S. Alexievich
Ngay từ khi còn trẻ tôi đã có thói quen luôn luôn ghi chép lại những việc vừa xẩy ra. Khi Stalin chết, tôi cũng đã ghi lại những điều tôi nhìn thấy trên đường phố, những điều tôi nghe người ta bàn tán. Với vụ nổ Chernobyl, tôi đã viết về sự kiện này từ khi nó vừa mới xẩy ra. Lúc ấy, tôi biết rằng với thời gian, sẽ có rất nhiều thứ bị quên lãng và biến mất không để lại một dấu vết gì. Thực tế chứng minh rằng điều tôi lo sợ là đúng. Bạn bè của tôi vốn là những nhà vật lý nguyên tử, họ đã ở ngay trung tâm của vụ nổ, vậy mà giờ đây họ đã không còn nhớ gì về cảm xúc của chính họ, về những gì họ đã nói cho tôi nghe. Nhưng tôi đã ghi lại tất cả, không sót một điều gì.
Hôm xẩy ra vụ nổ, như thường lệ, tôi đang có mặt tại cơ quan của mình, Viện Năng lượng Nguyên Tử của Hàn Lâm Viện Khoa Học Belarus. Tôi giữ chức vụ Trưởng phòng thí nghiệm của viện, tọa lạc ở một khu rừng ngoài thành phố. Thời tiết hôm đó thật tuyệt. Một ngày mùa xuân lý tưởng. Tôi mở toang hết các cửa sổ phòng. Không khí bên ngoài tươi mát, trong lành. Tôi ngạc nhiên khi không nhìn thấy đám chim giẻ xanh mà suốt cả mùa đông tôi đã nuôi chúng bằng những miếng xúc xích treo ngoài cửa sổ. Hay là chúng đã tìm được những thức ăn ngon hơn ở một chỗ nào đó rồi?
Trong khi đó thì tại lò phản ứng hạt nhân của Viện Khoa học một không khí hoảng loạn xẩy ra: Máy đo mức độ nhiễm xạ cho dấu hiệu nó đang hoạt động liên tục, chỉ số bẩn cao gấp 200 lần bình thường hiện rõ trên máy lọc không khí. Ở cửa ra vào, áp suất là gần 3 mili đơn vị xạ một giờ. Đó là những chỉ số nguy hiểm – chúng cho thấy mức độ phóng xạ cho phép trong khu vực đã đạt tới đỉnh điểm với thời gian tối đa là 6 giờ. Giả thuyết đầu tiên được đưa ra là do những mối hàn của bộ phận phát nhiệt của lò đã bị rò rỉ. Chúng tôi đã xem xét cẩn thận và thấy không có dấu hiệu của sự rò rỉ. Giả thuyết kế tiếp là có thể thùng chứa chất hóa xạ của phòng thí nghiệm đã bị hư hỏng trong lúc chuyển vận và đã gây nên tình trạng hoảng loạn như vừa kể. Nhưng đó cũng chỉ là một nơi nằm bên ngoài khuôn viên viện – không thể là nguyên nhân mà chúng tôi đang tìm kiếm.
Vậy thì vì cái gì đây?
Vào thời điểm này thì hệ thống loa phóng thanh của Viện thông báo mọi nhân viên không được rời khỏi nơi làm việc. Khu vực đất trống giữa các tòa nhà của viện bỗng trở nên vắng vẻ lạ thường. Không một bóng người qua lại. Không khí nhuốm đầy sự lo lắng, hoảng sợ một cách kỳ lạ.
Các chuyên viên đo phóng xạ đến kiểm tra phòng tôi. Bàn làm việc của tôi chiếu ánh sáng “lấp lánh”. Quần áo tôi đang mặc cũng lấp lánh, bốn bức tường phòng cũng lấp lánh. Tôi đứng dậy, không muốn tiếp tục ngồi trên ghế của mình nữa. Tôi bước đến bồn rửa mặt, gội đầu. Lấy máy đo phóng xạ đo lại. Thấy có vẻ khả quan hơn. Như vậy là trong viện đã xẩy ra một “sự cố”? rò rỉ chỗ nào chăng? Vậy phải làm sao chùi rửa cho sạch mấy chiếc xe bus thường đưa chúng tôi vào thành phố? Chúng tôi sẽ phải tự bửa đầu mình nghĩ ra một giải pháp nào chứ! Tôi vốn rất tự hào về lò phản ứng hạt nhân chúng tôi hiện đang làm việc. Tôi thuộc lòng đến từng mảnh nhỏ của nó.
Chúng tôi liên lạc với nhà máy hạt nhân Ignalinsk ở gần bên. Máy móc của họ bên đó cũng đang có vấn đề. Mọi người đều tỏ vẻ hoảng sợ. Chúng tôi gọi qua nhà máy Chernobyl. Không một ai trả lời. Đến giờ ăn trưa thì chúng tôi được biết toàn thành phố Minsk đang bị bao phủ bởi một lớp mây phóng xạ. Từ đó chúng tôi tin rằng trong không khí đang có phóng xạ nguyên tử xâm nhập. Như vậy nghĩa là có một tai nạn vừa xẩy ra ở lò phản ứng hạt nhân.
Sau đó, việc đầu tiên tôi làm là gọi cho vợ tôi, báo cho cô ấy hay sự việc vừa xẩy ra. Tất cả những đường dây điện thoại của viện vốn đều đã bị cài thiết bị nghe lén. Nguyên nhân phát xuất từ nỗi lo sợ cũ rích từ bao giờ. Tôi chẳng lạ gì vì chúng tôi đã lớn lên trong không khí đó hằng mấy chục năm nay. Nhưng hiện giờ ở nhà điều gì đang xẩy ra? con gái tôi có thể đang dạo chơi với bạn sau giờ học âm nhạc ở trường. Có lẽ nó đang ăn kem? Tôi có nên gọi về nhà không? Họ sẽ biết được và hẳn nhiên sẽ chẳng hay ho gì. Chắc chắn tôi sẽ không còn được giao thực hiện những dự án quan trọng nữa. Nhưng tôi bất chấp hậu quả, nhấc điện thoại lên.
“Hãy lắng tai nghe anh nói đây”
“Anh nói chuyện gì vậy?” Vợ tôi lớn tiếng hỏi.
“Nói khẽ thôi chứ. Đóng hết cửa sổ vào. Bọc kín các thức ăn bằng giấy bóng. Đeo găng tay vào, dùng khăn ướt lau sạch tất cả mọi vật trong nhà. Rồi bỏ chiếc khăn lau ấy vào một cái túi, cột lại vất bỏ đi. Quần áo đang phơi trên ban công lấy xuống, bỏ vào máy giặt lại.”
“Chuyện gì xẩy ra thế?”
“Khẽ chứ! Nhỏ hai giọt i ốt vào nước. Dùng nước đó gội đầu.”
“Cái gì?” Tôi gác máy trước khi nghe hết câu nói của vợ tôi. Cô ấy hẳn phải hiểu chuyện gì vừa xẩy ra. Vợ tôi cũng là nhân viên của viện khoa học.
Lúc 3 giờ rưỡi chiều, chúng tôi được tin lò phản ứng hạt nhân ở Chernobyl đã phát nổ.
Buổi chiều hôm đó trên chiếc xe bus của Viện chở nhân viên trở về Minsk mất khoảng nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi ngồi im lặng, không ai nói một lời nào. Hoặc nếu có chuyện cần nói thì cũng chỉ là những câu chuyện không liên quan gì đến sự việc vừa xẩy ra. Ai cũng sợ nói về chuyện đó. Và trong túi mỗi người, ai cũng sẵn sàng tấm thẻ đảng viên của mình.
Trước cửa căn hộ chung cư nhà mình, tôi thấy có miếng giẻ ướt vất ở đó. Như vậy có nghĩa là vợ tôi đã hiểu chuyện gì vừa xẩy ra. Bước vào nhà, tôi cởi áo khoác ngoài, áo sơ mi, quần dài, cho đến khi chỉ còn chiếc quần lót trên người. Hốt nhiên, một cơn giận dữ trào lên chế ngự tôi. Dẹp quách hết đi cái trò bí mật, dấu diếm! cả cái cảm giác sợ hãi chết tiệt! Tôi với tay lấy quyển niên giám điện thoại thành phố, quyển sổ ghi địa chỉ của con gái tôi, của vợ tôi. Tôi bảo mọi người: Tôi làm việc ở Viện Vật Lý Hạt Nhân. Hiện thành phố Minsk đang bị bao phủ bởi một đám mây chứa đầy phóng xạ. Tôi hướng dẫn họ những việc cần phải làm: Gội đầu ngay lập tức, đóng hết cửa sổ nhà lại, quần áo phơi ngoài ban công phải lấy xuống giặt lại, uống nước pha i ốt với liều lượng sao cho đúng. Phản ứng chung của mọi người: Cám ơn. Không ai hỏi tôi bất cứ điều gì, cũng không có ai tỏ vẻ hoảng sợ. Tôi cho rằng họ không tin những điều tôi nói, hoặc cũng có thể họ không hiểu hết được tầm quan trọng của sự việc vừa xẩy ra. Không một ai tỏ vẻ hoảng sợ. Đó là một phản ứng làm tôi kinh ngạc.
Buổi tối, một người bạn của tôi gọi đến. Anh ta cũng là một nhà vật lý học hạt nhân. Tôi không thể hiểu tại sao anh ta lại có thể bất cẩn như vậy. Chúng ta đã sống trong một niềm tin tưởng kỳ lạ! Chỉ đến bây giờ, nhìn lại, chúng ta mới thấy rõ sự tin tưởng mù quáng của mình. Anh bạn tôi gọi để báo cho tôi biết rằng anh ta và gia đình sẽ đến nhà bên vợ của anh ở gần Gomel dịp lễ mừng Chiến Thắng. Từ Chernobyl đến Gomel chỉ bằng khoảng cách ném một viên gạch. Tôi hét lên trong máy: “Quả là một ý kiến thật vĩ đại! Anh đã mất trí rồi!”. Đó là một câu chuyện của những người vốn có trình độ hiểu biết về sự việc. Và về niềm tin tưởng mù quáng của chúng ta. Tôi đã hét thẳng vào mặt bạn mình. Có lẽ, giờ này bạn tôi đã quên mất rằng chính tôi đã cứu mạng mấy đứa con của anh ấy.{Im lặng}.
Chúng tôi – ý tôi muốn nói là tất cả chúng ta – Chúng ta không quên Chernobyl. Chúng ta chỉ không bao giờ hiểu được điều đã xẩy ra ở đó. Làm sao mà những kẻ hoang dã hiểu được ánh sáng văn minh?
Trong quyển sách của Ales Adamovich (1) có một đoạn ông đối thoại với Andrei Sakharov (2) về bom nguyên tử. Sakharov, cha đẻ của bom khinh khí, hỏi: “ông có biết rằng sau một vụ nổ nguyên tử, không khí có mùi vị rất trong lành, rất sảng khoái như thế nào không?”. Trong câu hỏi của Sakharov chứa đựng nhiều sự lãng mạn. Với tôi, với thế hệ chúng tôi – Xin lỗi, tôi nhìn thấy phản ứng của bà, bà tưởng tôi đang thưởng thức một cái gì rất khủng khiếp, chứ không phải tài năng kiệt suất của con người, phải không? Chỉ đến bây giờ, người ta mới coi thường cái gọi là năng lượng nguyên tử và xấu hổ về phát minh này. Thời chúng tôi – năm 1945, khi quả bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống đất Nhật, tôi mới có 17 tuổi. Tôi say mê khoa học giả tưởng. Tôi mơ được đi đến những hành tinh khác, và tin tưởng rằng năng lượng nguyên tử sẽ chắp cánh cho tôi bay vào vũ trụ. Tôi ghi tên theo học ở Viện Năng Lượng Moscow. Ở đây, tôi được biết rằng chuyên ngành tối mật nhất chính là chuyên ngành năng lượng nguyên tử. Vào những năm 50s và 60s, những nhà vật lý học hạt nhân là thành phần ưu tú nhất, những người sáng chói lỗi lạc nhất. Ngành khoa học nhân văn tạm gác qua một bên. Ở trường trung học, thầy giáo của tôi bảo trong 3 đồng xu đã có đủ năng lượng cho cả một trạm phát điện. Nghe xong cái đầu tôi quay mòng mòng. Tôi cũng đã đọc một tác giả người Mỹ viết về sự phát minh bom nguyên tử, tiến trình thử nghiệm và hậu quả của nó như thế nào. Trong thế giới của chúng ta, cái gì cũng là bí mật, cũng bị giấu diếm. Các nhà vật lý học được hưởng lương cao. Tính bí mật của sự việc đã làm cho nó trở nên lãng mạn. Đó chính là sự sùng bái môn vật lý học, sùng bái kỷ nguyên vật lý học. Thậm chí ngay cả khi vụ nổ ở Chernobyl xẩy ra rồi, mãi đến một thời gian rất dài sau đó người ta mới thôi sùng bái môn vật lý học.
Các nhà khoa học được gọi đến để giúp thu dọn Chernobyl. Họ đến Chernobyl bằng chuyên cơ. Có người còn không thèm mang theo những vật dụng cá nhân. Họ tưởng chỉ đến đó làm việc vài tiếng đồng hồ, mặc dù ai cũng biết rằng một lò phản ứng hạt nhân ở đó vừa phát nổ. Họ tin tưởng vào phép màu của vật lý. Họ thuộc về một thế hệ luôn đặt trọn vẹn niềm tin vào vật lý. Thế nhưng kỷ nguyên vật lý đã chấm dứt tại Chernobyl.
Thế hệ của bà hẳn đã nhìn thế giới bằng con mắt khác. Mới đây, tôi có đọc được một đoạn văn của Konstantin Leontiev (3). Ông ta viết rằng, kết quả những thực nghiệm hóa –lý của con người sẽ dẫn đến việc người ta tin tưởng có một sức mạnh cao hơn can thiệp vào các vấn đề của con người trên hành tinh này. Đối với một người lớn lên dưới chế độ Stalin, tôi không thể nào hình dung ra được một sức mạnh siêu tự nhiên nào đó. Chỉ mãi sau này tôi mới đọc Kinh Thánh. Tôi đã hai lần kết hôn với cùng một người đàn bà. Lần đầu, tôi bỏ đi, rồi quay trở về – chúng tôi gặp lại nhau ở trong cùng một thế giới. Cuộc sống quả là một nơi đầy ngạc nhiên, đầy kỳ bí. Bây giờ thì tôi tin tưởng. Tôi tin tưởng điều gì? Tôi tin rằng thế giới ba chiều đã trở nên quá chật hẹp cho nhân loại. Tại sao người ta lại chú ý đến khoa học giả tưởng? là vì con người đang cố tìm cách tách rời mình ra khỏi quả đất. Con người cố gắng tìm hiểu rõ hơn những phạm trù khác nhau của thời gian, trên những hành tinh khác nhau, chứ không phải chỉ riêng quả địa cầu mà chúng ta đang sống. Tận Thế – kết quả những ảnh hưởng về khí hậu gây ra bởi nguyên tử – trong văn chương Tây Phương đã được nói đến từ lâu, có vẻ như bây giờ người ta đang diễn tập lại mà thôi. Tương lai ấy đang được con người sửa soạn. Một lượng lớn những đầu đạn hạt nhân khi phát nổ sẽ tạo ra những đám lửa khổng lồ. Bầu khí quyển sẽ trở nên đậm đặc vì khói. Do vậy, ánh sáng mặt trời sẽ không thể nào với tới được quả đất, dẫn đến một phản ứng dây chuyền – từ lạnh đến lạnh hơn nữa, và lạnh hơn nữa. Hình ảnh ngày tận cùng của thế giới do chính con người tưởng tượng ra đã được nói đến từ cuộc cách mạng kỹ nghệ của thế kỷ 18. Nhưng những quả bom nguyên tử sẽ không biến mất kể cả khi người ta đã thiêu hủy cái đầu đạn nguyên tử cuối cùng. Vẫn còn đó, vốn hiểu biết của con người về bom nguyên tử.
Bà chỉ đặt câu hỏi, nhưng tôi lại cứ luôn tranh luận với bà. Lúc nào mà chả có những cuộc tranh luận giữa các thế hệ. Bà có để ý đến không nhỉ, lịch sử của nguyên tử – nó không chỉ là một bí mật quân sự hay một sự nguyền rủa. Nó còn là tuổi trẻ của chúng ta, thời đại của chúng ta, niềm tin tôn giáo của chúng ta. 50 năm đã qua đi, chỉ mới có 50 năm. Giờ đây, đôi lúc tôi có cảm tưởng rằng thế giới chúng ta sống đang bị cai trị bởi một ai đó, mà những khẩu đại bác, những chiếc phi thuyền chúng ta đang chiếm hữu chỉ là đồ chơi của con trẻ. Dù vậy, cảm giác này vẫn chỉ thoáng qua chứ chưa phải là điều mà tôi xác quyết.
Cuộc sống lúc nào cũng đầy ắp những điều khiến mình ngạc nhiên. Tôi đã từng yêu say đắm môn Vật Lý và có lúc đã tưởng rằng mình sẽ không thể làm cái gì khác ngoài Vật lý. Nhưng giờ thì tôi lại muốn cầm bút viết. Tôi muốn viết về những điều, chẳng hạn như, làm sao mà con người thực sự đã không thể làm vui lòng được khoa học – anh ta chỉ mới khởi sự làm quen với nó. Hoặc là về việc làm thế nào mà một vài nhà vật lý học có thể thay đổi được thế giới. Hoặc về một nền độc tài mới của vật lý và toán học. Cả một cuộc sống mới đang mở rộng trước mặt tôi.
Valentin Alekseevich Borisevich
Nguyên Trưởng Phòng Thí Nghiệm Viện Năng Lượng Nguyên Tử thuộc Hàn Lâm Viện Khoa Học Belarus
Chú thích:
(1) Ales Adamovich : Nhà văn người Belarus (1827-1944)
(2) Andrei Sakharov : Nhà vật lý học nguyên tử người Nga (1921-1989)
(3) Konstantin Leontiev: Triết gia có tư tưởng quân chủ bảo thủ người Nga (1831-1891)
*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.
Về lại MỤC LỤC
Những tai họa đã đang và sẽ còn đến với con người, nhưng người ta vẫn tìm tòi, vẫn phát minh và vẫn tiếp tục chịu tai họa.
Chỉ có một điều sự mất mát hy sinh của người đi trước sẽ là bài học quý giá cho người đi sau.
Bởi vậy việc ghi chép và lưu trữ là không thể thiếu.
Cũng bởi vậy, tôi luôn luôn thấy mình phải làm việc vì còn rất nhiều việc chờ mình.