Một đứa trẻ bị thương tật

S. Alexievich

Nguồn ảnh: Chernobyl Archives

Một hôm, con gái tôi thỏ thẻ với mẹ: “Mẹ à, nếu mai mốt con có đẻ ra một đứa bé bị thương tật, con sẽ vẫn thương yêu nó mẹ ạ.”. Bà có thể tưởng tượng được không? Con gái tôi mới học lớp 10 mà nó đã có ý tưởng như thế. Bạn bè cùng lớp nó cũng vậy, đứa nào cũng đều suy nghĩ về điều ấy. Chẳng là có cặp vợ chồng bạn của chúng tôi mới đây hạ sinh được một đứa con trai, đứa con đầu của họ. Đó là một cặp đôi trẻ tuổi, cả hai đều xinh xắn. Vậy mà đứa con họ sinh ra miệng rộng kéo lên đến gần mang tai nhưng lại không có cái tai nào cả. Dạo sau này tôi không ghé thăm họ thường như trước đây nữa, nhưng con gái tôi thì vẫn hay ghé qua với đứa bé. Nó muốn đến đó để chỉ nhìn, hoặc cũng có thể là để thử thách chính mình.

Lẽ ra chúng tôi có thể dọn đi khỏi nơi này. Nhưng vợ chồng tôi suy nghĩ mãi rồi quyết định cứ ở lại. Thực ra chúng tôi sợ phải đi nơi khác. Ở đây, tất cả chúng tôi đều là những người bị lây nhiễm, không nhiều thì ít, thế nên chúng tôi sẽ chẳng e dè gì nhau. Có ai cho mình quả táo, hay trái dưa trồng từ vườn nhà của họ, chúng tôi nhận và ăn thoải mái, chứ không xấu hổ dấu dấu diếm diếm rồi đợi khi không có ai nhìn thấy thì vất chúng đi. Ở đây, chúng tôi cùng chia sẻ với nhau nhiều kỷ niệm, cùng chia sẻ với nhau một số phận. Đi nơi khác, chúng tôi sẽ trở thành người ngoại quốc, kẻ cùi hủi ai cũng lánh xa. Người ta đã quá quen thuộc với những tên gọi như “Những kẻ bị nhiễm xạ (Chernobylites)”, “Những đứa trẻ ở Chernobyl”, “Dân tị nạn từ Chernobyl”. Nhưng người ta không biết chút nào về chúng tôi, vậy mà họ sợ đến gần chúng tôi. Người ta không muốn cho chúng tôi ra khỏi nơi đây và một vòng đai cảnh sát bao quanh không cho ai lọt ra ngoài hẳn sẽ làm họ hài lòng. {Ngưng lại}.Bà không thể thuyết phục tôi rằng không hề có những chuyện như vậy. Chính bản thân tôi đã trải qua những tình huống tương tự. Hồi đó . . . tôi dắt con chạy về Minsk định ở nhờ nhà cô em gái. Nhưng bà có thể tưởng tượng được không? chính em gái ruột của tôi đã không dám mở cửa cho mẹ con tôi vào nhà vì lúc ấy nó có con nhỏ đang còn tuổi bú sữa mẹ. Thế là mẹ con tôi phải ngủ tại nhà ga xe lửa.

Lúc ấy có lúc tôi muốn điên lên vì những ý nghĩ ngông cuồng. Đi đâu bây giờ đây? Hay là tự tử chết cho rồi để khỏi phải chịu đựng đau khổ? Những ngày đầu là như thế đấy! Ai cũng bị ám ảnh bởi những chứng bệnh khủng khiếp, những chứng bệnh chưa từng bao giờ nghe nói đến. Tôi là một bác sĩ. Vậy mà tôi cũng chỉ suy đoán từ những gì người khác nói tới. Các con tôi đi tới đâu cũng đều mang cảm tưởng mình là những kẻ xa lạ. Ở một trại hướng đạo mùa hè mà con tôi tham dự, lũ bạn đứa nào cũng sợ không dám đến gần nó. Chúng bảo: “Con bé đó đến từ Chernobyl. Đêm xuống là người nó sáng lóng lánh.” Ban đêm, bọn chúng còn khiến con bé đi quanh quẩn trong vườn tối để chúng có thể kiểm chứng xem có thật là người con tôi phát ra ánh sáng hay không.

Người ta nói về chiến tranh, những người thuộc về cái thế hệ chiến tranh ấy, rồi họ đem chúng tôi ra so sánh với họ. Thế nhưng những người thuộc thế hệ chiến tranh ấy họ sung sướng, vì họ là những kẻ chiến thắng. Vinh quang của sự chiến thắng giúp họ có thêm sinh lực để tiếp tục sống, tiếp tục tồn tại. Họ chẳng có điều gì để sợ hãi. Chỉ có những ước vọng được học hành, được xây dựng lại cuộc sống và sinh con đẻ cái. Về phần chúng tôi thì hoàn toàn khác. Chúng tôi lo sợ cho con cái của mình, cho cháu chắt của mình, những đứa trẻ chưa được sinh ra, chưa hiện hữu. Chúng chưa được sinh ra mà chúng tôi đã lo sợ cho chúng rồi. Ở đây người ta ít cười, ít hát hò trong những dịp hội hè lễ lậy. Phong cảnh đã thay đổi, những cánh rừng mọc um tùm trên những vùng đất trước đây là đồng cỏ canh tác. Thế nên tính cách con người cũng thay đổi theo. Mọi người đều cảm thấy suy nhược. Thứ cảm giác của tận cùng thế giới. Chernobyl là một sự hóa thân, một ẩn dụ, một biểu tượng. Và chính nó đã làm thay đổi cách nghĩ, thay đổi cuộc sống hàng ngày của chúng tôi.

Có lúc tôi nghĩ có lẽ tốt nhất là bà không nên viết điều gì về chúng tôi cả. Để khỏi phải làm cho người ta hoảng sợ. Chẳng có ai lại đi kể chuyện về ung thư trong căn nhà có người đang mắc bệnh đó. Như người ta không bao giờ bàn tán về một người nào đó bị án tù khổ sai chung thân. Vậy thôi!

 Nadezhda Afanasyevna Burakova, cư dân một ngôi làng trong vùng Khoyniki.

 

*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.

Về lại MỤC LỤC

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây