Tại sao chúng ta không thể sống thiếu Chekhov và Tolstoy

S. Alexievich

Nguồn ảnh: lovelyhotwall.blogspot.com

Tôi cầu nguyện để xin điều gì? Bà hãy thử hỏi tôi đi: Tôi cầu nguyện để xin điều gì? Tôi không cầu nguyện trong nhà thờ. Tôi cầu nguyện với riêng mình tôi. Tôi muốn yêu! Tôi đang yêu. Tôi cầu nguyện cho tình yêu của tôi! Nhưng với tôi – {Đột nhiên ngừng nói. Tôi có thể thấy là cô ấy không muốn kể tiếp}. Tôi có bổn phận phải nhớ không? Có thể nào tôi vất bỏ trí nhớ của tôi qua một bên không? Tôi chưa bao giờ đọc những cuốn sách như thế. Tôi cũng chưa bao giờ được xem những cuốn phim như thế. Khi xem phim, tôi chỉ thấy chiến tranh. Ông bà tôi  bảo họ không có tuổi thơ, nhưng họ có chiến tranh. Tuổi thơ của họ là chiến tranh, còn tuổi thơ của tôi là Chernobyl. Đó là nơi tôi ra đời. Bà là một nhà văn, nhưng tôi chưa thấy có quyển sách nào giúp tôi hiểu được sự kiện Chernobyl cả. Rạp hát cũng không, phim ảnh cũng không. Dù vậy, giờ thì tôi hiểu rồi mà chẳng cần đến sự giúp đỡ của những thứ đó. Tự một mình tôi hiểu lấy. Chúng tôi đã tự mình sống qua bao nhiêu thứ, chúng tôi không biết mình có thể làm gì khác. Trí óc tôi thật vô dụng. Đặc biệt là mẹ tôi, bà luôn cảm thấy bị lẫn lộn. Mẹ tôi dạy môn Văn chương Nga ở trường học. Tôi được mẹ tôi dạy phải sống với sách. Nhưng không có một quyển sách nào nói về thảm họa chúng tôi đang phải chịu đựng. Thế nên mẹ tôi mất phương hướng. Bà chưa từng biết làm thế nào sống mà không có sách, không có các ông Chekhov(1), Tolstoy(2). Tôi có bổn phận phải nhớ mọi thứ không? Tôi vừa muốn nhớ, lại vừa muốn không nhớ gì cả. {Hoặc cô ấy đang tự lắng nghe mình hoặc đang tự tranh luận với mình}. Nếu các nhà khoa học không biết gì hết, nếu các nhà văn không biết gì hết, thì chúng tôi có thể giúp họ hiểu bằng chính sự sống và sự chết của chúng tôi. Mẹ tôi nghĩ như vậy. Nhưng tôi không muốn bận tâm bất cứ điều gì về việc này, tôi chỉ muốn được sống sung sướng. Tại sao tôi lại không sống sung sướng được nhỉ?

Chúng tôi cư ngụ ở thành phố Pripyat, gần trạm phản ứng hạt nhân. Đó cũng là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Nơi chúng tôi ở là tầng thứ năm một  tòa nhà cao tầng tiền chế. Từ cửa sổ, chúng tôi có thể nhìn thấy trạm chế biến hạt nhân. Vào hôm 26 tháng Tư – phải tính là 2 ngày – đó cũng là hai ngày cuối cùng của thành phố. Bây giờ thì nó đã biến mất rồi. Những gì còn sót lại của nó không phải là thành phố mà chúng tôi đã từng sống. Hôm ấy, mọi người ai cũng ngồi trên ban công nhà mình, ngắm nhìn ngọn lửa đang cháy bằng ống nhòm. Trong khi đó thì lũ trẻ chúng tôi, trai cũng như gái, phóng xe đạp đến trạm hạt nhân để xem đám cháy, khiến những đứa không có xe đạp phải ganh tị. Chẳng ai cấm chúng tôi không được đến đó. Chẳng có ai cả, bố mẹ chúng tôi cũng không cấm, thầy cô giáo của chúng tôi cũng không cấm. Đến giờ cơm trưa thì những người đi đánh cá không ai còn ở trên sông nữa, họ đều đã về nhà. Trông ai cũng đen nhẻm. Dù có ai ở Sochi cả tháng trời cũng không thể đen như thế. Đó là do chất phóng xạ nó làm nhám da người. Khói phát ra từ đám cháy ở trạm hạt nhân không phải màu đen, cũng không phải màu vàng, mà là màu xanh. Nhưng không có ai cấm cản lũ trẻ không cho chạy đến trạm xem lửa cháy. Người ta đã quá quen với những nỗi nguy hiểm thời chiến tranh: chỗ này có tiếng nổ, chỗ kia có tiếng nổ.Trong khi đó thì ở đây chỉ là một đám cháy bình thường, đang được dập tắt bởi những người lính cứu hỏa bình thường. Bọn con trai đùa giỡn cợt nhả: “Bọn mình vào nghĩa địa đứng xếp hàng đi. Đứa nào cao nhất sẽ chết trước.”. Lúc ấy tôi còn nhỏ xíu. Tôi không nhớ là mình đã sợ hãi như thế nào, nhưng tôi lại nhớ nhiều thứ kỳ cục. Bạn tôi kể hai mẹ con nó thức suốt đêm đào hố chôn vàng và tiền, nhưng lại lo rằng mình sẽ quên mất chỗ đã chôn. Bà tôi, khi về hưu được tặng cái ấm Samovar, chẳng hiểu sao đó lại là thứ bà lo lắng nhất cùng với mớ mề đay của ông tôi và chiếc máy may cũ kỹ hiệu Singer. Chúng tôi được lệnh “di tản”. Cha tôi từ sở làm về nhà mang theo hai chữ đó. Chuyện xẩy ra y hệt như những cảnh trong sách viết về chiến tranh. Cả nhà đã leo lên xe bus rồi, cha tôi bỗng sực nhớ mình còn bỏ quên vài thứ, thế là ông chạy về nhà. Khi trở lại trên tay ông cầm hai chiếc áo sơ mi mới toanh còn treo trong tủ. Lúc ấy, quang cảnh đường phố thật kỳ lạ. Mấy người lính đi trên đường kia trông giống như người ngoài hành tinh trong bộ trang phục bảo hộ kín mít từ đầu đến chân. Dân chúng bu lại hỏi những người lính: “Chúng tôi sẽ phải làm gì đây?”. Họ vặn lại: “Ô kìa, sao lại đi hỏi chúng tôi? Có chiếc xe Volga trắng đậu đằng kia kìa, mấy ông sếp ngồi trong đó. Đến mà hỏi họ!”.

Chúng tôi ngồi trên xe bus. Ngoài kia bầu trời xanh một màu xanh. Chúng tôi tự hỏi mình sẽ đi đâu đây? Trong những túi đồ mang theo chúng tôi có cả bánh cake mừng lễ Phục Sinh và trứng đủ màu sắc. Nếu gọi đây là chạy loạn thì thật khác xa với những gì tôi mường tượng khi đọc những quyển sách nói về chiến tranh. Lẽ ra phải có tiếng súng chỗ này, bom nổ chỗ kia chứ. Xe di chuyển rất chậm chạp vì đám gia súc đi chật đường. Người ta xua bò và ngựa ra đi trên mặt lộ. Trong không khí có mùi bụi đất và mùi sữa. Mấy tay tài xế la hét, chửi mắng  đám mục đồng: “này đám nhãi ranh, sao chúng mày lại lùa lũ bò ngựa ra mặt đường thế kia? Chúng mày chỉ khuấy tung thêm bụi phóng xạ thôi! Sao không lùa chúng xuống cho đi dưới đồng hả?”. Đám mục đồng cũng nạt lại rằng để cho đám bò ngựa chúng quần nát cỏ rả lúa má nhà người ta thì là một điều rất đáng xấu hổ. Thế đấy! Không một ai nghĩ rằng sẽ không bao giờ được trở về làng cũ của mình nữa. Hồi nào tới giờ làm gì có những chuyện như thế này xẩy ra. Tôi có cảm giác đầu óc mình đang quay vòng vòng và cổ họng thì ngứa ngáy. Mấy bà cụ già ngồi nín lặng trong lúc đám phụ nữ trẻ hơn lại khóc lóc. Cả mẹ tôi cũng khóc.

Chúng tôi tới Minsk. Chúng tôi đã phải mua vé xe lửa với giá mắc gấp 3 lần. Người bán vé đem trà đến cho mọi người. Đến lượt chúng tôi, bà ấy bảo: “Đưa ly ra đây tôi rót trà!”. Ngay lúc đó, chúng tôi không ai hiểu tại sao vậy, chỉ thắc mắc bộ họ hết ly rồi sao? Không phải vậy! Họ sợ bị lây lan phóng xạ. “Mấy người từ đâu tới vậy?” “Chernobyl “. Thế là ai cũng lãng ra xa.

Một tháng sau, gia đình chúng tôi được phép dọn vào trong khu chung cư. Cha mẹ tôi mang theo một cái mền dầy rất ấm, tôi có cái áo khoác nhẹ mùa thu và một tuyển tập tác phẩm của Chekhov, sách gối đầu giường của mẹ tôi. Bà tôi không hiểu tại sao chúng tôi không đem theo cái hũ mứt dâu chính tay bà làm lấy, cái hũ có nắp đậy chặt kín. Cha mẹ tôi phát hiện ra một vết bẩn trên cái mền. Mẹ tôi lấy mền ra giặt, chà xát kỹ lưỡng, vết bẩn vẫn còn đó .Bà đem đến cho tiệm giặt tẩy ngoài chợ, họ thấy chỗ vết bẩn ấy “chiếu sáng”. Vậy là họ dùng kéo cắt phăng chỗ có vết bẩn ấy đi. Từ đó, cũng với cái mền đó, và cái áo khoác quen thuộc của tôi, tôi không thể đắp, không thể mặc được nữa. Chẳng phải vì tôi sợ, mà đơn giản vì – tôi ghét chúng. Suýt nữa là tôi đã bị chết vì chúng. Tôi thực sự không hiểu được tại sao mình lại có cái cảm giác sờ sợ này .

Ở đâu người ta cũng bàn tán về tai nạn xẩy ra ở Chernobyl: ở nhà, ở trường, trên xe bus, ngoài đường phố. Có người so sánh nó với Hiroshima(3). Nhưng không ai thực sự tin điều đã xẩy ra là có thật. Làm sao người ta có thể tin được điều mà họ không thể nào hiểu được? bất kể mọi cố gắng tìm hiểu cỡ nào, vẫn không ai thấy được mảy may ý nghĩa của sự việc. Tôi còn nhớ rõ – ngày chúng tôi bỏ nhà ra đi, bầu trời vẫn xanh một màu xanh. Bà tôi, không thể nào làm quen được với nơi ở mới. Trước khi chết bà còn đòi: “Bà muốn ăn me chua!”. Nhiều năm nay chúng tôi không được ăn me chua, vì đó là thứ hấp thụ chất phóng xạ nhiều nhất.

Bà tôi được đem chôn tại làng cũ của mình ở Dubrovniki. Chỗ ấy nằm trong Khu Cấm, có vòng rào kẽm gai bọc quanh và lính đeo súng máy đứng canh gác. Chỉ người lớn mới được phép vào – cha mẹ tôi và mấy người họ hàng. Còn tôi thì phải đứng ngoài. Họ bảo “Trẻ con không được vào”. Lúc ấy tôi đã biết mình sẽ không bao giờ được phép vào thăm mộ bà tôi. Tôi đã hiểu rồi. Mình có thể đọc được những điều như vậy ở đâu nào? Từ trước tới nay đã có những chuyện như thế này xẩy ra hay không? Mẹ tôi thú nhận: “Con biết không, mẹ chúa ghét hoa lá, cây cành.”. Bà trở nên sợ hãi chính mình. Tại nghĩa trang, người ta trải một tấm khăn bàn trên mặt cỏ rồi bầy ra ít thức ăn, ít rượu Vodka, trong lúc canh thức người chết. Mấy người lính đến, lấy máy đo độ phóng xạ ra đo rồi vất hết những thứ thức ăn vừa được bầy ra. Cỏ, hoa, thứ gì cũng có âm thanh “Click! Click!”. Chúng tôi phải đem bà tôi đi đâu bây giờ?

Tôi sợ. Tôi sợ cả tình yêu. Tôi có người yêu, chúng tôi đã hứa hôn ngoài tòa thị chính. Bà có bao giờ nghe nói về những người Hibakusha(4) ở Hiroshima? Tức là những người sống sót sau vụ quả bom nguyên tử nổ ở đó. Họ chỉ có thể kết hôn với nhau mà thôi. Nhưng không có ai viết về những chuyện như vậy ở đây, không ai nhắc nhở đến chúng tôi ở đây, dù rằng chúng tôi vẫn còn hiện hữu. Chúng tôi, những Hibakusha của Chernobyl. Người yêu của tôi dắt tôi về giới thiệu với mẹ của anh ấy, một người mẹ rất dễ thương. Bà là chuyên viên kinh tế cho một hãng sản xuất và rất năng động, thường xuyên có mặt tại tất cả những buổi hội họp chống Cộng. Và người mẹ rất khả ái này khi biết được rằng tôi là người đến từ Chernobyl, trong một gia đình di tản từ đó đến đây, đã hỏi tôi: “Con ơi, liệu con có thể sinh nở được không?”. Hai chúng tôi đã chính thức hứa hôn với nhau. Anh ấy nài nỉ tôi: “Anh sẽ ra khỏi nhà. Chúng mình sẽ mướn một căn phòng ở chung cư.” Nhưng tôi chỉ nghe được bà ấy nói: “Con ơi, với một người nào đó thì sinh con là có tội đấy!”.

Vậy thì yêu cũng là có tội.

Trước anh ấy, tôi cũng đã có một người yêu. Anh này là một họa sĩ. Chúng tôi cũng có ý định kết hôn với nhau. Mọi chuyện đang êm ả bỗng nhiên có vụ nổ xẩy ra. Tôi đến phòng vẽ của anh ta, nghe anh nói chuyện trên điện thoại: “Mày thật là may mắn! Quả thật mày không biết được mày là người may mắn như thế nào đâu!”. Thường thì anh ta rất điềm đạm, thậm chí rất tỉnh bơ, hiếm khi nào anh ta thốt ra những tán thán từ như thế. Sao bỗng nhiên lại như thế này? Hóa ra là bạn anh ta là một sinh viên sống ở ký túc xá, phòng bên cạnh có một cô gái treo cổ tự tử bằng chiếc quần nịt. Bạn anh ta vội chạy vào hạ cô gái xuống. Anh bạn trai của tôi hầu như vẫn chưa kiểm soát được mình, run giọng nói với tôi: “Em không thể nào tưởng tượng ra được cái cảnh mà bạn anh nó nhìn thấy, mà nó vừa trải qua. Nó đỡ xác cô gái trên tay mình, lau mặt cho cô ấy. Trên môi cô gái phủ đầy một lớp bọt trắng. Nếu mình nhanh chân lên thì hy vọng thấy được cảnh ấy, em ạ!”. Anh ta không hề nói một lời về cô gái khốn khổ, không hề cảm thấy chút xót thương nào dành cho cô gái. Anh ta chỉ muốn được chứng kiến cảnh cô gái chết và ghi nhớ. Để rồi anh ta sẽ vẽ lại. Và tôi chợt nhớ trước đây có lần anh ta hỏi tôi ngọn lửa ở trạm hạt nhân có màu sắc như thế nào, tôi có khi nào nhìn thấy chó và mèo bị bắn chết nằm lăn lóc trên đường phố không? Người ta có khóc không? Có bao giờ tôi thấy họ chết như thế nào không? Sau lần ấy . . . tôi không thể nào ở gần anh ta được nữa. Tôi không thể trả lời những câu hỏi của anh ta. {Ngưng một chút}.

Tôi không biết là liệu tôi có muốn gặp lại bà nữa không. Tôi nghĩ cái ánh mắt bà nhìn tôi cũng giống hệt như anh ta. Ánh mắt nhìn chỉ để quan sát và ghi nhận. Như thể đang thực hiện một cuộc thí nghiệm. Tôi không thể nào rũ bỏ được ý tưởng ấy ra khỏi đầu tôi. Thật mãi mãi vô phương làm việc ấy.

Thế bà có biết sinh nở cũng có thể là một cái tội? Tôi chưa bao giờ được nghe đến những điều như vậy.

 Katya P.

 Chú Thích:

1.Anton Pavlovich Chekhov (1860-1904): Nhà Vật lý học, kịch tác gia, nhà văn người Nga.

  1. Lev Nikolayevich Tolstoy (1828-1910): Nhà văn Nga, tác giả bộ trường thiên tiểu thuyết “Chiến tranh và Hòa Bình”.

3.Hiroshima: tên một thành phố lớn ở Nhật đã bị Mỹ cho thả xuống quả bom nguyên tử ngày 6 tháng 8 năm 1945.

  1. Hibakusha: tiếng Nhật, tên gọi những nạn nhân còn sống sót sau vụ nổ quả bom nguyên tử tại thành phố Hiroshima tháng 8 năm 1945.

*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.

Về lại MỤC LỤC

 

Bình Luận từ Facebook