Kỳ Lâm
20-8-2017
Rõ ràng củi khô là Trịnh Xuân Thanh, củi vừa vừa là Đinh La Thăng, và củi tươi chính là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Bộ GTVT – theo kết luận của Thanh Tra Chính phủ và Đoàn giám sát của UBTV Quốc Hội chỉ ra là chỉ định chủ đầu tư yếu và thu ai quy định. Ngoài ra, thông tin thêm cho biết, từ tháng 9/2015 đến nay, Bộ GTVT triển khai 78 dự án đầu tư theo hình thức BT và BOT với chiều dài khoảng 2.200 km, tổng mức là 219.000 tỷ đồng, trong đó 202.000 tỷ đồng là dự án BOT.
Trở lại BOT Cai Lậy, được sự chống lưng của Bộ GTVT, chủ đầu tư liên tục cứng rắn với những tài xế đang đòi hỏi quyền lợi của mình, từ việc đe doạ báo công an xử tội cho đến việc chụp bản số để răn đe.
Nhưng trên hết, là những phát ngôn của lãnh đạo Bộ GTVT thực sự mang tính thách thức dư luận. Từ việc Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật vẫn cho rằng bộ cho phép, nhà đầu tư thu phí là đúng và kiên quyết “không dời trạm thu phí BOT Cai Lậy”; cho đến việc ông Bộ trưởng Bộ GTVT đăng đàn tự vấn về quy định 70km đặt trạm phí, và nhấn mạnh “tôi không hiểu dựa trên căn cứ nào để đưa ra quy định ấy?”. Và mới nhất đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông lên tiếng khẳng định không sai, không dời, không mua lại, và cho biết nếu tài xế tiếp tục trả tiền lẻ thì tỉnh Tiền Giang phải chỉ đạo xử lý.
Nếu phát biểu của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật là “vô cảm”, thì phát biểu của ông Bộ trưởng Bộ GTVT và ông Thứ trưởng Bộ GTVT là Nguyễn Ngọc Đông là “thách thức dư luận”. Thậm chí, việc ông Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đòi xử lý tài xế trả tiền lẻ là sự chà đạp lên pháp luật nhà nước [Nghị định 96/2014/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng].
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao lại như vậy? Thế lực nào? Ý đồ nào đang khiến Bộ GTVT đứng ra ngoài vòng pháp luật và hành xử như một đứa trẻ chưa trưởng thành về nhận thức pháp luật? Điều đặc biệt, nó diễn ngay trong thời điểm mà ‘lợi ích nhóm” đã và đang là cụm từ vô cùng nhạy cảm, và ông Đảng trưởng đang đun lò?
Nhưng qua nhiều nguồn tin, từ việc “khai quật” lại lý lịch của ông Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật với câu hỏi: “Ai đã bổ nhiệm, đề bạt ông Nguyễn Nhật với những vi phạm và khuyết điểm đã được nêu rõ và có kết luận như vậy?” cho đến Osin Huy Đức – người đặt dấu hỏi thẳng thắn hơn khi nhắc đến tên ông “Dũng” với hàng loạt vấn đề liên quan đến ngân hàng, bất động sản, trạm BOT và sự lạm thu, và câu tự vấn của ông Bộ trưởng Bộ GTVT hiện tại đã cho thấy, ông Đinh La Thăng chỉ là một con cờ được nhắc đến, nhưng chủ chốt vẫn là người tử tế mang tên Nguyễn Tấn Dũng.
Nhưng muốn đi đến tràm tướng “người tử tế”, thì “con mã” sẽ bị phanh phui và đấu tố trước, bằng nhiều cách khác nhau. Cũng chính vì vậy, nên ông Bộ trưởng Bộ GTVT mới trả lời chất vấn trực tiếp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 15/8 rằng: “Tự nhiên chúng ta đưa ra 70km. Tôi không hiểu dựa trên căn cứ nào để đưa ra quy định ấy?”.
“Tự nhiên, không hiểu, căn cứ”? Đó là những câu hỏi không hẳn ngô nghê, mà muốn vạch ra rõ ràng rằng, tại sao lại có quy định đó mà chính bản thân ông Bộ trưởng Bộ GTVT còn không hiểu nỗi, nếu hiểu theo cách khác thì đó là cách chửi khéo ông ông Trương Quang Nghĩa với người tiền nhiệm là ông Đinh La Thăng.
Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng, người từng chia sẻ: “Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên”.
Rõ ràng, giờ đây có thể hiểu củi khô là Trịnh Xuân Thanh, củi vừa vừa là Đinh La Thăng, và củi tươi chính là ông Nguyễn Tấn Dũng và một vị nguyên Tổng Bí thư.
Và để “thuận lòng dân” hay “đúng quy trình”, thì trước hết cần phải tranh thủ dư luận, và việc đưa BOT Cai Lậy, thậm chí đẩy sự việc lên quá đà với những phát ngôn coi trời bằng vung của Bộ GTVT, đã là một chiêu trò “đốt nóng dư luận” để chĩa mũi duồi vào những sai phạm thời kỳ trước đó. Làm thế này, sẽ là một cách thức triệt hạ đối thủ hay nhất, đúng theo cung cách rất sĩ phu Bắc Kỳ mà ông Đảng trưởng từng nhiều lần thể hiện.
Nhưng mặt khác, cần phải tính đến việc, Bộ GTVT đang bị mắc vào nhóm lợi ích quá lớn và không thể buông thả. 202.000 tỷ đồng là dự án BOT, với hàng loạt sai phạm thì sẽ có bao nhiêu tỷ đồng được chia chác bởi các quan chức trước và sau này của Bộ GTVT. Lúc này, chống BOT chính là chống ta sẽ là nghiệm của phương trình mà bản thân quan chức Bộ này hoàn toàn không muốn giải ra. Nói một cách khác, thay thế siêu bộ Bộ Công thương với nhóm lợi ích chằng chịt thì giờ đây, Bộ GTVT đang đảm nhiệm vai trò thay thế đó, và bằng mọi cách Bộ này đang có xu hướng ôm chặt tính lợi ích bên trong, để nó không bị lộ đến mức một vài quan chức phải bị bêu tên trong bảng phong thần “chống tham nhũng”.
Dù BOT Cai Lậy là thứ để chống bè phái hay lợi ích nhóm, thì nó cũng cho thấy rằng, thủ đoạn trong chính trị Việt Nam là sự thoả hiệp, sự triệt tiêu dường như rất hiếm hoi. Mọi sự kiện dù nóng đến mấy thì sau thoả hiệp là sự chìm lặng, và Biệt phủ Yên Bái đang là một ví dụ rõ nét nhất. Người dân hay thậm chí hệ thống báo chí trong nước, (lên tiếng mạnh như báo Tuổi Trẻ) cũng chỉ là sự chăn dắt của các thủ đoạn chính trị đang cơn giằng xé, nhất là khi ĐH Đảng đang liền kề, nơi sự thoả hiệp – chia chác quyền lực được tiến hành qua các bước khác nhau, mà bới móc sai phạm và đấu tố là một trong những bước đi đó.
Và bộ GTVT liên tục thách thức dư luận cũng là một nhịp trong những bước đi đó.