Hiếu Bá Linh
16-1-2018
Trong chương trình viện trợ cho Việt Nam, Chính phủ Đức rất quan tâm đến việc giúp Việt Nam xây dựng một Nhà nước Pháp quyền. Ngay ngày khai mạc phiên tòa ở Hà Nội xét xử Trịnh Xuân Thanh và 22 bị cáo, Chính phủ CHLB Đức một lần nữa yêu cầu xét xử Trịnh Xuân Thanh theo chuẩn mực của Nhà nước Pháp quyền và được giám sát bởi quan sát viên quốc tế.
Hôm nay ngày 16.01.2018, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội đã bắt đầu mở một chuyên mục trên Facebook của mình để thông tin và giải thích về Nhà nước Pháp quyền Đức. Chuyên mục này được thực hiện hàng tuần và được viết bằng 2 thứ tiếng Đức và Việt:
Nhà nước pháp quyền Đức
Theo Luật cơ bản (hiến pháp), Đức là một nhà nước pháp quyền cộng hòa, dân chủ và xã hội. Nhưng ta hiểu chính xác như thế nào về một nhà nước pháp quyền?
Nhà nước Đức bảo đảm cho mọi công dân sự an toàn pháp lý và các quyền cơ bản. Khái niệm nhà nước pháp quyền tồn tại ở Đức ngay từ thế kỷ 19 và diễn tả một nhà nước, mà trong đó chính phủ và bộ máy hành chính phải hành động theo các đạo luật hiện hành. Các đạo luật được quốc hội quyết định và các nghị sĩ của quốc hội được công dân Đức bầu ra. Để có được một nhà nước pháp quyền toàn diện, phải đáp ứng từng nguyên tắc. Đó là các tiêu chí như tự do, phân chia quyền lực, sự độc lập của tòa án, đối xử bình đẳng và các quyền con người.
Trong thời gian tới, hàng tuần chúng tôi muốn giải thích cụ thể cho các bạn những tính chất tạo nên nhà nước pháp quyền Đức.
____
Chương trình hợp tác đối thoại nhà nước pháp quyền giữa Việt Nam và Đức
Được biết, trong chương trình hợp tác phát triển giữa 2 nước Việt Nam và Đức (tức là chương trình viện trợ cho Việt Nam) Chính phủ Đức không chỉ giúp đỡ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi kinh tế mà còn hỗ trợ Việt Nam trong quá trình cải cách hệ thống pháp luật trong khuôn khổ Đối thoại nhà nước pháp quyền Đức-Việt.
Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Steinmeier ký “Tuyên bố chung hợp tác trong lĩnh vực Pháp luật và Tư pháp giữa Chính phủ nước CHLB Đức và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam“ vào ngày 29/2/2008 tại Hà Nội, Đức và Việt Nam đã tiến hành đối thoại tích cực về nhà nước pháp quyền.
Với khoảng 70 hội thảo, các cuộc trao đổi về chuyên môn và các chuyến đi khảo sát mỗi năm, Chương trình hợp tác đối thoại nhà nước pháp quyền giữa Việt Nam và Đức bao gồm 11 lĩnh vực lớn, với 44 chủ đề hợp tác phù hợp với Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp của Việt Nam, trong đó có đào tạo cán bộ cho Việt Nam như bồi dưỡng thẩm phán, công tố viên, luật sư và công chứng viên.
Phía Đức có khoảng 80 cơ quan nhà nước và phi chính phủ định kỳ tham gia thực hiện các hoạt động [ví dụ như Bộ Tư pháp Liên bang, Tổ chức Hợp tác quốc tế về pháp luật Đức (IRZ), Bộ Tư pháp bang Hessen, Viện Konrad-Adenauer (KAS), Vỉện Friedrich-Ebert (FES)] hoặc tham gia không định kỳ bằng cách cử báo cáo viên tham gia đối thoại nhà nước pháp quyền ở Đức và Việt Nam (ví dụ như Đoàn luật sư liên bang, Đoàn luật sư Frankfurt, Hội thẩm phán Đức, trường ĐH Georg-August ở Göttingen). Một dự án nổi bật của Đối thoại nhà nước pháp quyền Đức-Việt là việc thành lập một trung tâm pháp luật Đức tại trường ĐH Luật Hà Nội.
Với một quy mô như vậy và được thực hiện liên tục trong một thời gian dài gần 10 năm, nhưng kết quả của “Chương trình hợp tác đối thoại nhà nước pháp quyền” hầu như là số không, khi luật pháp Đức bị chà đạp ngay trên lãnh thổ Đức qua vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin. Bao nhiêu kinh phí hỗ trợ Việt Nam (tiền thuế của người dân Đức) trong “Chương trình hợp tác đối thoại nhà nước pháp quyền” coi như là đã “đổ sông, đổ biển” không có kết quả. Chính phủ Đức buộc lòng phải tạm cắt đứt quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, một nước mà đã “bội tín lòng tin” (Vertrauensbruch).
Một trong những yêu cầu của phía Đức để hàn gắn lại sự đổ vỡ này là Việt Nam phải thực hiện Nhà nước Pháp quyền. Ngay ngày khai mạc phiên tòa ở Hà Nội xét xử Trịnh Xuân Thanh và 22 bị cáo, Chính phủ CHLB Đức một lần nữa yêu cầu xét xử Trịnh Xuân Thanh theo chuẩn mực của Nhà nước Pháp quyền.