Cuộc tấn công Mậu Thân 1968 trong hoàn cảnh chính trị lịch sử thế giới

Brezhnev đã phải than: “Xã hội chủ nghĩa gì mà tham nhũng, hối lộ lan tràn khắp nơi, một phần ba xe chạy ngoài đường là ăn cắp xăng của công, một phần ba bằng cấp là bằng cấp giả, công chức đến sở làm việc là đến để có mặt, sau đó là làm việc tư hay đi xem hát”.

____

Chu Chi Nam Vũ Văn Lâm

2-2-2018

Sau 50 năm tết Mậu Thân, một cái Tết ghi rõ tội ác của cộng sản vô thần Việt Nam, đánh dấu một vết nhơ trong lịch sử Việt với cả chục ngàn người chết. Bắt đầu đúng vào đêm Giao Thừa, thởi điểm linh thiêng mà mọi người dân Việt tưởng niệm công ơn các anh hùng, liệt sĩ, ơn đức sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, thì cộng sản xé bỏ hiệp định đình chiến vào 3 ngày Tết, khai hoả và tạo ra nững cuộc thảm sát khắp miền nam Việt Nam. Cao điểm là cuộc thảm sát dã man tại Huế.

Lịch sử cận đại Việt Nam, từ ngày Hồ chí Minh, được Đệ Tam Quốn tế Cộng sản đưa về, rồi nổi lên cướp chính quyền ngày 19/8/1945, đặt Việt Nam vào gông cùm cộng sản, biến đất nước trở thành bãi chiến trường của cuộc tranh hùng tư bản – cộng sản mà dân tộc Việt là nạn nhân. Từ đó đến nay, không một biến cố chính trị lịch sử quan trọng nào của Việt Nam mà không có bàn tay quốc tế. Đúng hơn là của các siêu cường: Từ Hội nghị Genève 1954, qua Hội Nghị Paris 1973, tới Hội Nghi Thành đô 1990: Genève chia đôi nước Việt Nam, Paris làm mất miền Nam, Thành đô dâng đất, nhượng biển cho Tàu cộng. Tất nhiên trong đó có cuộc tấn công của cộng sản vào dịp Tết Mậu thân 1968, đưa đến cả chục ngàn người chết, máu chảy thành sông, xương chất thành núi.

Bài viết xin được nói sơ về hoàn cảnh chính trị và lịch sử thế giới của cuộc tấn công này.

Có người nói: “Hai tội đồ của dân tộc Việt Nam trong lịch sử cận đại là Hồ chí Minh và De Gaulle”. Điều này quả không sai.

Hồ chí Minh, vì nghe lời Đệ Tam quốc tế Cộng sản, đã du nhập ý thức hệ Mác – Lê, áp đặt lên đầu dân tộc Việt, chủ trương đấu tranh giai cấp, bạo động lịch sử, xúi con đấu tố bố, vợ tố chồng, anh em, bè bạn sát hại lẫn nhau, gây ra không biết bao đau thương, tang tóc cho dân tộc.

Thêm vào đó, De Gaulle, sau khi theo chân đoàn quân Đồng minh, trở về Paris, có được chính quyền, đã quyết định lập tức gửi quân sang Đông Dương tái lập lại nền thuộc địa Pháp, trái với tinh thần công pháp quốc tế của 2 Hội nghị Yalta và Potsdam. Chính vì vậy, nước Việt đã trở thành chiến trường của cuộc tranh hùng tư bản – cộng sản, dân Việt là nạn nhân.

Cuộc tấn công Tết Mậu thân nhằm đúng vào cao điểm của cuộc tranh hùng này. Nói khác đi là cao điểm của Chiến Tranh Lạnh. Chiến tranh Lạnh bắt đầu ngay sau khi Đệ Nhị Thế Chiến (1939 – 1945) chấm dứt. Hai cường quốc dẫn đầu cuộc chiến tranh này: một bên là Liên Xô, bên kia là Hoa Kỳ.

Khi nói đến các cường quốc, chúng ta không thể không nói đến giới lãnh đạo của họ.

Phía cộng sản Liên Xô: Người lãnh đạo Liên Xô suốt trong thời gian Đệ Nhị thế chiến cho tới thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh là Staline. Ông chủ trương đẩy mạnh Chiến tranh Lạnh, như việc phong tỏa thành phố Berlin năm 1948, đứng đằng sau việc giúp đỡ Kim Nhật Thành, ông nội của Kim Chánh Vân hiện nay, xua quân xuống miền Nam Triều Tiên, với ý đồ tiêu diệt chế độ tự do, dân chủ của Lý Thừa Vãn, khiến Hoa Kỳ phải đổ bộ quân vào để giải cứu năm 1950.

Nhưng vào năm 1953, Staline bị 2 người tay em thân tín là Khrushchev và Béria đầu độc chết. Khrushchev lên thay và lãnh đạo nước Liên Xô từ năm 1953 tới năm 1964. Ông này chủ trương hòa hoãn với tư bản, đưa ra những khẩu hiệu như tư bản, cộng sản chung sống hòa bình, nguyên tử phục vụ hòa bình.

Có thể nói Khrushchev là một trong những người lãnh đạo cộng sản đã nhìn ra sự sai lầm của chủ nghĩa này, qua câu nói: “Mục đích chính của kinh tế là làm sao để tăng trưởng sản xuất, chứ không phải là chia đều sản xuất” như Marx chủ trương.

Hơn thế nữa ông còn là nạn nhân của chủ nghĩa độc tài, độc đoán, tôn thờ cá nhân của Staline. Trong nhật ký của mình, ông đã viết rằng mỗi đêm, khi nghe điện thoại của Staline kêu đi họp, ông đều phải trăng trối với vợ con, vì không biết mình còn sống để trở về hay không. Staline trong thời gian cầm quyền đã thủ tiêu 9 /10 Bộ Chính trị, 2/3 Trung Ương đảng.

Tuy nhiên thời gian cầm quyền của Khrushchev cũng không kéo dài, vì tình hình chính trị, lịch sử thế giới thay đổi nhiều. Như việc Hoa kỳ bị sa lầy ở Việt Nam, cuộc đảo chính nền Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam, tiếp theo là bất ổn chính trị với những cuộc đảo chính. Anh em Tổng Thống Diệm bị sát hại ngày 1/11/963. Chỉ 2 tuần sau thì Tổng thống Hoa kỳ bị ám sát ở Dallas.

Chính vì lẽ đó mà phe bảo thủ, chủ trương trở về Chiến tranh lạnh, cầm đầu bởi Brezhnev, trở nên mạnh, đã đảo chính Khrushchev và lên thay thế ông ta vào năm 1964.

Brezhnev đã thuyết phục được Trung ương đảng qua một chính sách gồm 2 kế sách, với một tiền đề: Đừng nghĩ tư bản mạnh hơn cộng sản, mà phải nghĩ cộng sản mạnh hơn tư bản. Chiến lược của cộng sản không thể là một chiến lược phòng thủ, mà phải là một chiến lược tấn công.

Chiến lược tấn công đó gồm 2 kế sách: Thượng sách, đó là tấn công tư bản ở khắp nơi trên thế giới, ngay ở trong lòng những nước tư bản như Hoa kỳ, Anh, Pháp, Đức, Ý v.v…, để tư bản sụp đổ, để ngọn cờ cộng sản có thể cắm ở mọi nơi.

Trung sách đó là, nếu không được, thì lấy trục Sài gòn, Pnomph Penh, Bangkok, Kabul, Moscow làm giới tuyến. Bên phía đông thuộc về cộng sản, phía tây thuộc về tư bản. Chia đôi thế giới.

Ông đã dùng 3 quốc gia làm con chốt của mình để thực hiện chính sách này: Bên Nam Mỹ và châu Phi thì dùng Cuba của Fidel Castro, bên Âu châu thì dùng Đông Đức của Honecker, bên Á châu thì dùng cộng sản Việt Nam của Lê Duẩn.

Lê Duẩn của Việt Nam gặp được Brezhnev là như cá gặp nước, hết mình tuân theo ông này, sẵn sàng làm con chốt lót đường, dù hy sinh bao nhiêu sinh mạng dân Việt, nhất định đánh vào miền Nam.

Cuộc tấn công Tết Mậu Thân nằm trong kế hoặch quốc tế của Liên Xô, và Lê Duẩn nhất nhất thi hành.

Cũng bắt chước cách lập luận của Brezhnev, Lê Duẩn có viết một bài trong tạp chí Học Tập số 2.1964, nay là tạp chí Cộng sản, mang tựa đề “Một vài vấn đề trong nhiệm vụ quốc tế của đảng ta”. Ông viết :

“ … Nhìn tổng quát tình hình thế giới, phân tích những đặc điểm và những qui luật phát triển của ba vùng (ba vùng: các nước xã hội chủ nghĩa, các nước dân tộc chủ nghĩa và phong trào nhân dân lao động trong các quốc gia tư bản chủ nghĩa – Lời tác giả bài này), chúng ta thấy rằng, lực lượng của cách mạng, lực lượng của chủ nghĩa xã hội và của hòa bình hơn hẳn lực lượng của đế quốc phản động và chiến tranh. Chúng ta mạnh hơn địch. Vì vậy cách mạng không thể ở thế thủ, chiến lược cách mạng không nên là thế thủ ; mà cách mạng đang ở thế tấn công ; chiến lược cách mạng nên là chiến lược tấn công, phá từng chính sách chiến tranh một, đi đến phá toàn bộ kế hoặch gây chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ cầm đầu, nhằm đánh lùi từng bước một và đánh đổ từng bộ phận chủ nghĩa đế quốc, đi đến thủ tiêu hoàn toàn chủ nghĩa đế quốc…”

Theo kế hoạch Thượng sách của Brezhnev, vào đầu năm 1967, một phái đoàn quân sự Liên Xô đã lén lút qua Hà nội, rồi bay qua Cam bốt, vào miền Nam Việt Nam. Sau một thời gian quan sát, họ đã đi đến kết luận là chiến lược “Nông thôn bao vây thành thị“, chỉ đánh du kích của Mao trạch Đông là hoàn toàn thất bại, phải nâng cao chiến lược lên hàng sư đoàn, và bắt đầu bằng cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968.

Brezhnev không phải chỉ tấn công ở Việt Nam, mà tấn công ở trên toàn thế giới, từ Âu châu, với những cuộc khủng bố giết 2 người Chủ tịch nghiệp đoàn, chủ nhân ông ở Đức và ở Ý ; ở Pháp, do đảng Cộng sản Pháp đứng đằng sau, với sự hậu thuẫn của nghiệp đoàn thợ thuyền, sinh viên học sinh, đã bắt đầu cuộc đình công vô tiền khoáng hậu, bắt đầu vào tháng 5/1968. Ở Mỹ cũng vậy, những phong trào bị giới thiên tả trà trộn, cộng với phong trào sinh viên học sinh đòi hòa bình cũng đã biểu tình. Người ta có thể nói, chế độ gần như bị lung lay.

Tuy nhiên, chế độ tư bản bị lung lay, nhưng không bị sụp đổ như Brezhnev và những người cộng sản mong đợi.

Brezhnev đành bước sang Trung sách: chia đôi thế giới, lấy trục Sài gòn, Pnomph Penh, Bangkok, Kabul, Moscow làm giới tuyến, phía đông thuộc về cộng sàn, phía tây thuộc về tư bản.

Tuy nhiên kế sách này bị một miếng xương mắc họng. Đó là Trung cộng. Cuộc tranh chấp đòi quyền lãnh đạo thế giới cộng sản giữa Trung cộng và Liên Xô trở nên gay gắt và cao điểm vào thập niên 70.

Và thế giới cộng sản hoàn toàn bị chia đôi, khi Nixon gặp Mao vào năm 1972, rồi Brezhnev chết năm 1983 và Liên Xô sụp đổ vào năm 1990.

Trước khi chết, Brezhnev thấy chính sách của mình gồm Thượng sách và Trung sách hoàn toàn thất bại, đã phải than: “Xã hội chủ nghĩa gì mà tham nhũng, hối lộ lan tràn khắp nơi, một phần ba xe chạy ngoài đường là ăn cắp xăng của công, một phần ba bằng cấp là bằng cấp giả, công chức đến sở làm việc là đến để có mặt, sau đó là làm việc tư hay đi xem hát”.

Trở về phía Hoa kỳ với cuộc tấn công Tết Mậu thân 1968. Người Hoa kỳ thay thế người Pháp ở Việt nam sau Hiệp định Genève 1954.

Vị Tổng thống gửi quân theo đúng nghĩa lúc đầu là những cố vấn sang Việt Nam là ông Kennedy. Rồi ông này chết vì bị ám sát năm 1963. Người kế vị là ông Johnson. Johnson đã gửi quân ồ ạt sang Việt Nam từ năm 1965, đến cao điểm với cả nửa triệu quân vào thời điểm tấn công Tết mậu thân 1968.

Chính sách về Việt Nam của cả 2 đời tổng thống Kennedy và Johnson, là do Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara đảm trách, bị mắc nhiều sai lầm.

Nhưng sai lầm lớn nhất, đó là McNamara nhìn chiến tranh Việt Nam dưới khía cạnh kỹ thuật, quân sự, không có chính trị, cho rằng cuộc chiến này có thể chiến thắng bằng vũ lực hùng hậu, với tiền bạc, vũ khí.

Chính vì vậy mà có cuộc đảo chính chế độ Đệ nhất Cộng Hòa ở miền Nam, khi ông Ngô Đình Diệm đã có thể dựng lại ngọn cờ quốc gia, bị chao đảo dưới thời Pháp thuộc. Khi Đệ Nhất Cộng hòa không còn nữa, ngọn cờ quốc gia bị vùi dập, với những cuộc đảo chính liên tiếp và với sự có mặt của nửa triệu quân Mỹ.

Johnson gửi quân đến VN ở mức cao điểm nhất, nhưng vẫn không thể thắng cuộc chiến, đành phải nghĩ đến giải pháp chính trị, không gì hơn là thương thuyết, công nhận Mặt trận Giải phóng miền Nam, được dựng lên bởi cộng sản Hà nội năm 1960. Từ đó người ta đi đến Hiệp định Paris 1973. Mỹ rút quân khỏi miền Nam và miền Nam sụp đổ năm 1975.

Miền Nam thất bại bởi nhiều nguyên do, trong đó có sự sai lầm trong chiến lược rút quân của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tạo ra khủng hoảng, làm mất tinh thần dân quân nhưng cũng có những nguyên do chính do các cường quốc quyết định đó là chính sách tấn công tư bản của Liên Xô cộng thêm sai lầm chiến lược của Hoa Kỳ. Người Mỹ chỉ mong rút quân khỏi chiến trường Việt Nam, đã công nhận Mặt trận Giải phóng miền Nam, một cộng cụ xâm lăng của cộng sản Việt Nam, ép chính quyền miền Nam ký kết Hiệp định Paris với đầy bất công và thiếu sót. Và sự thiếu sót và sai lầm lớn nhất là không bắt Cộng sản phải rút toàn bộ quân chính quy khỏi miền Nam.

Nhìn lại cuộc tấn công Tết Mậu Thân, chúng ta thấy cộng sản Việt Nam đã tạo ra một trang sử đẫm máu và đau thương nhất, là một sự lừa đảo, giết người lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Ngày nay, bắt đầu bởi sự mù quáng của Hồ Chí Minh, đã du nhập chủ nghĩa Cộng sản vào Việt Nam, đưa đến hậu quả là Việt Nam đang bị đô hộ bởi Tàu lần thứ 5. Cuộc đô hộ này kéo dài bao lâu là tùy ở tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của cả người dân trong và ngoài nước, tùy theo những cá nhân còn tinh thần quốc gia dân tộc trong hàng ngũ quân cán chính ở trong đảng Cộng sản, tùy theo những tổ chức quốc gia yêu nước.

Ngẫm lại lịch sử, thời kỳ bị đô hộ nào cũng có những khó khăn của nó, thể mà ông cha ta vẫn kiên cường đứng lên đuổi quân xâm lăng về nước. Họ cũng không có một tấc sắt trong tay lúc ban đầu, họ cũng chẳng có chính quyền. Cái mà họ có chính là chính nghĩa và lòng dân.

Ngày nay, những người Việt quốc gia, yêu nước, cũng đang được lòng dân, có chính nghĩa, hơn nữa chúng ta còn có thuận lợi, đó là mọi người Việt Nam đều nhận ra và lên án chính sách bành trướng của Trung Cộng. Chúng ta phải tự lực cánh sinh, tự trông cậy vào mình trước. Nhưng chúng ta cũng phải biết cập nhật hóa cuộc đấu tranh của chúng ta, để cho nó theo kịp đà tiến bộ của nhân loại, đồng thời vận động sự hỗ trợ của quốc tế, không nhất thiết một vài nước, mà càng nhiều càng tốt, không nhất thiết là chính quyền, có thể là những tổ chức nhân quyền, đấu tranh cho tự do, dân chủ quốc tế, không nhất thiết là những tổng thống, thủ tướng, ngoại trưởng, mà có thể là những nghị sĩ, thượng nghị sĩ, những viện nghiên cứu, đại học, không cần đi sao chép tư tưởng, ý thức hệ ngoại bang, như cộng sản đã làm, mà cần dựa trên căn bản tư tưởng cổ truyền, được cập nhật hóa.

Cuộc đấu tranh cho Độc lập Quốc gia, cho Tự do, Dân chủ, Nhân quyền còn có rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, chắc chắn nó sẽ đi đến thành công khi mỗi người Việt Nam chúng ta chung vai sát cánh, biến ý thức thành hành động.

Paris ngày 02/02/2018

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết không gây thu hút đặc biệt và thuyết phục được độc giả về hình thức và nội dung
    Về hình thức, bài viết không theo một bố cục chặt chẽ mà chỉ là những tản mạn bên lề, không giúp cho người đọc theo dõi nội dung vấn đề một cách liên tục.
    Về nội dung, các sử gia đều đồng thuận là Lê Duẩn là nhân vật chủ yếu quyết định trong chiến dịch Mậu Thân khi dựa vào thanh thế của Trung Quốc hơn là Liên Xô. Thực tế cho thấy là sau khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam năm 1965, tình hình biến chuyển bất lợi cho CSBV, miền Bắc không còn hy vọng về đấu tranh cách mạng giải phóng, nên mới tìm cách thay đổi thay đổi binh pháp từ năm 1967. Tài liệu trong tạp chí Học Tập vào năm 1964 của Lê Duẩn không còn giá trị cho tình hình. Các luận giải về vai trò Hồ chí Minh và De Gaulle lại càng không phù hợp cho tình hình hình mới.
    Tác giả không có những dẫn chứng so sánh ảnh hưởng của Nga và Tàu trong việc quyết định trực tiếp cho việc Tổng tấn công Mậu Thân. Đó là chủ đề chính cần trưng dẫn bằng chứng, một đề tài mà tác giả tự giới hạn.
    Vấn đề thất bại của Nguyễn văn Thiệu trong năm 1975 không liên hệ gì đến chiến cuộc Mậu Thân, nên không cần thảo luận.
    Phần kết luận thay vì nêu lên kết qủa là tương quan nhân quả trong quan hệ quốc tế và chiến cuộc Mậu Thân (Hoa Nga ai chủ động cho Lê Duẩn trong quyết định cuộc chiến Mậu Thân), như một bài học lịch sử, tác giả lại nói về triển vọng đấu tranh của người Việt tương lai. Một chuyện lạc đề với đề tài cho vấn đề 1968.
    Tóm lại, bài viết cần tu chỉnh toàn bộ

  2. Không thể đổ lỗi cho TT Thiệu trong việc rút quân ở Tây nguyên về là một sai lầm chiến thuật được.
    Nếu một người dân bình thường thôi,ai ai cũng biết Tây nguyên là điểm chiến lược,lẽ nào TT Thiệu lại không biết khi ông đã từng là một tướng lãnh?Vấn đề là tại sao ông phải rút?
    Mỹ nó đã phản bội rồi thì khi nó đã bán đồng minh rồi thì có muốn giữ cũng chẳng giữ được.Lính tráng có súng nhưng không có đạn,phi cơ không có nhiên liệu để bay thì chỉ còn là khúc củi hay đống sắt vụn mà thôi.Nếu không rút thì để binh sĩ phơi ngực ra cho VC nó bắn à?
    Thân phận một nước nhược tiểu nó khổ thế.Miền Nam hay miền Bắc cũng như nhau thôi,chẳng khác gì.Chỉ là một quân cờ trên bàn cờ thế giới.Kẻ chơi cờ là kẻ có tiền,bất kể là tiền gì.
    Ai cũng biết phải tự lực,tự cường mới mong tồn tại được.Nhưng tự lực,tự cường bằng cách nào thì không ai giải thích được.
    Trong tình hình hiện nay,chỉ có Trung cọng sụp đổ hoặc Việt nam là quyền lợi sát sườn của Mỹ thì mới mong thay đổi theo hướng tích cực được.
    Cụ thể,chúng ta có thể phát hoạ một cách chấm phá như thế này:
    Mỹ ,bản chất là một con buôn.Mỹ đang làm ăn với Trung cọng,vì Trung cọng có dân đông.Trung cọng lại đang ủng hộ cho nhà cầm quyền CSVN để nhằm từng bước chiếm VN,mở rộng lãnh thổ.Nên nhớ là bọn tư bản rất thích làm ăn với những nước CS vì họ thấy ở đó có hai yếu tố thuận lợi,đó là lãnh đạo ngu dốt ,dễ thao túng,mua chuộc và ổn định,nghĩa là sẽ không có hoặc có rất ít khi đình công nhằm đòi hỏi quyền lợi mỗi khi bị bóc lột.
    Cho nên,chừng nào mà VN ta còn thiếu hai yếu tố nêu trên,thì dù có nêu vấn đề nhân quyền ra quốc tế thì Mỹ nó cũng ngó lơ thôi.

Comments are closed.