Phạm Khánh Chương
27-6-2017
Đây là câu chuyện xảy ra giữa vị luật sư và thân chủ sau ngày hiệu lực của Bộ Luật hình sự năm 2015 có sửa đổi với khoản 3 điều 19 được QH nước CHXHCNVN ban hành.
Câu chuyện bắt đầu như sau:
Một công dân khả kính của một đất nước khả kính thường xuyên du lịch qua lại biên giới VN. Ông ta đi du lịch thì ít mà buôn lậu thì nhiều. Chẳng may lần này người công dân khả kính bị công an bắt vì nghi ngờ tội tàng trữ và phát tán ngoại tệ giả, cụ thể là đô la Mỹ.
Thật ra, ông ta trước nay chỉ là người buôn lậu đồ hàng mã. Sở dĩ ông ta bị bắt vì biết đầu tháng Hai tại VN có đại lễ nên cần nhiều hàng mã. Kỳ này ông ta đem toàn hàng mã là đô Mỹ giả sang bán. Do chung chi không đều nên ông ta bị bắt, bị gán tội phát tán ngoại tệ giả nhằm âm mưu chống phá lợi ích quốc gia VN.
Vì ông ta là công dân khả kính của một đất nước khả kính nên ông ta không bị đánh đập mà còn được cho phép có luật sư bảo vệ. Sau đây là buổi nói chuyện giữa người luật sư (LS) và vị công dân khả kính (TC) đi buôn lậu.
***
LS: Chào ông. Rất hân hạnh được ông tín nhiệm chọn làm người bảo vệ pháp lý cho ông. Xin ông có thể vui lòng trình bày lại chi tiết và hoàn cảnh được không ạ?
TC: Vâng! Sự thể là….
LS: À khoan! Là một luật sư có lương tâm và đạo đức, tôi xin cho ông biết là: “Ông có quyền giữ im lặng. Ông không cần nói cho tôi biết hết mọi chuyện. Tuy nhiên, bất cứ điều gì ông nói ra cũng có thể làm bằng chứng mà tôi có thể buộc phải đi tố cáo ông”.
TC: Cái gì? Ý ông là sao? Ông, luật sư, người bảo vệ tôi,… đi tố cáo tôi?
LS: A! Không hẳn thế! Nhưng theo luật mới. Tôi, với tư cách luật sư, phải có trách nhiệm tố cáo những hành vi ‘xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng’ của thân chủ mình để ‘bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích của xã hội, cộng đồng’.
TC: Trời ơi có chuyện tố cáo đó nữa sao? Thí dụ, thí dụ thôi nghe! Như chỉ buôn lậu tiền hàng mã thôi mà có thể bị kết tội tàng trữ ngoại tệ, phá hoại lợi ích quốc gia VN không?
LS: Chưa biết được. Cũng còn tùy. Nhưng tiền đô giả mà sao giống như thật vậy nè?
TC: Trời ơi! Tại ông không biết! Dân chơi đồ hàng mã VN bây giờ khôn lắm. Giả mà không giống như thật họ không thích.
LS: …?
TC: Thôi, thôi. Đó là chuyện làm ăn của tôi. Vậy “tội” đó là gồm những tội nào?
LS: Chẳng hạn như, có âm mưu lật đổ chính quyền, phá hoại lợi ích quốc gia,…
TC: Trước nay có ai bị kết những tội đó không?
LS: Rất nhiều
TC: Có ai không bị kết án không?
LS: Chưa từng có ai không bị!
TC: Sao vậy? VN không có luật sư giỏi à?
LS: Có rất nhiều. Chứng cứ, lý lẽ bênh vực rất tuyết phục, nhưng vẫn thua.
TC: Sao vậy?
LS: Vì quan toà không xử theo chứng cứ hoặc lời biện hộ của luật sư.
TC: Vậy họ xử theo cái gì?
LS: Họ xử theo cái tờ giấy nho nhỏ bỏ trong túi của họ.
TC: Ý ông là…?
LS: Thôi đủ rồi. Bây giờ ông hãy kể lại mọi chuyện đi. Ông hỏi mà tôi trả lời một hồi là ông đi tố cáo tôi chứ không phải tôi tố cáo ông.
TC: Khoan đã!
LS: Sao?
TC: Vậy ông có thể nói rõ những tội đó là tội gì, nằm ở luật nào, điều khoản nào không?
LS: Luật thì nhiều. Nằm ở điều khoản 79, 88, 258,… Nhưng biết rõ, thì không ai biết rõ nó là cái gì?
TC: Nghĩa là sao?
LS: Không biết rõ, nghĩa là không biết rõ chứ làm sao. Cứ hỏi vớ vẫn hoài. Thôi, bắt đầu đi nào…
TC: Như vậy, nếu thấy không rõ, không chắc,… thì ông sẽ đi ….tố cáo tôi cho….chắn ăn?
LS: À! ùm….., .À…! Để tôi giải thích thêm cho ông hiểu. Trách nhiệm của luật…
TC: Thôi khỏi! Thôi khỏi! Nhức đầu quá! Giống y chang bên nước tôi! Tôi biết rồi! Nói một hồi là tôi chết! Không phải chết vì cái tội của tôi mà chết vì nói nhiều với luật sư! Vui lòng cho tôi mượn cây viết với tờ giấy đi.
LS: Ông tính viết cái gì?
TC: Không viết cái gì hết! Không nói mà viết ra thì cũng chết! Tôi chỉ ghi mấy con số, rồi nhờ ông luật sư cầm giùm cái giấy này đưa cho đồng chí giám đốc công an tỉnh, người đã ký cái lệnh bắt tôi vô đây là được rồi.
Buổi nói chuyện giữa vị luật sư khả kính với người công dân khả kính của một đất nước khả kính đến đây là hết.
Chú thích: Vị luật sư trong câu chuyện trên là vị luật sư khả kính thật sự. Ông khả kính vì với lương tâm con người và đạo đức nghề nghiệp, ông đã nói với thân chủ của mình trước khi cuộc phỏng vấn bắt đầu: “Ông có quyền giữ im lặng. Ông không cần nói cho tôi biết hết mọi chuyện. Tuy nhiên, bất cứ điều gì ông nói ra cũng có thể làm bằng chứng mà tôi có thể buộc phải đi tố cáo ông“.