Khuất Đẩu
Em ơi em đẹp vô cùng
Vì em có cái lạ lùng bên trong!
Bùi Giáng
Nếu hỏi thẳng mẫu thân Kim Cương, mẫu thân Phùng Khánh hay nương tử Marilyn Monroe, những người mà thi sĩ họ Bùi cho là đẹp vô cùng ấy, cái lạ lùng bên trong là cái gì? chắc ai cũng cười mà bảo, cứ đi mà hỏi lão, tụi này đâu biết được. Mà hỏi lão, thì lão cười móm mém bảo: “vui thôi mà”! Nói như Tản Đà, Trời cũng phải bượt cười vì lão.
Nhưng một người suốt ngày cứ Sài Gòn Chợ Lớn đôi nơi/ đi lên đi xuống đã đời du côn, mà có được hai câu lục bát để đời như thế, nhất định phải biết “cái lạ lùng” đó chớ. Biết, nhưng lão ỡm ờ không nói, để thiên hạ théc méc chơi.
Hồ Xuân Hương khi tức cảnh thiếu nữ ngủ ngày rất hớ hênh, cũng có hai câu thất ngôn để đời:
Hai gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên nước chửa thông.
Thì rõ ràng, cái lạ lùng của “hai gò” “một lạch” nó hiện ra lồ lộ giữa ban ngày.
Cụ Nguyễn Du đương nhiên là biết cái lạ lùng đó trước thiên hạ. Nó chính là cái dầy dầy.
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên.
Qua thiên tài cụ Nguyễn, qua cái sắc sảo của bà chúa thơ nôm, ít nhiều ta cũng đã thấy ẩn hiện cái lạ lùng bên trong. Nhưng nếu bảo:
Em ơi em đẹp vô cùng
Vì em có cái tâm hồn bên trong
Kiểu như:
Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên bác Hồ.
Thì chẳng còn ra cái thể thống gì là của Bùi Giáng nữa.
Chính vì không nói toạc ra một cách thô thiển, nên cái lạ lùng càng trở nên bí hiểm, nó vừa xa vừa gần, rất chi là mông lung huyền ảo. Lão thường xưng trẫm, nên cái lạ lùng đó chắc là cái ngàn vàng e lệ phụng quân vương.
Cụ Nguyễn Khuyến, khi tả đàn bà vén quần qua vũng lội làng Ngang, cũng có mấy câu thơ chết người:
Cái gì trăng trắng như con cúi
Lại đây ông cho xin giống Cuội.
Cái gì trăng trắng ấy nghe nói cũng có trong câu xuất của nữ sĩ Đoàn thị Điểm. Rằng: da trắng vỗ bì bạch, bì bạch! Đối được thì thiếp mở cửa (buồng tắm) cho chàng vào. Chàng (Trạng Quỳnh) láu cá từng ghẹo cả bà chúa Chè, nhưng lúc này đã “da trắng” lại còn “bì bạch” thì biết đào đâu ra chữ mà đối. Đành phải đánh bài chuồn, vì thế trong giới làng văn, đến nay vẫn còn nghe tiếng vỗ bì bạch!
Nhưng vỗ chỗ nào mà kêu bì bạch nhỉ? Đúng ra là bành bạch, nghĩa là kêu khá to.
Vỗ tay, nói làm gì.
Vỗ ngực, đàn bà ai lại vỗ ngực.
Chỉ có vỗ đùi, mà phải là quần tía đùi non anh chệch vỗ mới kêu to như thế! Giữa hai đùi non, thì đến thằng mù cũng biết đó là cái gì rồi.
Kiệt Tấn, nhà văn Bạc Liêu đang ở Paris, lây cái bệnh ga lăng của Tây, nên gọi đó là nụ hoa thầm kín của em.
Ôi chao, cả một chặng đường dài văn học mà các cụ cứ úp úp mở mở đến sốt cả ruột. Chỉ mỗi cái lạ lùng bên trong ấy mà nói tới nói lui, nói dài dài vẫn chưa lòi ra được cái muốn nói.
Phải đợi đến lúc này, các nữ sĩ tuổi trẻ tài (không) cao, nghe thấy ngứa cái lá (gan), bèn vén váy lên vỗ bồm bộp như mấy mụ chửi mất gà, gọi chính danh cái lạ lùng ấy là “nồn”*!
Bèn giật mình mà nhận ra rằng, đây chẳng còn là thời của “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, cũng chẳng phải “thời của những thánh thần”, lại càng không phải thời kỳ đồ đá hay là đồ dỏm, mà là thời của phụ nữ vùng lên, những gì phát ra từ “miệng nồn là những lời có cánh”, hãy để các chị gọi là thời của “nồn”, cho chính xác!
Và cũng giật mình vì đã bắt đầu nói ngọng.