Nhân kỷ niệm ngày nước Đức tái thống nhất nhìn lại: Mật vụ Đông Đức đã hỗ trợ mật vụ Việt Nam kiểm soát và đàn áp người dân như thế nào?
Tác giả: Sử gia Đức Martin Großheim
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Biên tập: Hiếu Bá Linh
3-10-2017
Giới thiệu
Sau khi Đông Đức sụp đổ, nước Đức tái thống nhất vào 03/10/1990 các nhà nghiên cứu, các sử gia được tiếp cận kho hồ sơ khổng lồ của Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức, thường được gọi tắt là “Stasi”, vốn nổi tiếng là một trong những cơ quan tình báo được tổ chức chặt chẽ và hoạt động hiệu quả nhất trong khối xã hội chủ nghĩa.
Trong những tháng hỗn loạn sau sự sụp đổ của bức tường Berlin vào tháng 11 năm 1989, hầu hết các hồ sơ của Cục X thuộc Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức (Stasi), cơ quan phụ trách quan hệ quốc tế với các nước xã hội chủ nghĩa khác, bị phá hủy, nhưng may mắn thay rất nhiều tài liệu về mối quan hệ giữa cơ quan an ninh Đông Đức và Việt Nam lại “sống sót.” Những hồ sơ này đến nay vẫn chưa được sử dụng, mặc dù chúng không chỉ cung cấp thông tin về một chương lịch sử Chiến tranh Lạnh bị lãng quên, sự hợp tác giữa mật vụ Stasi Đông Đức và Bộ Công an Việt Nam, mà còn đưa ra một cái nhìn sâu hơn vào các hoạt động nội bộ của bộ máy an ninh Việt Nam. Sử gia Đức Martin Grossheim là người đầu tiên đã tham khảo các hồ sơ quý giá này.
Trong nghiên cứu “Fraternal Support: The East German ‘Stasi’ and the Democratic Republic of Vietnam during the Vietnam War” sử gia Đức Martin Großheim đã sử dụng hồ sơ mật vụ Stasi nêu trên. Ngoài ra ông còn tham khảo lịch sử chính thức của Bộ Công an Việt Nam, và các bài báo được viết bởi các cán bộ đã nghỉ hưu của bộ máy an ninh Việt Nam.
Đến tận gần đây, lịch sử chính thức của Bộ Công An bằng tiếng Việt vẫn được phân loại là “tối mật” và “lưu hành nội bộ.” May mắn là điều này đã thay đổi, nhưng tất nhiên phải cẩn thận khi sử dụng các ấn phẩm đã trở nên sẵn có bởi họ đưa ra một phiên bản lịch sử của các cơ quan an ninh Việt Nam bị chỉnh sửa rất nhiều và mang tính định hướng. Tuy nhiên, chúng chứa thông tin quý giá và rất chi tiết về nền tảng tư tưởng của Bộ Công an Việt Nam và những thay đổi về thể chế sau những năm 1950. Kết hợp với những bài viết của các cán bộ an ninh Việt Nam đã nghỉ hưu, những người luôn tự hào kể lại những thành công của họ trong cuộc đấu tranh chống lại cái gọi là kẻ thù nội bộ và bên ngoài, những ấn phẩm chính thức này cho phép chúng ta đưa thông tin từ các hồ sơ của mật vụ Stasi Đông Đức vào bối cảnh rộng lớn hơn của sự phát triển của bộ máy an ninh Việt Nam.
Bài viết dưới đây là trích một phần lớn từ nghiên cứu nêu trên của sử gia Đức Martin Großheim do Nguyễn Huy Hoàng biên dịch, nói về vai trò của Cộng hòa Dân chủ Đức, hay Đông Đức, trong việc hỗ trợ nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (Việt Nam DCCH) kiểm soát và đàn áp người dân, đặc biệt là những người khác chính kiến v.v.
Bài viết phân tích những mối liên hệ được tạo nên giữa cơ quan mật vụ Đông Đức (Stasi) và cơ quan tình báo của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa sau năm 1953. Dù bộ máy an ninh Việt Nam đã bắt đầu hình thành trước năm 1953 và dựa trên mô hình của Pháp (Sûreté), Anh (MI6), Nhật Bản, và Trung Quốc, bài viết này chỉ tập trung vào giai đoạn thứ hai, bắt đầu từ năm 1953 với việc thành lập một bộ chính thức.
Tình hình an ninh Bắc Việt những năm 1950 và cuộc đấu tranh chống lại “kẻ thù”
Năm 1949, trong một cuộc họp của tổ chức Liên Việt, Lê Đức Thọ, người sau này là chính trị gia quyền lực thứ hai ở Bắc Việt bên cạnh Lê Duẩn, đã phản ứng lại những lời chỉ trích của một số thành viên phi cộng sản của tổ chức mặt trận này bằng cách đưa ra một tuyên bố đã trở thành nguyên lý cơ bản của lực lượng cộng sản ở Việt Nam và các cơ quan an ninh của họ cho đến tận ngày nay: “Chống lại chủ nghĩa cộng sản là chống lại cuộc kháng chiến và phản bội Tổ quốc.” Khái niệm “Việt Gian” được áp dụng cho tất cả những người Việt Nam nào không ủng hộ tuyên bố độc quyền lãnh đạo của cộng sản Việt Nam hoặc bị tình nghi do tầng lớp xuất thân của họ hay do có mối liên hệ với các lực lượng phi cộng sản.
Sau khi đánh bại Pháp trong trận Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954, quân đội Việt Minh chiến thắng trở về Hà Nội và chính thức nắm quyền kiểm soát miền Bắc đất nước. Tuy nhiên, chiến thắng vẫn chưa trọn vẹn bởi Việt Nam đã bị chia cắt tạm thời ở vĩ tuyến 17.
Các nhà lãnh đạo ở miền Bắc tập trung đầu tiên vào tái thiết đất nước và củng cố sự kiểm soát của họ. Bộ Công an đóng vai trò quan trọng trong quá trình này và trở thành một công cụ mạnh mẽ để kiểm soát xã hội và củng cố nhà nước. Điều này thể hiện rõ trong sắc lệnh chính thức thành lập Bộ năm 1953. Theo sắc lệnh này, nhiệm vụ đầu tiên của Bộ là “Chống gián điệp, phản động ở trong nước để bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân, bảo vệ quân đội nhân dân, [và] bảo vệ kinh tế quốc dân; bảo vệ biên giới, [và] chống đặc vụ và gián điệp quốc tế.”
Giữa những năm 1950, các lãnh đạo tại Hà Nội phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng lớn: thứ nhất, họ phải đối phó với Nhân Văn Giai Phẩm, một phong trào phản kháng chính trị do những trí thức dẫn đầu; và thứ hai, họ phải ổn định một vùng nông thôn đã rơi vào hỗn loạn hoàn toàn sau chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất thất bại. Đảng Lao động Việt Nam đã vượt qua được các cuộc khủng hoảng này, nhưng cả hai sự cố cho thấy Đảng vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được đất nước. Do đó, chính phủ Bắc Việt đã tiến hành những bước tiếp theo để mở rộng và hiện đại hóa lực lượng công an của mình, và từ giữa những năm 1950, Ủy ban An ninh Quốc gia của Liên Xô (KGB) bắt đầu cung cấp hỗ trợ cho Bộ Công An Bắc Việt.
Năm 1960, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Cộng sản Việt Nam, Lê Duẩn chính thức được bầu làm Bí thư thứ nhất của Đảng Lao động Việt Nam. Để củng cố quyền lực, Lê Duẩn ngày càng dựa nhiều vào bộ máy an ninh và Bộ trưởng Bộ Công an, Trần Quốc Hoàn.
Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên của miền Bắc Việt Nam, là người lính trên tiền tuyến chịu trách nhiệm việc khẳng định quyền kiểm soát của đảng đối với chính quyền Việt Nam và nhắm mục tiêu tới bất kỳ kẻ thù nội bộ cũng như bên ngoài nào. Từ những năm đầu 1960, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị định mở rộng vai trò của Bộ Công an, cho phép nó trở thành một “công cụ của chế độ chuyên chính tuyệt đối trung thành với Đảng” và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống phản cách mạng. Ví dụ, trong tháng 6 năm 1961, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam DCCH đã ban hành Nghị quyết số 49 về việc giáo dục cải tạo những người bị xem là nguy hại cho xã hội.
Một nghị quyết bổ sung từ tháng 1 năm 1962 liệt kê nhiều nhóm “phần tử” khác nhau được phân loại là phản cách mạng, bao gồm “gián điệp miền Nam Việt Nam, người Công Giáo phản động, các phần tử từng phục vụ Pháp hoặc từng là các thành viên của các tổ chức phản động, phần tử phản động ngoan cố không chịu cải tạo trong các giai cấp bóc lột cũ, và tất cả các phần tử thù địch, phản cách mạng khác”.
Nghị định còn quy định rằng đến năm 1963, tất cả các cơ quan lãnh đạo, các nhà máy quan trọng, và các tổ chức vũ trang phải loại bỏ hoàn toàn các “phần tử” này. Trong điều kiện cụ thể, các phần tử tình nghi phải được điều chuyển đến những nơi khác “không quan trọng” (có nghĩa là những vùng xa xôi), trong khi những ai chưa điều chuyển được phải bị theo dõi chặt chẽ và không được cung cấp bí mật nhà nước. Mục tiêu tổng thể của các biện pháp này về cơ bản là quét sạch bất kỳ lực lượng phản cách mạng có thật hay tưởng tượng nào ra khỏi miền Bắc.
Để khai thác các phương tiện thể chế nhằm thực hiện chiến dịch làm sạch rộng lớn này, các nhà lãnh đạo ở Hà Nội quyết định mở rộng Bộ Công an và trao cho nó toàn quyền giám sát an ninh nội bộ của Việt Nam DCCH và tiến hành chống lại tất cả các nghi phạm phản cách mạng. Bộ Công an được lệnh tiếp tục thành lập các phòng ban khoa học và kỹ thuật, những đơn vị được cho cần thiết cho công việc hoạt động nghiệp vụ và để đối phó hiệu quả với hoạt động của đối phương. Hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa Bộ Công an là ưu tiên số một của Trần Quốc Hoàn. Do đó, các nghị quyết từ năm 1961 đến năm 1962 không chỉ nhằm thiết lập một nhà nước an ninh, mà còn nhằm hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa lực lượng an ninh ở miền Bắc Việt Nam. Vì vậy, nghị quyết của Bộ Chính trị vào tháng Giêng năm 1962 chính thức được coi là “quyết định cơ bản của Đảng về việc thành lập Lực lượng Công an Nhân dân.”
Các nghị quyết ngay lập tức được thực hiện. Vòng đầu tiên đã có khoảng 570 “phần tử phản cách mạng” trong năm 1961, chiến dịch được tăng cường những năm sau đó. Năm 1962, tại Hà Nội, Hải Phòng, và các thành phố khác, khoảng 4.000 người từng làm việc cho chính quyền thuộc địa và chính quyền Bảo Đại thân Pháp, cùng nhiều người khác được coi là không đáng tin về chính trị đã bị gửi đến các trại giáo dục cải tạo ở các khu vực vùng sâu vùng xa ở phía Bắc. Theo một ấn phẩm bằng tiếng Việt chính thức, trong giai đoạn 1961-1965, Bộ Công an đã gửi 11.365 cá nhân “được xem là nguy hiểm đối với an ninh của chúng tôi và trật tự xã hội đi cải tạo tập thể [tức là nhà tù].” Sau chiến dịch chỉnh đốn diễn ra vào đầu những năm 1950 và việc giải quyết cuộc khủng hoảng năm 1956 (tức là các chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất và phong trào Nhân Văn Giai Phẩm), những cuộc thanh trừng có hệ thống trong các khu vực thành thị của miền Bắc Việt Nam và việc điều chuyển những người tình nghi và không đáng tin cậy đến những vùng xa xôi trong những năm 1962-1965 là một bước tiến xa hơn trong việc củng cố quyền lực của Đảng đối với Việt Nam DCCH.
Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, các chương trình tái định cư trở thành một hình mẫu để xử lý những “phần tử” ở phía Nam được coi là không đáng tin cậy và là một mối đe dọa cho “chính quyền cách mạng” mới. Mục đích của việc điều chuyển những “phần tử” tình nghi là để loại trừ họ ra khỏi xã hội Việt Nam.
Mật vụ “Stasi” Đông Đức và Việt Nam – “Những chuyến hàng đoàn kết”
Những liên lạc đầu tiên giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức bắt đầu năm 1957 khi Bắc Việt đệ trình một lời đề nghị về các thiết bị kỹ thuật, bao gồm cả máy ghi âm nhỏ và máy ảnh nhỏ, đến Đại sứ quán Đông Đức ở Hà Nội. Năm 1959, phái đoàn đầu tiên của Bộ Công an đã tới Berlin, dẫn đầu là Nguyễn Minh Tiến. Đoàn làm quen với các thiết bị viễn thông và thiết bị hoạt động trong các lĩnh vực khác như công nghệ hồng ngoại. Năm 1960, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đến thăm Đông Đức lần đầu tiên, nhưng không có thông tin về chuyến đi này. Trong những năm sau đó, hai bên vẫn giữ liên lạc và Bộ Công an Bắc Việt tiếp tục nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ Đông Đức.
Tuy nhiên, sau chuyến thăm lần đầu tiên vào năm 1959, phải mất sáu năm sự hợp tác giữa Đông Đức và các cơ quan an ninh Việt Nam mới thực sự vào guồng. Tháng 12 năm 1965, một đoàn đại biểu Việt Nam tới thăm Đông Đức và lần này trình bày một danh sách dài bao gồm tất cả các loại thiết bị mong muốn để nâng cấp khả năng công nghệ của Bộ Công an Việt Nam.
Hồ sơ của mật vụ Stasi và các ấn phẩm chính thức bằng tiếng Việt có những bằng chứng cho thấy Việt Nam DCCH bắt đầu nhận viện trợ từ các cơ quan an ninh của Ba Lan, Hungary, Đông Đức, Liên Xô, và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ năm 1965.
Từ quan điểm của khối xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu, đây cũng là một dạng phân công lao động.
Theo một ấn phẩm chính thức về Trần Quốc Hoàn, vị Bộ trưởng Bộ Công an này đặc biệt quan tâm đến Bộ An ninh quốc gia Đông Đức bởi ông đã nghe nhiều về “phong cách làm việc công nghiệp, hiện đại, và khoa học” ở Đông Đức. Ông cũng thường xuyên trao đổi với Nguyễn Song Tùng, Đại sứ Việt Nam tại Đông Đức. Nguyễn Song Tùng thậm chí còn biên tập một số tài liệu về kinh nghiệm của Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức. Trong lịch sử chính thức về Bộ Công an bằng tiếng Việt, sự hỗ trợ từ các cơ quan tình báo Liên Xô và Đông Đức thường được đánh giá là quan trọng nhất trong khối xã hội chủ nghĩa. Do đó, việc hiện đại hóa cơ quan an ninh mà Trần Quốc Hoàn đã dự tính trong một vài năm trước đó bắt đầu trở thành hiện thực vào giữa những năm 1960, chủ yếu là nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô và CHDC Đức.
Tháng 11 năm 1965, Bộ trưởng Bộ Công an Bắc Việt Trần Quốc Hoàn đã gửi một bức thư cho Erich Mielke, Bộ trưởng khét tiếng của Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức, và tái lập lại liên lạc với các đối tác Đông Đức của ông. Đoàn đại biểu do Nguyễn Minh Tiến dẫn đầu đến Đông Berlin vào tháng 12 năm 1965. Nguyễn Minh Tiến là người đứng đầu Tổng cục Kỹ thuật của Bộ Công an Bắc Việt và sau này trở thành một trong những Thứ trưởng của nó. Đây là chuyến đi thứ hai của ông đến Đông Đức, sau này còn rất nhiều chuyến đi khác nữa. Trên thực tế, Nguyễn Minh Tiến đã trở thành người liên lạc chính với mật vụ Stasi trong bộ máy an ninh Bắc Việt.
Trong cuộc gặp với Erich Mielke, đầu tiên Trần Quốc Hoàn giải thích chi tiết về những thành công mà Việt Nam DCCH đã đạt được trong cuộc chiến chống lại “đế quốc Mỹ và tay sai,” nhưng sau đó là lý do thực sự cho chuyến thăm của ông tới Đông Berlin:
Chúng tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc chiến của mình, bởi kẻ thù rất tinh ranh mà chúng tôi còn quá thô sơ. Do đó chúng tôi vẫn chưa thể kiểm soát được nhiều… Như đồng chí Bộ trưởng biết, các đồng chí của chúng tôi ở Đông Đức phải tiếp xúc hàng ngày với kẻ thù và không ngừng chiến đấu với chúng. Các đồng chí đã thực hiện nhiều sáng kiến trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù và có một truyền thống lâu đời về khoa học và công nghệ. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các đồng chí cho phép chúng tôi được nghiên cứu những kinh nghiệm quý báu của các đồng chí, để chúng tôi có thể thực hiện công việc của chúng tôi hiệu quả hơn.
Nguyễn Minh Tiến trình bày với Mielke một danh sách mong muốn dài và chi tiết: phía Việt Nam đề nghị các đồng chí Đông Đức giúp họ thiết lập một khu vực nghiệp vụ kỹ thuật cũng như đào tạo và cung cấp các thiết bị cần thiết. Cụ thể, Việt Nam muốn học tập kinh nghiệm của mật vụ Stasi trong các lĩnh vực sau và đề nghị phía Đông Đức giúp xây dựng một bộ phận có thể phân tích và thiết kế các thiết bị gồm: kỹ thuật nghe lén, bảo vệ chống thiết bị nghe lén, thiết bị che giấu, thiết bị phá khóa, bí mật giám sát trực tiếp qua hình ảnh, chặn và theo dõi thư từ, làm giả tài liệu, và soạn thảo văn bản bí mật.
Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức rất sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn kỹ thuật. Năm 1966, mật vụ Stasi đã cung cấp trợ giúp kỹ thuật cho những người đồng chí của mình tại Hà Nội. Một số thiết bị cung cấp cho Việt Nam thực ra đã phải được mua ở Tây Đức hoặc các nước phương Tây khác. Ví dụ, vào tháng 3 năm 1966, mật vụ Stasi đã đặt nhiều thiết bị đặc biệt trị giá 38.000 Mác Đức ở phương Tây, bao gồm một máy phay Aciera vi cơ học do Thụy Sĩ sản xuất.
Sự hỗ trợ của Đông Đức cho bộ máy an ninh Việt Nam tiếp tục được mở rộng trong tháng 9 năm 1966 khi lần đầu tiên Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đến thăm chính thức và gặp gỡ đối tác Đông Đức Erich Mielke của mình. Trong đoàn còn có Phạm Văn Mẫn, Tổng cục phó Tổng cục Kỹ thuật Bộ Công an. Điều này phản ánh mục tiêu tối quan trọng của chuyến thăm, đó là đề nghị Đông Đức trợ giúp nâng cấp và hiện đại hóa các ngành kỹ thuật nghiệp vụ.
Trần Quốc Hoàn nhấn mạnh các nguyên tắc của “quốc tế vô sản.” Khi kêu gọi sự hỗ trợ của các đồng chí Đông Đức trong cuộc đấu tranh chung của họ chống lại “đế quốc Mỹ,” ông đã không gặp khó khăn gì. Erich Mielke nói với ông rằng sự giúp đỡ của Đông Đức cần được xem xét như là một “đóng góp đoàn kết” trong cuộc đấu tranh chung chống lại “chủ nghĩa đế quốc Mỹ” của hai nước.
Mielke chỉ yêu cầu đối tác Bắc Việt của mình gửi vũ khí và các thiết bị khác của Mỹ đến Đông Đức: “Như vậy chúng ta có thể đạt được những hiểu biết mới.” Trong một cuộc họp trước đó với Nguyễn Minh Tiến, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Đông Đức đã đề nghị gửi hai cán bộ mật vụ Stasi đến Việt Nam DCCH để tìm hiểu hoạt động của các cơ quan Mỹ tại Việt Nam.
Trong cuộc họp, Erich Mielke cũng thông báo rằng Bộ An ninh Quốc gia sẽ cung cấp viện trợ kỹ thuật trị giá 2 triệu Mác (Đông Đức) và 200.000 Mác (Tây Đức) cho cơ quan an ninh miền Bắc Việt Nam. Trần Quốc Hoàn rất vui mừng về việc các đồng chí Đông Đức sẵn sàng giúp đỡ và thậm chí còn mua thiết bị kỹ thuật cao từ phía kẻ thù đến nỗi ông cảm ơn Erich Mielke bằng cách trích dẫn câu nói nổi tiếng của người Việt Nam: “chia cơm sẻ áo.”
Ngay sau chuyến thăm Đông Đức của Trần Quốc Hoàn vào tháng Mười năm 1966, mật vụ Stasi đã bắt đầu khóa đào tạo đầu tiên trong lĩnh vực thiết bị điện tử cho các cán bộ cấp cao của Bộ Công an Việt Nam, như Cục trưởng Cục an ninh sóng vô tuyến. Từ tháng 11 năm 1966 đến tháng 4 năm 1967, nhiều nhân viên an ninh cao cấp Bắc Việt đã tham gia khóa đào tạo đầu tiên ở Đông Đức được tổ chức bởi bộ phận kỹ thuật nghiệp vụ của mật vụ Stasi (OTS) và học các kỹ năng trong những lĩnh vực như thu thập tình báo, kiểm soát bưu điện, vân tay, điều tra thư tín bằng văn bản, sản xuất mực bí mật, phân tích và khôi phục tài liệu. Được chỉ định là người đứng đầu các bộ phận tương ứng trong Bộ Công an Bắc Việt, Nghiêm Sĩ Tạo được đào tạo phân tích và sản xuất các tài liệu và mực in bí mật từ tháng 12 năm 1967 đến tháng 4 năm 1968. Tương tự như vậy, Châu Diệu Ái, sau này là thành viên của Cục kỹ thuật nghiệp vụ, được đào tạo viết văn bản bí mật và phân tích chế tạo tài liệu vào năm 1970. Trong những năm sau, mật vụ Stasi tổ chức các khóa học bổ sung cho các chuyên gia từ Hà Nội với một giáo trình được mở rộng. Theo một báo cáo chính thức của OTS mật vụ Stasi, ‘các khóa đào tạo kéo dài trong khoảng thời gian từ ba đến sáu tháng, khoảng 20 đồng chí Việt Nam đã được OTS đào tạo trong các lĩnh vực sau: [phân tích và tái tạo] tài liệu, văn bản bí mật, tội phạm học, đặc vụ; thiết bị điện tử (giám sát phòng và khai thác điện thoại), vi cơ/quang học, sản xuất công-ten-nơ [các thiết bị che giấu], [và] công nghệ bảo mật’.
Do đó, Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức đã đào tạo các chuyên viên cao cấp, những người sau này được cho là nắm giữ các vị trí quan trọng trong Bộ Công an Việt Nam và có công trong việc hiện đại hóa bộ phận kỹ thuật của nó.
Đáp ứng một đề nghị khác của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Đông Đức cũng hỗ trợ Bộ Công an trong việc quy hoạch và xây dựng một viện pháp y và đào tạo đội ngũ cán bộ. Theo một ấn phẩm chính thức của Việt Nam, trong tháng 4 năm 1966, 9 cán bộ đã được gửi đến đào tạo tại Trường Khoa học pháp y thuộc Bộ Nội vụ Đông Đức. Trong nhiệm vụ khảo sát tình hình thực tế ở Hà Nội trong tháng 1 và tháng 2 năm 1967, một phái đoàn của Bộ Nội vụ Đông Đức thấy rằng pháp y tại Việt Nam DCCH vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu và thiếu thốn chuyên gia, thiết bị và chuyên môn. Phía Việt Nam đã đề nghị Bộ Nội vụ Đông Đức hỗ trợ thêm. Rychlik, Trưởng đoàn Đông Đức, hoàn toàn chấp thuận đề nghị này với nhận xét hơi khó hiểu: “Những mong muốn của phía Việt Nam tương ứng với các nhu cầu thiết yếu trong cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam DCCH.” Vào cuối năm 1968, mười cán bộ bổ sung đã được gửi đến Đông Đức để tham dự các khóa học về khoa học pháp y. Sau đó Hà Nội đã mời các chuyên gia từ Bộ Nội vụ Đông Đức đến đào tạo cho các chuyên gia bổ sung tại Hà Nội. Như vậy, trong vòng một năm đã có khoảng 100 cán bộ Việt Nam được đào tạo về Pháp y tội phạm (trong các lĩnh vực như dấu vân tay, đạn, hóa học và sinh học pháp y), mặc dù phải mất thêm năm năm Bộ Chính trị Đảng Thống nhất Xã hội chủ nghĩa Đông Đức mới quyết định xây dựng một Viện Pháp y hoàn chỉnh tại Hà Nội.
“Kiểm soát nội bộ ở miền Bắc”
Tháng 6 năm 1967, Bộ Công an Bắc Việt gửi những người đồng chí Đông Đức của họ một kế hoạch chi tiết về việc thiết lập hai cơ quan phân tích, làm giả tài liệu và công nghệ giám sát. Theo tài liệu này, những cơ quan này phải xây dựng và sản xuất thiết bị kỹ thuật đặc biệt “cần thiết cho lực lượng an ninh, Công an Nhân dân và các cơ quan an ninh của Quân đội Nhân dân trong cuộc đấu tranh chống lại các phần tử chủ nghĩa đế quốc, bè lũ phản động, và các tội phạm khác.”
Tương tự, tháng 5 năm 1969, Trần Quốc Hoàn đã gửi một bức thư cho Friedrich Dickel, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Công an nhân dân Đông Đức, thông báo rằng ba cán bộ công an Việt Nam sẽ được gửi đến Đông Đức để đào tạo sâu hơn trong trong việc ngăn chặn và theo dõi các phần tử phản cách mạng và làm quen với các thiết bị đặc biệt giúp họ hoàn thành nhiệm vụ này.
Không rõ liệu cuối cùng khóa đào tạo mà Bắc Việt đề xuất này có diễn ra hay không. Tuy nhiên, ý định tăng cường khả năng ngăn chặn và truy lùng “kẻ thù của cách mạng” của bộ máy an ninh Hà Nội là rất rõ ràng. Như đã đề cập trước đây, có rất nhiều bằng chứng cho thấy các cán bộ cao cấp của cục Kỹ thuật, Bộ Công an Việt Nam đã được đào tạo sử dụng công nghệ giám sát và bảo mật hiện đại. Hơn nữa, việc phái đoàn đầu tiên của Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức – bao gồm các nhân viên của Cục 26 vốn phụ trách thiết bị nghe lén và giám sát trực quan, Cục 31 phụtrách công nghệ chụp ảnh, công nghệ quan sát trực quan, sao khóa, công nghệ bảo mật, và Cục tình báo nước ngoài – đã đến miền Bắc Việt Nam vào giữa năm 1966 là rất có ý nghĩa. Đoàn mật vụ Stasi đầu tiên tại Hà Nội được giao nhiệm vụ thảo luận với các đồng nghiệp của Bộ Công an Bắc Việt về vấn đề hỗ trợ và sử dụng “thiết bị tác chiến“, tức là các thiết bị phục vụ cho các hoạt động tình báo và phản gián trong các điều kiện cụ thể ở Việt Nam.
Bắt đầu từ năm 1966, các “lô hàng đoàn kết” của Đông Đức tới Việt Nam DCCH bao gồm các thiết bị giám sát công nghệ cao đã tiếp tục thường xuyên đến cảng Hải Phòng trong chiến tranh, thậm chí còn được tăng cường sau năm 1975 trong bối cảnh tình hình an ninh căng thẳng ở miền Nam thời hậu chiến.
Các hồ sơ của mật vụ Stasi chứa hàng trăm danh sách chi tiết của tất cả các loại thiết bị và kỹ thuật phục vụ cho nhu cầu thực hiện các hoạt động bí mật, phản gián, và thông tin liên lạc bí mật của cơ quan an ninh Bắc Việt, bao gồm các thiết bị giám sát phòng không dây và có dây và các thiết bị nghe (băng ghi âm, băng, tai nghe, máy ảnh Minox, camera hồng ngoại, kính viễn vọng, và máy vi âm định hướng). Một số thiết bị nghe và thiết bị giám sát phòng đã được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện khí hậu cận nhiệt đới ở miền Bắc Việt Nam.
Nó cũng tiết lộ rằng trong chuyến thăm thứ ba của mình tới Đông Đức vào tháng 3 năm 1966, Nguyễn Minh Tiến đã nhận được sáu kính viễn vọng, mười máy ảnh Minox nhỏ, và bốn bộ dụng cụ nhập kín đáo như một món quà, và “lô hàng đoàn kết” đầu tiên giữa năm 1966 bao gồm hàng trăm các thiết bị nghe và giám sát. Tương tự, Bộ Công an Bắc Việt cũng nhận được các bộ dụng cụ phá khóa cho phép nhân viên của họ đột nhập vào nhà của những “phần tử” tình nghi và sau đó cài đặt các thiết bị nghe nêu trên.
Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà lịch sử chính thức của bộ máy an ninh Việt Nam trước nay vốn được phân loại là “tối mật” hoặc “lưu hành nội bộ,” nhưng hiện nay đã có thể tiếp cận, cho thấy làm thế nào lực lượng an ninh Việt Nam có thể thành công trong việc theo dõi những kẻ thù nội bộ cũng như bên ngoài của cuộc cách mạng từ những ngày đầu của Việt Nam DCCH. Lý do một phần là nhờ những hỗ trợ và đào tạo đến từ Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức. Nói cách khác, việc mật vụ Stasi Đông Đức cung cấp các thiết bị công nghệ cao và đào tạo cán bộ công an Việt Nam đã góp phần đáng kể vào việc tăng cường trấn áp nội bộ của Việt Nam DCCH. Nó cho phép Bộ Công an Bắc Việt thắt chặt hơn nữa tầm kiểm soát đối với xã hội miền Bắc Việt Nam và ngăn chặn bất kỳ sự chống đối nào.
Bất kỳ sự chống đối nào ở đây cũng tức là những tiếng nói bất đồng chính kiến trong đảng. Các thiết bị giám sát và các thiết bị khác mà mật vụ Stasi Đông Đức cung cấp sau đó cũng được dùng để giám sát Đảng Lao động Việt Nam, Quân đội Nhân dân và bóp nghẹt mọi sự chống đối tiềm tàng.
Điều thú vị là trong tháng 2 năm 1963, Bộ Công an Bắc Việt đã quyết định thành lập một Cục Bảo vệ Nội bộ chịu trách nhiệm theo dõi và nghiền nát bất kỳ phần tử phản cách mạng nào bí mật hoạt động trong các tổ chức Đảng và Nhà nước. Việc tổ chức lại bộ máy an ninh nhà nước cung cấp các cơ sở cần thiết cho phe cầm quyền Lê Duẩn – Lê Đức Thọ gạt bỏ và loại trừ bất cứ sự phản đối nào đối với chiến dịch quân sự của họ trong Đảng Lao động Việt Nam. Điều này lên đến đỉnh điểm trong cái gọi là “Phong trào chống chủ nghĩa xét lại hiện đại” vào năm 1964, trong đó Bộ Công an, với Cục An ninh nội bộ mới thành lập của nó, có vai trò quan trọng.
Tuy nhiên, ví dụ nổi bật nhất của việc nghiền nát sự bất đồng trong nội bộ Đảng ở miền Bắc Việt Nam lại là cái gọi là “vụ án xét lại chống Đảng” từ năm 1967, trực tiếp liên quan đến các sự kiện năm 1963 – 1964. Trong vụ việc này, bộ máy an ninh Bắc Việt đã bắt giữ hàng trăm cán bộ Đảng và trí thức. Hoàn cảnh chính xác của vụ việc này vẫn chưa rõ ràng, nhưng các bằng chứng sẵn có cho thấy các vụ bắt giữ phản ánh một tư tưởng cứng rắn của các nhà lãnh đạo tại Hà Nội vào đêm trước của cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân, và những lời chỉ trích nhằm vào Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, đối thủ quyền lực chính của Lê Duẩn từ những năm 1950. Lê Duẩn đã hỗ trợ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hoạt động như một đối trọng với Võ Nguyên Giáp vốn được lòng nhiều người. Tuy nhiên, cái chết đột ngột của Nguyễn Chí Thanh tháng 7 năm 1967 đã để lại một khoảng trống trong cơ cấu quyền lực ở Hà Nội, nhất là khi sức khỏe của Hồ Chí Minh tiếp tục xấu đi.
Đến tận gần đây, các ấn phẩm chính thức tại Việt Nam vẫn giữ im lặng về những làn sóng bắt giữ vào năm 1967 và nguyên nhân của chúng. Tuy nhiên, Lịch sử Cục Bảo vệ An ninh Quân đội, Quân đội Nhân dân Việt Nam (1950-2000) xuất hiện trên các trang web ở Việt Nam một thời gian ngắn đã trình bày phiên bản chính thức của “vụ án xét lại chống Đảng” và cung cấp thông tin chi tiết về cách cơ quan an ninh Việt Nam tham gia vào việc theo dõi những cán bộ bị coi là kẻ thù và thậm chí là kẻ phản bội của Đảng:
“Từ năm 1965 trở đi, Cục An ninh Quân đội đã tham gia nhiều hơn vào cuộc đấu tranh chống lại ‘Tổ chức phản động chống Đảng mang tư tưởng chủ nghĩa xét lại, hoạt động như con rối của nước ngoài’.
Đây là một vụ án lớn mà Đảng ta đã phát hiện vào cuối năm 1963, sau khi Ủy ban Trung ương Đảng thông qua Nghị quyết số 9 về chính sách đấu tranh quốc tế chống lại mọi hình thức chủ nghĩa xét lại hiện đại và chủ nghĩa cơ hội. Một số cán bộ cao cấp và Đảng viên làm việc trong một số cơ quan quân đội, chính phủ, và Đảng đã thể hiện lý tưởng đi ngược lại chủ nghĩa Mác-Lênin. Chúng cố gắng phá hoại chính sách đối ngoại và chính sách chống Mỹ cứu nước của Đảng ta, thay vào đó, chúng ủng hộ chính sách thỏa hiệp hữu khuynh và hoà giải.
Đối mặt với tình hình này, giữa năm 1964, Trung ương Đảng quyết định thành lập một vụ án điều tra hình sự…
Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, Cục An ninh Quân đội đã tiến hành điều tra bằng cách sử dụng các biện pháp khác nhau, bao gồm trinh sát nội bộ [gián điệp/thông tin], trinh sát bên ngoài [giám sát], trinh sát kỹ thuật, và các biện pháp giám sát kết hợp. Những cán bộ tham gia điều tra và bắt giữ làm việc cả ngày lẫn đêm, theo sau từng bước đi của địch, thu thập, góp nhặt chứng cứ…
Năm 1970, vụ án chống lại ‘Tổ chức phản động chống Đảng mang tư tưởng chủ nghĩa xét lại, hoạt động như con rối của nước ngoài’ đã đi đến hồi kết”.
Các thế lực nước ngoài đề cập trong “Lịch sử Cục An ninh Quân đội” chính là Liên Xô. Lịch sử thật trớ trêu khi chính những thiết bị giám sát mà mật vụ Stasi Đông Đức cung cấp như một hành động của tình đoàn kết xã hội chủ nghĩa cuối cùng lại được bộ máy an ninh Bắc Việt sử dụng để giám sát những Đảng viên bị tình nghi là làm việc cho Liên Xô của họ.
Hơn nữa, Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức đã đáp ứng mong muốn hiện đại hóa Bộ Công an của Trần Quốc Hoàn trong năm 1966 bằng cách thiết lập một kho lưu trữ thẻ căn cước công dân trung tâm và một danh mục thẻ đặc biệt cho những người bị tình nghi. Trần Quốc Hoàn đề nghị đào tạo bí mật. Những đề nghị này được đáp ứng trong những năm sau đó. Không phải ngẫu nhiên mà trong bối cảnh này chính phủ Bắc Việt quyết định thành lập Cục Hồ sơ thuộc Bộ Công an vào tháng 2 năm 1968. Nhiệm vụ của bộ phận mới này rất đa dạng. Chủ yếu là nó phải lưu trữ tất cả các văn bản của Bộ, cũng như thu thập và phân tích các hồ sơ và tài liệu về “kẻ thù” và cung cấp thông tin cần thiết cho các bộ phận khác nhằm tiêu diệt “kẻ thù.” Các phòng hồ sơ cũng được thành lập ở các cấp thấp hơn trong Bộ Công an. Theo lịch sử chính thức của Bộ, các cơ quan mới này đã đóng góp đáng kể vào việc theo dõi và đập tan những kẻ thù nội bộ. Mật vụ Stasi đã giúp thành lập Cục Hồ sơ và giới thiệu các phương pháp lưu trữ mới để bảo vệ và tăng tốc quá trình xử lý thông tin an ninh tại Việt Nam.
Tài liệu từ những chuyến thăm Việt Nam DCCH của đoàn đại biểu Bộ An ninh Quốc gia và Bộ Nội vụ Đông Đức đã làm sáng tỏ thêm về những hoạt động nội bộ của bộ máy an ninh Bắc Việt và ưu tiên của họ. Trong một chuyến thăm Hà Nội vào năm 1970, đoàn đại biểu Bộ Nội vụ Đông Đức đã thu được một sự hiểu biết nhất định về tình hình an ninh tại thủ đô và một số tỉnh. Đặc biệt, nó thu được một tài liệu của Bộ Công an Bắc Việt cung cấp nhiều thông tin chi tiết và hấp dẫn về các hoạt động và kế hoạch của các cơ quan an ninh trong giai đoạn 1971-1975. Theo tài liệu này, cuộc đấu tranh chống tội phạm đã được tăng cường bằng cách lưu danh bạ tất cả các “phần tử tội phạm”, mở rộng số lượng thành viên không chính thức và ổn định mạng lưới đặc tình hiện có.
Sự tồn tại của một mạng lưới đặc tình thuộc Bộ Công an và tương tự như IM (Inoffizieller Mitarbeiter – cộng tác viên không chính thức) khét tiếng thuộc mật vụ Stasi Đông Đức trước đây cũng được xác nhận trong một bài phát biểu đánh giá hoạt động của “đặc vụ” hay “đặc tình” của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn vào năm 1967. Ông nhấn mạnh rằng các bộ máy an ninh cũng phải dựa vào quần chúng để ngăn chặn các phần tử phản cách mạng:
“Nhận thức đầy đủ và hoàn chỉnh khái niệm này, chúng ta thấy cơ quan công an của ta có đủ các cơ cấu cần thiết và khả năng xây dựng một đội ngũ đặc tình rộng lớn gồm nhiều thành phần và nhiều tầng lớp khác nhau nhằm phát hiện và chống lại tất cả các mục tiêu phản cách mạng, đặc biệt là bọn điệp viên hoạt động bí mật.”
Những đoạn khác trong tài liệu nêu trên của Bộ Công an xác định những nhiệm vụ hành chính và trực tiếp liên quan đến đề nghị Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức giúp đỡ cơ quan an ninh Bắc Việt thiết lập một kho lưu trữ thẻ căn cước công dân trung tâm và một danh mục thẻ đặc biệt cho những người bị tình nghi trước đó của Trần Quốc Hoàn. Tài liệu này nhấn mạnh rằng 100% dân số sống trong lãnh thổ nước Việt Nam DCCH phải được đăng ký, cũng như tất cả các loại vũ khí, nhà in, chủ sở hữu máy đánh chữ, người khắc con dấu, và dược sĩ. Để tăng cường giám sát, phải thành lập một đội ngũ nhân viên không chính thức và những đặc tình giữa các nhóm người này.
Tài liệu này cũng cho thấy một cuộc đấu tranh chống hiện tượng suy đồi ở Bắc Việt, “đặc biệt là trong số những người có nguồn gốc từ miền Nam Việt Nam.” Để hạn chế ảnh hưởng của “suy đồi văn hóa miền Nam Việt Nam” tới Việt Nam DCCH, các tài liệu nói rằng “điều này cũng [cần thiết phải] đưa những người từ miền Nam Việt Nam vào các trại tập trung, giáo dục và cách ly họ khỏi những người khác“.
Điều này rõ ràng báo trước các trại giáo dục cải tạo được thành lập sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975 ở miền Nam.
Hỗ trợ của mật vụ Stasi sau chiến tranh Việt Nam
Ngày 19 tháng 4 năm 1975, ít ngày trước khi chiến tranh kết thúc, Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành một Nghị quyết chính trị về “quân đội bù nhìn, chính phủ bù nhìn, và cuộc đấu tranh phản cách mạng“. Nghị quyết này phản ánh mối quan tâm liên tục của Đảng lãnh đạo ở Hà Nội trong việc loại bỏ bất kỳ kẻ thù nội bộ nào và có biện pháp chuẩn bị trước khi chính phủ Việt Nam Cộng hòa được dự tính sẽ sụp đổ. Ngày 22 tháng 6 năm 1975, Văn phòng Trung ương Cục miền Nam đã ban hành một nghị quyết cụ thể hơn về việc đàn áp các phần tử phản cách mạng ở miền Nam Việt Nam.
Từ tháng 5 năm 1975 đến cuối năm 1976, Bộ Nội vụ, hợp nhất từ Bộ Công an và Bộ Nội vụ trước đây, đã gửi khoảng 10.000 cán bộ an ninh vào miền Nam để củng cố quyền lực của Đảng trên lãnh thổ cũ của Việt Nam Cộng hòa. Một trong những biện pháp quan trọng nhất của bộ máy an ninh Cộng sản là đăng ký dân số miền Nam Việt Nam và gửi những người đã từng làm việc cho “chính phủ bù nhìn” hoặc phục vụ trong “quân đội bù nhìn” vào các trại giáo dục cải tạo. “Hỗ trợ anh em” do mật vụ Stasi Đông Đức cung cấp trong thời kỳ hậu chiến tranh là công cụ giúp các nhà lãnh đạo ở Hà Nội củng cố quyền lực của mình ở phía Nam.
Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức đã cung cấp cho cơ quan an ninh Việt Nam một tổng đài điện thoại tự động 1.500 số và đầy đủ thiết bị để mỗi cơ quan công an thành phố và cấp tỉnh ở Việt Nam đều có một tổng đài điện thoại riêng và một mạng điện thoại tự động. Sau khi chiến tranh kết thúc, Đông Đức không chỉ tăng cường “đào tạo cán bộ [Việt Nam], cung cấp trang thiết bị cho các hoạt động công việc, hỗ trợ và hợp tác trong cuộc chiến chống lại “đặc vụ thù địch” và các hoạt động phá hoại lật đổ, bảo vệ sân bay và bến cảng, kiểm soát hộ chiếu.” Tháng 11 năm 1977, một phái đoàn cấp cao của Bộ Nội vụ Việt Nam đã tới thăm Đông Đức. Trong bối cảnh tình hình bất ổn ở miền Nam Việt Nam với nhiều người thất nghiệp, rất nhiều cán bộ công chức và binh lính của chế độ Sài Gòn cũ vẫn đang được giáo dục cải tạo và nhiều người trong số họ phản đối các nhà lãnh đạo mới từ miền Bắc, lãnh đạo của phái đoàn Việt Nam đã đề nghị Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức chia sẻ “kinh nghiệm chiến đấu chống lại các ảnh hưởng thù địch từ phương tiện truyền thông đại chúng của chủ nghĩa đế quốc và các phương pháp cụ thể mà Bộ An ninh Quốc gia sử dụng… luật hình sự sử dụng để chống lại dòng tư tưởng- chính trị lệch lạc giữa các nghệ sĩ, sinh viên, bác sĩ và hình thức chế tài cũng như phương pháp ngăn chặn những ảnh hưởng thù địch.”
Ít năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, sự hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức cũng như các cơ quan an ninh khác của khối xã hội chủ nghĩa mà Moscow dẫn đầu đã được nâng lên ở một cấp độ chính thức hơn. Trong tháng 10 năm 1980, hai bên Việt Nam và Đông Đức đã ký một thỏa thuận hợp tác chính thức. Họ đồng ý trao đổi thông tin về kẻ thù, hỗ trợ lẫn nhau “trong cuộc đấu tranh chống lại các hoạt động thù địch của cơ quan an ninh các quốc gia theo chủ nghĩa đế quốc,” và gửi một sĩ quan liên lạc tới đại sứ quán của mình. Cũng trong tháng đó, Bộ Nội vụ Việt Nam đã ký một thỏa thuận hợp tác với Liên Xô, được bổ sung bởi một thỏa thuận hợp tác với KGB trong tháng sau đó. Không chỉ thế, trong tháng 12 năm 1980, Việt Nam còn đồng ý ký một thỏa thuận hợp tác chính thức với Bộ Nội vụ Tiệp Khắc.
Trong năm 1984, các cơ quan an ninh Việt Nam gia nhập hệ thống chia sẻ dữ liệu SOUD có chứa thông tin về hơn 188.000 người bị coi là “mối đe dọa tiềm ẩn.” Cơ sở dữ liệu chung ràng buộc KGB với các cơ quan tình báo của Bulgaria, Tiệp Khắc, Đông Đức, Cuba, Mông Cổ, Ba Lan, và Hungary được thiết lập vào năm 1977 để đối phó các mối đe dọa của sự “chuyển hướng chính trị-tư tưởng” tăng cường và ngăn chặn tác dụng phụ tiêu cực của chính sách hòa dịu (détente). Năm 1987, cơ sở dữ liệu SOUD đã chứa thông tin về hơn 188.000 người bị coi là “mối đe dọa tiềm ẩn.”
Việc gia nhập hệ thống chia sẻ dữ liệu SOUD là một bước tiến tới sự hội nhập của bộ máy an ninh Việt Nam vào mạng lưới các cơ quan an ninh khối xã hội chủ nghĩa vốn đã được thể chế hoá bằng việc ký kết các thỏa thuận hợp tác quốc tế trong năm 1980. Do đó, trong những năm 1980, nhiều đại diện của Bộ Nội vụ Việt Nam đã tham dự các hội nghị của khối xã hội chủ nghĩa về các vấn đề an ninh, nơi mà những kinh nghiệm trong phản gián và trong cuộc chiến chống “chuyển hướng chính trị-tư tưởng” bắt đầu từ “các nước đế quốc và bè lũ phản động quốc tế“.
Trong thỏa thuận hợp tác năm 1980, Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức đã cam kết tiếp tục hỗ trợ cho Bộ Nội vụ Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết bị truyền thông và thiết bị tác chiến. Và đây là những gì đã xảy ra: và Cục Tác chiến Kỹ thuật và Truyền thông của mật vụ Stasi đã cung cấp thiết bị và đào tạo các chuyên gia Việt Nam cho đến những ngày cuối cùng của Cộng hòa Dân chủ Đức. Các cơ quan an ninh Đông Đức đã thường xuyên giúp đỡ bộ máy an ninh Việt Nam xây dựng năng lực thể chế từ giữa những năm 1960 trở đi.
Tháng 1 năm 1989, sĩ quan liên lạc của mật vụ Stasi ở Hà Nội đã báo cáo về trụ sở rằng những người đồng nghiệp Việt Nam đã đề cập đến việc hai bên đã hợp tác cùng nhau trong suốt 25 năm và nhấn mạnh nhu cầu hợp tác trong tương lai. Tuy nhiên, như chúng ta biết, điều đó đã không bao giờ trở thành hiện thực: ngày 9 tháng 11 năm 1989, Bức tường Berlin sụp đổ, năm 1990 nước Đức thống nhất, và mật vụ Stasi khét tiếng giải thể.
____
Nguồn: Martin Grossheim, “Fraternal Support: The East German ‘Stasi’ and the Democratic Republic of Vietnam during the Vietnam War”, Cold War International History Project Working Paper #71, September 2014. – Fraternal Support: The East German ‘Stasi’ and the Democratic Republic of Vietnam during the Vietnam War (Wilson Center).