Tác giả: Michael McDevitt, CNA
Dịch giả: Song Phan
19-7-2017
Tháng này, 7 năm trước, tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hillary Clinton đã thực hiện một sự can thiệp vào biển Đông công khai và gây ngạc nhiên cho Trung Quốc. Hành động này ngầm cho thấy, Washington theo cách có lẽ không lường trước được ở Washington và trong khu vực vào lúc đó.
Trong khi mục tiêu của tuyên bố của bà Clinton là để chỉ ra rằng, hòa bình và ổn định ở biển Đông là lợi ích của Hoa Kỳ, khi nhìn lại, qua việc chọn cách can dự thật công khai — luôn kêu gọi Trung Quốc hành xử theo luật lệ; ngừng xây dựng và quân sự hoá các đảo; và tuân theo các phán quyết của Tòa Trọng tài — Washington tự tìm cách định hình hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông hoàn toàn không dùng đòn bẫy thực tiễn nào (thiếu việc sử dụng vũ lực hoặc áp dụng các hình phạt về thương mại hoặc kinh tế – những hành động mà Washington không muốn có).
Bắc Kinh phớt lờ những lời kêu gọi của Mỹ và nói với Washington hãy lo việc riêng của họ. Theo quan điểm của Bắc Kinh, Washington đã can dự vào vấn đề chủ quyền và an ninh của Trung Quốc. Bắc Kinh tin rằng tất cả các thể địa lý ở biển Đông và, ở mức tối thiểu, những quyền được có trên biển liên quan đến chúng là lãnh thổ của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã tiến hành một chiến dịch kiên trì dài hạn để giành lại các quyền và lợi ích trên vùng biển này. Trong sáu thập kỷ kể từ thập niên 1950 khi Bắc Kinh chiếm các hòn đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa do Quốc dân đảng Trung Hoa bỏ trống, Trung Quốc quyết tâm thu lấy các đảo, đá và các thể địa lý khác ở biển Đông qua việc kết hợp sử dụng vũ lực, cưỡng chế và chiếm đóng. Biến 7 mỏm đá nhỏ đã chiếm cứ dài ngày trong quần đảo Trường Sa thành các cơ sở quân sự lớn, chỉ là biểu hiện mới nhất trong mục tiêu chiến lược dài hạn này.
Ngoài khôi phục “lãnh thổ bị mất”, việc phòng thủ của Trung Quốc cũng liên quan trực tiếp đến việc kiểm soát các thể địa lí ở biển Đông. Các căn cứ ở Hoàng Sa và Trường Sa cung cấp chiều sâu chiến lược chống lại kế hoạch tấn công Trung Quốc qua biển Đông của kẻ thù. Hải Nam đặc biệt quan trọng đối với Quân đội Trung Quốc từ khi Bắc Kinh quyết định cho tàu ngầm tên lửa đạn đạo đang phát triển của họ đóng tại đầu phía nam của đảo đó.
Trung Quốc cũng phụ thuộc rất nhiều vào các tuyến đường thương mại biển đi qua phía Tây của Trường Sa, gồm giao thương kết hợp với Con Đường Tơ Lụa Thương Mại Thế Kỷ 21 được chào mời hết mực. Kiểm soát các đảo này là cách tốt nhất để Trung Quốc bảo đảm không ai khác làm việc đó. Bây giờ với ba sân bay lớn mới xây dựng, họ sẽ có thể tiến hành giám sát hàng không thường xuyên những gì tiến gần đến họ trên biển Đông cùng với phần lớn khu vực Đông Nam Á.
Như vậy, sau bảy năm qua, chúng ta ở đâu hôm nay? Chính sách của Hoa Kỳ nhằm điều tiết hành vi đã hoàn thành của Trung Quốc ở biển Đông là gì, và đường hướng tiếp theo là gì?
Thứ nhất, Hoa Kỳ đã đóng một vai trò gián tiếp nhưng quan trọng trong việc ủng hộ quyết định của Manila đi đến với Tòa Trọng tài Thường trực về các yêu sách và hành động của Trung Quốc ở biển Đông. Mặc dù Bắc Kinh cho đến nay đã từ chối tôn trọng phán quyết, nhưng phán quyết đã làm sáng tỏ một số điểm mơ hồ trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, có liên quan trực tiếp đến biển Đông, trong khi tung ra một đòn pháp lý vào trung tâm về yêu sách của quyền lịch sử của Bắc Kinh. Bắc Kinh hiện đang thường xuyên bị đè nặng với một ý tưởng pháp lý vô cùng bất lợi.
Thứ hai, không có lợi ích sống còn nào của Hoa Kỳ đã bị tổn hại. Việc vận chuyển vẫn tiếp tục không bị gián đoạn, trong khi Hoa Kỳ phớt lờ (hàng ngày, nếu bạn tin các lời than phiền của Trung Quốc) đòi hỏi phải được sự chấp thuận trước cho các hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Hải quân và Không quân Hoa Kỳ vẫn tiếp tục di chuyển, bay và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép: một tín hiệu quan trọng về các ý hướng của chính sách quốc gia và sự ngăn chặn quân sự mà nhiều quốc gia cần áp dụng.
Thứ ba, Hiệp ước phòng thủ hỗ tương của Hoa Kỳ (MDT) với Manila vẫn còn hiệu lực và Trung Quốc đã không cố kiểm nghiệm nó bằng cách làm đổ máu người Philippines. Việt Nam thậm chí còn đào sâu hơn vào khoảng 25 vị trí của họ ở Trường Sa và cho thấy không có ý định bỏ đi. Thay vào đó, Hà Nội đang tăng cường thêm nhiều khả năng quân sự làm cho Bắc Kinh phải suy nghĩ hai lần trước khi cưỡng ép họ ra khỏi đó. Nói tóm lại, một sự răn đe ít nhiều đáng tin cậy được đặt vào chỗ sẵn sàng ngăn chặn một nỗ lực để đẩy Việt Nam hoặc Philippines ra khỏi chỗ họ đang nắm giữ ở Trường Sa.
Hơn nữa, sau phán quyết của Tòa Trọng tài , Bắc Kinh phải dẹp bớt niềm tự hào của mình chấp nhận thủ đoạn rõ ràng mà Tổng thống Philippines Duterte đưa ra, cho phép Bắc Kinh giữ thể diện, đổi lấy việc Trung Quốc cho vay tiền. Duterte bây giờ được hứa hẹn món tiền cho vay lớn, cho cơ sở hạ tầng ông ta mong muốn và vẫn có MDT bảo vệ. Sự kiện Duterte đang đu dây trên MDT là ví dụ tốt nhất cho thấy mối quan hệ an ninh tích cực với Washington vẫn còn là một mặt hàng có giá trị ở Đông Nam Á, cũng như chuyến viếng thăm gần đây của thủ tướng Việt Nam tới Washington hồi tháng 5.
Tóm lại, trong khi mục tiêu của Bắc Kinh là giành quyền kiểm soát toàn bộ quần đảo Trường Sa chưa tới đâu, nó đã có khả năng bị trì hoãn. Mặc dù cán cân quân sự ở Trường Sa thay đổi vĩnh viễn, nghiêng về phía mình, nhưng Trung Quốc vẫn phải đối mặt với vấn đề là làm thế nào để các nước đòi chủ quyền khác rút khỏi Trường Sa mà không phải tiến hành chiến tranh.
Chính sách của Hoa Kỳ đã tạo ra một tiêu điểm chú ý quốc tế hướng vào biển Đông, dấy lên những mối nghi ngờ và lo ngại trên toàn cầu, liên quan đến hành vi tương lai của Trung Quốc. Với bàn tay quá vụng về mà Washington đã phải chơi, đây có thể là kết quả tốt nhất có thể đạt được một cách hòa bình. Chính quyền của Trump cần khôn ngoan tiếp tục giữ cho cuộc tranh chấp ở biển Đông theo triển vọng phù hợp hơn so với các lợi ích và vấn đề quan trọng hơn mà Washington có với Bắc Kinh.
Michael McDevitt là thành viên cao cấp về các nghiên cứu chiến lược tại Tổng công ty CNA.
© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt