Vì sao căng thẳng lại gia tăng ở Biển Đông?

Forbes

Tác giả: Peter Pham

Dịch giả: Trúc Lam

19-12-2017

Lực lượng đặc nhiệm Philippines điều khiển một tàu đổ bộ trên biển ngày 15/5/2017 tại Tỉnh Casiguran, Philippines. Ảnh: Dondi Tawatao / Getty Images

Ngày 10 tháng 10 năm 2017, tàu khu trục hải quân Mỹ, USS Chafee áp sát bên ngoài khu vực 12 hải lý, quanh quần đảo Hoàng Sa, quần đảo đang tranh chấp ở Biển Đông. Đây là lần thứ tư Mỹ thực hiện chiến dịch “tự do hàng hải” kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức. Cùng lúc đó, không quân Hoa Kỳ cũng đã cho hai chiếc máy bay ném bom bay trên không phận bán đảo Triều Tiên, một hành động được xem là biểu dương sức mạnh quân sự.

Các hoạt động này không phải là hoạt động tuần tra hay tập trận như thường lệ, mà là hành động mới nhất trong nước cờ đa chiều ở một trong những khu vực tranh chấp và nhạy cảm nhất thế giới. Chỉ cần một tính toán sai lầm nhỏ nhất từ​ hai phía, có thể sẽ gây những hậu quả rất lớn với hàng ngàn tỷ đô la thương mại và hàng tỷ sinh mạng, không những ảnh hưởng trực tiếp lên các vùng lân cận mà còn ảnh hưởng trên toàn cầu.

Thương mại trên biển Đông theo tỷ lệ phần trăm trên tổng mậu dịch. Nguồn: One Road Research

Bao quanh bởi Malaysia ở phía Nam, Philippines ở phía đông và phía tây là Việt Nam, Biển Đông là một trong những vùng giàu tài nguyên nhất trên trái đất và chiếm 1/3 lưu lượng vận chuyển trên thế giới. Nơi đó có khoảng 28 tỉ thùng dầu, 260 ngàn tỷ feet khối (cubic feet) dầu khí và 10% thủy sản trên thế giới.

Ảnh: Giàn khoan dầu ở Vũng Tàu, cửa sông Sài Gòn của Việt Nam ở biển Đông. Nguồn: Shutterstock

Là tuyến đường biển nối liền giữa châu Á và châu Âu, Biển Đông vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế xuất nhập khẩu của các cường quốc trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bên cạnh giá trị thương mại và kinh tế, tầm quan trọng về mặt địa chính trị của nó cũng rất lớn. Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ trong khu vực, đe dọa xung đột với một số nước khác, những nước đang trông chờ vào Mỹ để bảo vệ các tuyên bố lãnh thổ của họ.

Các nước như Philippines, Đài Loan, Malaysia, Brunei, Indonesia, Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền trên các phần của Biển Đông mà nó thường bị chồng chéo với nhau. Tình thế rất nhạy cảm này nên một số nước thậm chí không gọi đó là “biển Hoa Nam” vì nó có thể ngụ ý rằng tất cả đều thuộc về Trung Quốc.

Chuyện đã xảy ra như thế nào?

Theo luật quốc tế, các quốc gia có thể tuyên bố chủ quyền lên đến 200 hải lý tính từ bờ biển của họ. Quá 200 dặm bên ngoài vùng nước nội thủy từ bất kỳ quốc gia ven biển nào đều được coi là vùng biển quốc tế và không thuộc chủ quyền của bất cứ ai.

Tuy nhiên, là siêu cường quốc trong khu vực, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra chủ quyền lịch sử trên 90% trong khu vực, mà chúng đã được vạch ra bằng “Đường Chín Đoạn”.

Những tuyên bố chồng chéo về chủ quyền đã dẫn đến một danh sách dài những rắc rối mà trong đó mỗi nước liên quan đã cố gắng đòi quyền kiểm soát của mình đối với các phần trong khu vực mà họ cho là của họ, điều này đã tạo ra tình huống hết sức căng thẳng, có thể dẫn tới đối đầu vũ trang.

Năm 2014, Trung Quốc đã đặt một giàn khoan dầu tại quần đảo tranh chấp Hoàng Sa, nơi mà họ đã tuyên bố chủ quyền từ khi xảy ra cuộc chiến chóng vánh với Việt Nam vào năm 1974.

Hành động này đã làm dấy lên căng thẳng giữa hai kẻ thù lịch sử, Trung Quốc đã cho đặt một loạt các bệ phóng tên lửa ở một bãi ngầm đang tranh chấp trong khu vực, nhằm ngăn cản mọi hoạt động của hải quân Việt Nam.

Như chúng tôi đã viết trước đây, xung đột trong khu vực này không có gì mới. Tuy nhiên, cái mới ở đây là tác động của bất kỳ hành động quân sự nào cũng sẽ ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu.

Có hơn 250 đảo ở Biển Đông, từ những hòn đảo nhỏ có người ở nằm rải rác trên biển, đến các rạn san hô ngầm hay những dải cát nhỏ.

Tuy nhiên, Trung Quốc với khát vọng công nghệ kết hợp với sự quyết đoán đã thực hiện việc cải tạo mở rộng rạn san hô và những bãi cạn, thành đảo nhân tạo để phục vụ căn cứ hải quân trong khu vực.

Những hành động này rõ ràng là tạo cảm giác lo lắng cho nhiều nước láng giềng của Trung Quốc, những nước xem việc Bắc Kinh gia tăng sự quyết đoán nhằm kiểm soát toàn bộ vùng biển, bao gồm nguồn tài nguyên và các tuyến giao thông thương mại.

Mối quan tâm của họ không phải là không có cơ sở. Ngoài cái gọi là “quân sự hóa” ở các rạn san hô, Trung Quốc cũng đã đề cập đến việc thiết lập một “vùng nhận dạng phòng không” ở trong khu vực, buộc bất kỳ máy bay nào muốn qua khu vực này, đều phải được sự cho phép của họ.

Hành động này đã buộc các nước lên tiếng. Năm 2016, Toà án Trọng tài Thường trực (một cơ quan quốc tế có nhiệm vụ làm trung gian hòa giải các tuyên bố chủ quyền) đã phán quyết Philippines thắng kiện, chống lại các tuyên bố của Trung Quốc đòi một phần trên biển.

Không có cách nào để thực thi phán quyết và Trung Quốc đã lờ đi, nhưng thị trường nhận ra mối nguy và giá dầu thô kỳ hạn trên thị trường thế giới (Brent crude oil futures) tăng lên 1 USD/ thùng.

Chính sách “xoay trục châu Á” của Obama

Quyết tâm mở rộng của Trung Quốc trong khu vực quan trọng này đã buộc Hoa Kỳ phải lưu ý và dành nhiều thời gian với nguồn lực hơn cho khu vực này.

Obama nhận thấy cần thiết phải tăng cường sự có mặt của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và làm cho nơi này trở thành nền tảng trong chính sách đối ngoại của ông. Ông quan sát sự gia tăng đáng kể các cuộc tuần tra của Hải quân Hoa Kỳ nhằm tăng cường tự do hàng hải trong khu vực, để xem Trung Quốc có cố gắng kiềm chế hoặc đơn phương ngăn chặn.

Về phần mình, Trung Quốc tuyên bố Hoa Kỳ đang làm cho cơn khủng hoảng lớn hơn, để cố gắng kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc – và “chính đáng” – của họ trong khu vực và xa hơn nữa. Cuối cùng, tranh chấp có thể được tập trung trong khu vực, nhưng nó là một phần của cuộc đấu tranh địa chính trị rộng lớn hơn, đang được tiến hành giữa hai siêu cường.

Do đó Mỹ tiếp tục tập trung sự chú ý trong khu vực có thể thấy dưới thời tổng thống Trump.

Nước cờ trên biển

Tình thế hiện tại đã làm cho Trung Quốc ở vào thế chống lại Mỹ và các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực, mặt khác có vài dấu hiệu của bất cứ ai muốn thoái lui.

Trung Quốc đã không bác bỏ đàm phán ngoại giao, nhưng nhất định đàm phán song phương với từng nước đưa ra yêu sách – điều này giúp họ dễ mặc cả hơn – chứ không phải đàm phán với một nhóm mà Mỹ đã cố gắng thúc đẩy.

Đây không phải là tình huống dễ dàng để kiềm chế các nước nhỏ hơn có tuyên bố chủ quyền. Trong khi nhiều người mong chờ Hoa Kỳ bảo vệ, sức nặng kinh tế của Trung Quốc có thể chịu ảnh hưởng ở mọi nơi trong khu vực, thể hiện trong biểu đồ bên dưới.

Đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc năm 2016. Ảnh: One Road Research

Với 39 tỷ Mỹ kim (16%), Trung Quốc nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ của Malaysia nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Trung Quốc cũng mua thêm hàng hoá từ Philippines hơn Mỹ mua, chiếm 16,2 tỷ Mỹ kim (21%) xuất khẩu. Với 38 tỷ Mỹ kim (21%) Mỹ vẫn dẫn đầu về hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhưng Trung Quốc chắc rằng ​​sẽ vượt qua vào năm 2030.

Định hướng xuất khẩu của Trung Quốc và chỉ số SHCOMP. Nguồn: One Road Research

Các công ty Trung Quốc cũng sẽ được hưởng lợi từ quan hệ liên kết gia tăng này, như biểu đồ minh họa bên dưới.

CÁC NHÀ XUẤT KHẨU TRUNG QUỐC LỚN NHẤT TRONG CHỈ SỐ CHỨNG KHOÁN THƯỢNG HẢI (SHANGHAI COMPOSITE INDEX)

Mã số Tên công ty Doanh thu nước ngoài (%) Vốn hóa thị trường (tỷ đô la Mỹ)
SSE: 601857 Công ty TNHH PetroChina 31,9 31,9
SSE:  601988 Ngân hàng Trung Quốc 24,72 26,68
SSE: 600028 Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc 22,93 15.75
SSE:  601800 Công ty TNHH Xây dựng Truyền thông Trung Quốc 20,18 5
SSE:  603993 Công ty TNHH Molybdenum Trung Quốc 56,16 3,43
SSE:  601669 Công ty TNHH Xây dựng Điện Trung Quốc 22,8 2,83
SSE:  601881 Công ty Cổ phần Chứng khoán Trung Quốc Galaxy 97,73 2,81
SSE: 600309 Công ty TNHH Hóa chất Wanhua Group 20,86 2,74
SSE:  601111 Air China Ltd 34,89 2,6
SSE: 600690 Qingdao Haier Co Ltd 39,85

Do đó, những nước như Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Philippines là những nước có tranh chấp lãnh thổ với siêu cường phương Bắc, buộc phải xem xét kỹ lưỡng, về việc họ có thể thúc đẩy các tuyên bố của họ đi xa như thế nào để không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của họ.

Peter Pham là giám đốc điều hành của quỹ đầu tư Phoenix Capital. Ông còn là tác giả cuốn sách “Thương mại lớn: Các chiến lược đơn giản để thu lợi tối đa trên thị trường” và là người thực hiện chương trình “The Big Trade Series”.

© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook