Ba mẩu độc thoại về một miền quê hương

S. Alexievich

Ảnh trong phim Chernobyl Diaries. Nguồn ảnh: itsokguys.com

Những người kể: Gia đình K., gồm bà mẹ và cô con gái; thêm người đàn ông không hề nói một lời (chồng của cô con gái).

 Cô con gái :

 Hồi đầu tôi khóc suốt, cả đêm lẫn ngày. Lúc nào cũng chỉ muốn khóc, kể lể. Chúng tôi đến từ Tajikistan, vùng Dushanbe. Ở đó hiện đang chiến tranh.

Tôi đang có thai. Đúng ra tôi không nên nói điều này làm gì. Thôi thì tôi cứ nói vậy. Một hôm họ leo lên xe bus chúng tôi đang đi để kiểm tra giấy tờ tùy thân. Những người này trông bình thường, chỉ khác là họ đeo súng máy tự động. Liếc mắt qua đống giấy tờ, họ lùa đám đàn ông xuống xe. Và rồi ngay đó, ngay dưới cửa xe, họ bắn chết đám người vừa bị lùa xuống đó. Thậm chí họ chẳng buồn dẫn đi chỗ khác cho khuất mắt chúng tôi.Thật chẳng bao giờ tôi tin được điều vừa xẩy ra trước mắt mình. Nhưng mà chính tôi nhìn thấy hai thanh niên bị lôi ra khỏi hàng. Một người trông thật trẻ, đẹp trai, anh ta lớn giọng nói gì đó với những người có súng. Anh ta nói bằng tiếng Tajik, tiếng Nga. Anh bảo họ rằng vợ mình vừa sinh con và anh còn 3 đứa con nhỏ nữa ở nhà. Nhưng đám người có súng này chỉ cười rộ. Trông họ cũng còn trẻ, rất trẻ là đằng khác. Cũng bình thường như bao thanh niên trạc tuổi, chỉ khác là họ có súng tự động. Anh thanh niên đẹp trai quỳ xuống. Anh hôn giầy những người có súng. Trên xe bus ai cũng nín lặng. Khi xe chạy đi, chúng tôi vẫn còn kịp nghe tiếng súng: ta-ta-ta. Tôi sợ quá không dám quay lại nhìn .{Bắt đầu khóc}.

Lẽ ra tôi không nên nói chuyện đó. Tôi đang mang bầu mà. Thôi thì tôi cứ nói vậy! Chỉ xin bà một điều: đừng ghi lại họ của tôi. Tôi tên là Svetlana. Bà con thân nhân của tôi còn sinh sống ở đó. Đám người ấy sẽ giết họ mất thôi. Trước đây tôi không hề nghĩ chiến tranh lại sẽ nổ ra nữa. Tôi nghĩ đất nước của mình rộng lớn thế, đất nước thân yêu của tôi ấy. Mảnh đất lớn nhất thế giới. Thời kỳ Xô Viết người ta bảo chúng tôi rằng dân mình sống hèn mọn nghèo khổ là vì chiến tranh, nay mình có một quân đội to lớn hùng mạnh rồi thì sẽ không có ai dám đụng đến mình. Mình sẽ không bị ai chinh phục nữa. Thế rồi bây giờ mình lại bắn giết lẫn nhau. Không giống chút nào hết với cuộc chiến mà ông tôi đã tham dự và còn nhớ rằng ông đã tiến thẳng một mạch từ đây đến nước Đức. Giờ thì láng giềng bắn láng giềng, lũ con trai trước đây đi học chung trường nay giết lẫn nhau và hãm hiếp cả những đứa con gái ngồi cạnh mình trong lớp ngày xưa. Ai cũng hóa điên hết cả rồi.

Những ông chồng của chúng tôi lầm lũi chịu đựng. Nguyên cánh đàn ông ở đây không ai hó hé nửa lời. Tất cả họ đều im lặng. Lúc họ bỏ ra đi, có người dè bỉu rằng các ông chạy trốn giống như một lũ đàn bà. Rằng họ là những tên vô lại, phản bội quê hương. Nhưng liệu có phải là điều xấu xa khi người ta không thể giơ súng lên bắn người khác? Chồng tôi là người Tajik. Lẽ ra anh ấy phải cầm súng đi bắn giết. Nhưng anh nói : “Thôi mình bỏ đi thôi. Anh không muốn tham dự vào chiến tranh. Anh không cần phải có súng tự động”. Mảnh đất ấy là của chồng tôi, nhưng anh ấy quyết định bỏ nó ra đi, chỉ bởi vì anh không muốn giết đồng hương, những người Tajik như anh. Nhưng ở đây chồng tôi là người cô độc, những anh em của anh ấy vẫn còn ở lại đó chiến đấu. Đã có một người bị giết. Mẹ chồng tôi vẫn sống ở đó với mấy người con gái. Chúng tôi đáp chuyến xe lửa Dushanbe đến đây. Cửa sổ toa bị vỡ mà trời bên ngoài thì lạnh, bên trong không có sưởi. Trên đường đi không có tiếng súng, xe lửa bị ném đá nên các cửa sổ toa vỡ toang. Người ta vừa ném đá vừa la hét: “Bọn Nga kia, hãy cút đi! Lũ xâm lược, không được bóc lột chúng tao nữa!”. Nhưng chồng tôi là người Tajik, vậy mà anh ấy phải nghe những lời chửi rủa này. Cả mấy đứa con của chúng tôi cũng đã nghe. Con gái tôi học lớp một, nó thích thằng con trai cùng lớp, một thằng bé người Tajik. Một hôm, từ trường về nhà nó hỏi: “Mẹ, con là người gì, Tajik hay Nga?” Làm sao mình giải thích cho nó hiểu đây?

Đúng ra tôi không nên nói điều này làm gì. Nhưng tôi cứ nói nhé!

Người Tajik thuộc nhánh Pamir đang có chiến tranh với người Tajik thuộc nhánh Kulyab. Cũng là người Tajik với nhau, đọc cùng một kinh thánh Coran, có cùng một đức tin tôn giáo, vậy mà người Kulyab giết người Pamir, người Pamir giết người Kulyab. Thoạt đầu, người ta kéo nhau ra khu quãng trường thành phố, la hét um sùm rồi sau đó cầu nguyện. Tôi muốn biết chuyện gì đang xẩy ra nên cũng ra đó theo họ. Tôi hỏi một trong những ông già: “Bác phản đối cái gì vậy?”. Ông nói: “Chống đối Quốc hội. Người ta bảo cái bọn Quốc hội này xấu xa lắm”. Rồi quãng trường trở nên vắng tanh. Súng bắt đầu nổ vang. Chỉ trong khoảnh khắc, tôi không còn nhận ra được đó là thành phố của mình nữa. Nó đã trở thành một mảnh đất xa lạ. Phương Đông! Trước đó, chúng tôi tưởng rằng mình đang sống trên mảnh đất của riêng mình. Hiến pháp Xô Viết đã xác nhận như thế. Mộ người Nga ở đó chỗ nào cũng có, nhưng bị bỏ hoang không có ai nhang khói. Người ta thậm chí thả cho súc vật ăn cỏ trong các nghĩa trang người Nga. Thả cả dê nữa. Còn mấy ông già người Nga thì đi lang thang, bươi rác để sống . . .

Tôi là y tá làm việc trong phòng hộ sinh. Đêm hôm tôi trực, có một bà sinh con hơi khó, kêu khóc ầm ĩ. Bỗng nhiên, một chị lao công chạy xộc vào, không bao tay, không áo choàng.  Chuyện gì vậy? Dám vào phòng hộ sinh với trang phục như thế? “Này các chị ơi! Ngoài kia có mấy người đeo mặt nạ, lại đeo súng nữa.”. Tôi thấy họ bước vào, ra lệnh cho chúng tôi: “Đem hết thuốc men ra đây, cả rượu cồn nữa!”. “Chúng tôi không có thuốc, cũng không có rượu cồn!”. Họ nắm áo viên bác sĩ, đẩy ông ta vào sát tường, nạt nộ – Đem ra đây ngay! Đúng lúc ấy bà đang sinh con reo lên một tiếng khoan khoái, nhẹ nhõm. Tiếng trẻ sơ sinh khóc oa oa. Nó vừa được sinh ra đời. Tôi cố nghiêng người nhìn nó. Tôi không thể nhớ đó là đứa bé gái hoặc trai. Và tất nhiên, nó chưa được đặt tên hoặc được chăm sóc như lẽ ra nó phải được chăm sóc. Đám cướp ngày hỏi: Giống dân gì? Kulyab hay Pamir? Họ không hỏi trai hay gái, mà hỏi Kulyab hay Pamir. Chúng tôi không ai hé môi nửa lời. Bọn chúng quát lên: “Giống dân gì ?”. Vẫn không ai trả lời. Thế là chúng nắm lấy đứa bé, vừa mới có mặt ở trần gian chỉ trong 5 hay 10 phút gì đó, ném ra ngoài cửa sổ. Là y tá, chưa bao giờ tôi thấy một trẻ sơ sinh chết thảm khốc như thế. Vậy mà đây này – Lẽ ra tôi không nên nhớ chuyện này mới phải .{Bắt đầu khóc}. Làm sao mà tôi có thể sống sau khi chứng kiến những chuyện như vậy? làm sao mà sau này tôi có thể sinh con được nữa? {Khóc}.

Sau đó, da tay tôi bắt đầu bị bong ra. Gân tay tôi sưng tấy lên. Nhưng tôi cảm thấy thờ ơ với hết thảy mọi sự. Thậm chí không muốn ra khỏi giường. {Khóc}. Tôi đến trước cửa bệnh viện, rồi lại quay về. Lúc ấy, tôi đã mang thai. Không thể sinh nở ở đó được, nên chúng tôi đến đây. Đến Belarus. Đến Narovlya. Một thành phố nhỏ, yên tĩnh. Xin đừng hỏi tôi thêm điều gì nữa. Tôi đã nói hết rồi. {Khóc}. Khoan đã. Tôi muốn bà biết tôi không sợ Chúa, mà tôi sợ người. Hồi đầu đến đây chúng tôi hỏi người ta: “Phóng xạ ở đâu vậy?”“ Có thấy chỗ chị đang đứng không? Phóng xạ ở đấy đấy!”. Vậy là chỗ nào cũng có phóng xạ.{Khóc}. Chỗ nào cũng thấy nhà cửa bị bỏ hoang. Người ta đi hết rồi. Vì sợ ấy mà!

Nhưng ở đây tôi lại không thấy sợ hãi như khi ở đó. Chúng tôi không còn quê hương nữa. Chúng tôi chẳng còn là ai nữa hết. Người Đức thì đã về lại nước Đức của họ, người Tatars thì về vùng Crimea khi họ được phép, nhưng không ai muốn chứa người Nga. Chúng tôi nên hy vọng điều gì? Chúng tôi đang chờ đợi điều gì? nước Nga không thể bảo bọc được người dân của mình, vì nước Nga lớn quá, mênh mông quá. Thành thực mà nói, tôi không cảm thấy nước Nga là quê hương của mình. Chúng tôi được nuôi dưỡng dưới chế độ Xô Viết, xem Liên Bang Xô Viết như là quê hương của mình. Giờ đây chúng tôi không biết làm cách nào để có thể tự cứu lấy mình. Nhưng ít nhất ở nơi này không có ai đùa với súng đạn, và đó là điều đáng mừng. Họ còn cấp cho chúng tôi nhà ở. Chồng tôi được nhận việc làm. Chúng tôi viết thư báo tin cho bạn bè ở quê nhà, ngày hôm qua họ cũng đã đến đây. Và họ sẽ ở luôn đây. Đêm hôm trước họ từ xe lửa bước xuống ga, sợ không dám đi ra ngoài, suốt đêm họ ngồi trên đống va li hòm xiểng  cùng với con cái. Sáng ra, nhìn ngoài đường, họ thấy người ta đi qua đi lại, cười nói, hút thuốc. Rồi họ được dẫn đến ngay trước cửa nhà chúng tôi. Họ không tin được những gì họ nhìn thấy ở đây, vì ở quê nhà họ không được sống một cuộc sống bình thường. Ở đây, sáng thức dậy đi vào chợ, họ thấy bơ, thấy kem. Họ kể lại rằng, ngay ở trong chợ, họ mua 5 hộp kem và ăn ngay tại đó. Người ta nhìn họ như những kẻ điên. Đã hai năm nay họ không được nhìn thấy bơ thấy sữa. Không có cả bánh mì để mua ở Tajikistan. Ở đó đang chiến tranh. Làm sao mà giải thích cho người chưa từng trải qua những hoàn cảnh như vậy hiểu được nó như thế nào.

Linh hồn tôi đã chết ở nơi đó. Tôi đã có thể sinh ra một người không có linh hồn. Ở đây thì không có nhiều người sinh sống và nhà cửa bị bỏ hoang. Chúng tôi sống ở bên cạnh rừng. Tôi không thích chung quanh có nhiều người. Giống như ở ga xe lửa. Hoặc như ở trong chiến tranh. {Bật khóc thành tiếng và không nói tiếp được nữa}.

 Bà Mẹ:

Chiến tranh – đó là thứ duy nhất tôi có thể nói đến. Tại sao chúng tôi đến đây? Đến Chernobyl? Bởi vì sẽ không có ai đuổi chúng tôi ra khỏi nơi đây. Không có ai đá chúng tôi bật ra khỏi mảnh đất này. Nó đã trở thành mảnh đất bỏ hoang, không của ai hết. Người ta bỏ đi. Và Chúa đã lấy lại.

Ở Dushanbe tôi là phó trưởng trạm xe lửa. Có một viên phó trưởng trạm khác người Tajik. Lũ con chúng tôi lớn lên cùng với nhau, đi học cùng với nhau. Vào những ngày lễ : Năm Mới, Lễ Lao Động, chúng tôi tụ họp nhau lại cùng uống bia, ăn thịt nướng. Anh ấy gọi tôi là “chị, chị của tôi, người chị Nga của tôi”. Thế rồi một hôm anh ta bước vào văn phòng, ngừng lại trước bàn giấy của tôi, to tiếng:

“Khi nào thì chị về lại nước Nga? Ở đây là đất của chúng tôi .”.

Tôi tưởng mình có thể nổi điên được. Tôi chồm lên, giận dữ:

“Thế cái áo khoác của anh từ đâu mà có?”

“Leningrad”. Anh ta trả lời với vẻ ngạc nhiên.

“Cởi ngay cái áo khoác ấy ra, đồ chó đẻ!” Tôi giựt phắt chiếc áo ra khỏi người hắn. “Cái mũ anh đang đội từ đâu mà có? Anh khoe với tôi là người ta gửi cho từ Siberia! Đừng nói dốc nữa, anh bạn! Còn cái áo sơ mi? cái quần! Những thứ đó đều làm ở Moscow cả! Chúng là sản phẩm của Nga!”.

Tôi lột sạch quần áo anh ta cho đến khi trên người anh ta chỉ còn đồ lót. Anh ta rất cao to, tôi đứng chỉ tới vai anh ta, nhưng tôi lột được hết. Mọi người xúm xít bu quanh để xem. Anh ta la lên: “Tránh xa tôi ra, đồ điên khùng!”.

“Anh phải trả lại cho tôi tất cả những gì của tôi, của nước Nga! Tôi sẽ lấy lại hết!”

Tôi gần như phát điên rồi.

“Trả lại cho tôi vớ anh đang mặc, giầy anh đang đi!”

Ở đây, chúng tôi làm việc cả đêm lẫn ngày. Chuyến xe lửa nào cũng đầy người. Người ta đang  bỏ chạy. Nhiều người Nga – hàng ngàn người Nga bỏ chạy. Chỉ nước Nga là không bỏ chạy. Chuyến xe lửa đi Moscow khởi hành lúc 2 giờ sáng, nhưng vẫn còn những đứa trẻ trong khu đợi. Chúng đến từ thành phố Kurgan-Tyube, không kịp đón chuyến tàu vừa lăn bánh. Tôi phải tìm cách che đỡ cho chúng. Có hai người đeo súng đến gần tôi.

“ Ô kìa các cậu, làm gì ở đây vậy?”. Tôi nói mà tim đập thình thịch.

“Bà làm ăn thế nào mà để cho cửa nẻo mở toang hoác thế kia?”

“Tôi mới vừa cho xe lửa khởi hành. Chưa kịp có thì giờ đi đóng chúng lại.”

“Mấy đứa nhỏ kia là ai vậy?”

“Ồ, lũ trẻ nhà chúng tôi, ở Dushanbe .”

“Hay là chúng đến từ Kurgan? Bọn Kulyab phải không?”

“Ồ, không phải đâu. Các con của tôi đấy!”

Chúng bỏ đi. Nếu chúng mở cửa phòng đợi? Chắc là . . . tôi có thể phải hứng một viên đạn vào đầu. Ở đây chỉ có một chính quyền. Nó thuộc về người nào có súng. Buổi sáng hôm sau, tôi cho mấy đứa bé lên chuyến tàu đi Astrakhan. Tôi dặn người soát vé hãy xem việc chuyển vận chúng như là chuyển vận hàng hóa, vì thế đừng có mở cửa ra. {Im lặng. Rồi khóc một lúc thật lâu.} Liệu có điều gì đáng sợ hơn con người không? {lại im lặng}.

Một lần, khi đã ở đây rồi, đang bước đi trên đường tôi bỗng ngoảnh mặt nhìn sau lưng. Tôi có cảm tưởng mình đang bị ai đó theo sau. Ở đó, không một ngày nào qua đi mà tôi không nghĩ đến cái chết. Tôi luôn luôn ra khỏi nhà trong bộ quần áo sạch sẽ, áo khoác ngoài, váy sống, đồ lót, tất cả đều mới giặt. Để phòng xa nếu tôi bị ai đó giết chết. Bây giờ ở đây, tôi đi rừng một mình mà không cảm thấy sợ hãi bất cứ ai. Trong rừng thì vắng vẻ, chẳng có lấy một bóng người. Thỉnh thoảng tôi gặp vài người thợ săn: họ có súng, có chó, có máy đo. Tuy rằng cũng có súng nhưng họ khác với mấy người ở vùng quê tôi vừa bỏ đi. Họ không săn người. Khi nghe tiếng súng, tôi biết họ đang bắn chim hoặc đuổi theo một con thỏ. {Im lặng}. Vì thế ở đây tôi không có cảm giác sợ hãi. Tôi không bao giờ sợ đất, không bao giờ sợ nước, nhưng tôi sợ con người. Vì hắn ta có thể vào chợ và bỏ ra hàng trăm đô la để mua một khẩu súng máy tự động.

Tôi nhớ đến một gã, anh ta người Tajik. Gã Tajik này đang đuổi theo một người khác. Nhìn cái cách anh ta chạy, cách anh ta thở, tôi có thể nói anh ta thực sự muốn giết chết người chạy đằng trước. Nhưng người bị đuổi đã chạy thoát. Có thể anh ta vẫn trốn đâu đó. Còn gã người Tajik thì quay trở lại, ngang qua tôi gã hỏi: “Bà ơi, chung quanh đây có chỗ nào có nước không bà?” Anh ta hỏi với vẻ rất tự nhiên, làm như chẳng có gì vừa xẩy ra cả. Tôi có một xô nước để ở nhà ga và đưa cho anh ta sử dụng. Rồi tôi nhìn thẳng vào mắt gã, hỏi: “Tại sao các anh cứ đuổi giết lẫn nhau vậy?”. Trông gã Tajik có vẻ xấu hổ. “Được rồi, xin bà đừng có gào lên như thế!”. Trông vậy chứ, nếu mà họ có mấy người với nhau thì tình hình lại khác đi. Chỉ cần 3 hoặc thậm chí chỉ 2 người đi chung, là họ sẽ không tha cho tôi. Khi mà người ta từng người một đối mặt với nhau, người ta sẽ xử sự với nhau như một con người.

Từ Dushanbe chúng tôi tới Tashkent, và sẽ phải đi xa hơn nữa để tới Minsk. Không còn một vé xe lửa nào cả. Người ta sắp xếp mọi thứ thật khéo léo để cho bà phải xì tiền ra hối lộ, nếu không bà chẳng bao giờ leo lên được toa xe: nào là đồ đạc nặng quá, nào là quá số lượng cho phép, nào là không được mang cái này, phải vất đi cái kia . . . Tôi bị yêu cầu bỏ đồ đạc lên cân hai lần, cho đến khi tôi hiểu ra và dúi cho họ ít tiền. “Làm thế ngay từ đầu thì đỡ phải mất thì giờ cãi cọ không nào!”. Mọi thứ rất đơn giản. Hành lý của chúng tôi cân nặng 2 tấn, họ bắt chúng tôi phải dỡ xuống. “Bà đến từ khu vực đang chiến tranh nên trong đó chắc phải có vũ khí? Hay cần sa?”. Họ giữ chúng tôi lại hai đêm. Tôi tìm cách gặp viên trưởng trạm nhưng khi ngồi trong phòng chờ tôi tiếp chuyện với một người đàn bà tốt bụng. Bà ấy giải thích: “Chị sẽ chẳng trông mong được gì ở đây đâu! Chị đến đây đòi hỏi sự công bằng, trong khi đó, ở ngoài kia người ta quẳng hành lý của chị xuống đất, lục tung lên và lấy cắp đồ của chị!”. Vậy chúng tôi sẽ phải làm sao? Phải mất hai đêm nhặt nhạnh sắp xếp lại các thứ: quần áo, mùng mền, một cái tủ lạnh cũ kỹ và hai túi sách. “Bà mang theo cả sách nữa à?”. Chúng tôi nhìn : Chúng ta nên làm gì của Chernyshevsky(1) này, Đất vỡ hoang của Sholokhov(2) này. Chúng tôi phải bật cười. “Bà có mấy cái tủ lạnh ?” “Chỉ có một. Mà nó cũng bị hỏng rồi!” “Tại sao bà không có bản khai báo?” “ Làm sao mà chúng tôi biết được phải có bản khai báo. Đây là lần đầu tiên chúng tôi chạy trốn chiến tranh mà!”. Chúng tôi mất cả hai quê hương cùng một lúc – Tajikistan và Liên bang Xô Viết.

Tôi đi trong rừng và chìm vào suy nghĩ. Mọi người ai cũng xem truyền hình – Chuyện gì đang xẩy ra? Mọi người sống thế nào? Nhưng mà tôi cũng chẳng muốn biết đến làm gì.

Chúng tôi đã có một đời sống . . . một đời sống rất khác. Tôi đã từng được xem là một người quan trọng. Tôi ở trong quân đội, cấp bậc Trung tá thuộc một đơn vị huấn luyện. Tại đây thì tôi bị thất nghiệp cho đến khi tìm được công việc lao công dọn dẹp ở toà nhà hội đồng thành phố. Đời tôi đã thực sự qua rồi, và tôi không còn sức để có thể bắt đầu một cuộc đời khác. Một số người ở đây cảm thấy tội nghiệp cho chúng tôi. Một số khác thì không được vui vẻ gì về sự có mặt của chúng tôi. “Bọn tị nạn đào trộm khoai vào ban đêm”. Mẹ tôi bảo trong thời chiến tranh người ta biết thương nhau nhiều hơn. Mới đây người ta tìm thấy một con ngựa nằm chết trong khu rừng hoang. Ở chỗ khác thì có một con thỏ cũng đã chết. Không ai giết chúng cả, nhưng chúng đã bị chết. Sự kiện này khiến người ta lo lắng. Nhưng khi người ta phát hiện ra một kẻ không nhà nằm chết đâu đó, thì không ai tỏ vẻ gì lo lắng cả. Vì lý do nào đó, người ta đã quen với cảnh người chết rồi.

Lena M. – từ Kyrgyzstan. Chị ngồi ngay trên bực thang bước vào nhà như thể chọn một tư thế chụp hình. Năm đứa con của chị vây chung quanh, cùng với Metelitsa, con mèo đã di tản với họ.

Chúng tôi ra đi như những kẻ cố thoát ra khỏi vùng chiến tranh. Đem theo tất cả những gì chúng tôi có thể mang theo được, kể cả con mèo nó lẽo đẽo theo ra đến tận nhà ga xe lửa. Chúng tôi ngồi trên xe lửa 12 ngày. Hai ngày cuối cùng chúng tôi chỉ còn có bắp cải đóng hộp để ăn cùng với nước lã. Chúng tôi chặn cửa toa lại – bằng một thanh sắt, cây rìu bửa củi và cái búa. Tôi nói bà nghe này, một đêm bọn cướp cạn tấn công chúng tôi. Suýt nữa chúng tôi bị chúng giết. Thời buổi này chúng sẵn sàng giết bà chỉ vì cái máy truyền hình hay cái tủ lạnh. Thế đấy, chúng tôi ra đi như những kẻ cố thoát ra khỏi vùng chiến tranh mặc dù ở Kyrgyzstan chưa xẩy ra chuyện bắn giết nhau. Cũng có những cuộc thảm sát dưới thời Gorbachev, ở Osh, ở Kyrgyz, ở Uzbeks – nhưng giờ thì ở những nơi ấy ổn rồi. Nhưng chúng tôi là người Nga, mặc dù người Kyrgyz cũng sợ người Nga như chúng tôi sợ họ. Hãy tưởng tượng bà là người Nga, đứng xếp hàng chờ đến lượt mua bánh mì, bỗng nhiên có người la lên: “Này bọn Nga kia, cút về xứ sở của chúng mày đi! Kyrgyzstan  là của người Kyrgyz!”. Thế rồi họ đẩy bà ra khỏi hàng, miệng lẩm bẩm bằng tiếng Kyrgyz, đại khái rằng ở đây còn không có đủ bánh mì cho chúng tao ăn, lấy đâu ra mà bán cho chúng mày? Tôi thực sự không rành ngôn ngữ của họ lắm, chỉ cố học vài câu thông thường để có thể giao dịch mỗi khi đi ra chợ mua sắm.

Chúng tôi có một tổ quốc chứ, giờ thì mất rồi. Tôi là người gì ấy à? mẹ tôi người Ukraine, bố tôi người Nga. Tôi sinh ra và lớn lên ở Kyrgyzstan, kết hôn với một người Tatar. Vậy các con của tôi chúng là người gì? chúng mang quốc tịch nào? Gia đình tôi toàn là pha trộn, không thuần một giòng máu nào hết. Giấy thông hành của tôi và các con tôi ghi là: “Chủng tộc Nga”, nhưng chúng tôi không phải là người Nga. Chúng tôi là người Xô Viết! Nhưng đất nước Xô Viết – nơi tôi sinh ra – đã không còn tồn tại nữa. Cái không gian mà chúng tôi gọi là quê hương đã biến mất, kể cả thời gian –cũng là quê hương của chúng tôi – đã biến mất. Giờ đây, chúng tôi sống như loài dơi. Tôi có 5 đứa con. Đứa lớn nhất học lớp 8, đứa nhỏ nhất mới vào trường mầm non. Tôi mang theo tất cả các con tôi đến đây. Quê hương của chúng tôi không còn hiện hữu nhưng chúng tôi vẫn còn sống sót.

Tôi sinh ra ở đó. Tôi lớn lên ở đó. Tôi góp sức dựng nên một xí nghiệp, rồi làm việc trong xí nghiệp ấy. Vậy mà họ bảo: “Hãy trở về xứ sở của mày đi! Ở đây tất cả những thứ này là của chúng tao!”. Họ không cho chúng tôi lấy đi bất cứ thứ gì ngoài các con tôi. “Tất cả những thứ này là của chúng tao!”. Còn những thứ của tôi thì ở đâu? Người ta đang bỏ đi. Tất cả người Nga đều bỏ đi. Những người Xô Viết ấy mà! Không ai cần họ ở đây nữa. Không ai mở cửa đón họ nữa.

Tôi đã từng sống hạnh phúc. Tất cả các con tôi đều được sinh ra với tình thương yêu. Ba đứa lớn là con trai, rồi kế tiếp là hai đứa gái. Thôi tôi không muốn nói gì thêm nữa. Tôi sẽ khóc đây. {Nhưng chị ta lại nói thêm vài câu nữa}. Chúng tôi hiện ở Chernobyl đây. Nó đã trở thành quê hương của chúng tôi. {Bất ngờ chị ta mỉm cười}. Chim chóc ở đây thì cũng giống như ở những nơi khác thôi. Còn có cả bức tượng ông Lenin nữa.

{Khi chúng tôi ra tới cổng, chuẩn bị chia tay, chị ta lại nói thêm}. Một buổi sáng sớm, trong lúc người láng giềng chúng tôi đang hì hục tháo mấy tấm gỗ che cửa sổ nhà họ, thì tôi thấy một chị đàn bà. Tôi nói: “Chị từ đâu đến đây thế?” “Từ Chechnya.”. Chỉ trả lời ngắn gọn thế, rồi chị ta khóc . . .

Người ta hỏi tôi, vì ngạc nhiên, vì không hiểu hoàn cảnh của tôi: “Tại sao chị lại nỡ giết các con của chị?”. Ôi trời ơi, tôi có thể tìm đâu ra sức mạnh để đối phó với những gì sẽ xẩy ra đây? làm sao mà tôi có thể giết các con tôi được, tôi đang cứu chúng đấy chứ. Tôi năm nay mới 40 tuổi mà trông già cỗi như thế này. Họ ngạc nhiên, vì họ không hiểu. Họ bảo: “Chị có nghĩ là chị sẽ đem con cái mình đến sống ở một nơi có bệnh tả lị hay bệnh dịch hạch không?”. Nhưng cái thứ tả lị, dịch hạch ấy mà người ta sợ hãi ở Chernobyl này thì tôi không biết chút gì về nó cả. Nó đã hoàn toàn ra khỏi trí nhớ của tôi rồi.

Chú Thích:

  1. Tác phẩm “What shall we do “ viết năm 1863 của Nikolai Chernyshevsky – Nhà văn Nga.
  2. Tác phẩm “Virgin soil upturned” của Mikhail Sholokhov, nhà văn Nga đoạt giải Nobel về văn chương năm 1965.

____________________________________________________________

*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.

Về lại MỤC LỤC

 

Bình Luận từ Facebook