Dân chủ hóa: vài bài học quốc tế và kịch bản khả dĩ cho Việt Nam

Nguyễn Quang A

tác giả: TS Nguyễn Quang A – ảnh: từ internet

Để có thể hòa giải chính trị và đạo đức tất cả cái người ta cần, theo Vaclav Havel, là “tài xử trí, các năng khiếu thích hợp, và thị hiếu tốt… ở đây thị hiếu tốt là có ích hơn một bằng cấp về khoa học chính trị.”  [1] Có thể nói tương tự về dân chủ hóa. Tuy nhiên tri thức là cần và hữu ích vì nó có thể giúp cho “tài xử trí, các năng khiếu thích hợp và thị hiếu tốt” của con người. Con người là sinh vật có tư duy, mọi tiến triển xã hội đều do con người có tư duy tạo ra và như thế kiến thức, sự hiểu biết là quan trọng. Luôn lưu ý đến sự sáng suốt mà Havel mang lại cho chúng ta để có sự dè dặt cần thiết đối với các lý thuyết hay mô hình, tiểu luận này sơ bộ điểm lại quá trình dân chủ hóa trên thế giới, rút ra vài bài học có thể bổ ích cho Việt Nam để học hay để tránh và nêu ra bốn khả năng cho Việt Nam (giữ nguyên trạng; và ba kịch bản (scenario) chuyển đổi là: chuyển đổi do ĐCSVN dẫn dắt, do sự sụp đổ và do những người đương chức thương lượng với đối lập) như một gợi ý cho các cuộc thảo luận, tranh luận trong thời gian tới mà tác giả cho là quan trọng với quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam.

1. Chính trị và Dân chủ

Hoạt động chính trị theo một nghĩa rộng bao gồm toàn bộ hoạt động để đưa ra các quyết định cai quản liên quan đến các vấn đề chung. Hiểu như thế không ai không can dự đến chính trị; và sự thờ ơ, không tham gia cũng là một cách can dự với những hệ quả của nó. Hệ thống chính trị là hệ thống quy định các quy tắc cho các hoạt động chính trị.

Một hệ thống chính trị là dân chủ khi nhân dân làm chủ hệ thống đó. Dân chủ trực tiếp là hệ thống chính trị khi mọi quyết định chính trị do nhân dân trực tiếp bàn bạc và quyết định. Dân chủ trực tiếp đã phổ biến ở các thành bang cổ Hy Lạp hơn 2500 năm trước. Khi một chính thể bao gồm một vùng lãnh thổ lớn hơn thành phố nhỏ thời cổ với dân số đông hơn, thì việc thực hành dân chủ trực tiếp rất tốn kém và không khả thi (ngày nay với sự phát triển công nghệ chi phí cho việc vận hành dân chủ trực tiếp giảm đi đáng kể và dân chủ trực tiếp lại có thể là hình thức thịnh hành trong một số lĩnh vực), thay cho dân chủ trực tiếp người ta thực hành dân chủ đại diện khi định kỳ nhân dân bầu ra những người đại diện cho mình và phần lớn các quyết định chính trị được ủy thác cho các vị đại diện này và bộ máy của họ (chính quyền).

Khái niệm dân chủ tiếp tục tiến hóa theo thời gian. Dù dân chủ là khái niệm rất cổ nhưng đến nay vẫn chưa có (và do tính tiến hóa sẽ không có) một định nghĩa được chấp nhận rộng rãi. Người ta gắn nhiều bổ ngữ vào từ dân chủ để chỉ các loại dân chủ khác nhau. Khi không có bổ ngữ trực tiếp để phân biệt, hiện nay nói đến dân chủ là nói về dân chủ đại diện.

Khi nói đến dân chủ thủ tục (procedural democracy) người ta chú trọng đến khía cạnh thủ tục hình thức khi các công dân chọn lựa để bàu các đại diện trong các cuộc bầu cử tự do, công bằng và đều đặn (vì thế cũng được gọi là dân chủ bầu cử, dân chủ hình thức), và không thể phế truất những người được bầu bằng các phương pháp phi dân chủ. Số công dân đủ tư cách tham gia bầu cử, cử tri, cũng dần dần được mở rộng để đạt tới quyền bầu cử phổ quát. Những người đại diện có thực sự đại diện cho nhân dân để kiểm soát hữu hiệu bộ máy nhà nước hay không vẫn là vấn đề. Dưới đây chúng ta hiểu dân chủ là hệ thống có bốn đặc tính: “các cuộc bầu cử tự do và công bằng đều đặn, quyền bầu cử phổ quát, trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước đối với các đại diện được bầu, và các đảm bảo hữu hiệu cho quyền tự do ngôn luận và lập hội cũng như sự bảo vệ chống lại hành động tùy tiện của nhà nước” (Huber, Rueschemeyer, Stephens) [L. Anderson tr. 198]. Dân chủ hiểu như thế cũng là dân chủ khai phóng (liberal democracy). Như thế có thể thấy bản thân khái niệm dân chủ hình thức cũng tiến hóa và có nhiều cấp độ với dân chủ khai phóng là cấp độ cao nhất.

Tuy nhiên, dân chủ khai phóng (hay hình thức theo nghĩa trên) chưa đảm bảo sự bình đẳng trong ra quyết định, nó không đòi hỏi sự phân bố ngang nhau về quyền lực chính trị. Ngoài chiều thủ tục còn hai chiều nữa cần xem xét: chiều tham gia đảm bảo mức độ tham gia tăng cao không phân biệt xã hội (như giai cấp, sắc tộc, giới,…) của nhân dân; và chiều xã hội đảm bảo sự bình đẳng tăng lên trong các kết cục xã hội và kinh tế. Dân chủ hình thức có thêm chiều tham gia được gọi là dân chủ tham gia, và dân chủ tham gia có thêm chiều xã hội được gọi là dân chủ xã hội. Người ta cũng nói đến dân chủ thảo luận (với nghĩa có sự tham gia bàn bạc của công dân và sự pha trộn nào đó với dân chủ trực tiếp), dân chủ tiên tiến. Nói cách khác dân chủ có thể có nhiều cấp độ khác nhau từ cấp độ tối thiểu chủ nghĩa (dân chủ bầu cử và các quyền tự do chính trị và dân sự) đến tối đa chủ nghĩa (dân chủ xã hội). Những nghiên cứu về dân chủ trước 1970 chủ yếu nhận diện các nhân tố cấu trúc (như tình hình phát triển kinh tế, giáo dục, giai cấp, sắc tộc, văn hóa, vân vân) giữ cho một nền dân chủ ổn định và cho rằng chúng cũng là những nhân tố thúc đẩy dân chủ hóa (sinh ra nền dân chủ). Rustow trong công trình có ảnh hưởng sâu rộng của mình đã nhận ra rằng chúng có thể khác nhau “Các nhân tố giữ một nền dân chủ ổn định có thể không là các nhân tố đã sinh ra nó: Những giải thích về dân chủ phải được phân biệt giữa chức năng và sự hình thành” [L. Anderson, tr. 21]. Kể từ đó có rất nhiều nghiên cứu về dân chủ hóa (nhất là sau làn sóng thứ ba của chuyển đổi dân chủ từ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, Đông Á, Mỹ Latin đến Đông Âu).

Do những cách hiểu khác nhau về dân chủ nên có nhiều đánh giá trái ngược nhau về dân chủ và dân chủ hóa. Có người do sử dụng những khái niệm (và số đo) chưa thật rõ về dân chủ nên đã tưởng lầm nhiều chế độ không dân chủ là dân chủ và khi chúng lộ nguyên hình là phi dân chủ thì than phiền về sự suy thoái dân chủ toàn cầu (global democratic recession), hoặc sự kết thúc của paradigm dân chủ, Thomas Carothers (2002),  hoặc phải đưa ra các khái niệm khá lạ như “dân chủ độc đoán,” các chế độ lai, chủ nghĩa độc đoán cạnh tranh, vân vân để mô tả tình hình sau 2006 nhất là sau các cuộc “cách mạng” màu, “cách mạng” hoa. Larry Diamond (2015) cho một tổng quan khá đầy đủ về những tranh cãi như vậy và có thể dẫn đến cách nhìn bi quan (Cao Huy Thuần 2015). Giả như nếu họ đã sử dụng khái niệm dân chủ rõ ràng hơn (nhất quán hơn, có cơ sở [khoa học] hơn), với các số đo dân chủ tương ứng, thí dụ G. L. Munck (2009, pp. 16-23, 55-60) thì những việc gây tranh cãi đáng tiếc như vậy đã không xảy ra. Và đúng như S. Levitsky và L. Way (2015) đã cho rằng suy thoái dân chủ chỉ là chuyện hoang đường.

Chúng ta theo các định nghĩa và khái niệm và số đo nhất quán hơn, G. L. Munck 2009, và không coi các nước bị “suy thoái dân chủ” đó là dân chủ trong xem xét dưới đây.

2. Những bài học quốc tế về Dân chủ hóa

Tuy dân chủ trực tiếp đã được thực hành ở một số thành bang cổ ở Hy Lạp, dân chủ bầu cử, dân chủ khai phóng là tương đối mới. Cho đến đầu thế kỷ thứ mười chín đã không có nền dân chủ nào, nói cách khác tất cả các nhà nước đã là phi dân chủ (quân chủ, độc tài, chuyên chế hay độc đoán). Như thế xuất phát điểm của dân chủ hóa là một hệ thống chính trị phi dân chủ (mà sau đây gọi chung là độc đoán).

Dân chủ hóa là quá trình biến một chế độ độc đoán (chuyên chế, độc tài) thành một chế độ dân chủ. Quá trình này, theo D. A. Rustow (1970) có thể chia làm ba pha: pha chuẩn bị, pha chuyển đổi (ông gọi là pha quyết định), và pha củng cố (ông gọi là pha tập làm quen).

Trong một xã hội theo bất cứ chế độ nào chúng ta có thể phân dân chúng thành những người nắm quyền và phần còn lại (nhân dân, người bị trị). Nhân dân không có khuyến khích nào đòi thay đổi nếu họ cảm thấy thỏa mãn các lợi ích chính của họ (về kinh tế, giáo dục, xã hội, môi trường,…), nhưng thường luôn có xung đột. Nếu xung đột tương đối nhỏ các bên có thể điều chỉnh và xung đột được giải quyết. Nếu xung đột quá mạnh có thể dẫn đến cách mạng xã hội lật đổ chế độ hiện hành (và rất có thể dẫn đến một chế độ tồi hơn) và cách giải quyết xung đột này là cách tồi tệ nhất. Vấn đề chính là cách thức giải quyết xung đột và điểm mạnh của các định chế dân chủ là chúng tạo ra các cơ chế để giải quyết xung đột một cách yên bình. Trong các chế độ độc đoán không có các cơ chế hữu hiệu để giải quyết xung đột một cách hòa bình và dân chủ hóa chính là quá trình đi tìm, xây dựng và củng cố các cơ chế như vậy.

2.1 Pha chuẩn bị

Như thế trong pha chuẩn bị, nhất thiết phải có xung đột ăn sâu giữa những người cầm quyền và nhân dân và xung đột không được giải quyết dẫn đến bế tắc. Theo Rustow, trong cuộc đấu tranh kéo dài không mang lại kết quả đó, “những người giữ vai trò chủ đạo phải đại diện cho các lực lượng được thiết lập tốt (điển hình là các giai cấp xã hội), và các vấn đề phải có ý nghĩa sâu sắc đối với họ. Một cuộc đấu tranh như vậy chắc bắt đầu như kết quả của sự nổi lên của một elite (giới ưu tú) mới mà đánh thức một nhóm xã hội bị thất vọng và trước không có người lãnh đạo vào hành động phối hợp.” [L. Anderson, tr.27]. Có thể gọi các elite này là elite đối lập để phân biệt với các elite đương quyền. Cuộc đấu tranh này giữa một bên là các elite đương quyền và bên kia là các elite đối lập, các diễn viên tập thể như các tổ chức xã hội dân sự, các nghiệp đoàn và các tổ chức quần chúng.

Theo Rustow, cuộc chiến đấu này “có thể tiếp tục và tiếp tục cho đến khi những người giữ vai trò chủ chốt mệt lử và các vấn đề biến đi mà không có sự nổi lên của giải pháp dân chủ nào dọc đường. Hoặc một nhóm rốt cuộc có thể tìm được cách đè bẹp các đối thủ. Trong những cách này và cách khác một sự tiến hóa rõ ràng đến dân chủ có thể bị trệch hướng, và không lúc nào dễ hơn trong thời gian pha chuẩn bị.” [L. Anderson, tr. 29] Nói cách khác pha chuẩn bị có thể kéo dài hàng thập kỷ này có thể chẳng dẫn đến đâu; trong trường hợp may mắn nó có thể dẫn đến pha chuyển đổi (quyết định).

2.2 Pha chuyển đổi

Pha chuyển đổi là giai đoạn quyết định chuyển đổi chế độ. Pha này tương đối ngắn so với pha chuẩn bị và pha củng cố, nó thường kéo dài từ một đến dăm ba năm (trường hợp hãn hữu có thể đến 10 năm như ở Hàn Quốc (xem Bảng 1). Trong pha chuyển đổi, các elite đương quyền và các elite đối lập giữ vai trò chính (dưới sức ép của các diễn viên tập thể khác). Các elite này tìm cách giải quyết xung đột bế tắc bằng việc thiết lập các định chế cơ bản của nền dân chủ. Chiến lược của elite đương quyền và các elite đối lập trong pha này thế nào, cuộc đấu tranh giữa chúng diễn tiến ra sao, tương quan lực lượng của hai bên thế nào (ai chủ động, dẫn dắt pha này) sẽ ảnh hưởng đến kết cục của chuyển đổi (và khả năng không dẫn đến chuyển đổi sang dân chủ vẫn có) và sự củng cố dân chủ sau này nếu sư chuyển đổi đã diễn ra. Nói cách khác phương thức chuyển đổi là quan trọng, như Gerardo L. Munck and Carol Skalnik Leff (1997) khẳng định: “chính quá trình chuyển đổi từ sự cai trị độc đoán, độc lập với các điều kiện gây ra nó, giúp xác định không chỉ các triển vọng của sự củng cố dân chủ mà trước hết cả sự thành công của chuyển đổi sang dân chủ”. [L. Anderson, tr. 194]

Munck và Leff “định nghĩa phương thức chuyển đổi dưới dạng nét nhận diện của các diễn viên những người dẫn dắt quá trình chuyển đổi và các chiến lược họ áp dụng,” và cho rằng “phương thức chuyển đổi tác động đến hình thức của chế độ và hoạt động chính trị sau chuyển đổi thông qua ảnh hưởng của nó lên hình mẫu cạnh tranh elite, lên các quy tắc thể chế được soạn trong thời gian chuyển đổi, và lên việc các diễn viên chủ chốt chấp nhận hay bác bỏ các quy tắc mới của trò chơi.” [L. Anderson, tr. 193, 195] Qua phân tích chuyển đổi ở 7 nước Mỹ Latin và Đông Âu (Argentina, Brazil, Chile, Bulgaria, Tiệp Khắc, Hungary, và Ba Lan) các tác giả này phân biệt 7 phương thức chuyển đổi khả dĩ với 5 phương thức đã thực sự xảy ra như được minh họa trong Hình 1. [L. Anderson tr. 196-209]

Các phương thức chuyển đổi sau được phân biệt:

Cách mạng từ trên xuống: dù 2 bên đều dùng chiến lược đối đầu nhưng áp lực của elite đối lập không mạnh và elite đương chức hoàn toàn chủ động thay đổi chế độ nhằm giữ tối đa quyền lực có thể giữ (Bulgaria). Chuyển đổi theo hình thức này thường diễn ra khá nhanh.
Cách mạng xã hội: hai bên đều dùng chiến lược đối đầu nhưng nếu elite đối lập đánh bại elite đương chức và tạo ra cách mạng xã hội thật sự (không có gì đảm bảo sẽ dẫn đến dân chủ) và trong 7 nước được khảo sát (Hình 1), cũng như trong 7 nước được đưa thêm (Bảng 1) không ở nước nào đã xảy ra cách mạng xã hội (Hình 2).

Cải cách qua đoạn tuyệt: tuy cả 2 bên đều theo chiến lược đối đầu, cả hai đều là các tác nhân thay đổi nhưng elite đương quyền không chịu nhượng bộ cho đến khi đành phải khuất phục vì hoàn cảnh nào đó (tại Argentina, sự chuyển đổi đã không bắt đầu cho đến khi các lãnh đạo quân sự phải chấp nhận các đòi hỏi thay đổi chế độ tiếp sau sự bại trận của họ trong chiến tranh Falklands/Malvinas với Anh tháng Sáu 1982; tại Czehslovakia theo sau những diễn biến ở Ba Lan (tháng 4 và đặc biệt là bầu cử tháng 6-1989) và ở Hungary (tháng 6-1989) nhất là sau khi bức tường Berlin bắt đầu đổ 9-11-1989 các cuộc biểu tình lớn đã xảy ra đòi thay đổi chế độ từ 16/17-11-1989 đến 29-11-1989 và các elite đương quyền đã đầu hàng.)

Cải cách qua giải thoát: Cả 2 bên đều cùng theo chiến lược kết hợp đối đầu và điều chỉnh, elite đương quyền và elite đối lập thương lượng sự chuyển đổi và cả hai bên đều có lợi ích trong sự mở cửa cải cách (tuy nhiên khi thương lượng vẫn có thể dùng các biện pháp đối đầu để đạt được thế mặc cả tốt hơn). Hungary là điển hình cho phương thức này.

Cải cách bảo thủ: Elite đương quyền chủ động điều chỉnh dưới áp lực của elite đối lập và công chúng. Không có nước nào trong 7 nước được Munck và Leff xem xét đã sử dụng phương thức này.

Cải cách qua giao dịch: Động lực thay đổi đến từ xã hội, tuy nhiên chuyển đổi không xảy ra cho đến khi elite đương quyền nới lỏng đàn áp và khởi động các cuộc thương lượng với elite đối lập. Ba Lan, Brazil, Nam Phi, Tây Ban Nha là những thí dụ điển hình cho phương thức chuyển đổi này. Nếu so sánh các phương thức chuyển đổi mà Shin sử dụng (xem Bảng 1 dưới đây) và các phương thức chuyển đổi do Munck và Leff dùng ở đây, có thể cho rằng Mông Cổ, Đài Loan, Hàn Quốc và Indonesia cũng theo phương thức này.

Cải cách từ dưới: Động lực của sự thay đổi đến từ xã hội, nhưng elite đương chức sẵn sàng điều chỉnh vẫn còn đủ mạnh để buộc các elite đối lập phải điều chỉnh trong khuôn khổ của pháp luật hiện hành, (và dẫu cái tên “cải cách từ dưới” có ám chỉ điều gì đó khác nhưng) sự kiểm soát quá trình chuyển đổi của elite đương chức là lớn nhất trong phương thức này. Chile là thí dụ điển hình cho phương thức này.

Có những cách phân loại phương thức chuyển đổi khác (xem ghi chú ở Bảng dưới), nhưng chúng tôi nghĩ các phân loại của Munck và Leff hay hơn vì nó chi tiết hơn nhưng không quá phức tạp và cách phân loại này có sức mạnh giải thích lớn hơn về bản thân sự chuyển đổi và giai đoạn củng cố.

Bảng sau đây liệt kê một vài đặc trưng của 14 nền dân chủ đã được chuyển đổi trong làn sóng dân chủ hóa thứ ba. Bạn đọc có thể tìm hiểu kỹ hơn về mỗi trường hợp trong tài liệu tham khảo tương ứng phần lớn có thể thấy trong 9 cuốn sách đã được dịch ra tiếng Việt.

Bảng 1 – Phương thức chuyển đổi của 14 nền dân chủ đã được củng cố

Ghi chú cho Bảng 1:

1  Colomer

2  Munck và Leff. Giải thích thêm về Bulgary, sau diễn biến ở Ba Lan, Hungary, nhất là sau bức tường Berlin đổ và sự đầu hàng của cộng sản Tiệp Khắc, để tránh bị sụp đổ ĐCS Bulgaria đã tuyên bố từ bỏ quyền lực ngày 11-12-1989 (đã đổi tên thành Đảng Xã hội Bulgaria), Quốc hội bỏ vai trò lãnh đạo của ĐCS khỏi Hiến pháp 15-1-1990, và các cuộc bầu cử tự do đầu tiên được tổ chức tháng 6-1990 với Đáng Xã Hội chiếm ưu thế; ngày 15-11-1990 Quốc hội khóa 7 đã đổi tên nước, sửa quốc huy, quốc kỳ; chủ động đổi tên; Quốc hội đã soạn hiến pháp mới và cuộc bầu cử cạnh tranh được tổ chức tháng 10-1991 chấm dứt pha chuyển đổi và Bulgari bước vào pha củng cố.

3  Alessandro Franquelli (2013). Mông Cổ là trường hợp ĐCS chủ động chuyển đổi. Đảng Nhân dân Cách mạng (ĐCS) Mông Cổ đã nắm quyền từ 1921. Phong trào biểu tình đòi dân chủ bắt đầu từ tháng 12-1989 đến tháng 3-1990 và ĐCS đáp ứng (dẫu đã có những kế hoạch đàn áp nhưng đã bị lãnh đạo cộng sản khi đó từ chối) và tổ chức bầu cử đa đảng trong đó ĐCS vẫn chiếm đa số nhưng chia sẻ quyền lực với các nhà dân chủ; hiến pháp mới được thông qua 1992; trong bầu cử tổng thống 1993 ứng viên do các đảng dân chủ ủng hộ đã thắng; trong cuộc bầu cử quốc hội 1996 Liên minh Dân chủ đã chiếm đa số lần đầu tiên; từ 2003 ĐNDCM đã tham gia Quốc tế xã hội (Socialist International) và đã thắng các cuộc bầu cử lập pháp 2000, 2004, 2008 nhưng từ 2004 đến 2012 đã lập hai chính phủ liên minh với Đảng dân chủ; đảng đã lấy lại tên ban đầu là Đảng Nhân Dân Mông cổ năm 2010.

4  Xem Heinz Klug (2000)

5  Shin (2008). D. C. Shin sử dụng cách phân loại phương thức chuyển đổi của Huntington dựa theo ai giữ vai trò trong chuyển đổi: nếu các nhóm đối lập có vai trò chính ông coi phương thức chuyển đổi là replacement (thay thế), nếu các elite cầm quyền đóng vai trò như vậy thì là transformation (biến đổi) và nếu cả các elite đương quyền và các nhóm đối lập đều có vai trò thì phương thức chuyển đổi là transplacement. Nếu dùng cách phân loại của Munck và Leff thì transplacement tương đương với cải cách (qua đoạn tuyệt, giải thoát hay giao dịch), Shin cho rằng Indonesia, Hàn Quốc thuộc loại này còn Philippines thuộc loại replacement. Shin cho rằng Đài Loan thuộc loại transformation, nhưng xem xét kỹ vẫn có thể xếp Đài Loan vào loại cải cách qua giao dịch nhưng ở phía gần hơn với cải cách bảo thủ. Có thể tranh cãi liệu sự chuyển đổi khá dữ dội (Sức mạnh Nhân dân I) của Philippines có thực sự là các nhóm đối lập thay thế chế độ cũ hay không (vì vai trò của các elite cũ vẫn còn khá mạnh dù Tổng thống Marcos tháo chạy, nhất là vai trò khá mập mờ của quân đội) thực sự cũng là một sự giao dịch giữa elite cũ với các nhóm đối lập cho nên trên thực tế có thể coi phương thức chuyển đổi Philippines là cải cách qua giao dịch (ở phía gần hơn với cải cách từ dưới).

6  Cột cuối giống hàng 6 (Force Driving the Transition) trong Bảng 2 của Shin (cho Indonesia, Mông Cổ, Philippines, Hàn Quốc và Đài Loan). Trong Bảng 2 của Shin bên cạnh các nước Á châu được nêu trong Bảng của chúng ta Shin còn nhắc tới Thái Lan và Campuchia (nơi lực phát động chuyển đổi ở Campuchia là sự can thiệp bên ngoài), tại Philippines là xã hội dân sự, còn ở các nền dân chủ Á châu khác là xã hội dân sự và elite chính trị. Cho 9 trường hợp còn lại người viết bài này điền vào theo nhận định của mình dựa trên các tài liệu tham khảo phân tích từng trường hợp tương ứng.

Sau khi dịch các phương thức chuyển đổi của Huntington sang các phương thức chuyển đổi của Munck và Leff (dựa trên những phân tích tình hình chuyển đổi của mỗi nước trong các tài liệu tham khảo), chúng ta có thể đặt 14 nước này vào sơ đồ của Munck và Leff về phương thức chuyển đổi như hình dưới đây (lưu ý vị trí tương đối của các nước trong một phổ liên tục về chiến lược (từ đối đầu đến điều chỉnh theo chiều trên xuống) và phổ liên tục về tác nhân thay đổi (từ elite đương quyền đến elite đối lập theo chiều trái qua phải):

Phương thức chuyển đổi không những giúp chúng ta hiểu kỹ hơn về bản thân các sự chuyển đổi mà cũng giúp hiểu sự củng cố dân chủ tốt hơn. Trong pha chuyển đổi các bên phải có một sự chấp thuận có ý thức các quy tắc dân chủ để tạo ra các định chế dân chủ cơ bản. Pha chuyển đổi kết thúc với cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên (đôi khi với sự chuyển giao quyền lực cho elite cầm quyền mới) và dân chủ hóa bước sang giai đoạn củng cố.

2.3  Pha củng cố

Trong pha củng cố tất cả các chính trị gia và các cử tri phải tập làm quen với các quy tắc dân chủ mới và hoàn thiện các định chế dân chủ. Khi đã có các quy tắc dân chủ cơ bản và dẫu người ta không thích nhưng buộc phải theo và rồi dần dần sẽ thành thói quen. Cơ chế tập làm quen bắt buộc này được Rustow nhắc đến đầu tiên chứ không phải sự tự nguyện tuân thủ theo sự hiểu biết. Như thế cần có một nhà nước đủ mạnh để cưỡng chế sự tuân thủ các quy tắc mới. Hai điểm mà Rustow nhấn mạnh là: 1) dân chủ là một quá trình cạnh tranh vì chức vụ và nó tạo thuận lợi cho những người có thể duy lý hóa cam kết của họ với dân chủ, và lợi thế còn lớn hơn cho những người chân thành tin vào nó, quá trình này tạo ra một vòng phản hồi dương khuyến khích phần lớn các chính trị gia càng gắn bó với dân chủ; và 2) dân chủ trước hết là quá trình cho sự giải quyết xung đột thông qua tranh luận đa biên, sự thử và sai, sự thỏa hiệp, sự hòa giải và sự thành công giải quyết các xung đột cũng tạo ra một vòng phản hồi dương tự tăng cường khiến các chính trị gia và người dân càng gắn bó với dân chủ hơn. Qua việc buộc phải làm quen và hai vòng phản hồi dương kể trên nền dân chủ từ từ gạt số người chống dân chủ sang bên lề và nền dân chủ được củng cố.

Những vấn đề quan trọng trong củng cố dân chủ còn gồm xây dựng bộ máy nhà nước hiệu quả, việc xây dựng hệ thống đảng lành mạnh, tăng cường xã hội dân sự, phi chính trị hóa các lực lượng vũ trang hay đặt các lực lượng vũ trang dưới sự kiểm soát dân sự (nhất là ở các nước các lực lượng vũ trang đã can thiệp mạnh vào đời sống chính trị), phát triển kinh tế và đảm bảo cho cuộc sống của dân chúng được cải thiện về mặt kinh tế, xã hội, thúc đẩy sự tham gia của người dân vào mọi hoạt động chung và phát triển xã hội dân sự.

Bộ máy nhà nước (bộ máy quan liêu) có vai trò quan trọng trong củng cố dân chủ. Tất cả các nước sau chuyển đổi đều phải sử dụng bộ máy nhà nước cũ (đấy là điều bắt buộc vì không có cách nào khác, trừ trường hợp Tây Đức sáp nhập Đông Đức và đã có sẵn các quan chức để điều sang phía đông) và việc làm cho bộ máy nhà nước hoạt động hữu hiệu hơn và trở nên ngày càng chuyên nghiệp có ảnh hưởng lớn đến sự củng cố dân chủ. Rốt cuộc chính bộ máy quan liêu mới là bộ máy thực hiện các quyết định của các elite chính trị mới và việc thiếu bộ máy công chức chuyên nghiệp tạo ra những thách thức đáng kể cho sự củng cố dân chủ. Ezra Suleiman (1997) có những phân tích sâu sắc về các vấn đề này.

Các đảng chính trị đóng vai trò then chốt trong các nền dân chủ, và vì thế việc xây dựng một hệ thống đảng lành mạnh (cải cách hay tạo ra luật về các đảng chính trị, xây dựng khung khổ pháp lý cho chúng thực sự mang tính đại diện, hoạt động một cách minh bạch, có trách nhiệm giải trình và hiệu quả) là công việc không thể không để ý đến. Thiếu một hệ thống đảng lành mạnh (S. Haggard, R. R. Kaufman) hay một hệ thống đảng quá bị phân mảnh, phân cực (Bautista: Hsihao tr. 98, 105) có thể làm cho nền dân chủ hoạt động kém hiệu quả và ảnh hưởng lớn đến sự củng cố dân chủ. Các tiểu luận của Park (Park: Hsiao, tr. 127-153) và Chia-Lung Lin và I-Chung Lai (Lin-Lai: Hsiao) cho những phân tích sâu về các hệ thống đảng của Hàn Quốc và Đài Loan trong giai đoạn củng cố dân chủ.

Việc đặt các lực lượng vũ trang dưới sự kiểm soát dân sự là vấn đề quan trọng, nhất là ở các nước mà các lực lượng vũ trang đã bị chính trị hóa như Đài Loan (Rigger: Hsiao tr. 314), hay Philippines (T. C. Rivera: Hsiao, tr. 17). Tiểu luận của C. G. Hernandez (Hernandez: Hsiao, tr. 39-55) bàn sâu về việc xây dựng lại mối quan hệ dân sự-quân sự ở Philippines.

Rốt cuộc mọi chế độ chỉ có thể tồn tại khi nó cải thiện đời sống của dân chúng (chí ít trong dài hạn) và ở đây các nhân tố cấu trúc xã hội lại đóng vai trò quan trọng như trong pha chuẩn bị (vì chúng là những nhân tố gây ra xung đột). Bảo đảm các quyền con người (Cho: Hsiao, tr. 179-202), sự cải thiện về thu nhập, giáo dục, sức khỏe, môi sinh, phát huy sự đa dạng văn hóa, sắc tộc và đảm bảo an sinh xã hội, sự công bằng là những vấn đề ít được đề cập đến trong văn liệu về dân chủ hóa, nhưng không thể lơ là những vấn đề nền tảng này trong giai đoạn củng cố dân chủ.

Xã hội dân sự đã có vai trò lớn trong pha chuẩn bị, nhưng thường xẹp đi (chủ yếu là các tổ chức xã hội dân sự vận động, còn các tổ chức xã hội dân sự cung ứng dịch vụ ít biến động hơn) sau sự chuyển đổi dân chủ (có lẽ do phần lớn các nhà lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự vận động đã chuyển sang lĩnh vực chính trị, cũng do các tổ chức xã hội dân sự chưa thích ứng với môi trường mới). Theo Hsiao (tr. 12), “đúng như, trong quá khứ, các lực lượng từ dưới lên đã là động lực hàng đầu của nền dân chủ, cho nên bây giờ chúng ta cần đưa xã hội dân sự trở lại để củng cố nền dân chủ. Bất chấp liệu đảng ‘mèo’ hay đảng ‘chó’ trở thành đảng cầm quyền của chúng ta, chúng ta vẫn muốn chúng là dân chủ: chúng ta muốn ‘mèo dân chủ’ hay ‘chó dân chủ’.” Xã hội dân sự có vai trò đáng kể trong giám sát (chính quyền, giới kinh doanh và cả bản thân các tổ chức xã hội dân sự), huy động sự tham gia của nhân dân (Rivera: Hsiao tr. 30-31; C. Bautista: Hsiao tr. 91-112 ), thậm chí thay thế vai trò của các đảng chính trị trong thúc đẩy cải cách (Park: Hsiao, tr. 143, 148) khi hệ thống đảng yếu. Tiểu luận của Hsiao (tr. 207-227) bàn sâu về xã hội dân sự (mà thực sự chỉ phát triển từ các năm 1980 ở Đài Loan) và và vai trò to lớn của nó trong dân chủ hóa ở Đài Loan.

Quá trình củng cố dân chủ là quá trình dài. Nguy cơ dân chủ bị thụt lùi trong giai đoạn đầu là khả năng hiện hữu và phải luôn để ý tới. Nhiều học giả đặt vấn đề khi nào giai đoạn này kết thúc, trong khi nhiều học giả lại cho rằng đặt vấn đề giai đoạn củng cố và độ dài của nó là sai vì nó hàm ý một sự kết thúc, hoàn tất mà trong thực tế nền dân chủ phải luôn luôn được bảo vệ, nuôi dưỡng và cải cách (P. J. Carnegie (2010), tr. 30-32). Với những do dự như vậy, tuy nhiên, nhiều người vẫn tin rằng là hữu ích để có thể bằng cách nào đó lượng hóa được độ dài (chí ít đoạn đầu) của giai đoạn này và cho rằng độ dài đó ít nhất phải đủ cho hai cuộc bầu cử thành công và một sự chuyển giao cai quản từ đương chức sang cho đối lập, tức là không thể dưới 10 năm. Sự thụt lùi của nền dân chủ ở Hungary từ 2010, tức là sau 6 lần bầu cử thành công (lần đầu tiên trong năm 1990) và 5 lần chuyển giao quyền lực từ đương chức sang cho đối lập, tức là sau chuyển đổi 20 năm, cho chúng ta thấy sự củng cố dân chủ là quá trình dài và việc đấu tranh cho nó không thể lơi lả ngay cả ở các nền dân chủ lâu đời nhất (Kornai 2015). Nói chi đến các nước như Thái Lan, mà nền dân chủ non nớt lại bị tập đoàn quân sự bóp chết từ tháng Năm năm 2014 (sau cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên 1988 cứ tưởng chuyển đổi dân chủ đã diễn ra với chính phủ do tướng Chatichai Choonhaven, nhưng rồi cuộc đảo chính 1991 cho thấy chuyển đổi chưa diễn ra; rồi đến chiến thắng của Thaksin Shinawatra trong cuộc bầu cử quốc hội 2001, nhưng lại xuất hiện một cuộc đảo chính trong 2006 lật đổ chính phủ và buộc ông phải đi lưu vong; tiếp đến đảng của em gái ông, của bà Yingluck Shinawatra thắng trong cuộc bầu cử 2011 nhưng chính phủ của bà lại bị đảo chính lật đổ năm 2014. Có thể nói chuyển đổi dân chủ ở Thái Lan chưa diễn ra hay sự củng cố dân chủ đã thất bại và Thái Lan chưa phải là một nền dân chủ, cho nên cũng không được bàn đến trong bài báo này (như các nước khác trong Asean trừ Indonesia và Phippilipines).

Có thể thấy dân chủ hóa có quá nhiều việc để làm, nhưng đã không có và sẽ không bao giờ có một “kế hoạch tổng thể” toàn diện cho dân chủ hóa nào cả ở bất cứ đâu, thậm chí cho từng giai đoạn của nó cũng không! Bởi vì, lại xin trích Rustow, “…các thành phần này phải được tập hợp từng thứ một kế tiếp nhau. Mỗi công việc có logic riêng của nó và mỗi việc có những người giữ vai trò chủ đạo tự nhiên của nó – một mạng các nhà quản lý hay một nhóm các nhà trí thức dân tộc chủ nghĩa cho nhiệm vụ thống nhất [quốc gia], một phong trào quần chúng giai cấp dưới, có lẽ được lãnh đạo bởi các nhà bất đồng chính kiến tầng lớp trên, cho nhiệm vụ của cuộc đấu tranh chuẩn bị, một giới nhỏ của các nhà lãnh đạo chính trị có kỹ năng thương lượng và thỏa hiệp cho việc trình bày có hệ thống các quy tắc dân chủ, và đủ loại nhà tổ chức và các tổ chức của họ cho nhiệm vụ tập làm quen.

Lý lẽ ở đây là tương tự như lý lẽ được đưa ra bởi Hirschman và những người khác chống lại lý thuyết tăng trưởng kinh tế cân đối. Các nhà kinh tế học này không phủ nhận rằng sự chuyển đổi từ một nền kinh tế sinh kế thô sơ sang một xã hội công nghiệp chín muồi dính đến những thay đổi trên mọi mặt trận – trong các kỹ năng làm việc, trong hình thành tư bản, trong hệ thống phân phối, trong các thói quen tiêu dùng, trong hệ thống tiền tệ, và vân vân. Nhưng họ khăng khăng rằng bất cứ nước nào mà thử làm tất cả các nhiệm vụ này cùng một lúc trong thực tế sẽ thấy mình hoàn toàn bị tê liệt – rằng sự cân bằng ổn định nhất là sự cân bằng của sự đình trệ. Vì thế, vấn đề của nhà phát triển kinh tế, theo ý kiến họ, trở thành vấn đề về tìm ‘các liên kết’ ngược và xuôi, tức là, về nghĩ ra một chuỗi có thể quản lý được của các nhiệm vụ.” [L. Anderson, tr. 35]

Còn một nhân tố nữa chúng ta không đề cập đến trong bài này, đó là sự tình cờ, ngẫu nhiên, sự tùy thuộc (contingency) đóng một vai trò rất quan trọng trong chuyển đổi dân chủ nói riêng và diễn tiến xã hội nói chung. Chỉ riêng nhân tố này cũng làm cho mọi cố gắng “kế hoạch hóa” hay làm “chiến lược tổng thể” về dân chủ hóa chắc chắn thất bại. Tuy vậy, việc rút ra các bài học để học hay để tránh và phác họa ra những kịch bản khác nhau để thảo luận và định hướng là bổ ích.

3. Vài kịch bản dân chủ hóa cho Việt Nam

Một cảnh cáo đáng giá cũng từ Rustow, “Không hai nền dân chủ hiện tồn nào đã trải qua một cuộc đấu tranh giữa cùng các lực lượng về cùng các vấn đề và với cùng các kết cục định chế. Vì thế, có vẻ không chắc rằng bất kể nền dân chủ tương lai nào sẽ đi theo các bước chân chính xác của bất kể nền dân chủ nào trước.” Rồi ông khuyên, “Tích cực hơn, Hirschman và các nhà kinh tế học khác đã cho rằng một nước có thể lao tốt nhất vào một pha tăng trưởng không phải bằng bắt chước mù quáng tấm gương của các quốc gia đã công nghiệp hóa rồi, mà đúng hơn bằng việc đạt được nhiều nhất từ các nguồn lực tự nhiên và con người cá biệt của nó và bằng việc làm cho các nguồn lực này ăn khớp chính xác với sự phân công lao động quốc tế. Tương tự, một nước chắc đạt được dân chủ không phải bằng sao chép các luật hiến pháp hay các tập quán nghị viện của nền dân chủ trước nào đó, mà đúng hơn bằng sự đối mặt thành thật với các xung đột riêng của nó và bằng nghĩ ra hay thích nghi các thủ tục hữu hiệu cho việc dàn xếp chúng.” [L. Anderson, tr. 28]

Như thế đầu tiên phải “đối mặt thành thật với các xung đột riêng của” Việt Nam và “nghĩ ra hay thích nghi các thủ tục hữu hiệu cho việc dàn xếp chúng.”

3.1 Những xung đột ăn sâu trong xã hội Việt Nam hiện nay là gì?

Có thể thấy mấy xung đột kéo dài và nổi bật ở Việt Nam trong mấy chục năm qua. Trước hết là xung đột giữa những người lao động và những người sử dụng lao động như có thể được minh họa bằng số cuộc đình công tăng nhanh trong 20 năm qua.

(Ghi chú) – nguồn: Yeoung Yoo Kyung (1995-2010), Tạp chí Lao động & Xã hội, (2011-14) tác giả tổng hợp từ các nguồn khác nhau.

Với sự tiến triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa số cuộc đình công tăng nhanh, nhất là từ 2004 (với 125 cuộc), nhảy lên 720 cuộc trong năm 2008 (rồi sau đó với sự siết chặt của nhà nước số vụ đình công giảm xuống 422 cuộc trong 2010 nhưng lại vọt lên 978 cuộc trong 2011 (lại do nhà nước tăng cường các biện pháp chống đình công nên) số các cuộc lại giảm xuống 539, 351 và 286 trong các năm 2012, 2013 và 2014. Những cuộc bạo loạn xảy ra giữa 2014 ở nhiều nơi từ Bình Dương, Đồng Nai, Hồ Chí Minh và Hà Tĩnh có nguyên nhân khác. Năm 2015 cuộc đình công biến thành biểu tình của khoảng 90 ngàn công nhân chống lại chính sách bảo hiểm xã hội của nhà nước là một mốc hết sức đáng chú ý buộc Quốc hội phải điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội trước khi nó có hiệu lực hơn 5 tháng. B. J. T. Kerkvliet (2010) cho những phân tích sâu về các cuộc phản kháng của công nhân cho đến 2008.

Xung đột giữa nông dân và chính quyền (và/hoặc doanh nghiệp) cũng là một xung đột dai dẳng. Cuộc nổi dậy của nông dân Thái Bình cuối tháng Sáu 1997 (Tương Lai, 1997) là hết sức đáng chú ý. Từ đó những vụ khiếu kiện của nông dân với quy mô khác nhau liên tục xảy ra. Nổi bật là các vụ Đoàn Văn Vươn ngày 5-1-2012 ở Tiên Lãng Hải Phòng, vụ Đặng Ngọc Viết nổ súng chiều ngày 11-9-2013 làm 3 cán bộ bị thương và 1 người chết rồi sau đó ông Viết nổ súng tự sát tối hôm đó. Những vụ làm dư luận nhức nhối khác là vụ chính quyền điều hàng ngàn cảnh sát đủ loại cưỡng chế thu hồi đất hết sức tàn bạo ở Văn Giang Hưng Yên cho công ty tư nhân xây dựng khu đô thị Ecopark ngày 24-4-2012; việc khiếu nại đã từ lâu và sau vụ cưỡng chế 24-4-2012 tình hình nông dân ở mấy xã của huyện Văn Giang với chính quyền và nhà đầu tư hết sức căng thẳng. Vụ cưỡng chế đất ở Dương Nội, Hà Đông cho công ty tư nhân Nam Cường phát triển khu đô thị có khiếu nại từ 2008, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và đã có kết luận thanh tra dài hơn 100 trang thừa nhận chính quyền địa phương có sai (và nói dân cũng có cái sai), rồi từ ngày 22 đến 25 tháng 4-2014 chính quyền đã huy động lực lượng lớn cưỡng chế, đánh đập người dân để thu hồi đất và việc bà con dân oan Dương Nội kéo nhau đi biểu tình thường xuyên ở Hà Nội chống lại việc thu hồi đất đã diễn ra trong thời gian dài. Tương tự còn rất nhiều vụ cưỡng chế thu hồi đất bằng bạo lực đã diễn ra ở Kim Sơn, Quảng Ninh, Từ Sơn Bắc Ninh, đến Nghệ An, Cồn Dầu Đà Nẵng, Long An, đến Cà Mau. Không ở nơi nào không có xung đột của nông dân và dân cư nói chung với chính quyền hay doanh nghiệp liên quan đến đất đai.

Xung đột của dân cư với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường cũng hết sức nhức nhối. Năm 2008 vụ Vedan gây ô nhiễm “giết” sông Thị Vải đã gây ồn ào dư luận, nhưng người dân không phản ứng mấy và chỉ đến khi các luật sư khuyên đòi bồi thường thì một số dân mới tham gia. Nhưng đến 2013 dân cư Thanh Hóa đã ứng xử khác trong vụ nhân dân ba xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm (huyện Cẩm Thủy) và Yên Lâm (Yên Định), Thanh Hóa phản đối công ty Nicotex Thành Thái chôn thuốc trừ sâu cuối tháng 3-2013 và cho đến nay vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Nổi bật nhất là vụ nhân dân Bình Thuận chặn Quốc lộ 1 từ ngày 14 đến 15-4-2015 gây ùn tắc giao thông suốt 10 km đường để phản đối nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 của EVN phun bụi gây ô nhiễm là thí dụ rất nổi bật.

Xung đột tôn giáo cũng là xung đột kéo dài chủ yếu giữa chính quyền và các giáo phái tôn giáo xung quanh vấn đề tài sản (chủ yếu là đất đai mà điển hình là khu đất 42 Nhà Chung gần nhà thờ lớn Hà Nội cuối 2007, tại giáo xứ Thái Hà, Hà Nội 2008 và rất nhiều giáo phận khác), xung quanh vấn đề hành đạo mà điển hình là vụ tu viện Bát Nhã, Bảo Lộc Lâm Đồng 2008 và vô số các vụ khác của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành và các giáo phái khác khắp từ Nam chí Bắc.

Xung đột giữa các sắc tộc ở Việt Nam không nghiêm trọng tuy nhiên xung đột giữa các sắc tộc với chính quyền do việc di cư của người Kinh lên vùng cao và sự phát triển kinh tế ở các vùng nơi các sắc tộc thiểu số vốn chiếm đa số, nhất là ở Tây Nguyên, đã và vẫn sẽ gây ra những xung đột hết sức gay gắt phải chú ý tới.

Chúng ta không bàn tới xung đột của các phong trào dân tộc chủ nghĩa với các thế lực ngoại bang mà đã ảnh hưởng rất lớn đến diễn tiến chính trị ở Việt Nam suốt hơn một thế kỷ qua (mà bây giờ có lẽ vẫn chưa kết thúc).

Trên đây là một số xung đột dễ nhận diện, dù chính quyền luôn tìm cách lảng tránh hay nói giảm bớt về những xung đột này. Tuy nhiên, một xung đột bao trùm, ăn sâu mà nhiều xung đột trên chỉ là những biểu hiện ở những mặt khác nhau của xung đột chính này: xung đột giữa nhân dân Việt Nam và giai cấp cầm quyền mới (Milovan Djilas 1957). Hãy để lịch sử phán xét về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1930 đến 1975. Nhưng có thể khẳng định từ 1975 đến nay (và từ 1954 ở miền Bắc) ở Việt Nam đã hình thành giai cấp thống trị mới theo đúng nghĩa của Djilas.

3.2 Vài cách tiếp cận đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam

Bài này không có tham vọng phân tích cuộc đấu tranh gay go, gian khổ và kéo dài cho dân chủ ở Việt Nam (kể cả cuộc đấu tranh trong nội bộ giới cầm quyền), thay vào đó chúng tôi tóm tắt vài nhận xét của Gs. Benedict J. Tria Kerkvliet (2015a) trong nhiều bài viết của ông nhất là tiểu luận sắp được công bố, “Regime Critics: Democratization Advocates in Vietnam, 1990s-2014.” [Phần chính vừa được công bố tại Critical Asian Studies, 2015, Vol. 47, No. 3, pp. 359-387].

Theo khung khổ của Rustow, Việt Nam chưa có chuyển đổi dân chủ và vẫn đang ở trong pha chuẩn bị. B. J. T. Kerkvliet đã phân biệt bốn cách tiếp cận đến dân chủ hóa ở Việt Nam trong pha này dựa trên những thông tin công khai sẵn có về những phát ngôn và hành động của những người phê phán chế độ. Tuy vậy, do muốn khái quát hóa một chút chúng tôi đưa vào đoạn lạc đề sau đây trước khi quay lại tình hình Việt Nam.

Dựa vào ý tưởng của Kerkvliet, chúng ta có thể coi bốn cách tiếp cận này như cách đấu tranh của xã hội đối với chế độ (độc đoán hay toàn trị) và xem xét chúng theo vài khía cạnh khác nhau:

Xem xét những cách tiếp cận theo thời gian (về tính khả thi [khả năng có thể thực hiện] của chúng trong các pha khác nhau của dân chủ hóa; về tác động của chúng đối với các nhà đương quyền, hay chế độ);
Tác động của những cách tiếp cận này với phương thức chuyển đổi dân chủ;
Tác động của những cách tiếp cận này với các triển vọng củng cố dân chủ, vân vân.
Hy vọng trong xem xét như vậy có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các khái niệm cũng như hiểu kỹ hơn về các quá trình liên quan.

Chúng ta sẽ dựa vào Benedict J. Tria Kerkvliet để mở rộng phạm vi của bốn cách tiếp cận này:

(ĐL – Đương chức Lãnh đạo – incumbents-led): là cách tiếp cận dựa trên ý tưởng rằng quá trình dân chủ hóa do những người đương quyền (những người cộng sản, các nhà chuyên quyền độc đoán đang cai trị) dẫn dắt; các nhà đương chức có nguồn lực và phương tiện để làm việc này và đó là cách ít tốn kém nhất. Cũng có thể gọi cách tiếp cận này là từ trên xuống (top-down) hay “tự diễn biến”.

(ĐĐ – Đối Đầu – Confrontal): Cách tiếp cận đối đầu tập trung vào việc xây dựng các tổ chức để huy động sức mạnh nhân dân nhằm đối đầu với và tháo dỡ (giải thể, phá hủy) chế độ, nhanh chóng thiết lập hệ thống dân chủ đa đảng; những vấn đề của tương lai như thiết lập hệ thống dân chủ ra sao, củng cố nó thể nào ít được quan tâm.

(TD – Tham Dự – Engagement): Tham dự với chính quyền ở mọi mức (ứng cử vào lập pháp địa phương, trung ương và tham dự vào các hoạt động nhà nước khác) và khi sự phát triển của đất nước gia tăng sẽ dẫn đến dân chủ hóa; nhưng tránh (nói công khai đến việc thành lập các tổ chức) khi giao thiệp với các quan chức;

(XhDs– Xã hội dân sự – Civil Society): Cách tiếp cận dựa trên việc mở rộng và tăng cường các tổ chức xã hội dân sự, mở rộng không gian của xã hội dân sự (trong mọi lĩnh vực của cuộc sống kể cả nhân quyền, tôn giáo và dân chủ), cổ vũ người dân thực thi quyền của mình (trực tiếp hay qua các tổ chức xã hội dân sự) trong việc tham dự với (và gây sức ép lên) chính quyền ở mọi mức. Cách tiếp cận này thoạt nhìn có vẻ như từ dưới lên (bottom-up) nhưng không phải vậy, nó cũng cổ vũ cả sự cải biến (tự diễn biến) của những người đương chức.

Lưu ý rằng ranh giới của bốn cách tiếp cận này không rõ ràng và có sự chồng lấn (thậm chí đáng kể như TD và XhDs) và sự phân biệt ở đây chỉ là tương đối và có thể được coi như những công cụ để phục vụ cho việc xem xét thế giới thực phức tạp hơn nhiều. Cũng lưu ý rằng đây là những cách tiếp cận trong cuộc đấu tranh ở pha chuẩn bị và không lẫn lộn với các phương thức chuyển đổi đã được thảo luận ở trên. Chúng ta cũng không xem xét cách tiếp cận đối đầu bạo lực nhằm lật đổ chế độ (theo kinh nghiệm ở tất cả các nước đã dân chủ hóa thành công trong làn sóng thứ ba và cả làn sóng thứ hai [sau Chiến tranh Thế giới II] thì tất cả các nước theo cách tiếp cận đối đầu bạo lực, hay cách mạng, đã đều thất bại, không xây dựng được nền dân chủ mà chỉ thay chế độ độc tài này bằng chế độ độc tài khác mà thôi).

Điểm lưu ý cuối cùng, đối với một cá nhân đấu tranh cho dân chủ việc họ thay đổi cách đấu tranh theo thời gian là rất có thể (nói cách khác như một đấu thủ thay đổi chiến lược trong một trò chơi lặp lại). Thí dụ, việc một số người cụ thể có thể chủ trương tham dự (TD), nhưng do không có kết quả có thể chuyển sang phương thức đối đầu (ĐĐ) hay (XhDs) là chuyện thường gặp, cũng tương tự như những người từ bỏ bạo động để theo phương thức bất bạo động.

Với những hạn chế và do dự như vậy chúng ta sẽ xem xét bốn cách tiếp cận trên theo thời gian (khả năng thực hiện chúng cũng như tác động của chúng lên chế độ trong từng pha), xem xét mối quan hệ của chúng với các phương thức chuyển đổi dân chủ và tác động có thể của chúng lên sự củng cố dân chủ khi sự chuyển đổi đã diễn ra.

3.2.1 Bốn cách tiếp cận trong các giai đoạn khác nhau

Khung khổ thời gian được định một cách tương đối bởi các pha khác nhau của quá trình dân chủ hóa: pha chuẩn bị, pha chuyển đổi, và pha củng cố dân chủ (Rustow, Anderson) và có thể tóm tắt như sau:

Về phía những người chủ trương các cách tiếp cận này thì a) những người hô hào elite cai trị khởi xướng và dẫn dắt quá trình dân chủ hóa (ĐL) có thể làm việc này trong cả các pha chuẩn bị, chuyển đổi, và củng cố dân chủ (những người đương quyền có thể là rất khác nhau); b) cách tiếp cận đối đầu (theo định nghĩa) chỉ có thể tiến hành trong pha chuẩn bị chứ không thể trong pha củng cố (vì lúc đó đối đầu với chế độ dân chủ từ phía những người đấu tranh cho dân chủ là phi lý), nó thể có ý nghĩa lúc đầu nhưng trong pha chuyển đổi cũng thế; c) trong chế độ chuyên quyền không có khả năng tham dự cho người dân, nhưng trong các pha chuyển đổi và củng cố dân chủ là có thể; d) phương thức XhDs có thể (và cần được) thực hiện trong cả ba pha. Như thế, khả năng thực hành của các cách tiếp cận trên theo thời gian (theo pha chuẩn bị, chuyển đổi, củng cố (1: có thể; 0: không), nhìn từ phía các nhà hoạt động có thể tóm tắt như sau (Hình 4)

Tác động của các cách tiếp cận trên theo thời gian lên các pha chuẩn bị, chuyển đổi và củng cố dân chủ (1: có tác động; 0: không), có thể tóm tắt trong Hình 5.

Lưu ý rằng một cách tiếp cận chỉ có thể có tác động nếu nó có thể thực hiện được, nhưng việc có thể thực hiện được lại chưa chắc có tác động, nói cách khác các ô đỏ của Hình 4 chắc chắn là đỏ trong Hình 5 song các ô xanh của Hình 4 chưa chắc đã xanh ở Hình 5.

Đối với chế độ: cách tiếp cận ĐL không có tác động chừng nào chế độ còn là chế độ chuyên chế, và có tác động khi chuyển đổi chế độ và củng cố dân chủ; cách tiếp cận đối đầu có tác động trong pha chuẩn bị, nhưng không thể có trong hai pha tiếp theo; cách tiếp cận tham dự không có tác động (xét cả về lý luận lẫn kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới) trong pha chuẩn bị, nhưng có trong hai pha sau; cách tiếp cận XhDs có tác động trong cả ba pha. Lưu ý chúng ta chưa bàn đến cường độ và sự hiệu quả của tác động ở đây.

Một lưu ý tiếp, xét cả tính khả thi lẫn tác động của các phương thức không hề có ý đánh giá cách tiếp cận nào hay hơn cách tiếp cận nào (đặt câu hỏi như vậy là cách đặt vấn đề sai: chỉ có thể đánh giá khi nhìn lại và ngay cả khi đó do tính phức tạp của vấn đề chuyển đổi dân chủ có thể không có câu trả lời cho câu hỏi được đặt sai đó). Tuy nhiên, có thể xem xét (ít nhất về lý luận và phần nào đó xem xét kinh nghiệm quốc tế) các mối quan hệ của bốn cách tiếp cận này với các phương thức chuyển đổi dân chủ (ĐL-do elite cầm quyền dẫn dắt [Đài Loan, Bulgary, Chile], cải cách đoạn tuyệt [Tiệp Khắc, Argentina], thương lượng giữa elite đương quyền và đối lập [Hungary, Ba Lan, Nam Phi, Tây ban Nha, Philippines, Hàn Quốc, Indonesia, Mông Cổ và Đài Loan với hai trường hợp sau cùng khá gần với trường hợp ĐL vì các elte đương quyền đóng vai trò lớn nếu không nói là chi phối trong thương lượng]).

3.2.2 Tác động khả dĩ của các cách tiếp cận trong pha chuẩn bị đến phương thức chuyển đổi.

Tất nhiên một cách tiếp cận không khả thi trong pha chuyển đổi ít có khả năng tác động đến bản thân phương thức chuyển đổi (tuy có thể tác động một chút đến nhận thức của những người đương quyền, song vì những người đấu tranh cho dân chủ chủ trương can dự muốn tham chính ngay trong chế độ độc tài, một điều những người đương chức nhất quyết phản đối, trừ phi họ đồng ý tham gia làm cảnh cho chế độ độc tài).

Cũng lưu ý rằng do cách tiếp cận đấu tranh có ảnh hưởng đến phương thức chuyển đổi, mà phương thức chuyển đổi lại ảnh hưởng đến bản thân sự chuyển đổi và sự củng cố dân chủ sau đó, cho nên những cách tiếp cận đấu tranh khác nhau có thể ảnh hưởng đến sự chuyển đổi và sự củng cố dân chủ, nhưng trong bài này chúng ta không bàn sâu về những phân tích có vẻ lý thuyết đó, tuy có thể rất đáng nghiên cứu.

Chúng ta thấy cả ba cách tiếp cận từ trên xuống do những người đương chức lãnh đạo (ĐL), đối đầu (ĐĐ) và xã hội dân sự (XhDs) đều có tác động đến các phương thức chuyển đổi. Cách tiếp cận TD về lý thuyết không có tác động, nhưng vẫn có thể có tác động gì đó đến những người đương chức (mũi tên màu xanh nhạt). Ở đây chúng ta chưa bàn đến tính hiệu quả hay cường độ của sự tác động. Như thế tất cả những người chủ trương các phương thức đấu tranh khác nhau đều quan trọng và chúng tôi khuyên họ nên tránh phê phán chỉ trích lẫn nhau (nên tôn trọng các ý kiến khác nhau, nếu không thì không còn là người chủ trương dân chủ nữa, vì một đặc trưng quan trọng của dân chủ là khoan dung, tôn trọng ý kiến khác nhau kể cả ý kiến thiểu số).

Cũng có thể đưa ra các chiến lược (giả định) của các elite đương quyền và phân tích theo kiểu tương tự như trên, nhưng chúng ta không làm việc đó ở đây và quay lại tình hình Việt Nam.

3.2.3 Thực trạng của đấu tranh dân chủ ở Việt Nam

Phần này chúng tôi dựa vào các bài viết đã được nhắc tới của B. J. T. Kerkvliet mà ông phân biệt bốn cách tiếp cận đến dân chủ hóa ở Việt Nam dựa trên những thông tin công khai sẵn có về những phát ngôn và hành động của những người phê phán chế độ.

Cách tiếp cận do Đảng CSVN lãnh đạo (ĐL)

Đây là cách tiếp cận mà chúng tôi đã khái quát hóa như cách tiếp cận ĐL – do những người đương quyền dẫn dắt ở trên. Lập luận chính của những người theo cách tiếp cận này là:

Việt Nam đã có những nhiều đặc tính dân chủ mà nếu được sử dụng thích hợp có thể đưa đất nước vào tiến trình dân chủ hóa thêm và đồng thời tăng tốc phát triển.

Đảng CSVN là tổ chức có vị trí tốt nhất để dẫn dắt quá trình đó, nó đã tạo ra một hệ thống dân chủ trong các năm 1945-46 và nhiều đảng viên biết rằng Đảng chịu trách nhiệm về những thiếu sót và họ muốn dân chủ hóa.

Các nhà lãnh đạo ĐCSVN có thể nhanh chóng khởi động quá trình dân chủ hóa: sửa hiến pháp, đảm bảo các quyền con người (kể cả quyền lập đảng), dân chủ hóa bản thân đảng.
Kerkvliet coi hai người điển hình của cách tiếp cận này là các ông Trần Độ và Trần Huỳnh Duy Thức.

Cách tiếp cận đối đầu (ĐĐ)

Những người theo cách tiếp cận này thấy ít hay không thấy bằng chứng nào rằng ĐCSVN có thể cải biến hệ thống thành một nền dân chủ. Theo họ, không có các định chế dân chủ thì Việt Nam không thể phát triển về mặt kinh tế, giáo dục, văn hóa và chính trị. Họ chủ trương bất bạo động nhưng phải vận động ngay việc thành lập các đảng và tổ chức để đối đầu với ĐCSVN. Nhiều người theo cách tiếp cận này coi sự ủng hộ của Việt kiều là cốt yếu, một số thậm chí cho rằng các nhà lãnh đạo phải ở bên ngoài Việt Nam cho đến khi phong trào đã đủ mạnh, những người khác lại cho rằng phong trào phải dựa vào người và nguồn lực trong nước là chính.

Nổi bật trong cách tiếp cận này là sự ra đời của Khối 8406 (với Tuyên bố về Tự do và Dân chủ ngày 8 tháng 4 năm 2006). Kerkvliet đưa hai người làm điển hình cho cách tiếp cận này là ông Đỗ Nam Hải và luật sư Nguyễn Văn Đài. Họ muốn tổ chức và huy động càng đông người càng tốt để dùng sức mạnh nhân dân đẩy ĐCSVN ra ngoài để xây dựng nền dân chủ và thậm chí không sợ sự phẫn nộ công chúng tuột khỏi sự kiểm soát như những người theo cách tiếp cận ĐL lo ngại.

Cách tiếp cận tham dự (TD)

Thay cho đối đầu, những người theo cách tiếp cận này chủ trương biến đổi hệ thống bằng cách can dự vào nó (tham gia quốc hội, tham gia chính quyền). Nhiệm vụ trước mắt không phải là loại bỏ ĐCSVN hay lập hệ thống đa đảng. Kerkvliet đưa hai thí dụ điển hình của những người theo cách tiếp cận này là ông Lê Hồng Hà và luật sư Cù Huy Hà Vũ (Kerkvliet cho rằng Cù Huy Hà Vũ có thể không công khai tán thành cách tiếp cận can dự, nhưng theo những việc làm và các bài viết của ông trước khi ông bị bắt khiến Kerkvliet xếp ông vào loại này).

Cách tiếp cận xã hội dân sự-XhDs [2]

Những người theo cách tiếp cận này gắn việc mở rộng xã hội dân sự với dân chủ hóa. Những người này giống những người theo cách tiếp cận tham dự cho rằng ĐCSVN có một vai trò trong dân chủ hóa, không phải vai trò lãnh đạo như những người theo cách tiếp cận ĐL nghĩ, mà là như một trong nhiều người tham gia. Cũng giống những người theo cách tiếp cận tham dự, nó thúc giục nhân dân dùng mọi hình thức hợp pháp để phê phán các chính sách sai và thúc đẩy cho những sự cải thiện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Nó khuyến khích và kêu gọi người dân biết quyền của mình (từ các quyền dân sự và chính trị đến các quyền về kinh tế và văn hóa) và cứ thế thực thi các quyền đó mà không đợi ai ban phát hay cho phép. Lập ra các tổ chức xã hội dân sự, tham gia vào hoạt động của chúng trong mọi lĩnh vực hoạt động xã hội là cách tốt nhất để thúc đẩy dân chủ hoá, thông qua tham gia, tranh luận, lắng nghe và thỏa hiệp. Theo họ đấy là cách vừa thúc đẩy sự đấu tranh trong giai đoạn chuẩn bị, tạo thuận lợi cho giai đoạn chuyển đổi và nhất là giai đoạn củng cố dân chủ vì nhân dân đã được tập làm quen với nhiều thực hành dân chủ ngay từ pha chuẩn bị (qua tranh luận, tham gia, lắng nghe, khoan dung, thỏa hiệp, tôn trọng ý kiến khác, nhất là ý kiến thiểu số) và như thế sẽ tạo điều kiện tốt cho pha củng cố dân chủ và sự phát triển tiếp của một xã hội dân sự lành mạnh rất cần thiết trong mọi nền dân chủ. Cách tiếp cận này, theo Kerkvliet, bắt đầu khoảng từ 2007 và ông nhắc tới hai thí dụ điển hình là Tiến sĩ Phạm Chí Dũng và người viết những dòng này.

Kerkvliet cũng nhắc đến những phong trào đấu tranh dân chủ từ 1975 đến cuối các năm 1980, từ câu lạc bộ những người kháng chiến cũ (mà để dẹp bỏ và vô hiệu hóa nó chính quyền đã lập ra Hội Cựu Chiến Binh). Ông cũng so sánh với Nhân Văn Giai Phẩm cuối những người năm 1950 và so sánh phong trào dân chủ Việt Nam với các phong trào đấu tranh ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trong những năm 1970 và 1980 cũng như ở Cộng Hòa Việt Nam (1954-75) và ông phát hiện ra những nét tương đồng và dị biệt. Có lẽ một sự khác biệt làm nhiều người bi quan về xã hội dân sự ở Việt Nam bất ngờ khi Kerkvliet cho rằng “Các tổ chức và các đảng chính trị trực tiếp thách thức sự cai trị cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô đã ít và chỉ đến vào cuối các năm 1980, trước sự sụp đổ chế độ chẳng bao lâu, không như ở Việt Nam, trong những năm đầu của phong trào dân chủ hóa.”

So sánh với các nước Đông Âu thời các năm 1980, Việt Nam hiện nay (2015) có vài thuận lợi lớn hơn nhiều là: a) các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu thời đó đã phải chuyển đổi cả chính trị lẫn kinh tế còn Việt Nam bây giờ về cơ bản chỉ cần tiến hành chuyển đổi chính trị và như thế sự chuyển đổi ở Việt Nam có phần giống với sự chuyển đổi ở Hàn Quốc và Đài Loan hơn xét về 2 khía cạnh này; b) công nghệ thời các năm 1980 không tạo thuận lợi cho việc truyền bá thông tin và tổ chức như bây giờ với Internet và các mạng xã hội.

3.3 Vài kịch bản chuyển đổi dân chủ ở Việt Nam

Phần này là những gợi ý dễ rút ra từ những bài học chung nhất của hàng chục nước đã chuyển đổi dân chủ thành công trên khắp thế giới với những sự khác biệt khổng lồ về lịch sử, văn hóa, kinh tế và xã hội trải từ châu Âu, châu Phi, Mỹ Latin đến khu vực Đông và Đông Nam Á của chúng ta. Đây không phải là những dự đoán mà chỉ là những gợi ý để tranh luận, thảo luận, học hỏi và định hướng hành động nếu có thể.

Tất cả phụ thuộc vào chính chúng ta, những người Việt Nam. Nếu chúng ta thụ động, không tham gia tích cực để thúc đẩy dân chủ hóa, sẽ không có dân chủ ở Việt Nam.

Chúng ta vẫn còn trong giai đoạn chuẩn bị và cuộc đấu tranh còn gian khổ và có thể kéo dài nhưng không đối mặt chân thật với xung đột ăn sâu của chính xã hội chúng ta, không tìm mọi cách để đẩy mạnh quá trình chuẩn bị, thì còn lâu dân chủ hóa mới bước vào giai đoạn chuyển đổi.

Chúng ta vẫn đang ở pha chuẩn bị, thế thì bàn đến pha chuyển đổi và củng cố dân chủ để làm gì? Cần bàn đến các pha sau vì nó ảnh hưởng đến tư duy của người dân và những người cầm quyền: bàn về tương lai tác động đến hành vi hiện tại (thúc đẩy người dân tham gia, cải biến những người chống đối) và điều đó có thể rút ngắn quá trình hay giảm bớt chi phí chuyển đổi.

Một vấn đề quan trọng chúng ta không thảo luận trong bài này là mối quan hệ Việt-Trung và ảnh hưởng của nó đến chuyển đổi dân chủ ở Việt Nam. Đây là đề tài quan trọng cần có sự tham gia của nhiều người am hiểu. Thay cho việc đó tôi xin trích A. Michnik khi bàn về mối quan hệ Ba Lan Liên Xô và dân chủ hóa ở Ba Lan.

Theo quan điểm quy ước, các lợi ích của Liên Xô và các lợi ích của xã hội Ba Lan đối lập nhau một cách không thể sửa đổi được trên mọi lĩnh vực. Thế nhưng Michnik đã đi đến một kết luận khác gây sửng sốt từ năm 1976: “Khi ta phân tích độ phức tạp của các mối quan hệ Ba Lan-Soviet, phải lưu ý trên hết rằng những lợi ích của ban lãnh đạo chính trị Soviet, ban lãnh đạo chính trị Ba Lan, và phe đối lập dân chủ Ba Lan về cơ bản là nhất trí. Đối với cả ba bên, một sự can thiệp quân sự Soviet vào Ba Lan sẽ là một thảm họa chính trị. Đối với ban lãnh đạo Ba Lan, một sự can thiệp như vậy sẽ biểu thị sự truất ngôi hay sự giảm địa vị lãnh tụ của một quốc gia ba mươi tư triệu người, với quyền chủ quyền hạn chế, xuống địa vị của cảnh sát hành động nhân danh đế quốc Soviet. Các nhà lãnh đạo Soviet, tuy vậy, chắc chắn nhớ những hậu quả của những cuộc can thiệp của họ vào Hungary và Tiệp Khắc, cũng như quyết tâm của công nhân Ba Lan trong tháng Mười Hai 1970 và tháng Sáu 1976. Nếu chúng ta cũng tính đến cả những tình cảm chống-Nga truyền thống của những người Ba Lan, và thiên hướng của họ để chiến đấu đến cùng do sự tuyệt vọng hoàn toàn (như được chứng minh, thí dụ, trong Khởi nghĩa Warsaw năm 1944), thì chúng ta có thể kết luận rằng một quyết định bởi các nhà lãnh đạo Soviet để can thiệp quân sự vào Ba Lan sẽ tương đương với việc chọn chiến tranh với Ba Lan. Nó sẽ là một cuộc chiến tranh mà Ba Lan sẽ thua trên chiến trường nhưng Liên Xô sẽ thua về mặt chính trị. Một cuộc chiến tranh Soviet thắng lợi với Ba Lan sẽ có nghĩa là một cuộc tàn sát dân tộc đối với những người Ba Lan, nhưng đối với những người Soviet nó sẽ là một thảm họa chính trị. Đấy là vì sao tôi tin các nhà lãnh đạo Soviet, cũng như ban lãnh đạo của Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan, sẽ rất thành công để tránh một cuộc xung đột như vậy. Sự miễn cưỡng này phác họa phạm vi của thủ đoạn chính trị chấp nhận được; sự liên kết này về các lợi ích xác định phạm vi của sự thỏa hiệp khả dĩ.” [A. Michnik tr. 143]

Chúng ta có lẽ cần một phân tích thấu đáo quan hệ Việt-Trung về mặt lịch sử, kinh tế, văn hóa, chính trị nhằm xây dựng một mối quan hệ láng giềng lành mạnh với Trung Quốc hạn chế tối đa khả năng can thiệp của Trung Quốc vào công cuộc chuyển đổi dân chủ ở Việt Nam, song đó không phải là nội dung của bài viết này. Tuy vậy, theo tôi trong chính sách đối ngoại nói chung các lực lượng dân chủ nên đề ra chính sách rõ ràng với Trung Quốc nhằm đảm bảo sự độc lập chính trị của Việt Nam đồng thời giữ mối quan hệ tốt với Trung Quốc, đảm bảo các lợi ích hợp pháp của Trung Quốc (giống như của tất cả các nước khác) tại Việt Nam, có chính sách bình đẳng giữa các dân tộc ở Việt Nam trong đó có người Hoa. Việc đó làm giảm thiểu khả năng can thiệp của nhà cầm quyền Trung Quốc khi Việt Nam tiến hành chuyển đổi dân chủ. Khi đó chắc có thể đưa ra trước kết luận: a) nếu có chuyển đổi dân chủ ở Trung Quốc thì chắc chắn có chuyển đổi dân chủ ở Việt Nam; nhưng ngược lại b) Việt Nam vẫn có thể có chuyển đổi dân chủ trước Trung Quốc mà không sợ sự can thiệp cản trở thô bạo của nhà cầm quyền nước láng giềng.

Chúng ta sẽ xem xét bốn khả năng với ba kịch bản chuyển đổi khả dĩ để thảo luận.

3.3.1 Chưa sớm có chuyển đổi (hay vẫn là status quo)

Kerkvliet (2015) phân tích sáu nhân tố có thể dẫn một nước từ chế độ độc đoán sang dân chủ xem chúng hiện diện ở Việt Nam ra sao và ông đi đến kết luận rằng “hệ thống chính trị của Việt Nam không chắc chuyển mau thành một nền dân chủ thủ tục.” Sáu nhân tố được tác giả này đề cập là: F1-các elite chính trị (các lãnh đạo cao cấp của ĐCSVN, gồm các quan chức chóp bu của chính phủ, quân đội, công an và các cơ quan nhà nước khác) có thái độ thế nào với dân chủ hóa; F2- tính chính đáng của hệ thống (thành tích đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân,…); F3-các giai tầng xã hội-kinh tế (nông dân, công nhân, tầng lớp trung lưu: thái độ của họ với hiện trạng); F4- xã hội dân sự (mức độ phát triển, nhất là các tổ chức xã hội dân sự vận động); F5-Ý thức hệ (chủ nghĩa Marx Lenin, chủ nghĩa dân tộc) và F6-các điều kiện quốc tế (ảnh hưởng của những biến động lớn về dân chủ hóa trên thế giới hay khu vực tác động thế nào đến Việt Nam). Rất nên tham khảo phân tích sâu sắc của Kerkvliet về sáu nhân tố trên (dù chúng ta có thể chưa đồng ý với đánh giá này nọ của ông). Ông thấy: F1-các elite chính trị không ủng hộ dân chủ đa đảng và giữ vững sự lãnh đạo của ĐCSVN mà không có mấy chia rẽ về vấn đề này; F2-tính chính đáng bị sứt mẻ nhiều và nhiều người cho rằng hệ thống không có tính hính đáng nhưng đa số người Việt Nam có lẽ chấp nhận tính chính đáng; F3-tầng lớp trung lưu là những người được lợi và có lẽ phần lớn họ chấp nhận hiện trạng, công nhân chủ yếu đấu tranh vì quyền lợi vật chất như lương và phúc lợi và nhà nước phản ứng khá mềm dẻo với những đòi hỏi đó, nói chung đời sống nông dân được cải thiện và các cuộc đấu tranh chủ yếu xoay quanh vấn đề đất đai; F4-xã hội dân sự khá sôi động, các tổ chức xã hội dân sự vận động còn ít và bị đàn áp, sách nhiễu; F5-ý thức hệ Marx Lenin chẳng còn mấy ý nghĩa, nhà nước cũng sử dụng chủ nghĩa dân tộc được nhiều người Việt Nam chia sẻ nhưng trong quan hệ với Trung Quốc có thể chủ nghĩa dân tộc lại hóa ra bất lợi cho hệ thống; F6-người Việt không nhạy cảm lắm với những biến động dân chủ hóa trên thế giới và khu vực (từ những biến động ở Đông Âu, Liên Xô cuối các năm 1980 đầu các năm 1990 đến biến đổi Myanmar gần đây).

Ông nhận thấy chỉ có nhân tố F5 hiện diện rõ ràng, nhân tố F4 hiện diện vừa phải còn các nhân tố khác không thuận lợi cho chuyển đổi dân chủ và ông đi đến kết luận rằng “hệ thống chính trị của Việt Nam không chắc chuyển mau thành một nền dân chủ thủ tục” Kerkvliet (2015, tr. 437). Tuy vậy, ngay sau đó trong đoạn kết của bài phân tích Kerkvliet bảo: “But, who knows? Ai mà biết được? Vì sự tiên đoán là rất khó khăn và vẫn có nhiều khả năng khác xảy ra. Và, bản thân nhận xét này của Kerkvliet cũng có thể gợi ý cho chúng ta những định hướng hoạt động: phải đẩy mạnh công tác “đảng vận” để tác động đến F1, vạch ra và chứng minh tính không chính đáng của hệ thống F2, vận động các tầng lớp xã hội nhất là kết nối trí thức với công nhân và nông dân F3, phát huy các điều kiện quốc tế F6 và tất nhiên phải tiếp tục phát triển xã hội dân sự F4. Nếu chúng ta hoạt động tích cực, kiên trì, không mệt mỏi thì chắc chắn có thể rút ngắn cái không mau này, hay biến những khả năng khác thành kịch bản khả dĩ hoặc thậm chí sự thực trong thời gian tới, tức là rút ngắn cái không mau đó nhưng đừng bao giờ nóng vội trong hành động. Để diễn đạt những gợi ý này hãy biểu diễn sáu nhân tố mà Kerkvliet đưa ra dưới dạng trực quan sau đây:

Nhằm làm nổi bật sự định hướng hành động mà chúng ta nói tới ở đây, có lẽ nên trình bày các ý tưởng này (có thể hiểu như cái khung của không gian chính trị) dưới dạng khác đi một chút, trực quan hơn qua đồ thị để dễ hình dung, chẳng hạn như ở hình sau với sự đánh giá của mỗi nhân tố (với giá trị của mỗi nhân tố từ 0 đến 1 về mức độ tạo thuận lợi cho dân chủ hóa). Lưu ý ở đây chúng ta đừng quan tâm đến các giá trị cụ thể như năm 2015 và 2020 hay các giá trị của các nhân tố F1 đến F6 (chúng chỉ mang tính minh họa để tạo thuận lợi cho sự lĩnh hội).

Cần lưu ý thêm vài điểm. Đầu tiên, tất cả các nhân tố này biến động theo thời gian (có thể tăng hay giảm) và như thế có thể giúp chúng ta hình dung về động học của sự thay đổi. Các lực lượng trong nước phải nỗ lực hết sức để “nống”, để nới rộng không gian chính trị này ra, và kết hợp với các áp lực quốc tế kéo từ bên ngoài để cùng mở rộng không gian chính trị đó.

Kết hợp khéo chiến thuật trong “nống” ngoài “kéo” thì có thể hình dung ba kịch bản sau đây.

3.3.2 Kịch bản chuyển đổi do những người đương chức dẫn dắt (cách mạng từ trên hay cải cách từ dưới trên Hình 2).

Có thể xảy ra tình huống đột xuất (khủng hoảng, sự thay đổi ở bên ngoài) và dưới áp lực từ bên trong, một số người đương chức có thể thấy phải thay đổi nếu không muốn sụp đổ, họ có thể chủ động loại những kẻ bảo thủ để khởi xướng và tìm cách dẫn dắt sự chuyển đổi vì chính lợi ích của họ. Không có áp lực mạnh mẽ từ dân chúng, không có sự vận động hữu hiệu những người đương quyền, khả năng này không xảy ra. Áp lực càng mạnh và sự thuyết phục càng hiệu quả thì khả năng của kịch bản này càng cao. Vì thế những cách tiếp cận nêu trước đều có vai trò và công tác đảng vận rất quan trọng để tạo ra các khuyến khích cho họ hay để thuyết phục họ hiểu rõ những khuyến khích mạnh mẽ đó khiến họ tiến hành dân chủ: thí dụ khuyên những người đương chức rằng “các vị đủ giàu rồi, nhân dân chắc sẽ bỏ qua lỗi lầm của các vị nếu các vị tiến hành dân chủ, làm thế các vị còn để lại di sản tốt cho con cháu, cho họ hàng mình, còn có thể để lại tiếng thơm trong lịch sử thay cho bị lịch sử lên án là những tội đồ.” Trường hợp Bulgaria, hay Chile phải là bài học cho tất cả chúng ta, nhất là những người CSVN. Hoặc trường hợp như Mông Cổ và Đài Loan nơi những người Cộng sản Mông Cổ và lãnh đạo Quốc Dân Đảng ở Đài Loan đã rất chủ động để tiến hành chuyển đổi, tuy phương thức chuyển đổi của họ là giao dịch nhưng những người đương chức có vai trò chủ động và kiểm soát được sự chuyển đổi. Cách chuyển đổi này có thể không chỉ là kết quả của cách tiếp cận ĐL trong pha chuân bị, mà có thể là kết quả của cả bốn cách tiếp cận (Hình 6). Khả năng này nhỏ nhưng không phải bằng không như kinh nghiệm quốc tế cho thấy và chúng ta không nên loại bỏ phương thức chuyển đổi này. Công việc thúc đẩy “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến” mà những người chủ trương cách tiếp cận xã hội dân sự công khai cổ súy có thể thúc đẩy kịch bản này. Không làm cho những người cộng sản lo sợ “mất sổ hưu”, sợ bị trả thù, bị khủng bố, và những kinh nghiệm về những người cộng sản đã “cải đạo” thành dân chủ xã hội (như ở Hungary, Ba Lan, Mông Cổ) vẫn có cơ hội nắm quyền và đã thực sự nắm quyền [3] trong nền dân chủ mới với sự cạnh tranh lành mạnh của các đảng chính trị, có thể khuyến khích một số đảng viên ĐCSVN “tự diễn biến” như các đồng chí của họ ở ba nước xã hội chủ nghĩa trước kia, hay như các đảng viên Quốc Dân Đảng ở Đài Loan. Và trên tinh thần ấy hãy tôn trọng những người theo cách tiếp cận ĐL, những đảng viên ĐCSVN ký “Thư ngỏ 61.”

3.3.3 Kịch bản cải cách qua đoạn tuyệt (Hình 2).

Chỉ có những biến động lớn xảy ra và chế độ cộng sản trên bờ vực sụp đổ, thì có thể xảy ra phương thức chuyển đổi này ở Việt Nam. Kịch bản này có lẽ còn ít khả năng hơn kịch bản 3.3.1 ở trên. Tuy vậy xác suất của kịch bản này cũng không bằng không và chúng ta không được coi thường mà nên chuẩn bị để sẵn sàng chớp lấy. Chế độ độc tài quân sự Archentina thực sự sụp đổ, mất hết tính chính đáng sau thất bại thảm hại của chiến tranh Falklands/Malvinas với Anh và để cho đối lập dẫn dắt sự chuyển đổi. Ở Tiệp Khắc, sau các sự kiện chấn động ở Ba Lan, Hungary và sau khi tường Berlin sụp đổ, những người cộng sản Tiệp khắc đầu hàng dưới sức ép của các cuộc biểu tình quần chúng và đẩy các những người khởi xướng Hiến chương 77 lên vị trí lãnh đạo trước sự ngạc nhiên của chính họ. Và kịch bản này có thể diễn ra không chỉ như kết quả (của những biến cố lớn và) của những người theo cách tiếp cận đối đầu (ĐĐ) mà cả của những người theo cách tiếp cận ĐL và XhDs nữa (Hình 6), cho nên hãy chuẩn bị và nhất là không nên chỉ trích lẫn nhau (nhà cầm quyền thích điều đó lắm!)

3.3.4 Kịch bản thương thuyết hay giao dịch (Cải cách qua giải thoát và giao dịch Hình 2)

Đây là kịch bản chuyển đổi mà cả những người đương quyền lẫn nhân dân (đối lập) đều điều chỉnh (và kết hợp đối đầu và điều chỉnh), cả hai bên đều chủ động thương lượng, đàm phán nhằm tạo dựng các định chế cơ bản của dân chủ bằng cách đối mặt chân thành với xung đột ăn sâu trong xã hội chúng ta. Trên Hình 2 chúng ta thấy 10 nước trong số 14 nước đã chuyển đổi thành công đã đi theo kịch bản này. Nếu tính cả Hy Lạp, Bồ Đào Nha và nhiều nước Mỹ Latin khác cũng ít nhiều theo kịch bản này chúng ta thấy tuyệt đại bộ phận các nước đã chuyển đổi dân chủ thành công đã đi theo kịch bản này.

Số đảng viên ĐCSVN hiện nay cỡ 3,6 triệu. Tôi tin tuyệt đại đa số họ muốn dân chủ hóa, con số những người cố thủ bám quyền lực chắc không nhiều. Nếu tính mỗi đảng viên ĐCSVN có 3 người thân (vợ, chồng, con cái,..) thì số người liên quan cỡ 11triệu người! Không thể không tính đến họ. Những người mong muốn dân chủ thực sự chắc chắn phải thấm nhuần tư tưởng khoan dung, hòa giải và tôn trọng ý kiến thiểu số dẫu là ý kiến cộng sản. Cho nên tìm cách thuyết phục họ, gây áp lực và sức ép để buộc họ cùng thương lượng cho một sự chuyển đổi yên bình, văn minh, giữ được sự ổn định và đỡ tốn kém nhất cho đất nước và dân tộc phải là mệnh lệnh. Tất cả chúng ta, những người theo cách tiếp cận từ trên xuống (ĐL), cách tiếp cận tham dự (TD), cách tiếp cận đối đầu (ĐĐ) và cách tiếp cận xã hội dân sự hãy thảo luận, bàn bạc, lắng nghe nhau, tôn trọng nhau và ủng hộ nhau (hay chí ít không đả kích nhau) thúc đẩy cho sự chuyển đổi dân chủ ở Việt Nam, đấy là cách thúc đẩy nhanh nhất sự chuyển đổi dân chủ ở nước ta.

Nhanh hay chậm là ở chính chúng ta và tất nhiên cũng phụ thuộc vào các elite đương chức (và thái độ và hành xử của họ cũng phụ thuộc vào hoạt động của chính chúng ta). Và việc dùng mọi cách tiếp cận để gây sức ép, để vận động họ (công tác “đảng vận” nếu chúng ta mượn cách nói của họ) là một việc quan trọng. Tuy nhiên, phải hiểu rằng dân chủ hóa là một quá trình gay go, gian khổ và kéo dài, không thể nóng vội. Và sự tìm hiểu, tranh luận về quá trình này, rút ra những bài học (để dùng hay để tránh), chuẩn bị các phương án khác nhau cho bản thân sự chuyển đổi và sự củng cố dân chủ trong tương lai là bổ ích, quan trọng và nên làm.

– – – – –

LỜI CẢM ƠN

Tác giả cảm ơn các góp ý và bình luận quý báu của một số thành viên Nhóm 23, của một số nhà hoạt động trẻ, một số người tham dự Hội thảo Hè (Berlin 24-25/7/2015), của một số trí thức và doanh nhân tại Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Czech và Cộng hòa Ba Lan, của Gs. Kerkvliet và Ts. Vũ Quang Việt đã giúp làm rõ một số điểm và làm cho bài viết được sáng sủa và dễ hiểu hơn.

– – – – –

CHÚ THÍCH

[1]  Trích lại từ E. Suleiman, [L. Anderson, tr. 158-159]

[2]  Nền tảng tư tưởng của cách tiếp cận này là từ bộ ba nhà tư tưởng Leszek Kolakowski (1971), A. Michnik (1976) và Vaclav Havel (1978)

[3]  Từ những bài học này tôi đã nhiều lần nêu ý kiến công khai rằng “Đảng CSVN đã hết vai trò, nhưng những người CSVN vẫn còn có thể có quyền lực chính trị, kinh tế, văn hóa của họ trong nền dân chủ tương lai nếu họ chịu cải biến (thành các nhà dân chủ xã hội chẳng hạn), ngược lại họ sẽ bị lịch sử vất vào sọt rác.”

– – – – –

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bàn Tròn Ba Lan: Những Bài Học, Kỷ yếu Hội thảo nhân kỷ niệm 10 năm Bàn Tròn Ba Lan, 7-10/4/1999, Đại học Michigan, Hoa Kỳ (bản tiếng Việt, 2013).

Cynthia Bautista (2008), “Democratic Consolidation and the Challenge of Poverty in the Philippines” trong Hsin-Huang Michael Hsiao (2008) (ed.); được nhắc tới như Bautista: Hsiao (bản tiếng Việt)

Thomas Carothers, “The End of the Transition Paradigm,” Journal of Democracy 13 (January 2002): 5–21.

Paul J. Carnegie (2010), The Road from Athoritarianism to Democratization in Indonesia (Con Đường từ Chủ nghĩa Độc đoán đến Dân chủ hóa ở Indonesia, 2015)

Hyo-Je Cho (2008), “Human Rights as a Qualifier and a Catalyst for Korea’s Democracy” trong Hsin-Huang Michael Hsiao (2008) (ed.); được nhắc tới như Cho: Hsiao (bản tiếng Việt)

J. M. Colomer, Game Theory and the Transition to Democracy – The Spanish Model, Edward Elgar, 1995, Lý thuyết Trò Chơi và Chuyển đổi sang nền Dân chủ – Mô hình Tây Ban Nha (2014)

Larry Diamond, Facing Up to Democratic Recession, Journal of Democracy, January 2015, Vol. 26, No. 1., pp. 141-155

Milovan Djilas, Giai cấp Mới, Phạm Nguyên Trường dịch, NXB Giấy Vụn (2010)

Alessandro Franquelli (2013), Mongolia: A Success Story? An Analysis of the Democratization Process. Department of Politics, Birkbeck College, University of London.

Stephan Haggard and Robert R. Kaufman, “The Political Economy of Democratic Transitions” Comparative Politics 29, no. 3 (April 1997), trong Lisa Anderson (ed.), Chuyển đổi sang Dân chủ (2015) tr. 141-167

Carolina G. Hernandez (2008), “Rebuilding Democratic Institutions: Civil-military Relations in Philippine Democratic Governance” trong Hsin-Huang Michael Hsiao (2008) (ed.); được nhắc tới như Hernandez: Hsiao (bản tiếng Việt)

Hsin-Huang Michael Hsiao (2008), “Civil Society and Democratization in Taiwan:1980-2005” trong Hsin-Huang Michael Hsiao (2008) (ed.); được nhắc tới như Hsiao (bản tiếng Việt)

Hsin-Huang Michael Hsiao (2008) (ed.), Asian New Democracies: The Philippines, South Korea and Taiwan Compared, Taiwan Foundation for Democracy & Center for Asia-Pacific Area Studies, RCHSS, Academia Sinica, Taipei, Taiwan (Các nền Dân chủ Á châu Mới: So sánh Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan 2015)

Evelyne Huber, Dietrich Rueschemeyer, and John D. Stephens, “The Paradoxes of Contemporary Democracy: Formal, Participatory, and Social Democracy”, Comparative Politics 29, no. 3 (April 1997), trong Lisa Anderson (ed.), Chuyển đổi sang Dân chủ (2015) tr. 168-192

Benedict J. Tria Kerkvliet, “Workers’ Protests in Contemporary Vietnam (with Some Coparisons to Those in the Pre-1975 South), Journal of Vietnamese Studies, Vol. 5, No. 1 (Winter 2010), pp. 162-204.

Benedict J. Tria Kerkvliet, “Regime Critics: Democratization Advocates in Vietnam, 1990s-2014.” bản thảo (2015a). Bản rút gọn vừa được công bố tại Critical Asian Studies, 2015, Vol. 47, No. 3, pp. 359-387

Benedict J. Tria Kerkvliet, “Democracy and Vietnam”, in Routledge Handbook of Southeast Asian Democratization, edited by William Case (2015)

Heinz Klug (2000), Đàm phán các Chế độ Pháp lý Mới: Bàn Tròn Ba Lan và Cách mạng được Dàn xếp của Nam Phi, trong Negotiating Radical Change: Understanding and Extending the Lessons of the Polish Round Table Talks Michigan University Press, 2000: Thương lượng sự Thay đổi Cơ bản: Hiểu và Mở rộng các Bài học của các cuộc Đàm phán Bàn Tròn Ba Lan, bình luận về Hội thảo nhân dịp kỷ niệm 10 năm Bàn Tròn Ba Lan, (bản tiếng Việt tr. 133-149.

János Kornai, Hungary’s U-Turn: Retreating from Democracy, Journal of Democracy, June 2015, Vol. 26, No. 3., pp. 34-48

Yeoung Yoo Kyung (1995-2010), Thực trạng và đặc điểm vấn đề đình công trong khu vực FDI ở Việt Nam 13/9/2013 Tạp chí Lao động & Xã hội

Tương Lai (1997), Báo cáo sơ bộ về cuộc khảo sát xã hội học tại Thái Bình cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm 1997

Steven Levitsky, Lucan Way, The Myth of Democratic Recession, Journal of Democracy, January 2015, Vol. 26, No. 1., pp. 45-58

Chia-Lung Lin and I-Chung Lai (2008), “Taiwan’s Party Realignments in Transition” trong Hsin-Huang Michael Hsiao (2008) (ed.); được nhắc tới như Lin-Lai: Hsiao (bản tiếng Việt)

Adam Michnik (1976), A New Evolutionism, trong A. Michnik, Letters from Prison and Other Essays, University of California Press, 1985 (Bản tiếng Việt, Những Lá Thư từ Nhà tù và các Tiểu luận khác, 2014, tr. 135-148). Một Chủ nghĩa Tiến hóa mới (1976) của A. Michnik phân tích tiếp ý tưởng của Leszek Kolakowski “Tezy o nadziei i beznadiejnosci – các luận đề về hy vọng và sự tuyệt vọng” Kultura 6 (1971) tr. 3-21 (Bản dịch tiếng Anh xuất hiện với tiêu đề “Hope and Hopelessness”, Survey, Summer 1971, tr. 37-52), sau đó được bổ sung bởi tiểu luận chính trị năm 1978 của Vaclav Havel “Moc bezmocných” (The Power of the Powerless- Quyền lực của người không có quyền lực do Phạn Nguyên Trường dịch) tạo thành ba tiểu luận cung cấp nền tảng tư tưởng cho cuộc đấu tranh dân chủ ở các nước cộng sản. Có bản tiếng Việt của cả ba tiểu luận.

Một Năm Hội nghị Diên Hồng Hungary, chọn lọc những tài liệu liên quan đến Bàn Tròn Hungary 1989, Nguyễn Quang A lựa chọn và dịch, 2005.

Gerardo L. Munck and Carol Skalnik Leff, “Modes of Transition and Democratization: South America and Eastern Europe in Comparative Perspective” Comparative Politics 29, no. 3 (April 1997), trong Lisa Anderson (ed.), Chuyển đổi sang Dân chủ (2015) tr. 193-216

Kie-Duck Park (2008), “Political Parties and Democratic Consolidation in Korea” trong Hsin-Huang Michael Hsiao (2008) (ed.); được nhắc tới như Park: Hsiao (bản tiếng Việt)

Shelley Rigger, “Democratic Transition and Consolidation in Taiwan”, Taiwan’s Future in the Asian Century: Toward a Strong, Prosperous and Enduring Democracy Conference, American Enterprise Institute, Washington, DC, November 10, 2011, được nhắc tới như Rigger: Hsiao (bản tiếng Việt)

Temario C. Rivera (2008), “The Crisis of Philippine Democracy” trong Hsin-Huang Michael Hsiao (2008) (ed.); được nhắc tới như Rivera: Hsiao (bản tiếng Việt)

Dankwart A. Rustow, “Transitions to Democracy: Towards a Dynamic Model”, Comparative Politics 2, no. 2 (April 1970) p. 337-63, trong Lisa Anderson (ed.), Chuyển đổi sang Dân chủ (2015) tr. 14-41.

Don Chul Shin (2008), The Third Wave in East Asia: Comparative and Dynamic Perspectives, Asean Barometer Conference on The State of Democtratic Governance in Asia, June 20-21, 2008, Taipei

Ezra Suleiman, Bureaucracy and Democratic Consolidation: Lessons from Eastern Europe, Comparative Politics 29, no. 3 (April 1997), trong Lisa Anderson (ed.), Chuyển đổi sang Dân chủ (2015) tr. 14-41

Cao Huy Thuần, Dân chủ? Vẫn là mơ thôi? Thời Đại số 33 Tháng 7, 2015, tr. 1-12

Bình Luận từ Facebook