Thạch Đạt Lang
18-8-2017
Cuộc xuống đường bạo động ngày thứ bảy 12.08.2017 cuối tuần qua ở thành phố Charlottesville, tiểu bang Virginia làm thiệt mạng cô Heather Heyer, 32 tuổi, cư dân Charlottesville và nhiều người khác bị thương, vẫn chưa dịu đi mà càng lúc càng nóng lên vì những lời tuyên bố mới đây của Tổng thống Donald Trump.
Ngay sau vụ bạo động xẩy ra vào ngày thứ Bảy, Trump tuyên bố: “Trách nhiệm gây ra cái chết của Heather Heyer nằm ở mọi phía”. Lời phát biểu này của Trump đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ khắp nước Mỹ.
Do bị cả 2 đảng Cộng Hòa cũng như Dân Chủ cùng lên tiếng chỉ trích nặng nề, cũng như dưới sức ép của dư luận, các dân biểu, thượng nghị sĩ trong Quốc hội, sáng ngày thứ hai 14.08.2017 ông Trump đã lên tiếng, thừa nhận vụ bạo động là chủ trương của các nhóm Thượng tôn chủng tộc da trắng (White Supremacists), KKK, Tân Phát-xít…
Tuy nhiên nếu quan sát vẻ mặt Donald Trump khi phát biểu, người ta dễ dàng thấy rõ một sự gượng ép khi Trump phải lên tiếng về KKK, Tân Phát-xít trong nhận định của mình, nét mặt Trump lúc đó hoàn toàn không biểu lộ cảm xúc.
Chẳng có gì khó hiểu khi Trump gặp khó khăn lúc phải lên án, chỉ trích nhóm Thượng tôn Da trắng Neo-Nazi, KKK… bởi chính ông ta là một người trong số đó. Chánh văn phòng tòa Bạch Ốc, tướng John F Kelly, con gái Trump Ivanka và con rể Jared Kushner đã bắt ông phải tỏ lập trường cứng rắn hơn với những nhóm này, điều đó làm Trump cảm thấy bực bội, khó chịu.
Tìm hiểu kỹ cuộc đời của Donald Trump sẽ nhận ra ông ta là một con người kỳ thị, chẳng những chủng tộc mà còn giới tính nữa. Giống hệt Hitler, Trump ghét cay, ghét đắng giới đồng tính luyến ái, và luôn xem thường phụ nữ.
Bào chữa cho nhận định hời hợt, né tránh vấn đề sau khi xảy ra biến cố, cũng như tấn công giới truyền thông, trong cuộc họp báo ngày 15.08.2017, được hỏi về biến cố thứ bẩy ngày 12.08.2017 ở Charlottesville, Trump tiếp tục lên tiếng bài xích những người biểu tình đòi di dời bức tượng của tướng Robert Edward Lee khỏi Charlottesville, cho rằng đó là nguyên nhân chính xảy ra bạo động.
Trump nói rằng, vì chưa có đủ dữ kiện, tin tức, nên ông ta không thể kết luận khi đưa ra nhận định ngay sau biến cố. Trả lời báo chí, hỏi tại sao không lên án những kẻ Tân Phát-xít, Trump nói: “Tôi không chờ đợi lâu nhưng tôi muốn chắc chắn, tôi không giống như hầu hết các chính trị gia khác. Tôi muốn nói ra những điều đúng chứ không muốn có một nhận định nhanh”.
Có thật đúng như thế không? Hoàn toàn không! Đã rất nhiều lần Donald Trump hồ đồ lên tiếng, kết án chỉ trích, không cần suy nghĩ, tìm hiểu rõ ràng sự việc. Sau đây là một vài chuyện điển hình:
1- Vụ thảm sát làm 37 người bị thiệt mạng tại sòng bạc khu nghỉ mát World Manila ngày 02.06.2017 ngoại ô thành phố Pasay, Manila. Khi nghe tin, Trump đã lập tức dán nhãn, lên tiếng tại Washington rằng đó là một vụ khủng bố: “Thật là đáng buồn với những gì đang xẩy ra khắp nơi trên thế giới với nạn khủng bố.” và gọi ngắn gọn đó là “Khủng bố ở Manila”. Tuy nhiên giới chức có thẩm quyền ở Manila đã nhanh chóng phủ nhận chuyện khủng bố. Họ xác định rằng nguyên nhân cuộc tấn công chỉ do động cơ tài chánh. Những báo cáo ban đầu cho biết, kẻ tấn công đã đốt cháy một sòng bài để cướp của.
2- Trong tháng Tư năm 2017 tại Paris, một tay súng đã bắn chết một cảnh sát, làm bị thương 2 người khác cùng một du khách người Đức. Trump phán ngay không cần chờ chính phủ Pháp đưa tin: “Vụ án mạng ở Paris là một cuộc tấn công của khủng bố”. Trong lúc đó chính phủ Pháp đã nói rõ rằng, còn quá sớm để xác định nguyên nhân vụ nổ súng.
3- Ngày 13.06.2016, một ngày sau vụ nổ súng ở Pulse – một hộp đêm dành cho giới đồng tính luyến ái – làm 49 người thiệt mạng, 53 người bị thương, thủ phạm Omar Mateen bị cảnh sát bắn chết. Trump lập tức mở cuộc họp báo, giải thích rằng sát thủ là một người Afghanistan. Trump thêm vào trong bản thảo viết tay để phát biểu như trên nhưng lại không thấy được rằng người ta đã đánh dấu rõ thủ phạm là người sinh ra ở New York City.
Tuy nhiên, có lẽ để xoa dịu sự bực bội, giận dữ của nhóm chủ trương vụ bạo động ở Charlottesville, đứng đầu là David Duke, cựu thủ lãnh của KKK, Trump đã so sánh Robert E. Lee với George Washington. Trump nói: “Rất nhiều người trong đám biểu tình muốn di dời bức tượng của tướng Robert Lee, tuần này là tướng Lee, rồi tướng Stonewall Jackson, sau đó sẽ là George Washington? Rồi ai nữa? Bạn nên tự hỏi, mọi chuyện sẽ ngừng ở đâu?”
Sau đó Trump nhấn mạnh thêm: “Bạn đang thay đổi lịch sử, bạn đang thay đổi văn hóa. Bạn có nhiều người đang thực hiện chuyện đó, nhiều hơn những kẻ theo Tân Quốc Xã và Thượng Tôn Da Trắng, báo chí cũng đã không đối xử với họ công bình”.
Báo Independent bình luận rằng, Trump lại tự đút đầu vào chảo nước nóng khi so sánh tướng Robert E. Lee với tổng thống George Washington.
Tuyên bố của Trump đã nhận sự lại chỉ trích từ hai đảng Cộng Hòa lẫn Dân Chủ trên Twitter cùng với lời ca tụng của David Duke, cựu thủ lãnh KKK, đánh giá sự nhấn mạnh của Trump như là kết án cánh tả là khủng bố.
Duke gửi một tin nhắn lên Twitter như sau: “Cám ơn sự can đảm và thành thật của tổng thống Trump khi nói sự thật về chuyện xẩy ra ở Charlottesville”.
Charles Schumer, lãnh đạo khối thiểu số đảng Dân Chủ ở Thượng viện nói rằng “Một tổng thống tốt và vĩ đại là người tìm kiếm sự đoàn kết chứ không phải sự chia rẽ. Nhận định của ông Trump cho thấy rõ ràng ông không phải là một người như tôi nói. Khi David Duke và những người quốc xã da trắng hoan hô nhận định của ông Trump thì đủ biết ông ta đang sai lầm nặng nề như thế nào.”
Dân biểu đảng Cộng Hòa ở Florida, Ileana Ros-Lehtinen viết trên Twitter:“Không thể trở lại chủ nghĩa dung hòa khi giao dịch với KKK, những người ủng hộ Phát xít, Thượng Tôn Da Trắng. Nhất quyết không!”
Trump nói rằng: “Không phải tất cả những người tụ tập ở công viên Charlottesville để phản đối việc di dời bức tượng tướng Robert Lee đều là những người thượng tôn chủng tộc da trắng hay tân quốc xã, và nhấn mạnh thêm rằng, quy chụp họ như thế là không công bằng. Tôi đã lên án Tân quốc Xã, tôi cũng đã lên án nhiều nhóm khác. Không phải tất cả họ đều là Tân Quốc Xã. Hãy tin tôi! Không phải tất cả họ đều theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng theo bất cứ suy diễn nào”.
Hiểu được bản tính của Trump, người ta sẽ không thấy kỳ lạ khi ngay sau đó, ở Trump Tower, ông lại bất ngờ kết án, chỉ trích cả hai phía trong vụ bạo động ở Charlottesville: “Một phía là những kẻ xấu, phía còn lại là nhóm rất bạo lực”. Tuyên bố này đã dấy động trở lại sự mâu thuẫn và nêu ra nhiều câu hỏi mới rằng, nội các của ông Trump sẽ được đánh giá ra sao về vấn đề chủng tộc.
Xã hội đa chủng tộc, đa văn hóa của nước Mỹ sẽ đi về đâu dưới triều đại Donald Trump? Thời gian sẽ trả lời.
_____
(*) Năm 1924 , tướng Lee được dựng tượng ở Charllottesville nhưng đến năm 2016, bức tượng của ông lại được đem ra tranh luận gay gắt trong hội đồng thành phố Charlottesville, rằng nên phá hủy hay ít nhất phải dời đi nơi khác. Đến tháng Hai năm 2017, hội đồng cố vấn thành phố quyết định di dời bức tượng. Nguyên nhân cuộc bạo động ở Charlottesville cuối tuần qua là do biểu tình chống đối việc di dời bức tượng của nhóm KKK, Neo-Nazi, Thượng tôn sắc tộc da trắng.
© Copyright Tiếng Dân
chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn âm ỷ trong lòng nước mỹ. khi sức đề kháng của nền dân chủ kém đi, dịch bệnh này lại có cơ hội bùng phát và gây tội ác đối với người mỹ và cả nhân loại.