Đêm Giao thừa – nói chuyện… ăn

Lò Văn Củi

15-2-2018

Như một điểm hẹn, và cũng là tri ân, năm nào tại quán cà phê chị Tư Sồn, bà con cô bác thân quen cũng được mời, cùng nhau xúm lại nấu nồi bánh tét, bánh chưng. Nguyên vật liệu chị Tư lo hết thảy. Thiệt đông vui, náo nhiệt và thâm tình.

Bắt đầu từ sớm 30, xong cử cà phê sáng là đồ đạc được bày ra và gói gói gém gém cho tới khoảng đầu giờ chiều thì nổi lửa. Người miền Nam, người gốc miền Tây, miền Trung thì gói bánh tét, người có gốc miền Bắc thì gói bánh chưng. Nhà ít người thì một cặp, nhà đông thì hai cặp xách về. Có những người vui vẻ trao đổi với nhau, thành thử cặp bánh có Nam có Bắc, cái bánh chưng đòn bánh tét song hành.

Khoảng thời gian tối là lúc cánh đờn ông ngồi canh nồi bánh, vừa canh vừa ‘lai rai ba sợi’.

Có ‘dăm ba hột’ thì chuyện trò càng râm rang. Hết chuyện này sang chuyện khác, hết chuyện Đông sang chuyện Tây, hết chuyện kim tới chuyện cổ, hết chuyện cày bừa, mần ăn tới chuyện… thế giới… Các câu chuyện trải qua không biết bao nhiêu thiên, bao nhiêu hồi. Song, tới hồi chuyện ăn.

Anh Năm Ba gác nói:

– Chuẩn bị cho ba ngày Tết mệt thiệt. Rồi ba ngày Tết nghỉ ngơi, chỉ có ăn và chơi, thiệt đúng là ăn Tết.

Ông Thầy giáo gật đầu:

– Phải, phải. Năm bây nói chí phải, đúng nghĩa ăn Tết. Tết nhứt hầu hết nhà nào cũng tự chuẩn bị cho mình đầy đủ, tới chúc Tết chỉ nhấm nháp ly rượu nhâm nhi chút chút món thôi, nên nói ăn Tết không ai thấy ngượng miệng. Bởi, ăn cũng có văn hóa ăn. Như được truyền miệng, ‘ăn coi ngồi ngồi coi hướng’, ‘ăn quả nhớ kẻ trồng cây’, ‘miếng ăn là miếng tồi tàn, ăn một miếng lộn gan lên đầu’… Cho nên có những bữa tiệc tùng, có ăn uống linh đình, nhưng người được mời, tới chung vui với gia chủ là chính chứ không phải là ăn, ăn chỉ là hạng thứ yếu, do đó sẽ thường nói là ‘đi đám cưới, đi đám hỏi, đi thôi nôi, đi tân gia…”, tránh nói chữ đi ăn…

Ông Hai Xích lô ngắt lời:

– Xin lỗi ông Thầy, đó là hồi xưa thôi, bây giờ nghe nói đi ăn này nọ tuốt luốt, ‘đi ăn cưới, đi ăn sanh nhựt, đi ăn lễ…”. Đi ăn nhiều người còn tranh thủ ăn cho đủ số tiền mình bỏ bao thơ, chưa hết, có khi còn gói đem dìa.

– Dạ, đúng. Chú Hai nói có sai lời nào đâu – Ông Thầy giáo đồng tình.

Anh Bảy Thọt cười hì hì:

– Có người còn đi ăn… đám ma nữa đó. Nhiều người đùa giỡn là ‘đi ăn cháo khuya’, tới tranh thủ húp rột rẹt cho được mấy tô cháo, gặm cho bỏ mấy cục xương.

Anh Năm hổng cười nổi:

– Thiệt tình, hông biết mấy vụ này từ đâu ra nữa. Ngày càng cái ăn càng bần tiện.

Ông Thầy giáo giải đáp:

– Từ văn hóa rừng rú, hang hóc theo mấy ông cách mạng ra chứ đâu nữa. Từ rừng từ hang thì đói xanh mặt, bước ra gặp cái ăn ê hề thì con mắt hao háo lên, cho nên chỉ có ăn, ăn và ăn thôi. Cái gan thì đã lộn… xuống đít rồi (!)

Ảnh biếm họa từ internet

Anh Bảy tiếp lời:

– Ăn riết thành ra ‘ăn trên ngồi trốc’. Những tưởng đã ngồi trốc rồi thì ăn sang, nhưng không, họ càng ăn tạp, ăn dơ ăn bẩn, ăn mồ hôi, ăn xương ăn máu của dân. Bà phó Doan đã thốt lên “ăn không từ thứ gì của dân”, ăn sạch bách của dân đó.

Ông Hai Xích lô gục gật:

– Phải, dơ ăn bẩn thiệt chứ, dân làm… són cứt mới có tiền đóng thuế, vậy chẳng phải ăn cả cứt của dân là gì. Xin lỗi, năm mới năm me mà phải nói lời khó nghe.

Ông Thầy giáo lắc đầu:

– Hổng nói hổng được. Và sợ nhứt là điều hay cái đẹp thì khó học tập, nhưng cái xấu điều dở thì nó lây lan như dịch. Chẳng biết văn hóa bao nhiêu đời sẽ đi về đâu (?!)

Ông Hai Xích lô mở nắp nồi bánh, cầm lên một đòn bánh tét, với con mắt kinh nghiệm của mình, ông nói:

– Báng chín ngon lành rồi. Vớt ra thôi, đặng để bà con còn kịp cúng Giao thừa.

Câu chuyện ăn tới đây kết thúc, chứ không không biết còn kéo dài tới bao giờ.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây