Đặc quyền quan cách mạng (kỳ 3)

FB Nguyễn Thông

9-2-2018

Tiếp theo kỳ 1kỳ 2

Ảnh: internet

Thời thập niên 80 trở về trước, vừa trải qua cuộc chiến tranh kéo dài mấy chục năm, thiệt hại vật chất không biết bao nhiêu mà kể, miền Bắc dù thắng cuộc nhưng gần như chỉ còn cái xác. Những anh cả anh hai Liên Xô, Trung Quốc thấy Việt Nam thắng được Mỹ có vẻ vênh váo nên cũng ghét, cắt dần viện trợ. Tôi còn nhớ những năm 76-77 chi đó, báo Nhân Dân hãnh diện ca ngợi sức mạnh quân sự của Việt Nam giờ đây mạnh nhất khu vực, riêng hải quân có thể đứng đầu châu Á bởi thu được của hải quân Việt Nam cộng hòa (mà họ gọi là ngụy) cơ man tàu chiến hiện đại, đó là chưa kể đám quân dưới quyền đề đốc Chung Tấn Cang đã lấy không ít chiếc để chạy trốn, chứ nếu không hải quân ta sẽ vào nhóm mạnh nhất địa cầu. Cứ như cách mô tả của tờ báo lớn này thì so với tàu chiến lợi phẩm của ta, tàu dạng Hải Ưng (trong một bộ phim Trung Quốc tôi xem thời niên thiếu) chỉ là con muỗi so với đại bàng. Liên Xô cũng giảm viện trợ và bắt đầu đòi nợ, khi “bạn chí cốt trên tuyến đầu chống Mỹ” chưa có tiền trả thì lấy bằng phương tiện chiến tranh do Mỹ bỏ lại, vơ bèo vạt tép, gom cả hạt điều, tiêu, cà phê, cao su, quần áo may sẵn…, lấy tất. Dùng máu người Việt ngăn được Mỹ rồi, thế là xong nhiệm vụ quốc tế, không cần giúp theo tình hữu nghị anh em nữa. Mỹ thì ngày càng cấm vận gắt gao. Người tài bỏ nước đi từng đàn dù biết có thể bỏ mạng trên hành trình gian khổ. Đất nước vì vậy càng xơ xác, kiệt quệ. Chính ông Nguyễn Văn Linh tại đại hội 6 của đảng cầm quyền cũng phải thừa nhận tình hình đang trên bờ vực.

Thực tế là vậy, nhưng tư duy đặc quyền đặc lợi đã ngấm vào máu cán bộ mất rồi. Sau bao năm chiến tranh gian khổ, giờ phải là lúc được tận hưởng, chia phần. Không thế, ai thèm dấn thân làm cách mạng. Ngay cả những vị từng nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử, cùng sống chết với dân, ngọt bùi chia sớt “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” thời chống Pháp, chống Mỹ cũng ngày càng chễm trệ như ông lớn. Ra đường phải ngựa ngựa xe xe, đến công sở đòi bàn này ghế nọ. Một mặt họ tuyên truyền ca ngợi tấm gương lão thực, giản dị, tiết kiệm của cụ Hồ, kêu gọi dân hãy noi gương cụ, mặt khác họ lên chương trình, kế hoạch chia bôi, giành phần cho cá nhân. Họ mặc nhiên coi đó là chủ trương của đảng, của nhà nước, chứ mình trong sạch, vô can. Dân có thắc mắc lăn tăn điều gì, cứ tìm hiểu chính sách của đảng và nhà nước. Mà dân chúng an phận, ngại đụng đến chính sách (bởi bao tấm gương tày liếp đang đếm kiến trong tù còn sờ sờ ra kia) nên cán bộ cứ ung dung hưởng lợi. Dần dà, đặc quyền đặc lợi trở thành nếp, anh nào nhảy vào bộ máy cai trị cũng nghiễm nhiên ngồi “chiếu hoa cạp điều” vênh váo với làng nước.

Chính sách đặc quyền đặc lợi đã làm hư hỏng cán bộ. Tấm gương “đày tớ trung thành phục vụ nhân dân” xưa rồi. Cha làm quan, phải cố dọn đường lôi con cháu vào kế nghiệp chốn quan trường. Nếu chúng tài hèn sức mọn thì đã có cửa chạy chọt mua danh bán tước. Câu kết với nhau, anh lo con tôi, tôi lo cho con anh vào mỗi kỳ cơ cấu, bầu bán, sắp xếp nhân sự. Làm ông nọ bà kia, nếu không được hưởng hơn thiên hạ thì tranh đoạt làm gì. Hơn nhau là hơn ở căn nhà, chiếc xe, lương lậu bổng lộc do chế độ ban phát, không hơn thì thà ở nhà đuổi gà cho vợ. Cứ như thế, đích phấn đấu là những ân thưởng đặc quyền đặc lợi chứ chả phải tổ quốc nhân dân gì sất.

Điều lố bịch nhất là bộ máy cai trị không cần giấu diếm những hành vi vơ vét của họ. Họ nhân danh quốc hội, chính phủ ra những nghị quyết, nghị định quy định đẳng cấp cán bộ được hưởng đặc quyền đặc lợi, coi như luật. Chẳng hạn với cái quyết định số 32/2015 của thủ tướng chính phủ về xe công, họ tự cho phép cán bộ nào được xài xe mấy trăm triệu, cán bộ nào xe tiền tỉ, cán bộ nào xe vô giá. Thậm chí họ còn tùy tiện tới mức ngay cả người đã nghỉ làm việc rồi cũng được hưởng đặc quyền đặc lợi vĩnh viễn, suốt đời. Ví dụ điều 3 nêu rõ: “Các chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô, kể cả sau khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá cụ thể: 1. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 2. Chủ tịch nước. 3. Thủ tướng Chính phủ. 4. Chủ tịch Quốc hội”. Cứ theo như họ cắt nghĩa thì đó là sự biết ơn, đền đáp, có trước có sau, uống nước nhớ nguồn… Thế chả nhẽ những vị ấy khi đương chức đương quyền làm việc không công chắc. Ngồi ghế cao, giữ chức to thì ắt lương cao, bổng lộc nhiều, chức càng thấp thì lương bổng phụ cấp ít theo, không giữ chức gì thì chỉ làm công ăn lương theo giờ, theo sản phẩm, theo hợp đồng. Nông dân có việc của nông dân, thủ tướng có việc của thủ tướng. Không ai đáng trọng hơn ai. Xã hội đã mặc định như vậy, không để ai phải thiệt. Còn làm việc thì còn được trả công. Không làm thì thôi. Sự công bằng là ở đó. Cớ đâu lại tự định ra phép đặc quyền ban phát này nọ. Xin nhớ rằng, tất cả những khoản chi đó đều từ ngân sách, tức là tiền thuế, tiền mồ hôi nước mắt của dân.

Khách quan mà nói không phải tất cả cán bộ đều xấu, đều đặc quyền đặc lợi. Có những người tốt, rất tốt, có nhân cách, tự trọng, không hùa theo đám đông hư hỏng. Họ biết từ chối đặc quyền đặc lợi bởi hiểu rằng như thế là vô lý, là chiếm đoạt quyền lợi của dân. Đơn cử như luật sư Trần Quốc Thuận, chồng bà Võ Thị Thắng. Ông Thuận có lẽ là vị lãnh đạo cấp cao có nhân cách nhất trong bộ máy tồn tại bấy nay. Khi còn đương chức Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội, ông Thuận dứt khoát ủng hộ chủ trương khoán xe công, tự gương mẫu bắt xe ôm hoặc taxi đi làm. Nhiều người khen ngợi nhưng cũng không ít kẻ dè bỉu, nhất là những anh thấy bị động chạm đến quyền lợi. Nhưng tiếc thay, ông Thuận như một anh Đông Ki Sốt đơn độc, không phá nổi cái bờ tường bảo thủ đặc quyền đặc lợi được trung ương đổ bê tông vững chắc. Quốc hội đã bao nhiêu lần đưa việc khoán xe công, thuê nhà công vụ lên bàn nghị sự, cuối cùng đâu vẫn vào đó, ném đá ao bèo. Quốc hội còn thua, cá nhân ông Thuận ăn nhằm gì.

Một người nữa, chính tôi gặp và trò chuyện nhiều lần. Đó là cụ Nguyễn Quang Ngoạn, bác ruột của chị dâu tôi, bố vợ của bạn đồng nghiệp tôi. Cụ Ngoạn tham gia kháng chiến chống Pháp, thời những năm 70-80 đóng hàm đại tá, giữ chức Phó cục trưởng Cục Cảnh vệ (ngang cỡ thiếu tướng bây giờ). Cụ liêm khiết, tự trọng, nhất định không dùng xe công đưa đón, hằng ngày đi bộ đến nơi làm việc. Sinh thời, có lần cụ tâm sự, mình từ chối đặc lợi chứ không phải quyền lợi. Quyền lợi thì mình hưởng. Mình xứng đáng đến đâu thì hưởng đến ấy, không tham lam, không giành phần của người khác, nhất là tài sản của nhân dân, do nhân dân tạo nên.

Những người như cụ Ngoạn, như luật sư Thuận không nhiều. Như con thiên nga trắng giữa bầy quạ đen. Cứ nhìn vào đội ngũ cán bộ là có thể đánh giá được bản chất xã hội. Bao giờ tỷ lệ phải lật ngược lại thì xã hội mới trở nên tốt đẹp.

Nhà thì đòi nhà to (có những căn nhà, biệt thự tịch thu của sĩ quan, công chức chế độ cũ, cấp cho cán bộ, khi chủ nhân mới bán thu vài nghìn cây vàng), xe đắt tiền, chế độ ăn uống đặc biệt, bác sĩ riêng săn sóc sức khỏe, mua sắm cũng cửa hàng riêng, ốm đau bệnh viện riêng, nghỉ hưu vẫn cố bám lấy quyền lợi đặc biệt, dứt khoát không chịu nhả những gì đã hưởng, khi chết còn đòi mộ to sinh phần lớn nghĩa trang hoành tráng… Tất cả những thứ ấy có vẻ tạo nên một tầng lớp thượng lưu nhưng thực chất nó là cái tổ mối khổng lồ khiến con đê có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Đáng buồn cười nhất là bộ máy thể chế này mồm leo lẻo nói không đặc quyền đặc lợi nhưng chẳng ai chịu nhả những phần hà lạm mồ hôi nước mắt của dân. Giá như họ đừng nói thì đã đi một nhẽ.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Anh N Thông nói quá đúng và quá tuyệt vời .lũ chúng nó bây giờ hầu như đều thế cả ,nếu không chúng tố cho là đi sai đường .là 1 cựu quân nhân tôi chỉ nghỉ đến đồng đội tôi gần 40 năm sau cuộc chiến ponpot vẩn còn hơn cả ngàn người còn nằm lại nơi đất khách quê người .,còn cán bộ đảng ngồi mát ăn bát vàng ,có người không 1 ngày ra trận mạc ,nhưng lại muốn 1400 tỉ xây mồ chôn tập thể cho cán bộ cao cấp.nhưng có điều họ quên .khi chế độ bầy 1 ngày nào đó bị đổ sập thì sẻ không ai nằm trong các ngôi mộ đó mà yên .tôi chỉ lo họ sẻ phải chết đi sống lại ,cải táng dăm ba lần vì dân se quật nó lên để định tội.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây