Phần I – Mảnh đất của người chết – . . . tại sao chúng ta vẫn nhớ

S. Alexievich

Mảnh đất của người chết – Nguồn ảnh: Historicusforma

Bà quyết định viết về chuyện này? câu chuyện này? Nhưng tôi không muốn người ta biết bất cứ điều gì về tôi, về những gì tôi đã phải chịu đựng ở đó. Một mặt, trong tôi vẫn ẩn chứa ước vọng được thổ lộ, được nói ra mọi điều mình kinh qua, và một mặt khác – Tôi có cảm giác đang tự bóc trần mình. Tôi không muốn làm việc đó.

Bà có nhớ quyển Chiến tranh và Hoà Bình của Tolstoy *? Nhân vật Pierre Bezukhov bị chiến tranh ám ảnh quá nặng nề, ông ta nghĩ rằng mình và thế giới sẽ mãi mãi bị biến đổi. Nhưng rồi thời gian qua đi, ông ta tự bảo mình: “Tôi sẽ tiếp tục la rầy người đánh xe giống như trước đây, tôi sẽ tiếp tục gầm gừ khó chịu giống như trước đây.”

Vậy tại sao người ta vẫn còn trí nhớ? Để họ có thể xác định đâu là sự thực? Vì sự công bằng ở đời? Để họ có thể tự giải phóng mình và quên hết mọi sự? Hay có phải là vì người ta biết mình là một phần trong toàn bộ một sự kiện vĩ đại? Hay là người ta nhìn vào quá khứ để mong tìm ra được một lớp vỏ bọc? bất kể  rằng ký ức vốn mong manh, có đó mất đó, không hề là kiến thức thực sự, chỉ là một sự phỏng đoán mà một người tin rằng đó có thể là chính mình.

Ký ức không là sự hiểu biết. Đúng hơn nó là một chuỗi những cảm xúc.

Cảm xúc của tôi . . . Tôi đã vật lộn, đã đào sâu trong ký ức của mình để nhớ lại.

Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi đã xẩy ra khi tôi còn rất nhỏ – Đó là thời kỳ chiến tranh.

Tôi nhớ đám con trai chúng tôi chơi trò “bố mẹ”. Chúng tôi cởi quần áo của mấy đứa nhỏ hơn ra rồi xếp chồng chúng lên nhau. Đây là những đứa trẻ ra đời sau chiến tranh, vì trong chiến tranh trẻ con đã bị quên lãng. Chúng tôi chờ cho sự sống trở lại. Chúng tôi giả vờ làm “ bố và mẹ”. Chúng tôi muốn được nhìn thấy sự sống. Chúng tôi, những đứa trẻ lên tám, lên mười.

Tôi đã nhìn thấy một phụ nữ đang tìm cách tự tử. Ở một bụi rậm ven bờ sông. Chị ấy cầm một cục gạch rồi cứ thế liên tục đập vào đầu mình. Chị ấy mang thai với một người lính thuộc đội quân chiếm đóng mà cả làng đều ghét. Khi còn bé, tôi cũng đã thấy từng lứa mèo con được đẻ ra. Tôi cũng đã từng giúp mẹ đỡ đẻ cho một con bò cái và đã để con lợn cái nhà mình được ra gây giống với con lợn đực .

Tôi nhớ người ta đem xác bố tôi về nhà, trên người ông vẫn còn mặc chiếc áo len do chính tay mẹ tôi đan. Ông bị trúng đạn súng máy, từng mảnh thịt lẫn máu với sợi len rơi ra khỏi cơ thể ông. Người ta để ông nằm trên chiếc giường duy nhất trong nhà, vì không còn chỗ nào khác. Sau đó, chúng tôi chôn xác ông ngay trước sân nhà. Chỗ tòan đất sét cứng rất khó đào, cạnh rẻo đất trồng củ cải. Chiến sự diễn ra ở khắp nơi chung quanh. Đường phố đầy xác người và ngựa chết.

Với tôi, đó là những hồi ức của riêng tôi. Tôi không muốn chia sẻ chúng với ai.Thời gian đó, tôi nghĩ về cái chết cũng giống khi nghĩ về sự sinh sản. Tôi có cùng cảm giác khi thấy người ta kéo con bê ra khỏi bụng mẹ nó, khi thấy  những con mèo con ra đời và như khi thấy người phụ nữ đang tự giết mình bằng cục gạch trong bụi rậm.

Có một lý do nào đó khiến tôi không nhìn ra sự khác biệt giữa sự truyền sinh và sự chết.

Tôi nhớ căn nhà thời thơ ấu của tôi nồng nặc một mùi khó quên mỗi khi có con heo bị mổ. Chỉ một mảnh vụn ký ức chạm vào, là tôi thấy mình chìm đắm trong cơn ác mộng . Tôi bay vào trong nỗi  khủng khiếp ghê hồn. Ở đó, lũ trẻ nhỏ chúng tôi, theo chân những người đàn bà vào trong phòng tắm hơi, để thấy dạ con của họ rơi ra ngòai từng mảnh (ngay từ thuở ấy chúng tôi cũng đã biết dạ con dùng để làm gì), và những người đàn bà cố lấy gỉe rách cột chúng lại. Tôi đã nhìn thấy điều đó. Dạ con phụ nữ bị rơi ra ngòai cơ thể họ vì lao động cực nhọc. Làng không còn đàn ông, vì họ đang ở cả ngòai tiền tuyến. Không có ngựa để vận chuyển, các phụ nữ nông dân phải chất mọi thứ trên vai họ. Họ tự mình đảm đương công việc cầy bừa những khu vườn, những cánh đồng của nông trang tập thể.

Khi trưởng thành hơn một chút, mỗi khi gần gủi một người phụ nữ, những gì nhìn thấy trong phòng tắm hơi thời thơ ấu lại hiện ra trước mắt tôi.

Tôi muốn quên. Quên hết mọi sự. Và tôi đã quên được. Tôi tưởng rằng những gì khủng khiếp nhất đã xẩy ra rồi. Chiến tranh. Bây giờ thì tôi đã được miễn nhiễm. Đã được bảo vệ.

Nhưng rồi tôi có mặt ở khu nhà máy hạt nhân Chernobyl. Từ bấy đến nay, tôi đã nhiều lần trở lại. Tôi hiểu mình bất lực chừng nào trước những gì chứng kiến. Tôi có cảm tưởng mình đang vỡ ra từng mảnh nhỏ. Quá khứ đã không còn bảo vệ cho tôi được nữa. Ở đây, tôi không tìm thấy câu trả lời mà mình tìm kiếm.

Thực ra, những câu trả lời đã ở đó. Nhưng nay chúng không còn nữa.

Chính tương lai đang hủy diệt tôi, chứ không phải quá khứ.

Pyotr S., Tâm lý Gia

*Chú Thích:

Leo Tolstoy(1828-1910) Nhà văn Nga, tác giả nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó có bộ trường thiên “ Chiến Tranh và Hòa Bình”.

 

*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.

Về lại MỤC LỤC

Bình Luận từ Facebook