1-8-2017
“Sáng 30-7, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM liên quan đến một số thông tin cho rằng Bộ Công an đã dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam để phục vụ công tác điều tra, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết: “Hiện tôi chưa có thông tin gì”.
“Khi PV đặt câu hỏi về những thông tin cho là cơ quan điều tra đã di lý Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam rồi, báo Pháp Luật TP.HCM muốn đưa thông tin chính thức từ lãnh đạo Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm nói: “Đến giờ tôi vẫn chưa có thông tin gì”. (trích)
Đọc một bài báo chính luận ở Việt Nam, bạn không nên chỉ quan tâm tới thông tin nó cung cấp, mà còn cần đặt bài báo vào bối cảnh chính trị để xem liệu nó có ẩn giấu thông điệp nào không. Nôm na, các bài báo dạng này có thể có 2 lớp nghĩa: một nằm trong những thông tin mà nó chuyển tải, một nằm trong chính sự xuất hiện và tồn tại của nó. Cái sau đôi khi lại còn quan trong hơn cái trước.
Thử “đọc” bài báo dưới đây theo cách đó.
– Ông Tô Lâm là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an đầy quyền lực. Không tờ báo nào ở Việt Nam có thể tiếp cận và có bài phỏng vấn ông nếu ông không muốn. Bối cảnh ông trả lời lại không phải trong cuộc họp báo chính thức nào cả; bài báo cũng không nói ông ấy trả lời trong hoàn cảnh nào, nên dường như phần chủ động phía ông Tô Lâm là khá cao, nếu không muốn nói chính ông Tô Lâm gọi báo tới để phát ngôn giúp ông.
– Hai đoạn trên (trích trong bài) mắc lỗi lặp ý rất bất thường. Người ta có thể bỏ 1 trong 2 đoạn mà vẫn giữ được ý chính. Nếu cộng thêm chú thích của ảnh ở trong bài (nằm ngay bên dưới 2 đoạn này) thì sẽ thấy bài báo lặp đi lặp lại 3 lần câu nói của Bộ trưởng Tô Lâm rằng ông không hề có thông tin về việc Trịnh Xuân Thanh đã về Việt Nam hay chưa.
Như vậy thông điệp trung tâm của ông Tô Lâm qua bài báo, một ngày trước khi tin Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú được xác nhận, là “Tôi không hề hay biết vụ bắt giữ”
Nhưng ai cũng hiểu ông Tô Lâm đang đứng đầu một bộ máy cả triệu nhân viên, bao quát toàn bộ mọi khía cạnh đời sống xã hội Việt Nam, nên ông ấy không thể không biết được.
Thế thì thông điệp này của ông ấy cần được hiểu là “Tôi không hề liên quan đến vụ bắt giữ” hoặc “Tôi không chỉ đạo vụ bắt giữ này” hoặc đơn giản là “Không phải tôi”
Nhưng nếu không phải ông thì là ai? Và ông Tô Lâm muốn chứng tỏ điều gì với ai qua thông điệp này? Ông Tô Lâm thừa hiểu phát ngôn thế này chỉ một ngày trước khi tin Trịnh Xuân Thanh đầu thú được xác nhận sẽ đặt ông trước những phê phán hoặc là nói dối hoặc là yếu kém năng lực từ dư luận, song vì điều gì mà ông vẫn chấp nhận? Điều nào có tầm quan trọng tới mức đó?
Vài câu hỏi để mọi người cùng ngẫm nghĩ thêm. Trên đây chỉ xin được góp thêm một cách đọc báo chính luận ở Việt Nam.
____
Mời đọc lại: Ông Trịnh Xuân Thanh về nước? (PLTP/ TD).