Tuần lễ Donald Trump đánh mất biển Đông

Foreign Policy

Tác giả: Bill Hayton

Dịch giả: Song Phan

31-7-2017

Bản đồ lô 128, 136/03. Ảnh: Google Earth.

Sự đầu hàng của Việt Nam cho thấy các nước láng giềng của Trung Quốc lo rằng, Mỹ không còn ủng hộ họ nữa.

Lịch sử Việt Nam đầy những câu chuyện hào hùng chống Trung Quốc. Nhưng tháng này, Hà Nội đã quỳ gối trước Bắc Kinh, bị hạ nhục trong đua tranh về việc ai kiểm soát biển Đông, tuyến đường thủy gây tranh cãi nhất thế giới. Hà Nội đang nhìn về Washington tìm dấu hiêu ủng hộ ngầm giúp tránh các đe dọa của Bắc Kinh. Đồng thời, chính quyền Trump đã cho thấy rằng họ không hiểu hoặc không quan tâm đúng mức tới lợi ích của bạn bè và các đối tác tiềm năng của mình ở Đông Nam Á để bảo vệ họ chống lại Trung Quốc. Các chính phủ Đông Nam Á sẽ kết luận rằng Hoa Kỳ không sẵn lòng hậu thuẫn họ. Và trong khi Washington tự làm suy yếu chính mình về vụ gián điệp Nga và các cuộc tranh luận về chính sách chăm sóc y tế, một trong những khu vực quan trọng nhất của thế giới đang rơi vào tay của Bắc Kinh.

Không có vùng biển nào trên thế giới căng thẳng hơn biển Đông. Trong vài năm qua, Trung Quốc và các nước láng giềng đã mưu mẹo, doạ nạt, tán tĩnh, và kiện cáo đòi kiểm soát các nguồn tài nguyên của họ. Tháng 6, Việt Nam đã có một hành động quyết đoán. Sau hai năm rưỡi tạm dừng, cuối cùng họ đã cấp giấy phép cho Talisman Việt Nam (một công ty con của Công ty Năng lượng Tây Ban Nha Repsol) khoan dầu khí ngay sát ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của Hà Nội (EEZ) ở biển Đông.

Theo diễn giải chính thống của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS), Việt Nam có quyền làm như vậy. Theo cách giải thích riêng của Trung Quốc thì không phải vậy. Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra yêu sách rõ ràng cho vùng đáy biển đó. Ngày 25 tháng 7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục  Khảng chỉ kêu gọi “bên liên quan chấm dứt các hoạt động vi phạm đơn phương có liên quan” – nhưng không nói đó thực sự là gì. Trong tình trạng không có sự rõ ràng chính thức, các luật sư và các nhóm tư vấn chính thức Trung Quốc đã đưa ra hai cách giải thích chính.

Trung Quốc có thể tuyên bố “quyền lịch sử” đối với phần biển này trên cơ sở nó luôn là một phần trong cương vực của Trung Quốc (một điều rõ ràng bị tất cả các bên tranh chấp khác cũng như những nhà sử học trung lập tranh cãi). Hoặc giả, họ có thể tuyên bố rằng quần đảo Trường Sa – tập hợp các đảo nhỏ, rạn san hô và đá ở ngoài khơi Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines – khi coi như một nhóm có quyển có EEZ của chúng. Tuy nhiên, tòa trọng tài quốc tế The Hague đã kết luận rằng, tuyên bố này không phù hợp với UNCLOS hồi năm ngoái. Trung Quốc đã từ chối không công nhận cả tòa lẫn phán quyết của toà.

Vào giữa tháng 6, Talisman Việt Nam bắt đầu khoan một điểm nước sâu “đánh giá tốt” tại lô 136-03 dựa vào những gì người trong cuộc tin là một mỏ khí đốt hàng tỷ đô la, chỉ có cách nơi Repsol đang hoạt động 50 dặm. Chính phủ Việt Nam biết nguy cơ Trung Quốc có thể can thiệp nên đã phái các tàu cảnh sát biển và các tàu thuyền dân dụng khác để bảo vệ tàu khoan dầu.

Thoạt đầu, sự can thiệp của Trung Quốc tương đối có tính ngoại giao. Phó Chủ tịch Quân Uỷ Trung ương, tướng Phạm Trường Long, viếng thăm Hà Nội vào ngày 18 tháng 6 và yêu cầu ngưng việc khoan dầu này. Khi Việt Nam từ chối, ông ta đã hủy bỏ một cuộc họp chung về an ninh biên giới (Giao lưu hữu nghị Quốc phòng lần thứ 4) và về nước.

Các báo cáo từ Hà Nội (được xác nhận bởi các báo cáo tương tự, từ các nguồn khác nhau, cho nhà phân tích Carlyle Thayer của Úc) cho biết, ngay sau đó, Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh đã được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc và được báo thẳng thừng rằng Trung Quốc sẽ có hành động quân sự vào các căn cứ của Việt Nam ở biển Đông trừ khi dừng việc khoan dầu lại và Việt Nam hứa sẽ không bao giờ khoan ở phần biển đó nữa.

Đây là một sự đe dọa kịch tính, nhưng không phải là chưa từng có. Trong khi nghiên cứu viết cuốn sách về biển Đông, tôi đã được một quan chức BP nói rằng, Trung Quốc đã từng có những đe dọa tương tự đối với công ty đó khi nó hoạt động ngoài khơi bờ biển Việt Nam vào đầu năm 2007. Phó Oánh, đại sứ Trung Quốc lúc đó tại London, nói với giám đốc điều hành của BP lúc đó là Tony Hayward, rằng bà không thể bảo đảm sự an toàn của nhân viên BP nếu công ty này không từ bỏ các hoạt động của mình ở biển Đông. BP đồng ý ngay lập tức và trong những tháng sau đó đã rút khỏi các hoạt động ngoài khơi Việt Nam. Tôi đã hỏi bà Phó Oánh về điều này trong một bữa ăn tối ở Bắc Kinh hồi năm 2014, và bà trả lời, “Tôi đã làm những gì tôi đã làm vì tôi rất tôn trọng BP và không muốn công ty này gặp rắc rối“.

Việt Nam đóng quân trên khoảng 28 đảo ở quần đảo Trường Sa. Một số được thiết lập trên các đảo tự nhiên, nhưng phần lớn là các lô cốt cô lập trên các rạn đá xa xôi. Theo ông Thayer, 15 chỉ là các nhà giàn: giống như cột mốc đánh dấu địa điểm hơn là các cơ sở quân sự. Chúng gần như không thể chống đỡ được trước một cuộc tấn công thật sự. Trung Quốc đã cho thấy điều này qua các vụ tấn công vào vị trí của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và trong trận chiến Gạc Ma ở Trường Sa hồi năm 1988. Cả hai sự cố đều kết thúc với việc Việt Nam chịu nhiều thương vong và Trung Quốc chiếm được lãnh thổ. Có tin đồn, hoàn toàn không xác nhận được, có một sự cố nổ súng gần một trong những nhà giàn này vào tháng 6. Nếu đúng thì đây có thể là một cảnh báo nghiêm trọng hơn từ Bắc Kinh cho Hà Nội.

Trong khi đó, tàu khoan Deepsea Metro I đã tìm được đúng những gì Repsol đang tìm kiếm: một phát hiện đẹp mắt – chủ yếu là khí nhưng có một ít dầu. Công ty nghĩ rằng có thể có nhiều hơn và tiếp tục khoan. Họ hy vọng đạt được đủ độ sâu của giếng vào cuối tháng 7.

Quay lại Hà Nội, Bộ Chính trị họp thảo luận về những việc cần làm. Giá dầu thấp và sản lượng giảm từ các mỏ ngoài khơi hiện có của đất nước đang làm ảnh hưởng xấu đến ngân sách chính phủ. Đất nước cần năng lượng giá rẻ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giữ cho Đảng Cộng sản tiếp tục cầm quyền – nhưng đồng thời lại phụ thuộc rất nhiều vào giao thương với Trung Quốc.

Gần như không thể biết chắc các quyết định lớn được đưa ra theo cách nào ở Việt Nam, nhưng có vẻ câu chuyện vè Repsol cho thấy Bộ Chính trị đã chia rẽ sâu sắc. Trong số 19 uỷ viên, 17 người bỏ phiểu thuận thách thức Trung Quốc. Chỉ có hai người không đồng ý, nhưng họ lại là những người có ảnh hưởng nhất ở bàn họp: Tổng bí thư đảng, Nguyễn Phú Trọng, và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lich.

Sau hai cuộc họp gay gắt vào giữa tháng 7, quyết định được đưa ra: Việt Nam sẽ khom mình trước Bắc Kinh và dừng khoan. Cũng theo các nguồn tin trên, lập luận thắng thế là Hà Nội không thể trông cậy vào sự trợ giúp của chính quyền Trump trong trường hợp có đối đầu với Trung Quốc. Được biết, tâm trạng buồn thảm. Nếu như Hillary Clinton đang ngồi trong Nhà Trắng thì các giám đốc điều hành của Repsol đã được báo rõ ràng, bà ấy hiểu mức độ nguy cơ và mọi thứ đã khác đi.

Việc tin cậy vào Clinton là không đáng ngạc nhiên. Người trong khu vực hẵn không quên những can thiệp của bà thay mặt cho các nước có yêu sách của Đông Nam Á, bắt đầu tại Hà Nội trong cuộc họp tháng bảy năm 2010 của Diễn đàn Khu vực ASEAN. Việc chính quyền của Tổng thống Barack Obama chú trọng tới trật tự khu vực dựa trên luật lệ đã được các chính phủ lo lắng về sự thống trị của Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc hoan nghênh.

Dù vậy, một số nhà quan sát Hoa Kỳ hoài nghi rằng, bất kỳ chính quyền nào khác sẽ hợp tác hơn. Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, chất vấn sự tương phản rõ ràng này: “Hoa Kỳ sẽ làm gì khác hơn [dưới thời Obama]? Tôi thấy khó có khả năng Mỹ sẽ bảo vệ Việt Nam chống lại Trung Quốc về quân sự. Việt Nam không phải là một đồng minh“.

Tuy nhiên, sẽ không đòi hỏi nhiều: chỉ một hay hai bản tuyên bố về trật tự dựa trên luật lệ và tầm quan trọng của việc tuân thủ UNCLOS, một vài cuộc tập trận hải quân trùng hợp với những tuần lễ có hoạt động khoan, thậm chí cũng có thể là một vài cuộc tập bắn súng ở khu vực lô 136- 03 và một vài lời nhỏ nhẹ giữa Washington và Bắc Kinh. “Ngoại giao triển khai về phía trước”, như nó thường được gọi. Chính quyền Obama cảnh báo Bắc Kinh khỏi bãi cạn Scarborough vào tháng 4 năm 2016 theo cách này. Washington của Donald Trump đã quên nghệ thuật ngăn chặn trong bóng tối?

Hệ quả của chiến thắng của Trung Quốc là hiển nhiên. Bất chấp luật pháp quốc tế, Trung Quốc sẽ thiết lập luật lệ ở Biển Đông. Họ sẽ áp dụng phiên bản riêng về lịch sử, phiên bản riêng về quyền sở hữu “chung”, và sẽ định đoạt nước nào có thể khai khác loại tài nguyên nào. Nếu Việt Nam, vốn ít nhất có một khả năng ngăn chận về hải quân đáng tin cậy ngay từ đầu mà có thể bị đe doạ thì mọi quốc gia khác trong khu vực đều có thể bị đe doạ, đặc biệt là Philippines.

Tháng này, Manila tuyên bố ý định khoan ở mỏ khí đốt khổng lồ có tiềm năng nằm bên dưới bãi Cỏ Rong (Reed Bank) ở Biển Đông. Mong muốn khai thác các khu mỏ này (trước khi mỏ khí đốt chính của nước này ở Malampaya chỉ cạn hết trong vài năm tới) là lý do chính để Philippines tiến hành thủ tục trọng tài tại The Hague. Philippines đã giành chiến thắng pháp lý hầu như toàn bộ trong vụ kiện đó, nhưng kể từ khi nhậm chức cách đây hơn một năm, Tổng thống Rodrigo Duterte đã hạ thấp tầm quan trọng của nó. Ông dường như bị đe dọa: muốn kêu gọi Trung Quốc giúp đỡ về tài chính hơn là khẳng định các yêu sách biển của đất nước ông.

Tháng 5 vừa qua, Duterte nói với cử toạ ở Manila rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo ông rằng sẽ có chiến tranh nếu Philippines tiến hành khai thác các mỏ khí mà Toà trong tài ở The Hague đã kết luận thuộc về nước ông. Tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tới thủ đô Philippines để thảo luận về “phát triển chung” những nguồn năng lượng này.

Duterte và lãnh đạo Việt Nam đi đâu, những người khác sẽ theo đó. Các chính phủ Đông Nam Á đã đi tới một kết luận chính từ sáu tháng đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump: Hoa Kỳ không sẵn sàng dốc sức vào cuộc chơi.

Tất cả những hoạt động tự do hàng hải này để duy trì UNCLOS có ý nghĩa gì nếu, khi cần phải có hành động thì Washington lại không ủng hộ các nước đang bị Trung Quốc chèn ép?

Tại sao Washington lại quá thiểu năng như vậy? Ngoại trưởng Rex Tillerson biết rõ mức độ nguy cơ. Công ty cũ của ông ExxonMobil cũng đang điều tra triển vọng khí đốt khổng lồ ở các vùng biển đang tranh chấp. Mỏ “Cá voi Xanh” nằm ở lô 118, xa hơn về phía bắc và gần bờ biển Việt Nam hơn nơi Repsol khám phá – nhưng cũng bị Trung Quốc tranh cản. Giống như rất nhiều điều khác, đó là một điều bí ẩn liệu đây có là sự lựa chọn có chủ ý của Nhà Trắng thời Trump không muốn dính dáng cụ thể vào các tranh chấp hoặc liệu điều đó phản ánh sự suy giảm lớn khả năng của Bộ Ngoại giao, với rất nhiều vị trí cao cấp bỏ trống và rất nhiều nhân viên cấp trung ra đi.

Khả năng đáng lo ngại nhất là Tillerson không hành động chỉ vì muốn nhìn thấy Repsol, đối thủ thương mại cũ, thất bại để cho chủ cũ của ông là ExxonMobil có thể có được sức bật lớn hơn trong thị trường năng lượng Việt Nam. Nhưng chính phủ nào sẽ tin tưởng Tillerson lần nữa?

Repsol hiện đang đóng giếng khoan thử nghiệm thành công với xi măng và đang chuẩn bị rời khỏi tổng vốn đầu tư hơn 300 triệu USD. Các báo cáo từ khu vực cho biết tàu khảo sát địa chấn của Trung Quốc, HYSY760,[i] được bảo vệ bởi một đội tàu nhỏ, đang trên đường đến cùng khu vực này để kiểm tra triển vọng cho chính họ. UNCLOS đã bị làm mất hiệu lực, và trật tự dựa trên luật lệ đã bị thu nhỏ. Điều này không phải là điều không thể tránh khỏi mà cũng không phải là một ‘sự đã rồi’. Nếu như Hà Nội nghĩ rằng Washington ủng hộ họ, thì Trung Quốc có thể đã chùn bước – và sự tín nhiệm của Hoa Kỳ trong khu vực đã tăng lên. Thay vào đó, Trump đã để khu vực này trôi dạt về hướng Bắc Kinh.

____

[i] Tin này có vẻ không chính xác, theo www.marinetraffic.com thì HYSY760 vẫn còn đang nằm tại Tam Á (Hải Nam)

© Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây