S. Alexievich
Alyosha Belskiy, 9 tuổi; Anya Bogush, 10 tuổi; Natasha Dvoretskaya, 16 tuổi; Lena Zhudro, 15 tuổi; Yura Zhuk, 15 tuổi; Olya Zvonak, 10 tuổi; Snezhana Zinevich, 16 tuổi; Ira Kudryacheva, 14 tuổi; Ylya Kasko, 11 tuổi; Vanya Kovarov, 12 tuổi; Vadim Karsnosolnyshko, 9 tuổi; Vasya Mikulich, 15 tuổi; Anton Nashivankin, 14 tuổi; Marat Tatartsev, 16 tuổi; Yulia Taraskina, 15 tuổi; Katya Shevchuk, 15 tuổi; Boris Shkirmankov, 16 tuổi.
Lúc ấy, có một đám mây đen trên trời và mưa rất lớn. Những vũng nước đọng lại có màu vàng và xanh, giống như có ai đổ sơn vào đó. Người ta bảo đó là do bụi bay ra từ hoa. Bà cháu bắt tất cả chúng cháu phải ở dưới hầm. Rồi bà quỳ xuống, cầu nguyện. Bà cũng chỉ cho chúng cháu cầu nguyện theo bà. “Các con hãy cầu nguyện đi. Tận thế đến rồi. Chúa đang trừng phạt tội lỗi của con người.”. Anh trai cháu 8 tuổi, còn cháu được 6 tuổi. Thế là chúng cháu cố nhớ lại những tội của mình. Anh cháu có tội làm vỡ cái hũ thủy tinh đựng mứt mâm xôi. Còn cháu thì đã không nói với mẹ cháu rằng cháu đã để vướng áo đầm vào hàng rào nên nó bị rách. Cháu đã giấu nó ở trong tủ quần áo.
*
Mấy người lính đi xe hơi đến bắt chúng cháu phải tập họp lại. Cháu tưởng lại có chiến tranh nữa rồi. Họ nói những chữ như: “Giảm mức độ nhiễm xạ,” “Chất đồng vị,”. Có người lính đuổi theo một con mèo. Cái máy đo độ phóng xạ đang dùng để kiểm tra con mèo tự động phát ra những âm thanh: Click, click. Cùng lúc đó, một bé trai và một bé gái cũng đuổi theo con mèo ấy nữa. Cậu bé trai thì có vẻ bình tĩnh, nhưng bé gái cứ khóc, kêu: “Em không để cho nó bị bắt đâu!”. Rồi la lên với con mèo: “Chạy đi! Chạy đi mèo nhỏ!”. Nhưng người lính có mang theo một cái bao nhựa rất lớn.
*
Cháu có nghe – người lớn nói chuyện với nhau – bà cháu cứ tỉ tê khóc – rằng từ cái năm cháu được sinh ra (1986), trong làng không có thêm một bé trai hay gái nào ra đời nữa. Cháu là đứa duy nhất sinh ra từ ngày đó. Các bác sĩ bảo cháu không thể để cho được ra đời. Nhưng mẹ cháu bỏ chạy khỏi bệnh viện và trốn ở nhà của bà ngoại cháu. Vậy là cháu được sinh ra ở đó. Cháu nghe người lớn nói chuyện với nhau như vậy.
Cháu không có anh, chị hay em gì hết. Cháu rất muốn có một người.
Thưa bà, xin nói cho cháu biết, sao cháu lại không thể ra đời được? nếu vậy thì cháu sẽ ở đâu? Ở cao tít trên trời? hay cháu ở một hành tinh khác?
*
Ngay năm đầu tiên sau khi vụ nổ xẩy ra, không còn con chim se sẻ nào trong thành phố của chúng cháu nữa. Chúng nằm chết lăn lóc khắp nơi – trong vườn, trên mặt nền xi măng. Người ta cào gom xác chúng lại cùng với những lớp lá khô rồi bỏ vào những chiếc thùng đậy nắp kín đem đi. Năm đó, dân chúng không được phép đốt lá vì chúng đã bị nhiễm xạ, nên phải đào hố chôn.
Hai năm sau chim se sẻ lại quay về. Chúng cháu mừng quá sức, gọi nhau ơi ới: “Hôm qua tao có thấy một con chim sẻ. Chúng về rồi!”.
Đám sâu tháng 5 cũng biến mất, cho đến nay không thấy quay lại nữa. Có lẽ phải đến một trăm năm sau, hay một ngàn năm nữa chúng mới xuất hiện ở đây. Các thầy cô của chúng cháu bảo thế. Cháu sẽ không thấy con sâu nào cả.
*
Ngày mùng 1 tháng 9, ngày đầu tiên của niên học, chung quanh không có một bông hoa nào. Hoa đã bị nhiễm phóng xạ hết rồi. Trước khi năm học bắt đầu, cũng như mọi khi, có nhiều người làm việc trong mùa hè. Nhưng năm nay, không phải là thợ xây dựng mà là lính. Họ cầy bỏ hết các vườn hoa, cạo đi từng lớp đất, rồi bỏ vào xe thùng chở đi.
Trong khoảng một năm, người ta đã di tản tất cả những học sinh chúng cháu đi và chôn bỏ ngôi làng. Bố cháu là tài xế tắc xi nên đã đến đó chứng kiến và về kể lại cho chúng cháu nghe. Đầu tiên là người ta đào một cái hố thật lớn sâu xuống dưới đất, quãng độ 5 mét. Kế đó là những người lính cứu hỏa mang vòi rồng đến xịt nước rửa toàn bộ những ngôi nhà từ mái xuống cho đến nền để không còn một hạt bụi phóng xạ nào còn bám vào. Sau đó, xe cần cẩu đến kéo sập những căn nhà ấy rồi đem xác nhà về chôn ở những chiếc hố lớn đào sẵn.Vương vãi khắp nơi là những con búp bê, sách vở, lon hộp. Mấy chiếc máy xúc sẽ thu dọn hết rồi bỏ vào hố, sau đó phủ lên trên một lớp cát và đất sét. Thế là chỗ trước đây là làng mạc, bây giờ chỉ là những cánh đồng trống. Người ta gieo hạt bắp trên những cánh đồng trống ấy. Ở phía dưới, là nhà của chúng cháu, trường học của chúng cháu, phòng họp của làng chúng cháu. Có cả những cây tự tay cháu trồng, với hai tập tem cháu sưu tập được. Cháu đã hy vọng mình có thể mang theo được những thứ ấy. Và ở đó, cháu còn chiếc xe đạp nữa.
*
Cháu 12 tuổi và cháu bị tàn tật. Ông đưa thư đem đến nhà cháu hai tờ ngân phiếu trợ cấp mỗi tháng– một cái cho cháu và cái kia cho ông cháu. Khi mấy đứa con gái trong lớp cháu chúng biết cháu bị bệnh ung thư máu thì không đứa nào dám ngồi gần cháu nữa. Chúng sợ không dám chạm vào người cháu.
Các bác sĩ bảo cháu bị bệnh là do bố cháu đã từng làm việc ở Chernobyl. Rồi sau đó, bố mẹ cháu sinh cháu. Cháu thương bố cháu lắm.
*
Người ta đến tìm bố cháu vào ban đêm. Cháu đang còn ngủ nên không biết bố cháu đang thu xếp quần áo để ra đi. Buổi sáng khi cháu thức dậy, thấy mẹ cháu khóc. Mẹ cháu bảo: “Bố con hiện đang ở Chernobyl!”.
Gia đình cháu chờ bố cháu về như trông chờ người trở về từ chiến trường.
Rồi bố cháu được về và tiếp tục đi làm lại ở hãng. Bố cháu không nói cho chúng cháu biết gì cả. Ở trường, cháu khoe với bạn bè rằng bố tôi vừa từ Chernobyl trở về, ở đấy bố tôi là Thanh Lý Viên, tức là những người góp tay dọn dẹp làm sạch sẽ nơi vừa xẩy ra một tai nạn, thế nên những Thanh Lý Viên là những anh hùng dân tộc. Mấy bạn cháu đứa nào cũng tỏ vẻ ganh tị.
Một năm sau, bố cháu bị bệnh.
Hai bố con đi bách bộ trong khuôn viên bệnh viện – sau lần thứ hai bố cháu phải qua giải phẫu – và cũng là lần đầu tiên bố nói với cháu về Chernobyl.
Nhóm của bố cháu được phân công làm việc ở sát ngay bên lò phản ứng nơi phát nổ. Bố cháu nói, lúc ấy, khung cảnh ở đó rất yên tĩnh, an bình và tuyệt đẹp. Trong lúc nhóm của bố cháu làm việc, thì chung quanh có nhiều việc xẩy ra. Các khu vườn tược trong làng đang vào thời kỳ nở rộ. Mùa màng này cho ai? Dân làng đã bỏ đi hết rồi. Những thứ họ bỏ lại là những thứ nhóm của bố cháu có bổn phận phải “tẩy rửa”. Lớp đất trên mặt bị nhiễm rất nặng các chất phóng xạ được nhóm bố cháu cào đi bằng sạch, sau đó họ còn phải xịt rửa cả các mái nhà. Dù vậy, chỉ hôm sau thôi là khi đem máy đo phóng xạ ra kiểm tra lại máy nó vẫn phát ra những âm thanh click, click, chứng tỏ chất phóng xạ vẫn còn hiện hữu.
“Khi cho bọn bố trở về nhà, họ bắt tay mỗi người và trao bằng Tưởng lục ghi nhận tinh thần hy sinh quên mình cho bọn bố.”. Bố cháu còn kể đi kể lại nhiều lần nữa. Lần cuối cùng khi từ bệnh viện trở về, bố cháu nói với gia đình: “nếu bố qua khỏi, bố sẽ không bao giờ làm việc gì liên quan đến Vật lý, đến Hoá chất nữa. Bố sẽ nghỉ việc ở hãng. Bố muốn làm một người chăn cừu.”. Bây giờ thì hai mẹ con cháu sống một mình. Cháu sẽ không theo học ngành kỹ thuật, dù mẹ cháu rất muốn cháu học ngành này. Đó là ngành bố cháu trước đây đã theo học.
*
Cháu đã từng làm thơ. Hồi đó cháu đang yêu một cô gái, hồi học lớp 5 ấy mà. Thế rồi, khi lên lớp 7, cháu đã hiểu thế nào là sự chết.
Cháu đọc trong thơ của Garcia Lorca : “Cái rễ đen ngòm của những tiếng kêu khóc”. Cháu bắt đầu có ý định học bay. Cháu không thích trò chơi này lắm, nhưng mà nếu không thì làm gì cháu không biết.
Cháu có một đứa bạn. Tên nó là Andrei. Sau hai lần bị giải phẫu, nó được người ta cho về nhà, để chờ lần giải phẫu thứ ba. Sáu tháng sau, khi đến lúc phải trở lại bệnh viện để giải phẫu, nó lấy dây lưng quần treo cổ tự tử, khi các bạn của nó đang ở trong giờ học thể dục. Các bác sĩ trước đó đã dặn nó không được chạy hoặc nhẩy.
Yulia, Katya, Vadim, Oksana, Oleg, và giờ thì tới phiên Andrei.
Andrei có nói:“Bọn mình sẽ chết, và sau đó sẽ trở thành khoa học.”.
Katya cũng nói: “Chúng mình sẽ chết và mọi người sẽ không ai nhớ đến chúng mình nữa.”.
Còn Oksana thì nói: “Khi mình chết, đừng có chôn mình ngoài nghĩa địa nhé! Mình sợ nghĩa địa lắm, vì ngoài đó chỉ có người chết và lũ quạ mà thôi.”.
Yulia thì cứ khóc rồi bảo: “Chôn mình ở cánh đồng vậy!”.
Với cháu bây giờ, thì bầu trời trên cao kia là lẽ sống của cháu, vì các bạn của cháu hiện đã ở trên đó hết rồi.
*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.
Về lại MỤC LỤC