Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Như trong phim điệp vụ

Dân Luận

6-12-2017

Ngay trong mùa hè, một nhà quản trị hàng đầu và đồng thời là chính trị gia của Việt Nam bị bắt cóc giữa thanh thiên bạch nhật ở Berlin. Theo thông tin từ đài NDR, WDR và nhật báo ​​“Süddeutsche Zeitung” chiến dịch này do Mật vụ và Sứ Quán Việt Nam tại Berlin tổ chức thực hiện từ đầu tới cuối.

Bài của Markus Grill, đài NDR/WDR và Antonius Kempmann, đài NDR.

Vào hồi 10 giờ 48 phút Cảnh sát thành phố Berlin đã nhận được cuộc gọi điện thoại khẩn cấp đầu tiên trong nhiều cuộc gọi khẩn cấp tiếp sau đó, những người qua đường mô tả một cách đầy xúc cảm về một người đàn ông và một người phụ nữ trẻ bị đánh đập và bị lôi kéo vào một chiếc xe VW Transporter gần Đài Chiến Thắng diễn ra ngay trước mắt họ. Bốn hoặc năm thủ phạm gốc châu Á cùng nạn nhân đã phóng đi mất dạng.

Một ngày sau vụ việc trở nên rõ ràng, người đàn ông bị bắt cóc là Trịnh Xuân Thanh, cho đến năm 2012 vẫn còn là Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam và cho đến năm ngoái, là phó bí thư tỉnh Hậu Giang.

An toàn giả tạo ở Berlin

Nhưng vào đầu năm 2016 những người theo đường lối cứng rắn trong Đảng Cộng sản đã giành được quyền lực và mạnh mẽ xuống tay với những kẻ theo lối sống “tư bản” như Trịnh Xuân Thanh. Những nhà Lãnh đạo mới cáo buộc ông ta về tội tham nhũng. Trịnh Xuân Thanh trốn sang Đức và đặt đơn xin tị nạn ở đây. Tháng 4 năm 2017, lãnh tụ đảng Nguyễn Phú Trọng tuyên bố họ sẽ dùng “mọi phương tiện” để bắt giữ ông ta. Khi các nhà lãnh đạo G20 họp mặt tại Hamburg vào tháng 7, thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã hội đàm với nữ thủ tướng Angela Merkel về khả năng dẫn độ. Nhưng nước Đức không muốn dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về một quốc gia mà nơi đó đang áp dụng mức án tử hình.

“Chúng tôi cho rằng chúng tôi an toàn ở Berlin”, vợ của Trịnh Xuân Thanh giờ đây thổ lộ. “Chồng tôi luôn luôn nói với tôi rằng nếu ở đây chúng tôi bị đe dọa hoặc bị bức hại bởi những người của nhà cầm quyền Việt Nam, thì họ sẽ bị phía Đức trừng phạt.”

Chính phủ liên bang Đức bày tỏ sự tức giận vì vụ bắt cóc và gọi đó là “sự vi phạm pháp luật không thể chấp nhận được”. Bộ Ngoại giao Đức đã trục xuất hai nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam. Bản thân chính quyền Việt Nam cho đến nay vẫn phủ nhận có liên quan đến vụ bắt cóc. Giờ đây cuộc điều tra của cảnh sát thành phố Berlin cho thấy vụ bắt cóc đã được cơ quan mật vụ Việt Nam và Đại sứ quán nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đứng ra tổ chức thực hiện từ đầu đến cuối – một điệp vụ như trong thời Chiến tranh Lạnh, ngay giữa thủ đô Berlin trong thời buổi này.

Rất nhiều bằng chứng cho các nhà điều tra

Theo thông tin từ đài NDR, WDR và nhật báo “Süddeutsche Zeitung” một tuần trước khi vụ bắt cóc xảy ra, trung tướng Đường Minh Hưng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục an ninh Việt Nam, đã đích thân bay đến Berlin và lập đại bản doanh trong khách sạn “Hotel Berlin, Berlin”. Không lâu sau đó, các quan chức tình báo Việt Nam đã thuê một chiếc VW Multivan và một chiếc BMW X5 ở thủ đô Praha, cộng hòa Séc để đi đến Berlin. Đội quân đến từ Cộng hòa Séc cũng trú đóng ngay tại khách sạn “Hotel Berlin, Berlin” và khách sạn “Sylter Hof” gần đó.

Như những chiếc camera an ninh sau đó cho thấy, họ đã gặp gỡ Nguyễn Đức Thoa, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán, đại diện của cơ quan mật vụ Việt Nam tại Berlin. Các điệp viên đã cùng chờ đợi một người làm chim mồi chuẩn bị hạ cánh: Đỗ Minh Phương, 26 tuổi bay từ Việt Nam đến. Cô ta là một cựu nhân viên của Trịnh Xuân Thanh, và đồng thời cũng là tình nhân của ông ta và dường như cô ta không biết rằng cô ta đang bị giám sát và bị lợi dụng bởi đám mật vụ.

Vào ngày 19 tháng 7, Đỗ Minh Phương bay tới sân bay Berlin-Tegel và đi taxi đến khách sạn “Sheraton”. Chiếc xe BMW X5 vẫn bám sát gót chân cô. Giờ đây các nhân viên mật vụ chỉ còn phải rình đúng vào thời điểm thuận lợi khi cả hai đi cùng với nhau. Khi Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Minh Phương bắt đầu một cuộc đi dạo bộ vào buổi sáng Chủ nhật từ khách sạn Sheraton để đi tới công viên Tiergarten, các nhân viên mật vụ bèn ra tay.

Chiến dịch bắt cóc thành công, nhưng các nhân viên mật vụ đã để lại rất nhiều dấu vết nơi hiện trường. Những khách qua đường đã ghi lại được biển số của chiếc xe Multivan, chụp ảnh nó và gọi điện cho cảnh sát. Ngoài ra, chiếc xe thực hiện vụ bắt cóc được trang bị hệ thống phát tín hiệu GPS, điều đó cho phép các nhà điều tra phục dựng lại hành trình chính xác sau đó.

Trịnh Xuân Thanh có nguy cơ bị án tử hình

Bằng việc phục dựng này, cảnh sát điều tra bây giờ đã biết rằng các mật vụ sau khi đã lôi kéo được nạn nhân của họ vào chiếc xe, đã lái xe chạy thẳng đến Đại sứ quán Việt Nam tại phố Elsenstraße ở quận Berlin-Treptow, và chiếc xe đã đỗ tại đó trong năm giờ đồng hồ. Trong thời gian này một nhân viên của đại sứ quán đã gọi vào một văn phòng du lịch tại Berlin và đặt ngay ba vé máy bay bay về Việt Nam cho cùng một buổi tối. Trên chuyến bay đó là cô gái 26 tuổi Đỗ Minh Phương và hai người giám sát.

Trịnh Xuân Thanh dường như được đưa về Việt Nam qua ngả Moskau, được ngụy trang trên cáng cứu thương như trong trường hợp cấp cứu khẩn cấp. Vào ngày 3 tháng 8, mười ngày sau khi bị bắt cóc ở Berlin, Trịnh xuất hiện ở trên kênh truyền hình nhà nước, theo đó ông ta tự nguyện hồi hương để tự đầu thú trước pháp luật, ở nơi mà ông ta có nguy cơ bị kết án tử hình dưới hình thức tiêm thuốc độc.

Luật sư người Đức của Trịnh Xuân Thanh hy vọng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Liên bang Đức sẽ tiếp tục gây áp lực lên chính phủ Hà Nội. Tháng 9-2017, chính quyền Đức đã đình chỉ mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam như là hậu quả của vụ bắt cóc. Giờ đây đối với Bộ Ngoại giao Đức điều đó có nghĩa rằng, Cộng hòa Liên bang Đức sẽ nối lại mối quan hệ đối tác chiến lược này khi nào chính quyền cộng sản có những chuyển biến. Lời kêu gọi được đưa ra cho phía Việt Nam rằng vụ án xét xử Trịnh Xuân Thanh phải được hưởng theo đúng trình tự xét xử của một nhà nước pháp quyền.

Nguồn: Dân Luận chuyển ngữ từ Kênh truyền hình nhà nước ARD

Link: http://www.tagesschau.de/inland/vietnamese-105.html

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây