Hiếu Bá Linh (Tổng hợp)
7-12-2017
Tối hôm qua thứ Năm ngày 06.12.2017 đài ARD, đài truyền hình có tầm vóc liên bang lớn nhất nước Đức đã tường thuật về vụ Trịnh Xuân Thanh trong chương trình Tagesthemen – chương trình thời sự đứng đầu nước Đức. Phim thời sự dài độ 4 phút, trong đó có những tiết lộ mới về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hồi 23.07.2017. Ngoài ra, tối cùng ngày trên trang web của đài ARD có đăng một bài viết về vụ Trịnh Xuân Thanh. Sau đây là những tiết lộ mới được tổng hợp từ phim thời sự và bài viết của đài ARD.
Chiếc xe bắt cóc bị nhân chứng chụp ảnh và ghi bảng số xe
Ngày 23 tháng 7 cảnh sát Berlin nhận được nhiều cú điện thoại gọi khẩn cấp, cú đầu tiện gọi vào lúc 10:48 giờ. Các khách bộ hành rất xúc động báo động cho cảnh sát biết, họ đã nhìn thấy tận mắt một người đàn ông và một cô gái trẻ đang bị đánh và kéo vào chiếc xe chuyên chở hiệu Volkswagen (VW) gần đài kỷ niệm SIEGESSÄULE. Bốn hoặc năm thủ phạm có vẻ là người châu Á phóng xe chở nạn nhân đi mất. Đặc biệt, khách bộ hành ghi được bảng số xe và chụp ảnh chiếc xe chiếc VW Multivan.
Nghi can Nguyễn Hải Long 46 tuổi ở Praha đã bị bắt tại CH Séc và hôm 23.08.2017 bị dẫn độ về Đức, đúng một tháng sau ngày xảy ra vụ bắt cóc, vì chính ông Long đã đứng tên thuê chiếc xe Multivan VW và đích thân lái chiếc xe này đến Berlin. Nhưng trong ngày Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, ngày 23.07.2017, nhiều nhân chứng vẫn thấy ông Long làm việc tại cửa hàng của ông ở Praha thủ đô CH Séc, ông Bùi Quang Hiếu chủ cho thuê xe cũng xác nhận điều này.
Chiếc xe thứ hai Limousine BMW X5 trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Ngoài chiếc xe 7 chỗ ngồi, hiệu Volkswagen (VW) của Đức, kiểu xe Multivan màu ánh bạc mà Trịnh Xuân Thanh bị cưỡng bức đẩy lên đó, còn có sự tham gia của một chiếc xe thứ hai là chiếc xe Limousine 5 chỗ ngồi, cũng mang biển số CH Séc. Đài đài truyền hình ARD đã đưa tin về chiếc xe thứ hai này, đó là chiếc xe Limousine BMW X5.
Như vậy cả hai chiếc xe tham gia vụ bắt cóc đều là xe nhãn hiệu Đức: Volkswagen (VW) và BMW. Cả hai chiếc xe đều mang biển số CH Séc và đều là xe thuê mướn.
Điểm đáng chú ý, chiếc xe thứ hai này cũng có gắn hệ thống định vị GPS chống trộm xe, cho nên toàn bộ lộ trình chiếc xe di chuyển đều được lưu trữ lại qua hệ thống định vị GPS. Nhờ vào đó mà các cơ quan điều tra của Đức có thể xác định chính xác địa điểm, ngày giờ đúng từng giây, và hành trình di chuyển của chiếc xe.
Lần đầu tiên vợ của Trịnh Xuân Thanh lên tiếng trước báo chí truyền thông
Vào đầu năm 2016, phe cứng rắn của Đảng CSVN dành lại quyền lực và loại bỏ nhóm gọi là “những nhà Tư bản” như họ Trịnh. Nhóm lãnh đạo mới buộc tội ông ta tham nhũng. Sau khi họ Trịnh trốn sang Đức xin tị nạn, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố “sẽ bắt Trịnh Xuân Thanh cho bằng được”.
Khi nguyên thủ các nước dự họp G20 tại Hamburg vào tháng 7 vừa qua, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ngỏ lời với bà Angela Merkel về việc dẫn độ ông Trịnh Xuân Thanh. Nhưng nước Đức không đồng ý về đề nghị này, không thể dẫn độ một người về một nước mà vẫn còn áp dụng án tử hình.
Ngày hôm nay (06.12.2017) vợ của ông Trịnh Xuân Thanh phát biểu ´´ Chúng tôi nghĩ rằng, ở Berlin chúng tôi rất an toàn ´´, bà nói thêm “Chồng tôi thường nói với tôi, nếu có kẻ nào từ Việt Nam sang đây đe dọa hoặc bức hại chúng tôi, thì họ sẽ bị Đức trừng phạt nghiêm khắc”.
Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin là trung tâm chỉ huy của đội đặc vụ bắt cóc đến từ Việt Nam
Chính phủ CHLB Đức đã tỏ ra phẫn nộ về vụ bắt cóc và gọi đó là “một sự phá hoại pháp luật không thể chấp nhận được”. Bộ Ngoại giao Đức đã trục xuất hai nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam. Riêng Việt Nam đến hôm nay vẫn phủ nhận có liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, cuộc điều tra của cảnh sát Berlin cho thấy vụ bắt cóc này là do mật vụ Việt Nam và Đại sứ quán CHXHCN Việt Nam tổ chức từ đầu đến cuối – một vụ gián điệp như thời chiến tranh lạnh lại xảy ra giữa Berlin ngày nay.
Theo sưu tra của đài NDR, WDR và nhật báo Süddeutsche Zeitung, thì điều tra của cảnh sát đã cũng cố thêm mối nghi ngờ, Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin là trung tâm chỉ huy của đội đặc vụ bắt cóc đến từ Việt Nam.
Trung tướng Đường Minh Hưng bay sang Berlin trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc
Theo những thông tin của đài NDR, WDR và nhật báo “Süddeutscher Zeitung”, một tuần trước khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra, Trung tướng Đường Minh Hưng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục an ninh, Bộ Công an đã đích thân bay sang Berlin cùng với 2 mật vụ và cả 3 người trú ngụ tại khách sạn “Hotel Berlin, Berlin” để chuẩn bị bố trí theo dõi Trịnh Xuân Thanh ở qua đêm với người tình trong khách sạn Sheraton cách đó khoảng 100 mét.
Đại tá tình báo Nguyễn Đức Thoa bị máy quay phim của khách sạn thu hình
Ngay sau đó những nhân viên mật vụ Việt Nam ở Praha – Thủ đô Công hòa Séc- đã thuê mướn một chiếc xe VW-Multivan và một chiếc xe BMW X5 để chạy đến Berlin. Đội đặc vụ từ CH-Séc cũng đóng quân tại khách sạn “Hotel Berlin, Berlin” và khách sạn “Sylter Hof” cách đó không xa.
Qua hình ảnh thu được từ những máy quay phim giám sát của khách sạn thì thấy Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin là đại tá Nguyễn Đức Thoa, đại diện của tình báo Việt Nam tại Đức đã đến khách sạn gặp nhóm đặc vụ bắt cóc.
Với bằng chứng đó, sau này phía Đức đã trục xuất đại tá Nguyễn Đức Thoa về Việt Nam.
Cô gái 26 tuổi tên là D. bị sử dụng làm “chim mồi” trong vụ bắt cóc
Tại khách sạn “Hotel Berlin, Berlin” nhóm mật vụ cùng đợi một cô gái tên là D, 26 tuổi, từ Việt Nam qua, cô này đóng vai trò nhử mồi Trịnh Xuân Thanh. Cô là một cựu nhân viên của ông Thanh, nay là người yêu của ông ta và cô ta dường như không biết là đang bị theo dõi và bị sử dụng trong vụ bắt cóc này.
Bốn ngày trước khi vụ bắt cóc xảy ra, cô D. bay từ Việt Nam đến phi trường Tegel tại Berlin ngày 19.07.2017 và đi taxi đến khách sạn Sheraton. Nhờ vàohệ thống định vị GPS gắn trên xe BMW X5 và xe Taxi, cảnh sát điều tra biết được chiếc xe này đã theo sát chiếc Taxi chở cô về khách sạn.
Các nhân viên mật vụ ở khách sạn “Hotel Berlin, Berlin” đã âm thầm theo dõi Trịnh Xuân Thanh và người tình D. trú ngụ trong khách sạn Sheraton gần đó và chờ đợi đến lúc thuận lợi sẽ hành động. Và họ đã ra tay hành động vào buổi sáng chủ nhật khi Trịnh Xuân Thanh và D. từ khách sạn Sheraton đi bộ tới Vườn Thú (Tiergarten).
Sở cảnh sát hình sự Berlin LKA 1 nằm gần khu vực hiện trường
Đặc biệt trớ trêu là Sở cảnh sát hình sự Berlin LKA 1 nằm gần khu vực hiện trường, chỉ cách khách sạn Sylber Hof vọn vẹn vài chục mét và đây chính là Sở cảnh sát hình sự được giao nhiệm vụ điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Trịnh Xuân Thanh bị giam giữ trong Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin
Nhờ hệ thống định vị GPS gắn trên xe VW-Multivan nên cảnh sát điều tra biết được chính xác lộ trình của xe và xác định chính xác hành trình di chuyển đúng từng giây. Theo điều tra của cảnh sát, ngay sau khi bị bắt cóc, chiếc xe đã chở Trịnh Xuân Thanh từ công viên Vườn Thú (Tiergarten) về Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin và chiếc xe bắt cóc VW-Multivan màu xám bạc đã đổ xe trong sân suốt 5 tiếng đồng hồ.
Trong thời gian ở đại sứ quán, lúc đó một cô nhân viên của đại sứ quán đã gọi điện thoại đến một công ty du lịch ở Berlin và đặt mua ba vé máy bay về Việt Nam cho buổi tối cùng ngày 23.07.2017. Trên máy bay ngoài cô D. 26 tuổi còn có hai mật vụ đi kèm theo. Cô bị gẫy tay, nên khi về đến Hà Nội được đưa vào bệnh viện Việt Đức chữa trị dưới sự canh phòng của công an.
Riêng Trịnh Xuân Thanh dường như được đưa về Việt Nam qua ngã Moscow dưới hình thức một bệnh nhân nằm trên cán cứu thương. Ngày 3 tháng 8, mười ngày sau khi bị bắt cóc ở Berlin, Trịnh được đưa trình diện trên truyền hình nhà nước và nói ông đã tự nguyện về nước và ra đầu thú với cơ quan tư pháp. Ông ta có cơ bị tử hình bằng tiêm thuốc độc.
Một điều đáng chú ý, mà đài truyền hình ARD cũng nhấn mạnh “Rất nhiều dấu vết để lại cho nhân viên điều tra”. Một trong số những dấu vết để lại là trường hợp 2 chiếc xe bắt cóc. Mặc dù phương án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh được mật vụ Việt Nam chuẩn bị rất kỹ lưỡng, cân nhắc và tính toán từng chi tiết một và cử cả Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục an ninh, Trung tướng Đường Minh Hưng, bay sang Berlin trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc. Thế nhưng khi thuê xe thì cả hai xe đều đều trúng vào loại xe có trang bị hệ thống định vị GPS. Đây cũng là điều đáng ngạc nhiên. Do đó một câu hỏi được đặt ra, đội đặc nhiệm vô tình lơ đễnh bị lỗi lầm hoặc cố ý thuê cả 2 chiếc xe đều có gắn hệ thống định vị GPS ? Nếu cố tình thì ý đồ là gì? Mục đích như thế nào? Phục vụ cho ai, phe nhóm nào?
____
Nguồn: Phim phóng sự của đài truyền hình ARD — Bài viết về vụ Trịnh Xuân Thanh của đài truyền hình ARD — Tiết lộ mới: Chiếc xe thứ hai Limousine BMW X5 trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh — Trung tướng Đường Minh Hưng trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh
Ghi chú: Các hình ảnh trong bài của tác giả Hiếu Bá Linh gửi tới.