Tin trong nước
Tin Biển Đông
Bài trên BBC, VN: Khánh thành đài tưởng niệm trận Gạc Ma và nhìn lại. Bài phỏng vấn cựu Đại tá Bùi Văn Bồng và cựu Đại tá Phạm Hữu Thắng, về đài tưởng niệm Gạc Ma.
Ông Bùi Văn Bồng cho biết, “sự hy sinh của các chiến sỹ ở Gạc Ma đã đi vào lịch sử và lẽ ra tượng đài để tưởng nhớ họ phải làm sớm hơn, những việc để tưởng nhớ chiến sỹ Gạc Ma phải làm sớm hơn... Theo dư luận, tại sao lại để cho chiến sỹ Gạc Ma phải hy sinh nhiều như thế? Và cũng có dư luận nói rằng chiến sỹ Gạc Ma khi đó đã có lệnh từ ai đó là không được nổ súng và họ đã phải bắn súng chỉ thiên lên trời“.
Một bài viết trên báo Philippines có tựa đề: Chuyên gia về Biển Đông: Đối xử với phán quyết như ‘tiền lệ có giá trị’. Bài viết dẫn lời ông Trần Công Trục, cựu Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, phát biểu: “[Các nước đòi chủ quyền] nên tiếp tục thực hiện một chiến trường mạnh mẽ hơn, thực tế hơn và cụ thể hơn. Để làm được điều này, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng và công bố nội dung của phán quyết như một tiền lệ có giá trị, một bài học về việc tuân theo luật pháp“.
ABS-CBN, đài truyền hình Philippines, dẫn lời tiến sĩ Lynn Kuok, chuyên gia nghiên cứu của Trung tâm luật Quốc tế, thuộc ĐH Quốc gia Singapore, cho biết, một năm sau phát quyết của tòa PCA, tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, tình hình đã được cải thiện. Clip TS Lynn Kuok phát biểu:
Báo National Post của Canada có bài: “Tàu chiến Canada bị Hải quân Trung Quốc theo dõi trên Biển Đông“. Ông Sylvain Jacquemot, trung sĩ hải quân (Chief Petty Officer) cho biết: “Họ cách xa ba dặm nhưng không ở mức độ thù địch. Cả hai chúng tôi đều thực hiện quyền tự do hàng hải. Đó là một trò chơi mèo vờn chuột. Họ đòi hỏi một điều mà thế giới không đồng ý … Họ hoạt động rất tích cực trong những ngày này“. Báo VnExpress có bài tóm lược: Tàu chiến Canada bị Trung Quốc bám đuôi 36 giờ ở Biển Đông.
RFI có bài: Việt Nam lôi kéo Ấn Độ vào Biển Đông. Và bài: Ấn, Nhật, Mỹ, Việt : Bốn nước ngáng chân Trung Quốc tại Biển Đông
Đồng Tầm – Mảnh đất lắm người nhiều ma
Bài viết: Trung cộng toan tính điều gì, ở mảnh đất Đồng Tâm? của tác giả Nguyễn Tiến Dân, kể về chuyến đi thực địa khảo sát và đưa ra những suy đoán đáng chú ý về sự kiện Đồng Tâm. Theo tác giả, “Viettel và ngay cả Chính quyền Hà Nội, cũng chỉ là những con rối trong tay của kẻ khác“.
Tác giả khuyên TBT Nguyễn Phú Trọng: “Tốt nhất, hãy cho hồ sơ của vụ Đồng Tâm vào ngăn kéo và hãy nhanh chóng về lại đó, để tháo ngòi của quả bom nổ chậm. Trước, chân thành xin lỗi dân – sau, trả lại cho họ, những diện tích đất đai mà Nhà nước chưa bao giờ có quyết định thu hồi. Nhịn cái nhỏ, sẽ được cái lớn. Thua dân một keo, nhưng sẽ thu phục được lòng dân. Mà lòng dân ở đây, đâu chỉ bó hẹp trong xã Đồng Tâm“.
Quân đội không lo chống giặc, cứ mãi chống… diễn biến hòa bình
Báo QĐND lại lên cơn mê sảng nữa rồi, lần này cơn ác mộng mang tên Xã hội Dân sự. Trích: “Trong Chiến lược ‘Diễn biến hòa bình’, các thế lực thù địch triệt để sử dụng các thủ đoạn phi quân sự, lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo… để phá hoại từ bên trong nội bộ, hòng tạo ra lực lượng chính trị đối lập với Đảng, Nhà nước. Trong đó, chúng đặc biệt quan tâm, lợi dụng xã hội dân sự (XHDS)”.
Làm cách nào để hóa giải nan đề trên, báo QĐND đưa ra mấy lá bùa cũ chẳng còn hiệu nghiệm, như: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; Giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện đối với cả hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Mặt trận Tổ quốc…
Cập nhật thông tin tướng Võ Văn Liêm
Về chuyện ông tướng về hưu lăng mạ CSGT, bài trên báo VNN: Trung tướng Võ Văn Liêm lên tiếng việc lăng mạ CSGT. Trong bài, ông Võ Văn Liêm cho biết, xe của ông không vi phạm luật vì lúc đó chạy tốc độ khoảng 60km/h, nhưng Công an trưng hình ảnh xe chở trung tướng Võ Văn Liêm chạy quá tốc độ. Bài viết này nói rằng, Công an quận Bình Thủy, Cần Thơ, đã kiểm tra thiết bị của tổ tuần tra, hình ảnh từ camera cho thấy, xe chở trung tướng Võ Văn Liêm chạy với tốc độ 81 km/h.
Báo PL&ĐS: Công an Cần Thơ xin ý kiến chỉ đạo xử lý vụ trung tướng về hưu “lăng mạ” CSGT. Đại tá Trần Ngọc Hạnh, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, cho biết: “Trước mắt xử lý tài xế ôtô vi phạm. Còn lời nói, hành vi của trung tướng Võ Văn Liêm, vì liên quan đến nguyên cán bộ cấp cao quân đội, nên Công an TP Cần Thơ đang làm báo cáo gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xin ý kiến chỉ đạo“.
Nhà báo Trung Bảo đặt câu hỏi: “Trại súc vật là gì? Đó là cùng chửi CSGT nhưng người đàn bà lập tức bị ‘mời làm việc’ còn tướng về hưu phải đợi ‘xin ý kiến Bộ’.”
Mời đọc thêm: Công an Cần Thơ: Xử lý nghiêm tài xế xe chở Tướng Liêm chạy quá tốc độ (VOV). – Tướng về hưu lăng mạ cảnh sát: ‘Tôi có làm gì sai đâu’ (TT). – Trung tướng Võ Văn Liêm: “CSGT đã nói những lời quá xúc phạm” (Infonet). – CSGT dừng xe chở Tướng Liêm: ‘Chú chửi quá trời chửi’ (VNN). – Cảnh sát bị tướng về hưu lăng mạ: ‘Tôi đã rất bình tĩnh’ (TT).
Mời độc giả thưởng thức câu chuyện qua bức tranh không lời của họa sỹ LAP.
Bà Phó Quận Thanh Xuân
Bài trên báo NLĐ: Quận Thanh Xuân thừa nhận xe chở Phó Chủ tịch quận đỗ sai và Soha: Lãnh đạo quận Thanh Xuân: Xe chở Phó Chủ tịch quận đỗ sai quy định, cán bộ xin nộp phạt. Mặc dù quận Thanh Xuân thừa nhận việc xe chở Phó Chủ tịch quận đậu sai quy định và giao cho công an phạt hành chính, nhưng không thấy bà Phó Chủ tịch quận xin lỗi người dân vì cách hành xử thiếu văn hóa như báo chí thông tin và người dân yêu cầu.
Thay vào đó, nói với báo Zing, bà cho biết: “Tôi nghĩ sự việc không còn mang tính chất cá nhân nữa mà có dấu hiệu bị kẻ xấu lợi dụng để bôi nhọ chính quyền. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến danh dự của tôi mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của UBND quận Thanh Xuân, bởi tôi đang là phó chủ tịch quận”.
Về phát biểu của bà phó quận, LS Lê Văn Luân có bài: Ai mới là người làm xấu? Tác giả viết: “Rõ ràng là một hành vi vi phạm về luật giao thông đường bộ, đã không hành xử cho đúng lại còn huy động cả chính quyền cơ sở của một phường ra trông xe đỗ trong tình trạng vi phạm để đi ăn trưa. Sau còn mời người dân phản ánh lên bắt họ xin lỗi. Và giờ bà phó chủ tịch quận này còn chưa chịu dừng lại để suy nghĩ về hành vi và chịu chế tài theo luật pháp, thì lại lên báo chí thanh minh và cho rằng một số kẻ lợi dụng sự việc này để chống đối, bôi nhọ chính quyền”.
Còn nhà báo Bạch Hoàn có bài: Bôi nhọ cục phân!? Trích: “Cho dù chị cố cự cãi đến thế nào đi nữa thì những hành động của chị đã biểu hiện không thể rõ hơn một thái độ coi thường nhân dân, ngồi xổm lên pháp luật, lộng quyền vượt quá giới hạn chịu đựng của con người. Chỉ xã hội rừng rú mới chấp nhận sự tồn tại của cái gọi là quan chức như Lê Mai Trang”.
Nếu cảm thấy khó nói lời xin lỗi quá, thì xin giới thiệu với bà một dịch vụ mới ra đời, dịch vụ xin lỗi hộ. Hề hề… Bài trên báo Giao Thông: Yêu cầu nữ Phó chủ tịch quận đi ăn trưa viết giải trình.
Về cách hành xử của các quan cộng sản, nhà văn Phạm Đình Trọng viết: “Cung cách ứng xử trong cuộc sống của đám quan cộng sản, từ quan trẻ, cấp nhỏ như bà phó chủ tịch quận Lê Mai Trang, tới quan già, cấp cao như trung tướng Võ Văn Liêm cho người dân nhận ra rằng đám quan chức cộng sản chỉ có hình hài của con người thể xác, con người sinh vật, tuyệt nhiên không có hình hài của con người văn hóa, con người xã hội“.
Quốc hội 5 phút
Báo Pháp luật TP có bài phỏng vấn cựu ĐBQH Nguyễn Sĩ Dũng về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ cho phép báo chí dự 5 phút đầu, thay vì được tham dự toàn phiên họp như thông lệ: TS Nguyễn Sĩ Dũng: ‘Công khai, minh bạch chỉ có lợi’
Ông Dũng cho biết, “Trước hết thì điều này không thống nhất với quy chế làm việc của UBTVQH. Theo đó, Điều 4 của quy chế nói: Hoạt động của UBTVQH được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan báo chí được tham dự, đưa tin về các hoạt động của UBTVQH tại khu vực dành riêng cho báo chí. Hơn thế nữa, Điều 5 của quy chế nói trên còn khẳng định: ‘UBTV họp công khai’.”
Về việc Tổng thư ký QH giải thích rằng: “UBTVQH lần này họp có nhiều vấn đề nhạy cảm và nếu không có báo chí dự thì đại biểu (ĐB) sẽ phát biểu hết ý”, ông Dũng nói: “Quả thực nếu có sự tham dự của báo chí thì các ủy viên TVQH sẽ phải cân nhắc lời ăn tiếng nói của mình thận trọng hơn”.
Nhờ có báo chí, mấy ông bà nghị cẩn thận hơn, không ăn nói văng mạng, bây giờ cấm cửa báo chí, mấy ông bà đóng kín cửa, tha hồ mà chém gió. Không ai nhắc nhở, quen cách ăn nói, hành xử kém văn hóa, sau này có dịp tiếp xúc với người nước ngoài, để mấy ông bà khoe cái “thể diện quốc gia” cho thiên hạ “bái phục”!
Báo Tuổi Trẻ có bài: Có vấn đề nên mới ‘cấm cửa’ báo chí? Trích: “Người dân phải được biết những người, những định chế mà họ ủy quyền và nuôi dưỡng ấy hoạt động như thế nào, có hiệu quả hay không. Quyền được biết và giám sát các hoạt động công là một trong những quyền của người dân”.
Sai phạm ở Núi Pháo
Hàng loạt sai phạm ở dự án khai khoáng lớn nhất Việt Nam, là bài viết trên báo Tiền Phong, nêu kết luận thanh tra của Bộ TN-MT. Theo đó, Công ty Núi Pháo, thuộc tập đoàn Masan, mắc một số sai phạm ở dự án khai thác mỏ khai khoáng lớn nhất Việt Nam, như: Công ty Núi Pháo phát hiện ra khoáng sản mới nhưng không báo cáo cho cơ quan chức năng; thu hồi đất không đúng quy định nằm ngoài khu vực dự án, không có trong quy hoạch; chưa lắp đặt hệ thống xử lý nước thải cục bộ trước khi thải ra các hồ lắng quặng đuôi.
Tuy nhiên, trước các vi phạm trên, Công ty Núi Pháo chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền 510 triệu đồng và khắc phục các vi phạm về môi trường và khoáng sản.
Mời đọc lại: Ông Nguyễn Đăng Quang, Masan thâu tóm mỏ Núi Pháo như thế nào? (infonet). – Masan Kẻ Cướp Tay Không “Bắt Núi Pháo” (QLB). – ‘Thanh tra môi trường Núi Pháo’: đảng muốn truy ai đứng đằng sau Masan? (SBTN).
Hẹn kết quả thanh tra tài sản quan chức Yên Bái
Báo VnExpress đưa tin: Kết thúc thanh tra tài sản giám đốc Sở Tài nguyên Yên Bái, về việc thanh tra khối tài sản của ông Phạm Sỹ Quý. Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Phòng chống tham nhũng TTCP, cho biết: “Đoàn đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo kết luận, khoảng đầu tháng 8 sẽ công bố rộng rãi cho dư luận“.
Facebooker Ben Nguyễn bình luận: “Căn cứ giá căn chung cư 130m2 ở Maradin Garden anh khai có 2,5 tỉ, thì tổng tài sản của anh giai kê khai nâng nhẹ lên gấp 3 là ra giá trị thực. Làm giám đốc sở mà có hơn 100 tỉ thì kiếm chác cũng được phết. Tính sơ, nếu tính đúng lương, phụ cấp các loại theo khung của Nhà nước, chắc chắn không quá 15 tr/tháng, 180 triệu/năm. Ông này phải đi làm quần quần 1000 năm mới có số tài sản trên. Thật là vi diệu“.
Cán bộ, đảng viên sống ‘phô trương’ làm thủ tướng ‘trăn trở’, là chủ đề một số báo đưa tin. Chuyện cán bộ, đảng viên làm giàu bằng cách tham nhũng, đục khoét của công… để có được tài sản bất minh, rồi khoe khoang biệt thự, biệt phủ, những tài sản đắt tiền, đó không phải là lối sống phô trương bình thường, mà đó là ăn cướp của dân rồi mang tài sản cướp được, ra khoe với nạn nhân, Thủ tướng chỉ “trăn trở” thôi sao?
Hơn nữa, đâu phải chỉ có “một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một vài tỉnh miền núi” không thôi, chuyện các quan có tài sản khủng, sống xa hoa, nào chỉ ở vài tỉnh miền núi, mà nó có mặt ở khắp nơi, thưa thủ tướng!
Vụ kiện đòi bồi thường một tỷ Mỹ kim
Đó là vụ ông Trịnh Vĩnh Bình kiện Nhà nước Việt Nam lần thứ 2, đòi bồi thường 1 tỷ USD. LS Lê Văn Luân nhắc nhở, nhà nước Việt Nam cần học lại bài học vụ hãng hàng không Vietnam Airlines đã bị kiện và thua kiện, do thái độ chủ quan nên phải trả một cái giá quá đắt là bồi thường 8 triệu USD.
Và lần này, nếu Việt Nam thua kiện, số tiền phải trả là 1 tỷ Mỹ kim, một số tiền quá lớn. Và số tiền đó nếu phải bỏ ra để bồi thường do thua vụ kiện, nó không phải là tiền túi của mấy quan chức làm sai bỏ ra, mà chính là tiền thuế của dân.
Kính mời độc giả nghe clip phỏng vấn ông Trịnh Vĩnh Bình:
Vụ thuyền viên Việt Nam bị sát hại ở Philippines
Đài RFA có bài phỏng vấn ông Lê Hưng Quốc, chuyên gia về đối ngoại, cựu Phó Giám đốc thường trực Sở Ngoại vụ, trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam. Theo ông Quốc, trong bất cứ trường hợp nào, nếu công dân của một nước bị bắt cóc, cán bộ ngoại giao phải có trách nhiệm tìm hiểu ngay thông tin, sau đó báo cáo về nước, xin hướng xử lý.
Về việc gia đình thuyền viên Hoàng Võ trả lời truyền thông cho biết họ bị cấm tiếp xúc với báo chí, ông Quốc cho biết: “Bản thân gia đình đó khi đến hỏi thì người ta cũng chỉ biết người thân của tôi đi đánh cá từ ngày này, ngày này, rồi mất tích. Nghe báo nói thế này, nghe ông A ông B nói thế này thì người ta chỉ biết trả lời như thế thôi. Chứ có biết cái gì đâu mà lại nói là chính phủ cấm?”.
Ông Quốc cũng cho biết, là tự đi gặp riêng bọn bắt cóc để đưa tiền chuộc là không nên. “Cái này cũng là 1 thông lệ mà các quốc gia đã thoả thuận với nhau, là tất cả phải báo cáo Liên hợp quốc, báo cáo với các nước có trách nhiệm và các nước sở tại để cùng nhau xử lý những trường hợp này chứ anh không được đơn phương xử lý”.
Blog RFA có bài: Khi mạng người bị xem rẻ. Tác giả trả lời ông Lê Hưng Quốc, “nếu họ thực sự coi trọng thông lệ quốc tế hay các qui định quốc tế thì tại sao họ phải ém nhẹm thông tin về vụ các nạn nhân bị bắt cóc và sau đó là cấm đoán thông tin về cái chết của các nạn nhân?”
Ngư dân miền Trung bị nạn do mưa bão
Về việc tàu VTB26 chở theo 13 người bị chìm tại vùng biển Nghệ An, theo báo Tuổi Trẻ, đến 16h30 ngày 17/7, lực lượng tìm kiếm cứu nạn ở Cảng Cửa Lò đã cứu sống được 7 người và tìm thấy 3 thi thể. Trong đó, mới xác định được một nạn nhân tử vong là anh Nguyễn Văn Lãm (24 tuổi, quê Hải Phòng). Hiện vẫn còn 3 nạn nhân mất tích trong vụ chìm tàu. Danh sách các nạn nhân, độc giả có thể đọc trong bài báo Tuổi Trẻ.
Anh Nguyễn Văn Sáng được đưa từ tàu Thanh Thành Đạt xuống – Ảnh: DOÃN HÒA/ TT
Trong khi đó, theo báo SGGP, tại Thanh Hóa và Quảng Bình, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, có hàng chục tàu cá của ngư dân đã bị chìm: “báo cáo nhanh số 04 của huyện Quảng Trạch cho thấy có 26 tàu cá ngư dân xã Quảng Đông bị chìm, ngoài ra có 7 tàu hàng bị mắc cạn chưa rõ chủ, 3 xà lan của cảng Hòn La bị chìm, 9 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị đắm, 1 tàu vỏ thép của ngư dân xã Cảnh Dương bị đánh chìm. Một tàu lai dắt của Hải quân cũng bị đắm làm 7 người bị thương, 3 người đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình, 1 người bị gãy chân, số còn lại điều trị tại trạm y tế xã Quảng Đông. Hàng chục ngư dân thoát nạn vào bờ an toàn”.
Hà Nội, phố biến thành sông
Trên mạng tràn ngập những hình ảnh ngập lụt tại hầu hết các con đường ở Hà Nội sau trận mưa sáng hôm qua, do ảnh hưởng từ cơn bão số 2. Theo báo Tuổi Trẻ, các quận, huyện ở Hà Nội như Cầu Giấy, Hà Đông, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng… đều bị ngập. Trận mưa từ sáng đã nhanh chóng biến các tuyến phố Thụy Khuê, Nguyễn Khuyến, Đội Cấn, Phùng Hưng, Trường Chinh, Giải Phóng, Tân Mai, Cao Bá Quát… thành sông. Mời xem clip ngập lụt ở Hà Nội:
Những cảnh tượng thường thấy sau cơn mưa tại Hà Nội này khiến người dân nơi đây không khỏi ngao ngán, nhưng… Paris có gì lạ đâu em?!
Bán đảo Sơn Trà
Bài viết của nhà báo Trung Bảo trên báo Lao Động: Hãy sống với Sơn Trà. Tác giả đặt câu hỏi: “Con người phải sống thế nào với thiên nhiên? Con người có thể nào ép thiên nhiên theo ý mình, phục vụ cho mình, làm giàu cho mình? … Đừng mơ mộng chuyện biến đổi tự nhiên để kiếm tiền, ý trời và cả lòng người đều không cho phép điều ấy“.
Phỏng vấn nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng
Văn Việt có cuộc trò chuyện với nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng. Clip do Hà Thủy Nguyên thực hiện tại Vũng Tàu hồi tháng 3/2016:
Tin quốc tế
Mỹ – Trung – Đài
Tin từ VOA: Trung Quốc nổi đóa vì dự luật quốc phòng của Mỹ. Bài viết cho biết, sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật quốc phòng hôm thứ Sáu vừa qua, cho phép Mỹ mở rộng trao đổi với Đài Loan, cũng như Washington có thể giúp Đài Loan tự vệ và Hoa Kỳ là nguồn cung cấp vũ khí chính yếu cho Đài Loan, đã làm TQ nổi giận.
Trung Quốc đã chính thức lên tiếng phản đối mạnh mẽ dự luật quốc phòng này. Ông Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát biểu: “Chúng tôi thúc giục Mỹ nhận thức toàn diện những tác hại nghiêm trọng của các vế câu liên quan trong dự luật vừa thông qua và không để cho dự luật này thành luật, chớ quay ngược bánh xe lịch sử hầu tranh gây phương hại bức tranh hợp tác Mỹ-Trung rộng lớn hơn.”
Trung – Philippines
Sử dụng sức mạnh mềm đối với các nước có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông là chiêu mà TQ đã và đang làm lâu nay. Trung Quốc thường bỏ tiền ra đầu tư vào kinh tế của các nước có tranh chấp như Brunei, Malaysia, Vietnam, và bây giờ là Philippines, nhằm xoa sự giận dữ tại các nước này. VOA có bài: Philippines: mặt trái của việc tìm tài trợ Trung Quốc để phát triển hạ tầng.
Ông Song Seng Wun, kinh tế gia chuyên về Đông Nam Á, làm việc cho một ngân hàng tư của CIMB ở Singapore, nhận định: “Trong trường hợp Philippines, điều kiện của Bắc Kinh là Philippines phải nghiêng về Trung Quốc khi nói tới các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của nước này. Và như vậy, Philippines sẽ bị buộc chặt với Trung Quốc.”
Tham nhũng ở Trung Quốc đã trở thành bệnh hoạn
Bài trên RFI: Lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc : Tham ô trở thành văn hóa. Ông Vương Kỳ Sơn, Trưởng ban Kỷ Luật đảng CSTQ mô tả tình trạng tham nhũng tại Trung Quốc “đã trở thành bệnh hoạn” và cũng giống như người anh em láng giềng VN, “thanh tra cơ quan nào là phát hiện cơ quan đó có tham ô“.
Ông Vương Kỳ Sơn, người thực hiện chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình đã chỉ ra ba nhược điểm của đảng Cộng Sản Trung Quốc để giải thích tình trạng tham nhũng khắp nơi trên cả nước, đó là: lãnh đạo suy yếu, tổ chức buông thả, kỷ luật lỏng lẻo. Theo ông, căn nguyên của tình trạng này, là do “sinh hoạt trong Đảng không nghiêm túc và không lành mạnh”.
Lưu Hiểu Ba và sự lãnh đạm của phương Tây
RFI dẫn lời báo Le Monde, chỉ trích sự thờ ơ của lãnh đạo các nước phương Tây đối với ông Lưu Hiểu Ba. Báo Le Monde cho biết, có sự khác biệt giữa ông Lưu Hiểu Ba với những nhà đấu tranh nổi tiếng khác trên thế giới, rằng ông Lưu Hiểu Ba không được chính phủ dân chủ của các nước trên thế giới quan tâm nhiều như trường hợp ông Vaclav Havel, Nelson Mandela hay Andrei Sakharov.
Báo Le Monde viết: “Không có một cuộc gặp cấp cao hay hội nghị quốc tế nào mà tên của họ không được nhắc tới. Nhiều cuộc thương lượng ở cấp cao nhất đã từng diễn ra để đòi tự do, cải thiện điều kiện giam giữ cho họ hay thậm chí có cả những cuộc mặc cả trao đổi“. Bài báo cho biết, các phản ứng từ phương Tây về cái chết của Lưu Hiểu Ba, tránh nói đến nhân quyền, hay bản án phi nhân đạo của chính quyền CS Trung Quốc đối với những nhà đối lập.
Vụ bê bối Trump – Nga
Vụ bê bối về sự nhúng tay của Nga vào chuyện bầu cử tổng thống Mỹ vẫn còn nóng từng ngày. Biện minh cho hành động của con trai mình tham dự buổi họp với luật sư Nga, Trump tweet: “Hầu hết các chính trị gia sẽ đi tới cuộc họp giống như cuộc họp mà Don Jr (tức con trai Trump) tham dự, để có thông tin về đối thủ của mình. Đó là chính trị!”
Viết câu này, dường như Trump không phân biệt được giữa chính trị với phản quốc, bởi cuộc họp đó không phải là cuộc họp bình thường, mà đó là cuộc họp với người Nga, và họ có ý đồ nhúng tay vào để phá hoại nước Mỹ.
Trump đã đưa lên Twitter nội dung như thế, nhưng Sean Spicer, thư ký báo chí Nhà Trắng, được mệnh danh là “trưởng ban tuyên giáo” của Trump, đã phát biểu trong buổi họp báo không có camera ghi hình, nói rằng cuộc họp tháng 6 năm 2016 của con trai Trump với luật sư Nga không bàn bất kỳ vấn đề nào khác, ngoài việc nhận con nuôi.
Báo Business Insider nói rằng, Sean Spicer đã mâu thuẫn với nội dung cái tweet của Trump. Trang Think Progress nói Spicer nói láo về buổi họp của Don Jr.
Bài trên RFI: Mỹ: Donald Trump nhờ luật sư biện minh cho con trai. Trích: “Trong suốt ngày hôm qua, luật sư Sekulow đã liên tục khẳng định trên truyền hình là cuộc gặp mặt giữa Donald Trump Jr và vị luật sư Nga là hoàn toàn hợp pháp. Theo ông, đây chỉ đơn giản là việc tìm hiểu đối phương. Khi được đặt câu hỏi về bản chất đạo đức của cuộc họp tại Trump Tower, vị luật sư đã liên tục đánh trống lảng, đổi chủ đề sang những bê bối trong quá khứ của bà Hilary Clinton, hoặc về cựu giám đốc Cục điều tra Liên bang Mỹ James Comey“.
Cũng chuyện Nga can thiệp bầu cử ở Mỹ, BBC có bài: Nga ép Mỹ về vụ thu giữ cơ sở ngoại giao. Trong lệnh trừng phạt Nga của TT Obama hồi năm ngoái, Mỹ đã phong tỏa và đóng cửa 2 cơ sở ngoại giao của Nga ở Mỹ và trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga về nước, vì nghi ngờ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ. Dưới thời chính phủ Trump (là bạn của Putin), Nga đang gây sức ép với Mỹ để đòi lại hai cơ sở này.