Tác giả: Frances FitzGerald
Dịch giả: Song Phan
23-11-2017
Chiến tranh Việt Nam, phim tài liệu của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick.
Điểm sách: Chiến tranh Việt Nam: lịch sử sâu xa, của Geoffrey C. Ward, với lời giới thiệu của Ken Burns và Lynn Novick. Nhà xuất bản: Knopf. Sách dày 612 trang, giá 60 Mỹ kim.
Ken Burns nổi tiếng với các phim lịch sử dài về Nội Chiến, Thế chiến II, nhạc jazz và bóng chày, nhưng ông mô tả phim tài liệu Chiến tranh Việt Nam, được thực hiện với sự hợp tác sát sao của đồng đạo diễn và nhà sản xuất Lynn Novick, là “dự án tham vọng nhất mà chúng tôi từng thực hiện”. Làm trong 10 năm, bộ phim kể chuyện về cuộc chiến này trong 10 phần và hơn 18 giờ. Burns và Novick đã làm ra bộ phim truyền tải những thực tế của cuộc chiến tranh với cảnh quay lạ thường về các trận đánh tại Việt Nam và các cuộc biểu tình phản chiến tại Hoa Kỳ.
Lời thoại do nhà sử học Geoffrey C. Ward viết (ông cũng đã viết cuốn sách đi cùng với bộ phim) và được Peter Coyote đọc, rất tinh và sắc, và thay vì những người thường thảo luận về cuộc chiến này như John McCain và John Kerry, 80 khuôn mặt phát biểu trong phim phần lớn đều không nổi tiếng: cựu binh lính, quan chức, nhà báo, người đào ngũ, và các nhà hoạt động vì hoà bình. Khoảng cách thời gian trôi qua từ lúc chiến tranh, đã cho phép các nhà làm phim đưa vào phim các cuốn băng bí mật của Nhà Trắng và lời của các cựu thành viên của Mặt trận Giải phóng Dân tộc (MTGP, còn gọi là Việt cộng), binh lính và sĩ quan Bắc Việt. Âm thanh, làm tăng đáng kể chất lượng bộ phim, bao gồm các bài hát cổ điển của giai đoạn đó, từ “The Sound of Silence” đến “Let It Be”.
Đối với những người dưới 40 tuổi mà với họ chiến tranh Việt Nam dường như xa vời như Thế chiến I hoặc II, bộ phim sẽ có tác dụng giáo dục; đối với những người sống qua chiến tranh, bộ phim sẽ là một lời nhắc nhở về sự kinh khiếp của nó và về những dối trá chính thức đã kéo nó đi tới. Phim rất khó để xem theo nhiều cách, và những cảnh đánh nhau trong đó sẽ làm sống lại những ác mộng tồi tệ nhất của những người chứng kiến chúng tận mắt.
Khi được hỏi tại sao ông và Novick dấn vào dự án này, Burns nói rằng hơn 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, chúng ta không thể quên nó, và chúng ta vẫn đang tranh cãi về nó. Tất cả chúng ta, Novick nói thêm, “tìm kiếm một ý nghĩa nào đó trong tấn thảm kịch khủng khiếp này”. Hai nhà làm phim nói rằng mục đích của họ là khám phá xem cuộc chiến này có phải là một sai lầm khủng khiếp đáng lẽ có thể tránh được hay không. Họ có thể nói thêm rằng có một số người coi nó không là sai lầm mà là kết quả của một chính sách có chủ ý. Dù sao đi nữa thì Novick và Burns cũng đưa ra giải đáp cho một số câu hỏi mà người Mỹ vẫn có thể hỏi về cuộc chiến này.
Họ bắt đầu với việc cho chạy ngược các cảnh đánh nhau, đạn pháo bay trở ngược lên trực thăng thay vì nổ trên mặt đất, như thể Hoa Kỳ có thể thu hết nó trở lại. Sau đó họ chiếu cảnh Hồ Chí Minh với đội OSS Mỹ trong Thế chiến II và lúc đang trích đọc Tuyên bố Độc lập Mỹ trong bài phát biểu chiến thắng của ông khi vào Hà Nội năm 1945. Họ chiếu những đoạn phim Chiến tranh Đông Dương thứ nhất (1946—1954), sau đó nói rõ rằng người Mỹ đã sử dụng cùng những chiến thuật không hiệu quả như người Pháp. Họ nói với chúng ta biết Hoa Kỳ đã chi ủng hộ cho người Pháp bao nhiêu triệu đô la. Điều mà họ không cho chúng ta biết là Mỹ thực tế đã buộc thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến cho đến khi bị thua tại Điện Biên Phủ năm 1954 và Hoa Kỳ không ký Hiệp định Geneve 1954 chia đôi đất nước này. Trong suốt bộ phim tài liệu, Burns và Novick thường lơ đi mặt ngoại giao và địa chính trị mà thiên về những câu chuyện cá nhân từ những người sống qua chiến tranh, nhưng ít nhất họ cũng cho thấy rằng nó bắt đầu là một cuộc đấu tranh chống thực dân.
Ngay từ đầu, họ gợi ý rõ rệt rằng, Hoa Kỳ không thể thắng cuộc chiến này. Để chứng minh quan điểm này vốn vẫn còn tranh chấp, chủ yếu là từ giới quân sự, họ trích dẫn những phát biểu cá nhân của John F. Kennedy, Lyndon Johnson, và nhiều cố vấn tối cao của họ, những người này nói rằng các biện pháp họ đã dùng là không thích đáng. Đã có lo ngại rằng các khuyến nghị của Ban Tham mưu liên quân về tăng quân và thả bom thêm sẽ không thuyết phục kẻ thù từ bỏ mục tiêu thống nhất đất nước Việt Nam — và trên thực tế, có thể dẫn đến cuộc chiến tranh lớn với Trung Quốc. Tuy nhiên, các tổng thống và cố vấn của họ vẫn kiên trì, không muốn từ bỏ điều mà Kennedy gọi là một “mảnh đất” cho Cộng sản.
Burns và Novick nói, ban đầu Hoa Kỳ đã “bị mắc kẹt trong logic của chiến tranh lạnh”. Như cụm từ của Kennedy cho thấy, cuộc chiến không bao giờ thực sự về Nam Việt Nam mà Washington xem nó như là một mảnh trên bàn cờ, hoặc một con domino mà khi nó bị ngã vào chủ nghĩa cộng sản, có thể khiến phần còn lại của Đông Nam Á cũng ngã theo. Burns và Novick cho thấy rõ rằng, trước khi có quyết định đưa quân chiến đấu Mỹ [vào Việt Nam] năm 1965, đã có nhiều dịp Mỹ có thể rút lui mà không gặp nhiều sự chống đối công khai nào. Một dịp là sau vụ ám sát Tổng thống Ngô Đình Diệm của miền Nam VN vào năm 1963, vì người kế nhiệm ông, Tướng Dương Văn Minh, ủng hộ đề nghị của Pháp cho một dàn xếp qua đàm phán và một nước Việt Nam trung lập. Một dịp khác xuất hiện sau chiến thắng của Johnson trong cuộc bầu cử năm 1964, lúc mà chính quyền quân sự nắm quyền ở Sàigòn vào đầu năm đó, đã tan rã, để lại một khoảng trống quyền lực. Phó tổng thống Hubert Humphrey nói: “Đây là năm có nguy cơ chính trị nhỏ nhất đối với chính quyền Johnson”. Nói cách khác, chiến tranh có thể đã kết thúc vào năm 1965, nếu không phải là trước đó.
Burns và Novick gợi ý rằng, các chiến lược mà Mỹ đã theo đuổi, chịu trách nhiệm chính cho các thương vong to lớn của cả hai bên. Khi Tướng William Westmoreland nắm quyền chỉ huy quân đội chính quy Mỹ đầu tiên vào năm 1965, ông đã biết MTGP kiểm soát ba phần tư nông thôn miền Nam VN. Mặc dù chưa bao giờ nói với báo chí, nhưng ông không có hy vọng việc “bình định” thành công, trừ khi quân đội của ông có thể giết nhiều binh sĩ Bắc Việt hơn số có thể được thay thế, ngưỡng mà ông gọi là “điểm vượt”.
Vì quân đội Hoa Kỳ hiếm có thể tìm được kẻ thù, càng ít hơn “chiếm giữ” được những khu rừng rộng lớn ở vùng cao, chiến lược của ông là triển khai các đơn vị Mỹ nhỏ dùng làm “mồi” cho Bắc Việt tấn công và sau đó tiêu diệt kẻ thù bằng pháo và máy bay. “Số xác chết” — hoặc “tỉ lệ giết người” — là cách đo chuẩn để biết có đạt được tiến bộ hay không. Kết quả là các chỉ huy trên thực địa thường thổi phồng số lính địch bị giết để làm hài lòng cấp trên, rồi tới lượt mình, những người này thậm chí lại thổi phồng số liệu lên nhiều hơn. Trong khi đó nhiều lính chiến Mỹ đã bị thiệt mạng và bị thương.
“Số lượng xác” có tác dụng còn tệ hại hơn lừa mị. Nó đã thay đổi bản chất cuộc chiến, khi nhiều lính Mỹ giết người một cách bừa bãi. Các nhà làm phim cho thấy một xạ thủ trực thăng bắn một người đàn ông mặc đồ bà ba đen chạy trốn trong ruộng lúa của mình. Họ chiếu đoạn phim nổi tiếng của Morley Safer theo dõi khi lính đốt một ngôi làng và cảnh lính bắn toạt một lỗ vào một chòi lúa và giết người đang ẩn nấp trong đó. Chỉ huy chỉ định các lãnh thổ do đối phương chiếm giữ là “các vùng oanh kích tự do” và bắn pháo vào hàng đêm, dù có nhiều thường dân đang sống trong những khu vực đó. Chúng ta cũng thấy binh lính gọi người Việt là “gooks” (bọn ‘mọi’) hoặc “slopes” (bọn ‘mán’ Đông Á).
Lời thuyết minh ít khi biên tập, nhưng bộ phim cho thấy tiêu chuẩn về “số xác chết” giúp lý giải vì sao mà cuộc thảm sát Mỹ Lai — khi quân đội Hoa Kỳ giết hàng trăm thường dân Việt Nam không vũ trang tháng 3 năm 1968 — có thể xảy ra. Vào cuối năm 1968, Tướng Julian Ewell đã đưa quân và máy bay vào vùng đông dân cư ở ĐBSCL, giết chết 10.899 người trong vòng 6 tháng mà chỉ thu được 748 vũ khí. (Tổng thanh tra quân đội sau này ước tính rằng khoảng một nửa số người thiệt mạng trên thực tế là dân thường không vũ trang). Ewell được phong tướng ba sao và chỉ huy lực lượng quân lính lớn nhất tại chiến trường Việt Nam.
Trọng tâm của bộ phim tài liệu là những đoạn phỏng vấn dài với một số cựu chiến binh Mỹ, dẫn họ lần theo cuộc chiến, thường kèm với cảnh quay lưu trữ những trận đánh mà họ đã tham gia. Phần lớn những người này gốc gác ở các thị trấn nhỏ; nhiều người có cha chú từng phục vụ trong Thế Chiến II và một số đã học ở West Point. Là thanh thiếu niên, họ luôn mong muốn được phục vụ trong quân đội, và khó thể hình dung ra không được tham gia bảo vệ đất nước của mình. Nói chung họ không biết gì về Việt Nam, nhưng họ muốn chứng tỏ rằng họ là những chiến binh như cha chú mình. Họ đã qua huấn luyện cơ bản và được chuyển đến Việt Nam bằng máy bay, ở đó họ được đưa đến chiến trường ở một vùng đất hoàn toàn xa lạ với họ. Chúng ta thấy một số người băng qua những cánh rừng cỏ voi ba lớp tán, luôn lo lắng mìn bẫy hoặc bị kẻ địch phục kích.
Tất cả những người được phỏng vấn là những người lính đúng mực và dũng cảm. Một người đã từ bỏ một học bổng Rhodes để đi vào nhiệm vụ năng động ngoài sự tin tưởng của bạn bè. Nhiều người kể về nỗi sợ và nỗi giận của mình. Nhiều người đã bị thương. Cuối cùng một số đã thay đổi cách nghĩ về cuộc chiến. (“Chúng ta đang làm gì ở đây? “Chúng ta có đang chiến đấu ở phía sai trái không?”) Một trong số họ bắt đầu thông cảm với những người biểu tình chống chiến tranh và tham gia phong trào hòa bình sau khi rời quân ngũ.
Những phân đoạn này của bộ phim có ảnh hưởng nhất tuy nhiên những người lính này không đại diện toàn bộ. Không phải tất cả lính Mỹ đều đáng kính như họ được kính trọng—hoặc như ca ngợi. Hơn nữa, như các nhà làm phim lưu ý, 8/10 người Mỹ được phái đến Việt Nam chưa bao giờ thấy đánh nhau. Đa số thuộc loại mà các chiến binh gọi REMFs, Rear Echelong Mother Fuckers (bọn Đ.M. ở hậu cứ) — lính văn phòng, lính công binh hay tương tự — vốn có được thức ăn ngon, hồ tắm, điều hành các cửa hàng bán lẻ quân đội (PX) có nhiều hàng và tự do đi về Sài Gòn rượu chè, gái gú.
Điều thực sự đáng ngưỡng mộ về bộ phim là nỗ lực cho thấy nhiều phía của Việt Nam trong chiến tranh. Burns và Novick phỏng vấn các quan chức chính quyền Sài Gòn cũng như hàng chục người thuộc MTGP và Bắc Việt còn sống sót: lính thường, sĩ quan, cán bộ chính trị, dân thường. Nhiều người kể về việc thả bom liên tục và việc hủy diệt làng mạc. Một số người không muốn chia sẻ chi tiết về cuộc sống và cảm xúc cá nhân của họ, nhưng một số người kể nhiều chuyện cảm động. Nhà văn Bảo Ninh, một cựu chiến binh Bắc Việt, kể lại niềm vui trở về nhà mặc dù không thể ăn mừng với gia đình vì anh là người duy nhất trở về trong khu phố. Một phụ nữ từ Huế nói vào máy quay, không xúc cảm rằng cô đã bắn vào đầu một người Mỹ để bảo vệ mình. Một người lính nhận xét rằng người Mỹ rất giống người Việt Nam vì họ chăm lo lẫn nhau và không để người chết lại. Một người khác hỏi, liệu có thể không có một cách để đạt được độc lập mà không có tất cả chuyện bắn giết nhau này sao.
Burns và Novick miêu tả vụ đánh bom đường mòn Hồ Chí Minh từ cả hai phía. Những cảnh quay của Mỹ cho thấy, những chiếc B-52 xuất hiện bên trên các ngọn núi và bom nổ tung khoét thành các miệng hố khổng lồ trên nhiều tuyến đường mà phía địch đã vạch ra trong rừng. Đoạn phim của Bắc Việt chiếu cảnh xe tải đang vật vã chạy dọc theo các đường mòn lầy lội, cho thấy hàng trăm tài xế xe tải là những phụ nữ từng lái trên phần đường mòn phụ trách thường xuyên đến mức có thể lái xe vào ban đêm mà không dùng đèn pha.
Hai nhà làm phim cũng cho thấy cả hai phía của trận tấn công Tết Mậu Thân 1968. Toán làm phim TV Mỹ ghi lại cảnh đánh nhau ở Sài Gòn và Huế. Từ phía Bắc Việt Nam là những bộ phim với những người lính đê mê khi biết họ sẽ đánh vào các thành phố và thị trấn miền Nam đồng thời gây ra một cuộc nổi dậy ở miền Nam. Đoạn phim cũng cho thấy kế hoạch cẩn thận của MTGP, đã đưa cán bộ và đạn dược vào thành, ngụy trang dưới dạng nông dân chở sản phẩm trên thuyền, xe hoa và xe tải hai đáy. (Một điều mà các nhà làm phim bỏ sót là nhiều lính MTGP mang theo cả quan tài để chắc chắn được chôn cất đàng hoàng.)
Hai nhà làm phim lồng vào phim những bức ảnh chiến tranh nổi tiếng, chẳng hạn như bức ảnh cô bé trần truồng chạy dọc con đường với những đứa trẻ khác, nhưng họ cũng giải thích bối cảnh tức thì của bức ảnh. Khi cô bé Kim Phúc xoay người, nhiếp ảnh gia đã chụp thêm một bức ảnh khác cho thấy rằng hầu hết lưng cô đã bị cháy đen do lửa napalm. Nhiếp ảnh gia AP, Nick Út, sinh trưởng ở Việt Nam, không bỏ đi mà đưa cô bé đến bệnh viện. Khi Nguyễn Ngọc Loan, cảnh sát trưởng Sài Gòn, được Eddie Adams, cũng là người của AP, chụp cảnh bắn vào đầu một nghi can MTGP trong Tết Mậu Thân – một vụ làm tăng tình cảm phản chiến ở Mỹ—các nhà làm phim giải thích rằng Loan đã yêu cầu cấp dưới của mình thực hiện việc này, nhưng tất cả đều từ chối nên ông đã tự mình làm điều đó.
Không có nhiều điều được nói —hay có thể được biết— về quan hệ giữa Bắc Việt và MTGP. Tuy nhiên, các nhà làm phim có nói với chúng ta một điều quan trọng mà các nhà báo vào thời điểm đó không biết. Nhà lãnh đạo Bắc Việt Lê Duẩn và các đồng minh của ông ta là chịu trách nhiệm hoàn toàn về quyết định tiến hành trận Tết Mậu Thân, và những người không đồng ý với ông đều bị buộc im tiếng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà chiến lược Cộng sản trong kháng chiến chống Pháp, đã bị cho là có sức khỏe kém và được đưa sang Hungary; Hồ Chí Minh đã được đưa qua Trung Quốc để trị bệnh, trong khi những người khác bị cho vào tù. Về mặt chính thức trận tấn công Tết Mậu Thân được Hà Nội gọi là một thắng lợi lớn, nhưng trong riêng tư, ông Giáp và nhiều cán bộ chỉ huy quân đội trên chiến trường đều cho rằng đó là một thất bại và một bài học đắt giá: không có tổng nổi dậy ở miền Nam, và trong số 84.000 binh sĩ dành thực hiện trận tấn công này, khoảng một nửa đã bị thiệt mạng, bị thương, hoặc bị bắt. MTGP mất quyền kiểm soát nhiều tỉnh; một số sĩ quan cao cấp của Bắc Việt đầu hàng, và không có đơn vị Bắc Việt nào trở về nguyên vẹn.
Tuy nhiên, trận Tết Mậu Thân là một chiến thắng tâm lý và tuyên truyền cho MTGP và miền Bắc. Như đã biết, nó đã dẫn Walter Cronkite tuyên bố rằng, cuộc chiến này là một bế tắc, và nhiều người Mỹ kết luận rằng không thể thắng được. Tổng thống Johnson triệu hồi Westmoreland, và vào tháng 3, ông tuyên bố sẽ không tái tranh cử tổng thống. Ông tuyên bố dừng một phần việc thả bom và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình ở Paris.
Tháng 11 năm 1968, Việt Nam trở thành cuộc chiến tranh của Nixon, và đáng biểu dương là hai nhà làm phim thể hiện giai đoạn khó khăn nhất này trong cuộc chiến khá dễ hiểu. Trong chiến dịch tranh cử, Nixon hứa sẽ kết thúc nhanh chóng cuộc chiến, nhưng ông lại bí mật gửi một phái viên tới gặp Tổng thống Nam VN là Nguyễn Văn Thiệu, nói với ông ta đừng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình vì ông sẽ đối xử với chế độ Sài Gòn tốt hơn Hubert Humphrey, đối thủ đảng Dân chủ. Sau đó, ông phủ nhận sự tồn tại kênh liên lạc bí mật này với Sài Gòn sau khi Johnson chất vấn ông về nó vài ngày trước cuộc bầu cử.
Từ đó, Nixon phản bội hết bên này đến bên khác. Ông đã đưa quân đội Mỹ vào Campuchia để cắt các tuyến đường tiếp tế cho miền Nam, và khi cuộc xâm lược kích động một cuộc bãi khoá toàn quốc của sinh viên ở Mỹ, ông bắt đầu rút quân đội Mỹ khỏi miền Nam, như thể để thực hiện lời hứa sẽ kết thúc chiến tranh. Sau đó, ông bắt đầu chương trình “Việt Nam hóa” (đòi hỏi Nam VN đảm nhận vai trò chiến đấu nhiều hơn) mặc dù hầu hết các quan chức tin rằng quân đội Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ có thể tự mình giữ lấy miền Nam VN. Điều tin tưởng này đã được khẳng định vào tháng 2 năm 1971, khi chỉ huy Mỹ phái 17.000 lính VNCH sang Lào để cắt đường mòn Hồ Chí Minh. Ngay cả được Mỹ thả bom yểm trợ, một nửa quân VNCH đã thiệt mạng, bị thương, hoặc bị bắt, và số còn lại tìm mọi cách có thể để chạy thoát khỏi Lào.
Một trong những ghi chép bí mật của Henry Kissinger, thực hiện trong phòng bầu dục mà phần lớn trong số đó được đưa vào phim, nhận xét rằng, quân đội VNCH không thiện chiến như ông và Nixon nghĩ. Nixon trả lời: “Nhưng này Henry, tôi thấy thật dỡ chết về điều đáng nguyền rủa này. Tôi không nghĩ họ [quân đội VNCH] tới nỗi bị đập tơi tả thực sự …. Tôi muốn họ rút ra khỏi [Lào], và sau đó chúng ta sẽ thoát ra khỏi địa ngục, rồi hy vọng và cầu nguyện rằng không có chuyện gì xảy ra trước năm 1972. Hãy đối mặt với nó. Và hãy nhớ việc tái tranh cử của tôi là quan trọng, tôi phải đưa vụ này ra khỏi tầm mắt”. Có một lần Nixon nói: “Tôi không muốn trở thành tổng thống đầu tiên thua trận”.
Các nhà làm phim ít quan tâm đến cuộc đàm phán Hòa bình Paris, có thể do không có hình ảnh về nó. Tháng 10 năm 1972, khi Kissinger tuyên bố rằng, hòa bình ở “trong tầm tay”, hai bên đã nhất trí về ba điểm chính: quân Bắc Việt ở miền Nam có thể ở lại đó, người Mỹ sẽ không thay Thiệu, và Bắc Việt sẽ trao trả tù binh Mỹ để đổi lấy việc Mỹ rút hết quân. Các điểm ít quan trọng hơn cũng được đồng ý, và vào cuối tháng 11, hai bên đã hoàn thành dự thảo thỏa thuận.
Các nhà làm phim đã tiết lộ một sự kiện quan trọng liên quan đến cuộc hội đàm này. Khi Nixon bảo đảm với Thiệu rằng ông vẫn sẵn sàng can thiệp bằng không quân, Thiệu đã đưa ra 69 phản đối về lập trường của Bắc Việt, làm cho Lê Đức Thọ, đồng nhiệm Bắc Việt của Kissinger, rất tức giận. Vào ngày 13 tháng 12, Thọ quay trở về Hà Nội để “tham khảo ý kiến”. Vấn đề , bây giờ chúng ta thấy ra, là ông ta đã không báo cho những người cách mạng miền Nam rằng ông ta đã bỏ hai trong các đòi hỏi của mình: việc thay Thiệu bởi một chính phủ liên hiệp và việc trao trả tù binh Bắc Việt. MTGP —lúc đó được gọi là Chính phủ Cách mạng Lâm thời (CPCMLT) – miễn cưỡng chấp nhận điểm cuối cùng vì nó hàm ý rằng, tù binh của họ ít quan trọng hơn tù binh Mỹ. Thọ đã phải trở về Hà Nội để hòa giải với họ.
Tuy nhiên, Nixon nghĩ rằng Hà Nội đã hoàn toàn rút khỏi cuộc đàm phán. Ông gọi Kissinger từ Paris về và trong mùa Giáng sinh đã tung ra vụ đánh bom miền Bắc dữ dội nhất mà Hoa Kỳ từng thực hiện. Phi công Mỹ đã thả xuống 36.000 tấn bom, san phẳng toàn bộ khu dân cư tại Hà Nội, Hải Phòng, và các thị trấn khác, kích động các cuộc biểu tình lớn tại Hoa Kỳ.
Hai nhà làm phim chú ý nhiều đến phong trào phản chiến. Trong phim, Bill Zimmerman, một nhà hoạt động chống chiến tranh ôn hoà ít được biết đến, giải thích lý do đằng sau các cuộc bãi khoá của sinh viên và các cuộc biểu tình, nhưng phàn nàn sự bạo lực của các phe phái chầu rìa như Weathermen. Cảnh quay các cuộc biểu tình, những cơn địa chấn bên ngoài trung tâm Công ước Dân chủ ở Chicago năm 1968, và những cựu chiến binh ném huy chương của mình qua hàng rào Nhà Trắng được biết nhiều nhưng dù sao có hiệu quả trong việc chuyển tải tình cảnh bất ổn ở nước Mỹ phát sinh trong thời gian chiến tranh.
Một yếu tố của cuộc chiến đã được mô tả trong nhiều sách nhưng gần đây không được thấy trên phim là sự băng hoại đạo đức của lính Mỹ. Vào đầu thập niên 1970, hầu hết các binh sĩ là lính quân dịch, và các sĩ quan của họ đều mới và thiếu kinh nghiệm. Lính quân dịch không muốn chết trong một cuộc chiến không thể thắng được, và họ trở nên tức giận khi sĩ quan phái họ tới các chỗ xa xôi hẻo lánh chẳng để làm gì. Ở các căn cứ, một nửa binh lính hút cần sa; những người khác dùng heroin. Nhiều người đeo biểu tượng hòa bình trên mũ sắt và một số không chịu bắn súng. Khi một người lính mô tả trên máy quay, thay vì đi tuần tra, một số đơn vị di chuyển ra khỏi tầm nhìn của căn cứ rồi ngồi chờ cho đến hết ngày. Lính Mỹ gốc châu Phi bị đối xử tệ hơn lính da trắng. Một số không tuân theo lệnh, và khi bị đẩy đi quá xa, đã tung lựu đạn vào khu của sĩ quan. Tướng Creighton Abrams, người kế nhiệm Westmoreland, trong riêng tư đã nói rằng, “Tôi cần đưa đội quân này về nước để cứu lấy nó”. (Ông đã đúng. Theo tướng Colin Powell, người sau này huấn luyện lại các tiểu đoàn ở Hàn Quốc, phải mất 10 năm để quân đội khôi phục nề nếp chiến đấu trở lại).
Sau khi Nixon mở cửa cho Trung Quốc vào tháng 2 năm 1972, Việt Nam bị hạ thấp tầm quan trọng đối với Hoa Kỳ, và Kissinger nói riêng với Nixon rằng, một hay hai năm sau khi Hoa Kỳ rút quân, “Việt Nam sẽ trở thành một xó xỉnh … chẳng ai thèm để ý”. Dưới sức ép của Trung Quốc và Liên Xô, Lê Đức Thọ và Kissinger quay trở lại bàn đàm phán sau vụ đánh bom Giáng sinh và dự thảo một hiệp ước vốn chỉ khác biệt một số chi tiết nhỏ so với thỏa thuận hồi tháng 11. Tất cả các bên đều chấp nhận nó trừ Thiệu, và Nixon đã gửi thư riêng tới ông, đe dọa sẽ cắt viện trợ quân sự và hứa hẹn rằng Hoa Kỳ sẽ phản ứng “mạnh mẽ” đối với việc vi phạm ngừng bắn.
Thiệu cuối cùng chấp nhận thỏa thuận này, dù nó cho phép quân đội Bắc Việt ở lại miền Nam, và nó đã được ký kết vào tháng 1 năm 1973. Các tù binh Mỹ cũng như quân lính Mỹ còn lại đã trở về nước, nhưng không có ngưng bắn. MTGP và quân đội miền Nam vẫn đánh nhau giành lãnh thổ; Nixon tiếp tục dội bom Campuchia và bí mật chuyển viện trợ quân sự cho Sài Gòn. Chỉ vụ bê bối Watergate mới ngăn ông lại. Tháng 6 năm 1974 Quốc hội bỏ phiếu giảm bớt viện trợ quân sự và kinh tế cho Sài Gòn. Tháng 8 Nixon từ chức để khỏi bị luận tội. Không lâu sau đó, Lê Duẩn dùng Giáp trở lại để hoạch định cuộc tấn công cuối cùng, và sau một trận đánh thăm dò xem người Mỹ có phản ứng hay không—Mỹ đã không phản ứng—quân Bắc Việt tiến về phía nam, chia cắt quân VNCH và gây ra hoảng loạn. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, họ vào Sài Gòn mà không có sự chống trả.
Các nhà làm phim ghi nhận tất cả những điều này và những hậu quả khủng khiếp của các trại cải tạo cùng thảm họa kinh tế do hậu quả của việc tập thể nông nghiệp miền Nam bởi phe Cộng sản chiến thắng. Điều mà họ không làm là đề xuất một phương cách khác thay cho việc Bắc Việt chiếm đóng miền Nam, mặc dù một số người được họ phỏng vấn có thể đã đưa ra một cách. Đối với người Mỹ, chấp nhận một chính phủ liên hiệp vào năm 1972 khi họ có cơ hội, có thể tương đương với việc bị thua trận. Nhưng nếu như họ chấp nhận một chính phủ như vậy, người miền Nam có thể đã tìm ra được một giải pháp chính trị. CPCMLT có khả năng sẽ chiếm ưu thế trong một chính phủ liên hiệp, và miền Nam có thể đã thống nhất với miền Bắc một cách hòa bình. Một giải pháp như vậy sẽ cho phép có đủ thời gian để những ai muốn rời khỏi Việt Nam sẽ được ra đi. Như đã xảy ra, chiến tranh tiếp tục kéo dài thêm 5 năm nữa, và nhiều người Đông Dương đã chết trong giai đoạn đó vì bom pháo hơn 5 năm trước đó. Bắc Việt đã tập trung [cải tạo] một triệu lính của VNCH và các quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ đã phải thoát đi nhục nhã từ nóc nhà của toà đại sứ.
Burns và Novick tiếp tục mô tả việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, nhưng họ nhấn mạnh việc hòa giải giữa các cá nhân với nhau: lính Mỹ trở lại Việt Nam giúp đỡ dân làng và gặp gỡ — và ôm choàng— kẻ thù cũ; những người Việt Nam chạy thoát sang Hoa Kỳ cũng trở về quê để bắt đầu kinh doanh; thân nhân những người Mỹ chết ở Việt Nam, nhiều người trong số đó từng phản đối dữ dội trong nhiều năm, tìm kiếm một dạng an bình trong đài tưởng niệm Maya Lin cho người chết ở Washington. Người dẫn chuyện nêu “Chiến tranh Việt Nam là một bi kịch không thể đo đếm và cứu vãn được. Nhưng ý nghĩa có thể tìm thấy trong những câu chuyện riêng của những người sống qua cuộc chiến, những câu chuyện về lòng dũng cảm, tình đồng đội và sự kiên trì, về hiểu biết và tha thứ, và cuối cùng là hòa giải”.
Những câu chuyện này có thể đem lại nước mắt, nhưng hy vọng rằng đó không phải là ý nghĩa duy nhất được rút ra từ chiến tranh Việt Nam.