhậm chức vào đầu năm ngoái, nhiều chuyên gia tin rằng, ông sẽ đi vào ổn định trong nhiệm kỳ tổng thống và chuyển hướng đến một tình trạng bình thường. Nhưng nhiều chuyên gia về sức khoẻ tâm thần người Mỹ đã không nhận ra vấn đề theo cách này. Họ cảnh báo rằng, ông Trump rõ ràng đang có vấn đề suy nhược tinh thần, nó sẽ còn tệ hại hơn khi ông chịu áp lực, có thể sẽ dẫn đến việc ông khởi động chiến cuộc, ngay cả với một cuộc chiến bằng vũ khí hạt nhân. Hiện nay, tình trạng nguy hiểm về một cuộc chiến với Bắc Hàn hoặc Iran do ông Trump lãnh đạo đang tăng lên, thế giới cần phải ngăn ngừa vị tổng thống Mỹ này trước khi quá muộn.

Theo quan điểm của một vài nhà tâm lý học và tâm lý trị liệu chuyên nghiệp, ông Trump không chỉ đơn thuần là một người bắt nạt, nặng phần trình diễn và nói dối; dường như ông là một cá nhân bất toàn về mặt tinh thần, bốc đồng, hung hãn, không ngừng thao túng và đổ lỗi cho người khác. Các chuyên gia này đã kêu gọi việc lượng giá độc lập và cấp thiết về khả năng tinh thần của ông Trump, nó vượt xa việc xét nghiệm đơn thuần về mặt nhận thức mà ông trải qua hồi đầu năm nay khi kiểm tra thể chất tại Trung tâm Quân Y Walter Reed.

Đối với người không có kiến thức chuyên môn và rõ ràng là đối với nhiều người Mỹ, các triệu chứng suy nhược tinh thần có thể là các điểm mạnh. Sự thiếu tự chủ có thể bị nhầm lẫn đó là do tính bộc trực. Tính gây sự và thao túng có thể bị nhầm lẫn với các kỹ năng trong việc đúc kết các cuộc thương thảo. Tuy nhiên, đối với các chuyên gia về sức khoẻ tâm thần, những đặc điểm này là những dấu hiệu nguy hiểm. Những cá nhân thể hiện hành vi như vậy thường che giấu các cảm giác không khoan nhượng của tình trạng bất lực, thiếu thích nghi và nhu cầu bức thiết phải chấp nhận mà nó có thể cô động thành một tính hủy diệt bằng bạo lực khi phải chịu áp lực.

Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên có một nhà lãnh đạo nắm quyền mà họ bị rối loạn nhân cách nghiêm trọng. Nhưng các nhà lãnh đạo bị như vậy thường có quyền kiểm soát ở các quốc gia nhỏ hơn và không có quân đội mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, kỷ lục của các thời kỳ như vậy là quá khốc liệt: Idi Amin, Saddam Hussein, Pol Pot và nhiều người khác đã có thể cố ý tàn phá đến giết người.

Không giống như những nhà lãnh đạo này, theo lệnh của ông Trump, ông có thể đưa thế giới vào một cuộc chiến tranh tàn phá bằng vũ khí hạt nhân. Trong những tháng gần đây, ông đã nhiều lần đe dọa sử dụng quyền này. Ông Trump tin rằng bằng các lời đe dọa, hình phạt và lòng dũng cảm, ông có thể buộc Bắc Hàn phải từ bỏ vũ khí hạt nhân. Trên thực tế, nếu ông Trump đẩy chế độ Bắc Hàn vào chân tường, ông có khuynh hướng gây chiến. Người Nam Hàn hiểu điều này, nhưng họ đang bị Hoa Kỳ ép để theo đuổi một đường lối cứng rắn. Sự xoa dịu bằng Thế vận hội gần đây trong các mối quan hệ giữa Bắc và Nam Hàn là đầy hứa hẹn, nhưng câu chuyện không phải là kết thúc. Thêm một lần nữa, ông Trump có nhiều khả năng sẽ khuấy động lại các căng thẳng; ông không thể tự chủ.

Iran là điểm bốc cháy thứ hai. Trong chính quyền của ông Trump, ông bị bao vây bởi những người cứng rắn, họ đang tìm cách hạ màn trình diễn với Cộng hòa Hồi giáo. Thủ tướng Binyamin Netanyahu, nhà lãnh đạo của chính phủ Israel, đang đẩy Hoa Kỳ đi theo cùng một chiều hướng. Một lần nữa, ông Trump hay các cố vấn của ông có thể tin rằng sự dũng cảm sẽ làm cho người Iran không ủng hộ cho tính hung hăng cả quyết trong khu vực của họ ở Syria và Lebanon; nhưng điều này không thể xảy ra, một phần là vì Iran có thể tin tưởng vào sự ủng hộ ngầm của Nga.

Ông Trump bị ám ảnh với chiến thắng và không có khả năng chấp nhận một sự cân bằng quyền lực mà nó sẽ tạo ra một mối đe dọa đầy nguy hiểm. Lời tuyên bố của ông trên Twitter vào tháng Giêng, rằng ông là “một thiên tài rất ổn định” là một dấu hiệu của sự yếu đuối, không phải sức mạnh. Những tuyên bố như vậy là một lời báo động, không phải là trấn an.

Khi cuộc điều tra của Robert Mueller, một công tố viên đặc biệt, tiếp tục gây áp lực về cảm xúc và chính trị đối với ông Trump, sự cám dỗ của tổng thống đối với việc sử dụng chiến tranh có thể tăng lên đáng kể. Tình trạng nguy hiểm là cảm xúc bốc đồng của ông Trump có thể làm cho mọi sự trở nên tiêu tốn, ông Trump không có khả năng lựa chọn bất kỳ một sách lược nào khác ngoài việc dùng bạo lực.

Sự suy nhược của ông Trump thường liên quan đến những nỗ lực của ông và những người khác để che đậy các vết nội thương của ông. Những người xung quanh ông thường phô trương các xu nịnh quá mức hoặc tuân theo những yêu cầu đặc biệt để “kiềm chế” ông. Một bầu không khí như vậy được tường thuật tại Toà Bạch Ốc, nơi mà các phụ tá của ông dường như làm việc thật cực nhọc để giữ cho Hoa Kỳ được an toàn khỏi sự lãnh đạo của ông Trump.

Đứng trước các dấu hiệu cảnh báo, Quốc hội Hoa Kỳ nên tiến hành khẩn trương loại bỏ khả năng đơn phương khởi động chiến tranh của ông Trump, đặc biệt là một cuộc chiến tranh hạt nhân. Hiến pháp quy định rõ ràng là, chiếu theo Điều I, Mục 8, không phải là tổng thống, mà là Quốc hội mới có quyền tuyên chiến. Các vị tổng thống đã thường xuyên tiếm quyền này trong những thập niên gần đây và điều không may là Quốc hội đã chấp nhận. Nhưng khi ông Trump đang nắm quyền, đó là vấn đề đặc biệt cấp bách hơn, vì là chuyện sống còn – Quốc hội phải tái khẳng định một cách minh thị về thẩm quyền hiến định của mình.

Các đồng minh lâu đời của Mỹ cũng nên cảnh giác để chống lại việc mù quáng theo Mỹ tham chiến. Chúng ta đang ở trong một giai đoạn cực kỳ nguy hiểm. Chúng ta không cần một cuộc chiến tranh mới trên Bán đảo Triều Tiên hoặc ở Trung Đông để thiết lập sự cân bằng quyền lực, ổn định và công nhận hỗ tương về lợi ích an ninh của tất cả các phe phái. Chúng ta cần có một nền ngoại giao. Nhưng về mặt tâm lý, ông Trump có thể không có khả năng ngoại giao, bởi vì ông ta có xu hướng tấn công hơn là thỏa hiệp. Các lực lượng hiếu hòa trong toàn cầu cần nên ứng phó.

***

Bandy X. Lee là giáo sư Luật học và Tâm thần học lâm sàn tại Đại học Y Khoa Yale.

Jeffrey D. Sachs là Giáo sư về Phát triển Bền vững, Chính sách Y tế và Quản lý tại Đại học Columbia. Ông là tác giả các cuốn sách “The End of PovertyCommon Wealth và “The Age of Sustainable Development“. Tác phẩm mới nhất của ông là “Building the New American Economy“.

Nguyên tác: Trump’s War Psyche and World Peace

Bình Luận từ Facebook