3-3-2018
Không thể kiềm được niềm xúc động khi xem tấm ảnh một hàng cựu Thiếu sinh quân của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà đừng nghiêm chào vĩnh biệt người anh cả của mình – cố Đại tá Nguyễn Văn Đông. Cuộc binh lửa đã qua 43 năm, những Thiếu sinh quân năm ấy giờ đây đầu đã bạc nhưng quân phong quân kỷ vẫn không có gì khác khi họ đứng trước đàn anh của mình. Đó không chỉ là kỷ luật nhà binh, đó còn là sự tự hào của những người từng được thụ hưởng một nền giáo dục tử tế. Họ chào kính người anh cả của mình, cũng là chào chính những giá trị tốt đẹp của một chế độ xã hội mang lại được cho các thành viên của nó.
Thử đọc lại những dòng chữ trong thư báo tử do Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hoà gửi bà quả phụ của hải quân Đại uý Huỳnh Duy Thạch – người tử trận ở Hoàng Sa. Vẫn biết đó là mẫu công văn được soạn sẵn theo khuôn mẫu, nhưng người soạn và người duyệt cái khuôn mẫu đó xứng đáng nhận được sự kính phục của những ai theo đuổi các giá trị nhân văn. Lời lẽ của giấy báo tử đầy sự cảm thông, ân cần và chia sẻ của một thượng cấp với sự mất mát của gia đình người thuộc cấp, nhưng không thiếu sự nghiêm cẩn và hào hùng của nhà binh khi nói về sự đền nợ nước của người trai thời loạn.
Ai đã từng xem bộ phim tài liệu “Last days in Vietnam” chắc còn nhớ cảnh hạ kỳ trên chiến hạm của Việt Nam Cộng Hoà khi vào cảng của Philippines. Vào giây phút cuối cùng đó, các sĩ quan và thuỷ thủ đoàn vẫn mặc bộ quân phục trắng tinh của Hải quân để hạ lá – quốc – kỳ – không – còn – tổ – quốc một cách trang nghiêm. Đó là gì nếu không phải là tinh thần công dân đối với đất nước của mình. Đó sẽ là gì nếu không phải là những gì tốt đẹp nhất của một xã hội được kết lại bên trong mỗi thành viên của nó, để khi cần lại bộc lộ ra bằng hành động?
Một xã hội tồi tệ không thể để lại những giá trị tốt đẹp khi mà nó đã chết đi 43 năm. Con người có thể chết nhưng những giá trị đó là vĩnh viễn, chẳng trại cải tạo nào xoá nổi CON NGƯỜI.