Trịnh Xuân Thanh đã từng tuyệt thực vì bị ép cung và phải nằm trong bệnh viện nhiều ngày

Hiếu Bá Linh

8-1-2018

Trịnh Xuân Thanh bị công an còng tay và áp tải ra tòa án hôm 8.1.2018 tại Hà Nội. Ảnh: internet

Trịnh Xuân Thanh đã từng tuyệt thực vì bị ép cung và phải nằm trong bệnh viện nhiều ngày. Trung tướng Đường Minh Hưng có thể bị Chính phủ Đức truy nã quốc tế.

Đó là tin mới nhất của tờ Süddeutsche Zeitung, nhật báo có tầm vóc Liên bang và lớn nhất nước Đức. Trong bài báo mang tựa đề “Dẫn độ” và ngay dưới tựa đề là hàng tít phụ: “Tại Việt Nam phiên tòa xét xử một cựu quan chức bắt đầu, mà người này bị mật vụ Việt Nam bắt cóc giữa ban ngày ở Berlin. Ông ta đang đối diện với một bản án kết tội. Đức đang vận động trả tự do cho ông”.

Ảnh chụp bài báo trên nhật báo Süddeutsche Zeitung (bản điện tử online). Nguồn: Süddeutsche

Bài báo của tờ Süddeutsche Zeitung có nêu ra một chi tiết mới: Trong nhà tù B14 ở Việt Nam, tù nhân Trịnh Xuân Thanh bị ép buộc phải thú nhận tội lỗi. Vì thế ông Thanh hình như đã phản đối bằng cách tuyệt thực và phải nằm trong bệnh viện nhiều ngày. Cuối cùng ông Thanh đã cự tuyệt, không thú tội.

Tin này phù hợp với những điều được tờ Thoibao.de nêu ra trong bài báo vừa qua, xin trích lại:

Lần đầu tiên kể từ ngày bị bắt cóc áp tải về nước hơn 5 tháng nay, thân nhân đã được cho vào thăm Trịnh Xuân Thanh trong trại giam B14.

Sau khi vào thăm, ông Trịnh Xuân Giới cha của ông Thanh cho DPA biết, con trai ông bác bỏ những cáo buộc [trong Bản cáo trạng]. Đồng thời ông trích dẫn lời nguyên văn lời nói của Trịnh Xuân Thanh: “Là người đứng đầu của công ty tôi phải chịu trách nhiệm, nếu cấp dưới của tôi đã gây ra thiệt hại cho công ty bởi những hành động của họ “.

Đây là một chỉ dấu cho thấy những lời đồn đoán từ bấy lâu nay trong dư luận nói rằng, Trịnh Xuân Thanh đã khai báo ra tất cả, là không đúng sự thật.

Một chỉ dấu khác, lý do tại sao trong số 22 bị can, chỉ có Trịnh Xuân Thanh bị Viện Kiểm sát Nhân dân đề nghị áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc?

Để trả lời câu hỏi này xin trích nguyên văn từ bản tin của tờ Tiền Phong: “Cáo trạng của Viện KSND Tối cao kết luận, bị can Trịnh Xuân Thanh khai báo không thành khẩn, quanh co chối tội; sau khi phạm tội đã bỏ trốn, gây khó khăn, cản trở cho quá trình điều tra, đề nghị áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc“.

Vậy những đồn thổi từ trước đến nay cho rằng, những nhân vật khác, thí dụ như Đinh La Thăng bị bắt là do những lời cung khai của Trịnh Xuân Thanh, là có phù hợp với sự thật hay không?

Trong bài báo mới nhất của tờ Süddeutsche Zeitung cũng đề cập đến Trung tướng Đường Minh Hưng:

Trung tướng Đường Minh Hưng- Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục an ninh, Bộ Công an. Ảnh: internet

Về vụ việc Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin đã tham gia vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh sâu đậm đến mức độ như thế nào, thì đã được tờ Süddeutsche Zeitung, đài truyền hình NDR và WDR tiết lộ trong bài tường thuật hồi đầu tháng 12/2017. Tiết lộ này rõ ràng đã gây ra sự chú ý ở Việt Nam. Theo tin nhận được, nhà cầm quyền ở Hà Nội đã giật mình hoảng sợ về một bí mật đã bị lộ ra: “Trung tướng Đường Minh Hưng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục an ninh, Bộ Công an đã sang Berlin trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh”. Có lẽ Chính phủ Đức giờ đây có thể truy nã quốc tế Trung tướng Đường Minh Hưng.

Ngoài ra, như Thoibao.de đã đưa tin, Việt Nam không cho báo chí quốc tế tham dự phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh và 21 bị can. Và hôm Thứ Sáu 5.1.2018, Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin đã triệu tập Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng lên để trao đổi về yêu cầu của phía Đức mong muốn Đại sứ quán Đức ở Hà Nội được tham dự phiên tòa với tư cách quan sát viên.

Tin mới vừa nhận được, một đại diện Đại sứ quán Đức ở Hà Nội và một người phiên dịch đã tham dự phiên tòa khai mạc hôm nay ngày 08.01, và sẽ tham dự toàn bộ phiên toà kéo dài trong 2 tuần.

Ngoài ra, Đại sứ Bruno Angelet, trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, cho biết đại diện của EU cũng tham dự toàn bộ phiên toà với tư cách quan sát viên.

Bình Luận từ Facebook