S. Alexievich
Người kể : Nina Konstantinovna và Nikolai Prokhorovich Zharkov, cả hai đều là thầy giáo. Nikolai dạy môn nghiên cứu về lao động. Nina dạy môn văn chương.
Nina:
Tôi nghe nói về cái chết thường quá đến độ tôi không còn để ý gì đến nó nữa. Bà có bao giờ nghe trẻ con bàn về cái chết chưa? vậy mà bọn học trò lớp bẩy của tôi tranh luận với nhau về vấn đề liệu cái chết có đáng sợ hay không đấy! Thường thì trẻ con hay hỏi những câu đại loại như: Mình từ đâu mà ra? Người ta tạo ra em bé bằng cách nào? bây giờ thì chúng nó lại quan tâm đến những gì sẽ xẩy ra sau một cuộc chiến tranh nguyên tử. Chúng không còn thích thú với văn chương cổ điển nữa. Tôi đọc thơ Pushkin cho chúng nghe, vậy mà tôi chỉ thấy từ lũ học trò của tôi những ánh mắt lạnh lùng, xa vắng. Chung quanh chúng bây giờ đã bao trùm một thế giới khác. Chúng đọc những cuốn sách giả tưởng và tìm thấy trong đó những điều hấp dẫn hơn, như con người đang tìm cách ra khỏi quả đất, chiếm lĩnh thời gian vũ trụ hay những thế giới khác. Chúng không sợ hãi cái chết như cái cách mà người lớn sợ hãi cái chết, mà chỉ xem chết như là một cái gì khác thường, kỳ bí.
Tôi hay băn khoăn về điều này – khi cái chết luẩn quẩn chung quanh, nó buộc người ta phải suy nghĩ. Tôi dạy môn văn chương Nga ở trường. Học trò của tôi bây giờ khác xa lũ học trò cũ của tôi 10 năm trước đây. Chúng phải đối diện thường trực với cảnh một người nào đó bị đem đi chôn, cảnh một vật gì đó bị đem đi vùi đâu đó dưới lòng đất. Nhà cửa, cây cối, tất cả mọi thứ đều cần bị chôn vùi. Nếu phải đứng xếp hàng chờ một việc gì đó lâu hơn 15 hay 20 phút, thế nào cũng có đứa bị ngất xỉu, máu mũi phun ra. Chẳng có gì có thể làm lũ trẻ bây giờ ngạc nhiên và cũng chẳng có gì khiến chúng vui lên được. Lúc nào chúng cũng cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ. Da mặt chúng xanh mướt, xám xịt. Chúng không thiết chơi đùa chạy nhẩy. Thảng khi có đứa đánh nhau, hay làm vỡ kính cửa sổ, các thầy cô giáo lại tỏ ra vui sướng. Thế nên chúng tôi ít khi nào la rầy học trò, vì chúng đâu còn là những đứa trẻ bình thường nữa. Đứa nào cũng phát triển rất chậm. Bảo chúng lập lại một điều gì đó của bài học, chúng không làm được. Bảo chúng lập lại một câu văn, chúng cũng không thể. Đến nước này thì có lẽ chỉ nên hỏi chúng: “Các em đang ở đâu? Ở đâu?”.
Tình cảnh đó khiến tôi thường xuyên phải động não. Giống như tôi đang sơn bức tường bằng nước, không ai biết là tôi đang sơn tường, không ai có thể đoán hoặc mảy may có chút xíu ý niệm gì về việc tôi đang làm. Cuộc sống của chúng tôi bây giờ chỉ xoay quanh Chernobyl. Anh chị ở đâu khi nó phát nổ? anh chị ở cách đó bao xa? Anh chị thấy những gì? Có thấy người chết không? Có thấy người ta bỏ đi không? Mà họ đi đâu? Tôi còn nhớ mấy tháng đầu sau vụ nổ các nhà hàng ăn uống nở rộ – “Chúng ta chỉ sống có một lần,” “Nếu phải chết thì hãy cứ nghe nhạc cái đã”. Rồi lính tráng, quan chức dồn dập đến. Cho đến giờ, Chernobyl là thứ không thể tách rời với chúng tôi. Là “chuyện thường ngày ở huyện”. Một phụ nữ trẻ mang bầu đột nhiên lăn ra chết, chẳng có triệu chứng gì báo trước. Một đứa bé gái lớp 5 treo cổ tự tử. Cũng chẳng vì lý do nào cả. Dù đó là bé gái nhỏ. Nhưng có một lý do chung cho tất cả mọi thứ xẩy ra ở đây. Lý do đó là Chernobyl. Bất kể hễ có chuyện gì xẩy ra, ai cũng bảo: Chernobyl ấy mà.Người ta bực bội trách chúng tôi: “Mấy người ốm là vì sợ. Cái sợ đã làm cho mấy người bị bệnh. Đúng là hội chứng sợ phóng xạ.”. Nếu thế thì tại sao lũ trẻ con lại mắc bệnh và chết? Chúng còn trẻ nên đâu có biết đến sợ hãi, cả chưa hiểu được sợ hãi là gì mà!
Những ngày tháng ấy vẫn còn hằn trong trí nhớ của tôi. Cổ họng tôi nóng bỏng. Cả thân người lúc nào cũng một cảm giác nặng nề. Bác sĩ bảo tôi mắc chứng bệnh tưởng, vì lo lắng bị bệnh nên tôi đã bị bệnh. Ông ta còn bảo ở đây ai cũng mắc bệnh này hết vì Chernobyl. Tôi bảo ông ta: “Bệnh tưởng gì? cả người tôi đau nhức, cảm thấy mình suy yếu dần”. Cả tôi lẫn chồng tôi đều ngại không dám nói cho nhau biết rằng đôi chân của mình bắt đầu tê dại dần đi. Tất cả mọi người, bạn bè, không chừa một ai đều than phiền về tình trạng sức khỏe của mình. Chỉ bước ra đường thôi là muốn nằm ngay xuống đó vì quá mệt mỏi. Đám học trò thì sẵn sàng nằm ngay trên bàn mà thiếp đi ngay giữa giờ học. Ai cũng tỏ vẻ chán nản, buồn bã. Cả ngày cũng khó kiếm một nụ cười, một khuôn mặt sinh động. Từ 8 giờ sáng cho đến 9 giờ tối, trẻ con bị buộc phải ở trường, không được đi ra ngoài chơi đùa chạy nhẩy.
Chúng được cấp phát quần áo: gái thì váy và áo khoác, trai thì quần tây, áo sơ mi và áo khoác ngoài. Mỗi tối chúng về nhà với bộ quần áo này. Theo hướng dẫn, các bà mẹ phải giặt dũ sạch sẽ áo quần cho con mình mỗi ngày trước khi tới trường. Nhưng, trước hết là mỗi đứa chỉ được phát độc nhất có một bộ quần áo. Thứ nữa là mẹ chúng đã quá đủ bận rộn với công việc nhà – nào gà, nào bò, nào lợn. Cuối cùng, chính chúng cũng không hiểu tại sao lại phải giặt quần áo mỗi ngày. Những vết bẩn trên quần áo chúng chỉ là mực, đất bụi hay vết dầu bám vào, không phải những thứ độc hại có thể là giảm tuổi thọ xuống chỉ còn một nửa. Khi cố tìm cách giải thích sự cần thiết phải giữ cho áo quần sạch sẽ với cha mẹ của đám học trò, tôi có cảm tưởng họ nghĩ rằng tôi là một tay pháp sư đến từ một bộ lạc châu Phi đáng cố thuyết phục họ tin vào một điều gì. “thế cái chất phóng xạ này là cái gì? không nghe được nó mà cũng chẳng thấy được nó . . . Được rồi, để tôi nói cho chị nghe về phóng xạ nhé: Tôi không có đủ tiền để sống cho đến kỳ lương kế tiếp. Ba ngày qua chúng tôi chỉ ăn khoai tây và uống sữa. Được chưa ?”. Và bà mẹ ấy bảo quên đi, đừng để ý gì đến những điều bà nói. Vì sữa và khoai tây là những thứ người ta cấm không cho sử dụng. Ở các tiệm thực phẩm, chính quyền có cho đem bán loại thức ăn chiên xào kiểu Tàu và bột kiều mạch, nhưng những gia đình nghèo như thế này thì lấy đâu ra tiền để mua những thứ đó đem về? Sống ở đây chúng tôi cũng được lãnh tiền phụ cấp – một thứ tiền tử – nhưng cũng chẳng thấm vào đâu, chỉ đủ mua hai hộp thực phẩm. Việc phải giặt dũ quần áo mỗi ngày chỉ để dành cho một thành phần nào đó, với tình trạng gia cảnh nào đó. Ở đây, không có gia đình nào đáp ứng được tiêu chuẩn đó nên không dễ dàng gì để giải thích sự khác nhau giữa những đơn vị đo lường chất phóng xạ như Becs hay Roentgen.
Với tôi, sự việc hiện tại xẩy ra như một thứ định mệnh. Chẳng hạn như mọi người không được ăn những thứ trồng trong vườn nhà mình trong mùa đầu tiên, nhưng người ta cứ nấu, cứ ăn không chừa thứ gì. Họ đã tốn bao công sức cho việc trồng tỉa những thứ ấy. Hãy thử bảo họ rằng họ không thể ăn dưa leo, cà chua trồng ở vườn nhà xem. Họ sẽ trả lời: Không thể ăn nghĩa là sao? Mùi vị chúng bình thường mà. Chúng tôi ăn vào, không thấy bụng đau gì hết. Và ban đêm cũng chẳng thấy vườn dưa, vườn cà sau nhà có dấu hiệu gì của chất phóng xạ “sáng lấp lánh” cả. Hồi năm đầu tiên sau vụ nổ, người hàng xóm của tôi vào rừng đốn cây về làm sàn nhà. Làm xong, lấy máy đo phóng xạ kiểm lại, độ nhiễm xạ của cái sàn nhà vượt quá mức cho phép cả trăm lần. Nhưng họ cũng chẳng tháo lớp ván sàn ấy bỏ đi, nghĩ rằng rồi thì mọi chuyện cũng sẽ ổn cả thôi, dẫu họ không làm những việc lẽ ra họ phải làm. Mới đầu, người ta còn đem các thứ sản phẩm trồng sau nhà đến trạm kiểm dịch để kiểm tra – thứ nào cũng bị nhiễm xạ vượt quá mức an toàn. Và rồi thì người ta chán không buồn đi kiểm tra nữa. Họ bảo “Không thấy, không nghe là tốt nhất! Ai mà biết được các ông bà khoa học gia ấy còn nghĩ ra được những thứ gì nữa!”. Thế là mọi việc cứ y như không có gì xẩy ra: đất vườn lại được cầy xới, gieo hạt, và thu hoạch. Điều không ai có thể nghĩ được đã xẩy ra, nhưng người ta vẫn phải sống cuộc đời của mình, dẫu có thế nào. Chernobyl làm sao có thể quan trọng hơn việc bị cấm không cho ăn quả dưa leo mình trồng sau vườn nhà. Suốt mùa hè, học sinh vẫn phải đến lớp. Trường học đã được những người lính tẩy rửa bằng một loại bột khử xạ đặc biệt sau khi đã cào đi lớp đất dầy trên mặt ở chung quanh. Đến mùa thu, một toán sinh viên được phái đến để thu gom củ cải đường ngoài đồng. Đó là những sinh viên đến từ các trường dạy nghề. Còn thì không ai được đến gần. Chernobyl đâu có tệ hại bằng việc bỏ mặc khoai tây rữa nát trên cánh đồng.
Ai là người phải chịu trách nhiệm đây? Còn ai nữa, ngoài chính chúng tôi?
Trước đó, chúng tôi không hề chú ý đến cảnh vật xung quanh mình. Nhưng chúng vẫn hiện hữu. Như trời xanh, như không khí, những thứ mặc nhiên tồn tại, không lệ thuộc chút nào đến con người. Ngày xưa, tôi thích vào rừng, nằm ngửa nhìn ngắm bầu trời. Có khi chìm đắm trong sự thích thú đến quên cả tên mình. Ngày nay, rừng vẫn đẹp như thuở nào, vẫn chín đầy những trái dâu rừng, nhưng không còn ai đi hái chúng nữa. Vào mùa thu, hiếm khi nào có bóng dáng người lảng vảng trong rừng. Nỗi sợ đã chiếm lĩnh tâm hồn, đã bắt rễ trong tiềm thức của chúng tôi rồi.
Chúng tôi vẫn xem truyền hình, vẫn đọc sách, vẫn thả bay trí tưởng tượng. Trẻ con lớn lên ở trong nhà, chứ không ở trong rừng, không trên những dòng sông. Vì bây giờ chúng chỉ được phép ngắm nhìn rừng và sông thay vì chơi đùa chạy nhẩy ở ngoài đó. Chúng đã trở thành những đứa trẻ hoàn toàn khác bình thường. Vậy mà tôi vẫn cứ diễn đọc Pushkin, một nhà thơ mà tôi tin rằng bất tử, cho chúng nghe. Trong đầu tôi vừa thoáng qua một ý tưởng khủng khiếp: Liệu rồi đây toàn bộ nền văn hóa của chúng ta có trở thành một kho chứa đồ cũ kỹ cùng với những bản thảo mốc meo hay không? Và tất cả những gì tôi yêu thích liệu có cùng chung số phận? . . .
Nikolai:
Bà biết đấy, chúng tôi ai cũng đã được huấn luyện trong quân đội. Chúng tôi biết cách chận đứng và vô hiệu hóa một cuộc tấn công nguyên tử. Chúng tôi phải sẵn sàng để đối phó với những loại vũ khí hóa học, sinh học trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Nhưng lại bất lực với việc phải tống ra khỏi cơ thể mình những hạt bụi phóng xạ.
Tất nhiên, không thể so sánh tình cảnh hiện nay mà chúng ta phải đối diện như trong một cuộc chiến tranh, nhưng ai cũng nhìn nhận sự việc theo cái cách ứng xử của thời chiến. Hồi nhỏ, tôi đã từng sống trong một thành phố Leningrad bị bao vây nhiều ngày. Dầu vậy, chúng ta cũng không thể so sánh với những gì đang xẩy ra ở đây được. Lúc ấy, thành phố Leningrad là một mặt trận, với súng đạn liên tục xối xả trên đầu. Rồi đến nạn đói, kéo dài nhiều năm, đã đẩy con người xuống mức chỉ sống bằng bản năng của loài thú vật. Trong khi đó thì, ở đây, nào, hãy bước ra khu vườn sau nhà mà xem mọi thứ đều xum xuê sung túc. Đây là những thứ không thể so sánh. Nhưng tôi muốn nói đến một việc khác. Sao, tôi lại quên mất mình định nói gì rồi. À, đúng rồi! Khi trận chiến nổ ra, người ta chỉ trông chờ vào phép lạ để sống sót. Nếu bị chết, người ta sẽ chết vào ngay lúc này, lúc trận chiến vừa mở màn, chứ không phải lúc nào đó trong tương lai. Vào mùa đông, nạn đói bắt đầu. Ở Leningrad dạo đó người ta lấy bàn ghế giường tủ ra đốt, bất cứ thứ gì bằng gỗ, rồi đến cả sách báo, cả giẻ rách cũng bị ném vào lò bếp. Một người đang đi trên đường phố, anh ta ngồi xuống. Ngày hôm sau, đi ngang qua thấy anh ta vẫn còn ngồi đó. Thế có nghĩa là anh ta đã bị cóng và có thể anh ta sẽ ngồi đó cho đến tuần tới, thậm chí cho đến khi mùa xuân trở về, lúc mà thời tiết ấm áp hơn. Không ai có đủ sức để kéo anh ta ra khỏi cảnh bị tê cóng. Đang đi trên đường mà ai bị ngã cũng mong có người đến đỡ mình dậy. Nhưng thường thì người ta bước qua luôn chứ không ghé lại giúp kẻ bị ngã. Vì chính họ đôi khi cũng chỉ vừa đủ sức để lết về nhà. Tôi còn nhớ hình ảnh dân chúng đi trên đường thật chậm rãi. Vì họ không đi mà chỉ bò, lết. Bà không thể nào so sánh những hình ảnh như thế với bất cứ thứ gì khác.
Khi trạm phản ứng hạt nhân phát nổ, mẹ tôi vẫn còn ở chung với chúng tôi. Bà thường nói: “Mẹ con mình đã từng sống qua những giai đoạn đen tối nhất. Đã từng sống sót sau trận vây thành Leningrad. Sẽ chẳng thể có cái gì lại tệ hại hơn những thứ mình đã kinh qua ấy được.”.
Chúng tôi đã được rèn luyện để đối đầu với tao loạn, với chiến tranh nguyên tử. Chúng tôi đã xây những tầng hầm tránh bom nguyên tử, giống như người ta tìm cách tránh những miểng đạn pháo không cho chúng ghim vào người. Nhưng bụi phóng xạ có mặt ở khắp mọi nơi. Nó ở trong bánh mì, trong muối. Nó có cả trong không khí con người thở.Vậy là chúng tôi hít vào phổi phóng xạ, nuốt vào bụng phóng xạ. Khi không có bánh mì, không có muối để ăn thì người ta có thể ăn bất cứ thứ gì tìm được, kể cả đốt cháy sợi dây lưng bằng da lên để chỉ ngửi được mùi da cháy cho đỡ đói. Điều ấy có thể hiểu được. Nhưng trong hoàn cảnh này thì thật không dễ gì hiểu. Chung quanh ta tất cả mọi thứ đều đã bị nhiễm độc phải không? Vậy thì mình sẽ sống sao đây? Mấy tháng đầu tiên bao trùm một nỗi sợ hãi. Bác sĩ, giáo sư, nói chung là giới trí thức, đều bỏ của chạy lấy người. Họ ba chân bốn cẳng ra đi không một chút luyến tiếc. Còn các viên chức mặc đồng phục vì kỷ luật khắt khe không dễ gì mà thoát đi được nếu không chịu từ bỏ thẻ đảng viên. Vậy ai là người chịu trách nhiệm đây? Muốn trả lời câu hỏi liệu chúng tôi sẽ sống như thế nào thì cần thiết phải tìm cho ra ai là người chịu trách nhiệm cho mọi thứ hỗn loạn này. Ai đây? Các viên chức nghiên cứu khoa học hay nhân viên của trạm phản ứng? Tay giám đốc sếp sòng? Những nhân việc trong ca trực? Tại sao người ta không tìm cách phát triển ngành chế tạo xe hơi mà lại đi xây một nhà máy phản ứng hạt nhân để làm gì? Chúng tôi yêu cầu hãy dẹp các trạm nguyên tử và tống cổ hết các khoa học gia nguyên tử vào tù! Chúng tôi nguyền rủa họ không tiếc lời. Nhưng mà kiến thức tự nó không bao giờ là tội phạm. Bây giờ thì ngay các nhà khoa học cũng chỉ là nạn nhân của Chernobyl. Sau vụ Chernobyl, tôi muốn mình là kẻ sống sót, chứ không muốn bị chết. Vì tôi muốn hiểu, muốn biết điều gì đã xẩy ra.
Hiện nay, người ta có những phản ứng rất khác nhau. Khoảng thời gian 10 năm vừa qua đã hình thành một cách đo lường thời gian bằng đơn vị chiến tranh. Cuộc chiến cuối cùng kéo dài 4 năm. Tính như vậy thì chúng tôi đã trải qua hơn 2 cuộc chiến tranh. Người ta đã nhìn 10 năm ấy như thế nào? hãy nghe nhé: “Mọi chuyện thế là xong”. “Rồi thì cũng ổn hết cả thôi!”. “Mười năm qua rồi đấy. Mình chẳng còn có gì phải sợ hãi nữa!”. “Tất cả chúng ta sẽ chết! Sớm thôi!”. “Tôi muốn ra khỏi nơi đây”. “Họ phải giúp chúng tôi chứ!”. “Ối dào! Mặc xác mọi chuyện đi. Chúng tôi phải sống cái đã!”. Đấy, người ta nghĩ thế đấy. Chúng tôi nghe nói những điều như thế mỗi ngày. Tôi thì tôi cho rằng chúng tôi chỉ là những chất liệu ròng cho một cuộc thực nghiệm khoa học trong căn phòng thí nghiệm quốc tế. Dân số Belarus là 10 triệu người thì trong số đó có 2 triệu sống trên những mảnh đất bị nhiễm độc xạ. Một phòng thí nghiệm lớn ra trò rồi còn gì nữa. Hãy viết xuống những dữ kiện, những con số, thí nghiệm tất cả những gì quý ngài muốn thí nghiệm. Từ khắp nơi trên thế giới, từ Moscow, từ Petersburg, từ Nhật Bản, từ Đức, từ Áo, người ta đổ về đây để viết luận án tốt nghiệp đại học. Họ đang chuẩn bị cho tương lai đấy! {một khoảng im lặng rất lâu}.
Tôi đang nghĩ đến điều gì thế nhỉ? À, tôi lại đang rút ra những sự so sánh nữa rồi. Tôi đang nghĩ đến việc mình có thể nói đủ điều về Chernobyl, nhưng lại không thể nói được gì về cuộc bao vây thành Leningrad năm xưa. Mới rồi họ có tổ chức một cuộc họp mặt “Những đứa trẻ ở Leningrad bị phong tỏa”. Tôi cũng được mời và đã có mặt. Nhưng tôi không cách gì nặn ra được một chữ để phát biểu trong lúc ở đó. Chỉ kể về nỗi sợ hãi ư? Như thế không đủ. Chỉ về sự sợ hãi – ở nhà chúng tôi không bao giờ được phép nói về cuộc phong tỏa ấy, vì mẹ tôi không muốn chúng tôi nhớ đến những năm tháng ấy làm gì. Nhưng chúng tôi lại nói về Chernobyl. Ồ không {Ngưng lại}. Chúng tôi không nói chuyện đó với nhau, mà chỉ là cuộc đối thoại khi tiếp xúc với những người từ bên ngoài đến: người ngoại quốc, ký giả, họ hàng ở xa. Ở trường học, không ai bàn tán gì về sự kiện Chernobyl, nhưng khi đám học trò được đi ra nước ngoài thì chúng kể hết mọi chuyện chúng biết được. Chúng đi Áo, đi Pháp, đi Đức. Chúng đến đó để chữa bệnh. Tôi có dịp hỏi mấy đứa nhỏ về nội dung những cuộc đối thoại của người dân những xứ đó với chúng, điều gì làm họ quan tâm nhất khi gặp gỡ người đến từ Chernobyl. Nói chung thì chúng chẳng nhớ nổi địa danh nơi chúng đến, tên họ người chủ nhà nơi chúng tạm trú ngụ, nhưng lại nhớ rất rõ những món quà chúng nhận được, những thứ thức ăn thơm ngon chúng đã được ăn. Có đứa còn được cả máy hát băng. Chúng trở về nhà trong những bộ quần áo mà bố mẹ chúng không bao giờ có đủ khả năng mua sắm. Giống như là người ta đem chúng ra triển lãm vậy. Đến giờ, chúng vẫn cứ trông chờ sẽ có người đến đem chúng đi ra nước ngoài lần nữa. Sẽ lại được ăn mặc đẹp, được nhận những món quà. Chúng quen như thế rồi, và đó đã là một cách sống, một cách nhìn thế giới bên ngoài. Sau cái kinh nghiệm “đi nước ngoài” khó quên ấy, sau cuộc trình diễn đắt tiền ấy, lũ trẻ phải quay lại trường học ở quê nhà. Trong lớp, tôi nhận ra học trò của mình giờ đã là những kẻ có óc quan sát. Tôi dẫn chúng đến phòng làm việc của mình, chỉ cho chúng xem những bức điêu khắc bằng gỗ tôi đã thực hiện. Lũ trẻ thích lắm. Tôi bảo: “Các em có thể tự mình làm được những thứ như thế này chỉ bằng những mẩu gỗ đơn giản lấy từ thân cây. Hãy thử làm đi!”. Nhờ lũ học trò, tôi như vừa thoát khỏi cơn ngủ vùi dằng dặc, cùng với cảm tưởng mình đã ra khỏi bóng tối của cuộc phong tỏa thời chiến tranh mà nhiều năm nay tôi bị nó ám ảnh.
Chúng tôi ai cũng sống lặng lẽ. Không ai kêu gào, không ai than thở. Và luôn luôn nhẫn nại. Bởi vì chúng tôi chưa tìm ra lời để nói. Bởi vì chúng tôi sợ hãi mỗi khi định lên tiếng. Bởi vì chúng tôi không biết phải lên tiếng như thế nào.
Chúng tôi đang sống qua một thời đoạn không bình thường, nên những vấn đề từ đó nẩy sinh cũng không bình thường. Thế giới đã chia ra làm hai phía: Phía bên chúng tôi, những người của Chernobyl, và phía bên quý vị, những người không thuộc về Chernobyl. Bà có nhận ra không? Ở đây không có ai bảo mình là người Nga, người Belarus hay người Ukraine cả. Chúng tôi tự gọi chính mình là người Chernobyl. “Chúng tôi ở Chernobyl”. “Tôi là người Chernobyl.”.
Như thể người ở Chernobyl là một dân tộc riêng biệt. Là một quốc gia mới lập.
*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.
Về lại MỤC LỤC