Tâm linh hay tâm thần

Dương Đình Giao

15-2-2018

“Lễ dâng hương cho học sinh giỏi thủ đô” của Sở GDĐT Hà Nội. Ảnh: Facebook Nguyễn Công Thành.

Cứ mỗi khi Tết đến Xuân về lại tha hồ được nghe, được thấy những chuyện được gọi là “tâm linh”. Hai chữ “tâm linh” đã có từ lâu, Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh từ năm 1931 đã giải thích đó là “cái trí tuệ tự có trong lòng người” (Đào Duy Anh – Từ điển Hán Việt – Nhà xuất bản Minh Tân – Paris. 1949 – chụp lại bản in năm 1931).

Cũng trên tinh thần ấy, Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên năm 1988 giải thích, đó là “tâm hồn, tinh thần” và bổ sung một ý nghĩa “Khả năng biết trước một biến cố nào đó sẽ xảy ra đối với mình theo quan niệm duy tâm” (Viện Ngôn ngữ học – Từ điển tiếng Việt – Nhà xất bản Khoa học xã hội – Hà nôi. 1988, tr. 927).

Trước đây, chỉ cần là một người có đôi chút chữ nghĩa, chưa cần phải là các bậc túc nho hay các trí thức Tây học đã thành danh  chẳng mấy ai tin vào cái thế giới hoàn toàn không có thật theo khoa học này. “Tâm linh” lúc ấy chỉ được hiểu là cái tinh thần không quên các bậc tiền nhân trong quá khứ đã ban cho mình cuộc sống, đã cho mình được thừa hưởng những di sản vật chất và tinh thần, … và quan trọng nhất là luôn ghi nhớ phải làm sao cho xứng đáng với tổ tiên, ông cha.

Chính vì thế, những người chú trọng đời sống tâm linh đều là những người luôn luôn nỗ lực bản thân (và họ luôn tin rằng không thể có ai làm được thay mình, cho mình) để giữ được “tiếng thơm” cho dòng tộc, cho giống nòi. Họ trở thành những người luôn đứng vững trên đôi chân của mình, chứng tỏ tài năng và bản lĩnh, không dựa dẫm, không xin xỏ bất kỳ ai bởi chỉ có như thế mới xứng đáng với tiền nhân.

Sau hơn ba chục năm “đổi mới”, hai chữ “tâm linh” giờ không còn giữ được nguyên nghĩa, nó đang được mang một nội dung mới, chỉ cái đời sống của thế giới bên kia, một thế giới hoàn toàn không có thật, của những ma quỷ thánh thần chỉ tồn tại trong sự tưởng tượng của con người. Và điều quan trọng nhất của cái “đời sống tâm linh” giờ đây có lẽ là cái thế giới bên kia cũng đang được vận hành bời những kẻ “khả năng có hạn nhưng khốn nạn vô biên” nên nếu chịu khó khấn khứa, cúng bái, hối lộ thì cái thế giới “thần thánh ma quỷ” kia sẽ sẵn sàng “phù hộ độ trì” để “mua may bán đắt” để “công thành danh toại” bất chấp tài trí, năng lực như thế nào.

Tất cả những hành vi văn hóa, các phong tục tập quán đáng trân trọng đều không được tìm hiểu một cách cặn kẽ để kế thừa truyền thống cha ông mà bị những người nhân danh coi trọng tâm linh mù quáng, bất chấp lẽ phải, quy luật tất yếu để hành xử và cổ vũ cho không biết bao nhiêu điều xằng bậy ảnh hưởng rất xấu đến lớp trẻ những người đang cần phải khuyến khích tự thân lập nghiệp.

Mỗi năm, tám nghìn lễ hội diễn ra khắp nơi là tám nghìn cuộc cầu khấn của các con nhang đệ tử. Người ta tham gia lễ hội không phải để tìm hiểu truyền thống văn hóa mà thực chất là để cầu xin các thế lực siêu nhiên giúp cho được toại nguyện giấc mơ “công danh phú quý”. Cái tâm địa chẳng mấy trong sáng đó được mang một cái tên rất chi là văn hóa: “du lịch tâm linh”.

23 tháng Chạp, thấy người ta cúng cá chép thì kém gì mà không cúng. Nhưng cúng xong thì vứt luôn bịch ni lông đựng cá chép xuống hồ nước ô nhiễm, không hề quan tâm đến số phận của những sinh linh đó thì “tâm linh” là cái gì?

Học hành thi cử rõ ràng là chuyện phải dựa vào năng lực và cố gắng cá nhân nhưng thí sinh trước khi đi thi tới Văn Miếu sờ đầu rùa để lấy may đã là điều ngớ ngẩn, đáng ghi vào kho tàng truyện tiếu lâm thì giờ đây, cơ quan quản lý giáo dục Thủ đô lại tổ chức cho thí sinh cùng nhau dâng hương cầu xin các thánh thần phù hộ thì sự nhảm nhí đã tới mức không chịu nổi.

Hồ Gươm giữa lòng thủ đô có thêm mấy con thiên nga cũng vui mắt nếu điều kiện cho phép. Nhà khoa học được hỏi nhưng chẳng thấy nói gì tới khoa học mà chỉ toàn nói tới “tâm linh”  buộc người nghe phải đánh dấu hỏi về cái trình độ khoa học mà lâu nay người ta vẫn lầm tưởng.

Tóm lại là … chẳng hiểu đó là tâm linh hay tâm thần?

Và cái con số 30% người Việt Nam mắc bệnh rối loạn tâm thần tôi e rằng còn xa với sự thật.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Mấy năm trước có Nguyễn thị Doan, Trần đại Quang, Nguyễn thiện Nhân đến dự lễ khai và phát ấn đền Trần. Thế thì gọi là tâm linh, tâm thần hay gọi là cái gì nhỉ ?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây