Những chuyện chưa quên (phần 1)

Hồ Phú Bông

Ảnh bìa sách “Những Chuyện Chưa Quên” của tác giả gửi tới.

Tặng các bạn tù đã đặt chân đến An Thới, Phú Quốc, buổi sáng ngày 27 tháng Chạp năm Ất Mão (27-1-1976) trên Dương Vận Hạm HQ 503 của Hải Quân VNCH bỏ lại.

Phần 1: Chuyến tàu

Đi làm cỏ ở Trung Đoàn, Mẫn đem về một cây ổi con. Gốc nó được bó một nắm đất bằng ngón tay cái. Mẫn xem lá xem nhánh thế nào đó và kết luận đây là ổi xá lị.

– Vài hôm nữa về tôi sẽ trồng nó trước sân nhà!

Hợp có chút mỉa mai:

– Nhà nào?

Mẫn cam phận:

– Thì nhà ở kinh tế mới cũng được.

Tín xen vào:

– Thôi đi cha nội. Đem nó trồng đàng sau hè ở đây đi. Bao giờ có trái thì trèo lên cây hái, mang về nhà làm quà biếu vợ con, mừng ngày sum họp!

Câu nói phang ngang của Tín như một gáo nước lạnh tạt ngay vào mặt. Không phải mặt của riêng Mẫn, mà cả mọi người đang huyên náo về tin đồn. Mẫn là một trong số người tích cực tiếp hơi cho tin đồn lan truyền nhanh hơn. Cứ như là càng rùm beng thì sẽ nhanh chóng biến thành sự thật!

Những chiếc bánh vẽ đôi lúc cũng giúp làm đã cơn thèm trong giây lát!

Chương trình học mười bài mới nửa chừng nhưng Tết thì chỉ còn chưa tới mười ngày nữa. Nội việc tù lán phó đi họp nhưng chưa nghe hậu cần thông báo kế hoạch Tết, cũng là một tin đồn loại sốt dẻo:

– Nếu còn ở lại thì chắc phải có kế hoạch Tết rồi!

– Chương trình học mười bài, nếu học ở đây chưa kịp thì về học tại địa phương. Kế hoạch đồng nhất và mấy ổng nói thì trước sau như một mà!

Mỗi người đều lý luận sao cho hợp với mong muốn của mình. Nếu mọi người được cho về thì hơn cả tháng dài, cả trại đi gỡ PSP ở phi trường trực thăng khiêng về, làm cái hội trường đồ sộ để làm gì? Hình như không ai muốn đặt câu hỏi kiểu nầy!

Sau giờ thảo luận buổi chiều, mọi người đang lu bu lo chuyện cơm nước thì tiếng còi tập họp bất ngờ nổi lên. Từng ông quản giáo đến ngay lán kêu khẩn trương nhanh lên tập họp. Tù nhìn nhau với nhiều thái độ. Mẫn hớn hở, lớn giọng và kéo dài từng tiếng một:

– Tới. . . rồi. . .!

Tín thì bình tĩnh, cũng lớn tiếng, nhưng gãy gọn:

– Tới rồi!

Mẫn tới rồi với cây ổi xá lị sẽ đem về trồng trước sân nhà. Tín thì tới rồi với tư thế sẵn sàng đi đến bất cứ một nơi nào trên con đường vạn dặm. Xám xịt! Tín mang tâm trạng của Thúy Kiều sau khi ra khỏi nhà: cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vần tới đâu! Cho dù hiện tại chưa thấy bóng dáng chàng Thúc Sinh mà đang trong vòng tay họ Sở!

Những người bị đọc tên vội vàng quay vô thu dọn đồ cá nhân. Nghiêm trong nhóm ba người bị gọi tên. Bố Tôn phụ giúp Nghiêm gom góp đồ đạc:

– Bố có nhớ địa chỉ nhà tôi ở Sài Gòn không?

– Cậu cũng còn nhớ địa chỉ nhà tớ ở Thị Nghè chứ? Còn có ngày về thì liên lạc với nhau.

Đàng kia Tín phụ giúp Mẫn. Khi nghe gọi tên mình trong danh sách toàn an ninh, tình báo, chiến tranh chính trị, Mẫn hụt hẫng. Tái xanh. Mẫn như không còn nhớ cả những đồ đạc cá nhân, vì đối với Mẫn thì đây là chuyện không thể tưởng tượng được. Thư của vợ Mẫn cho biết, cha mẹ vợ Mẫn là người của cách mạng, đã bảo lãnh cho Mẫn rồi, nên Mẫn chỉ chờ đợi được gọi tên cho về. Cây ổi bao giờ sẽ có trái, không ai biết, nhưng trái tình yêu đầu tiên của vợ chồng Mẫn thì hai tháng nữa ra đời! Tuy tính tình khác biệt nhưng Tín và Mẫn lại chơi rất thân. Tiễn Mẫn, Tín mới lộ chút xúc động. Cắn răng, quai hàm bạnh ra. Bắt tay Mẫn khá chặt:

– Nhớ giữ gìn sức khỏe!

Đám tù ra đi lặng lẽ khuân vác đồ đạc. Căng thẳng nên không nói với nhau một lời nào. Di chuyển đến trung đoàn. Đoàn molotova khá dài đã vén bạt phía sau đang chờ sẵn. Mỗi xe có hai ông bộ đội súng đạn sẵn sàng. Hình ảnh nầy đã giết chết suy nghĩ còn sót lại của vài người ngây thơ, vẫn bám víu hy vọng được cho về ăn Tết! Tù ngồi từng cụm với đồ đạc lộn xộn, đợi các ông cán bộ bàn giao cho nhau.

Bóng tối chụp xuống. Mấy chiếc xe nổ máy, mở đèn chiếu vào đám tù để các ông cán bộ tiếp tục làm việc. Khẩu phần lương khô do Trung Quốc cung cấp cho bộ đội miền Bắc, được đem phân phát cho tù. Mỗi người nhận ba ngày ăn. Khẩu phần lương khô của Trung Quốc như một chiếc bánh in phong kín bằng giấy thô, khác hẳn với lương khô của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, có gạo sấy đựng trong bọc plastic trắng trong và thịt hộp.

Với ba ngày lương khô thì tù sẽ bị đưa về đâu? Tù lại suy nghĩ, lại đoán mò!

Có thể lên cao nguyên Trung phần, nhưng lực lượng Fulro còn đó và đang chống họ. Họ không thể thả hổ về rừng?

Đi Bắc chăng? Xe cộ họ đang rất cần để chở tài sản của miền Nam ra Bắc có đâu để chở bọn tù?

Khoảng chín giờ đêm, từng toán khoảng ba mươi người với đồ đạc cá nhân nhồi nhét lên từng chiếc molotova. Tấm vải bạt được trùm xuống. Đời tù lại ngộp thở, tối tăm. Xe dằn, xóc. Quẹo phải, quẹo trái, lầm lũi trong đêm. Thỉnh thoảng có vài ánh đèn lọt được vào bên trong cho tù biết xe đã gần vào một thị trấn nào đó. Tù tìm cách đâm thủng bạt để xem đường. Từng chặng, từng chặng đều có tù âm thầm thông báo nhau. Khi nghe thông báo xe trực chỉ về Sài Gòn thì mọi người đều tỉnh ngủ hẳn. Nôn nao và chờ đợi. Ai cũng muốn nhìn lại được cảnh đường phố Sài Gòn như thèm được nhìn lại khuôn mặt người tình sau mấy tháng dài xa cách. Chỉ cần nhìn thấy bất cứ góc phố hay con đường nào của Sài Gòn cũng được. Sài Gòn, người tình yêu dấu. Sài Gòn, người tình với nỗi khát khao mong đợi. Sài Gòn, người tình trăm năm.

Bây giờ người tù có được cái lỗ trên tấm bạt để thấy tí chút bên ngoài, đang làm thông tín viên, là người hạnh phúc nhất. Sài Gòn về đêm thênh thang ngày xưa, đủ loại ánh đèn với những dòng xe xuôi ngược, không bằng Sài Gòn sắp xuất hiện qua cái lỗ nhỏ như đầu ngón tay trên tấm bạt bây giờ!

Nếu xe chạy về hướng bà Quẹo, xuống ngã tư Bảy Hiền, quẹo trái qua Lăng Cha Cả thì sẽ gần nhà Nghiêm lắm. Nghiêm chỉ nghe thông báo, không thấy gì bên ngoài nhưng cũng mong xe chạy về hướng nhà mình. Nhà Nghiêm nằm sâu trong hẻm nên tấm bạt xe nếu có vén lên, có được ngồi nhìn thoải mái chung quanh cũng không thể nhìn thấy. Nhưng từng góc phố, từng trụ đèn đường Nghiêm cũng có thể hình dung ra được. Trụ đèn đường xéo cửa nhà Nghiêm bị bể mất một miếng bên góc để lộ một cọng sắt cỡ bằng ngón tay, mấy mươi năm rồi cũng như vậy. Nơi đó, đêm đêm có chiếc xe phở của đôi vợ chồng bán đến khuya. Người chồng dùng hai thanh gỗ gõ vào nhau như tiếng vang của con chim gõ kiến về đêm để rao hàng. Âm thanh đó đã trở nên quen thuộc trong cả xóm. Tuổi học trò, những đêm thức học thi, đói bụng nhưng lười xuống tầng dưới mở cửa, Nghiêm có thể ra trước hiên lầu mua, rồi thòng một sợi dây xuống kéo cái xô có đựng tô phở với đầy đủ gia vị lên. Góc bên phải nhà Nghiêm có một bụi biện lý, hoa nở quanh năm, hai màu đỏ trắng, tàng lá sum suê rợp bóng, đủ để bà Tư già với chiếc bàn nhỏ ngồi bán lặt vặt, trái chuối, cái kẹo. Xa hơn là căn nhà lầu ba tầng của ông Hợp, có cái xe Lam ba bánh, mỗi 3 giờ sáng là bắt đầu rời nhà chạy ra bến đón khách. Tiếng máy nổ dòn tan trong khi cả khu phố còn say ngủ, đã đánh thức cả xóm, nhưng không ai phàn nàn.

Cái xóm lao động ồn ào náo nhiệt nầy càng ồn ào náo nhiệt hơn sau ngày 30-4-1975. Mọi sinh hoạt đều đảo lộn. Xe phở biến mất. Đôi vợ chồng nầy cùng con cái, nghe đâu đã tháo chạy di tản. Người thì bảo đi thoát, người lại bảo bị chết, không thể nào xác định được. Chỉ biết, trước ngày đi họ còn kịp cho tất cả vật dụng cho vài người thân trong xóm. Chiếc xe phở và những dụng cụ mấy mươi năm cần mẫn, chắc chắn là những mảnh đời gắn liền với nhau, như là một phần của da thịt để lại. Chiếc xe Lam vẫn còn đó. Tiếng nổ dòn dã trong đêm về sáng vẫn còn đó, nhưng tiếng vang của nó không còn đánh thức mọi người mà lại như một nhắc nhở của quá khứ, vì mọi việc rồi sẽ đổi thay. Tiếng hai thanh gỗ gõ vào nhau của xe phở đã mất, chỉ còn lại tiếng máy xe Lam như một cái gì đơn lẻ, thiếu vắng. Nhưng dưới bóng mát của chùm hoa giấy, với thúng quà vặt, bà Tư già vẫn còn ngồi lại một mình. Mọi người đem ra đường tất cả bàn ghế, tủ giường bày bán khắp nơi. Bán đổ bán tháo! Bán cho trống nhà để trở thành vô sản! Vô sản chuyên chính.

Nghiêm vẫn còn nhớ giọng bà Tư già nói với Nghiêm, khi bà chỉ vào tấm ảnh màu của ông Hồ Chí Minh đã được bày bán khắp nơi:

– Bán, bán cho sạch nhà, sạch cửa để rước ông Nội tôi vô ở!

Khi nghe tù thông tín viên cho biết xe không về hướng Bà Quẹo, nhưng ra ngã xa lộ Đại Hàn, thì mọi người trong xe mới trở về thực tại. Một thực tại ê chề mà tù chỉ mới vừa quên đi trong giây lát. Về đâu?

Vẫn có tù chưa chịu chấp nhận sự thật:

– Có chắc xe đang chạy trên xa lộ Đại Hàn không?

Giấc mơ được nhìn một góc phố, một con đường Sài Gòn về đêm không còn nữa. Một giấc mơ quá ngắn. Tù thông tín viên thông báo tiếp. Xe quẹo vào Xa Lộ Biên Hòa. Cầu Sài Gòn. Và sau đó là hai tiếng New Port. Không còn tù nào thắc mắc, nhưng tù thông tín viên cũng quan sát lại thật kỹ, rồi tái xác nhận lần nữa:

– Đúng rồi! Tân Cảng New Port!

Hai tiếng New Port, Tân Cảng được lặp lại như có echo cứ vang vang lùng bùng trong lỗ tai, thốn đến màng nhĩ!

Cả xe tù chết lặng!

Đêm đã vào khuya. Sương xuống lạnh. Cái pha đèn từ con tàu khổng lồ đang há mõm chiếu sáng cả một khu vực rộng lớn. Người và người lố nhố. Tù và tù nhợt nhạt, xanh xao, dưới ánh đèn pha chói chang. Bộ đội dày đặc, súng cầm tay cô lập từng đám tù. Dòng sông đêm trước mặt, nước đen quánh, vẫn cuồn cuộn trôi. Còn đâu những chiều vàng ngồi với người tình trong chiếc lều quán bên xa lộ Biên Hòa, nhìn dòng sông đục ngầu phù sa, kể chuyện về lính, nói chuyện tương lai, những yêu thương đằm thắm, mộng mơ? Còn đâu những hàng dừa nước hai bên bờ sông thơ mộng, in trong màu mắt biếc của người tình, cùng nhau nghe tiếng xành xạch của những chiếc ghe máy, tiếng mái chèo quẫy nước, con thuyền rẽ sóng lướt đi?

Dòng sông trôi ra biển có bao giờ quay lại? Đời tù theo dòng nước sẽ trôi về đâu?

Cả 2000 tù yên lặng. Chỉ có tiếng tu huýt ré lên liên tục. Tù lần lượt bước xuống cầu thang. Chiếc cầu thang không còn mang ý nghĩa của sự nối liền nhưng là sự chia cắt. Chia cắt với đất liền. Chia cắt giữa hiện tại và tương lai. Chia cắt giữa Sài Gòn thân yêu, gia đình, vợ con, với đọa đày trước mắt.

Bộ đội ghìm súng đứng hai bên sẵn sàng bắn vào tù nào dám phản ứng. Mẫn biết, nhưng hoảng loạn trong tuyệt vọng, bất ngờ hét lớn: “Bắn đi. Bắn đi…” rồi lao mình xuống dòng sông đêm.

Súng nổ.

Những tràng AK vang dội. Mọi khẩu súng khác đều hướng vào tù sợ bạo loạn.

Chuyện vừa xảy ra của Mẫn, với chuyện về cây ổi xá lị, rơi lại phía sau lưng. Tù bị đẩy nhanh về phía trước.

Con quái vật khổng lồ đang há mõm thật lớn nuốt vội vàng đám tù! Ngậm miệng, rồi vẫy sóng xa bờ.

Tù chen chúc nhau trong hầm tàu. Hầm tàu là một hộp sắt vuông vức, rộng như một hội trường lớn, vách bằng thép dày, han rĩ màu nâu đỏ. Về phía đuôi tàu, có một hành lang duy nhất với song sắt thưa ở trên cao, thông vào buồng lái và boong tàu, nơi đó mấy ông bộ đội đứng ghìm súng nhìn xuống.

Những cửa liên lạc với hầm tàu bên dưới đều đóng kín. Im ỉm.

Cả 2000 tù cộng với hành trang, chêm chặt như nêm. Thế ngồi co cụm, không đủ chỗ để duỗi chân. Có người ngồi trên sàn, có người ngồi trên túi quần áo, có người đứng để dễ thở hơn, nhưng nằm thì không đủ chỗ. Ngồi xuống sàn thì đầu gối gấp lại chân sẽ bị tê rất nhanh. Ngồi trên túi áo quần có chút thư giãn hơn nhưng cơ thể thì nghiêng ngửa không có điểm tựa. Có người thử tựa lưng vào nhau nhưng cũng không thể chịu đựng lâu. Đứng thì cũng không thể đứng hoài một chỗ không cử động. Cứ thế, hết ngồi lại đứng, hết đứng lại ngồi, tại một chỗ cố định. Người nào có nhu cầu tiêu tiểu thì cả một cực hình. Cái đệ tứ khoái của con người, giờ đây là một tai họa. Phải chen chân vào chỗ người khác ngồi, để lần từng bước, đi về hướng mấy cái buồng xí ở trung tâm hầm tàu. Nơi đó được che sơ sài, tạm bợ bằng vải bạt, chứa một số thùng phuy cắt ngắn, hai miếng gỗ đậy lên mặt có chừa một khe trống ở giữa. Nhiều người phùng mang trợn mắt, không còn ai giữ gìn ngôn ngữ trong tình huống nầy. Loại tử tế nhất là: đừng đạp lên đầu con nghe cha nội!

Khi càng âu lo về nhu cầu tiêu tiểu thì cơ thể hình như bị kích thích ngược lại. Cho nên nhu cầu sẽ nhiều hơn! Cố gắng ngồi yên thì có chút dễ chịu, nhưng đến khi buồn tiểu không thể nín được nữa thì cũng không thể đứng thẳng người lên được, vì bọng đái căng cứng, đau đớn. Ráng cố gắng lần mò đến được buồng xí thì mãi mười, mười lăm phút cũng không thể tiểu ra được, trong lúc cả hàng dài chờ đợi phía sau với đầy đủ điệu bộ, ngôn ngữ thô lỗ nhất!

Khi xuống tàu phải theo hướng dẫn của mấy ông cán bộ, đã chia thành từng ô cho từng đơn vị tù. Những đơn vị tù nào phải chịu vòng quanh khu mấy cái buồng xí thì quả thật là đại họa!

Con tàu đang đi về đâu? Với ba ngày lương khô thì có thể đi về đâu?

Ánh nắng buổi sáng chiếu lọt vài tia lẻ loi vào hầm tàu như những sợi chỉ lân tinh đầy sinh động. Mấy điểm sáng hình bầu dục rơi trên đám tù hay đọng trên vách hầm tàu, thu hút nhiều suy diễn về hướng đi của con tàu. Tù loại hải quân có thể ước tính thời gian tàu còn ở trong sông hay đã ra biển, đi về hướng nào, thời gian bao lâu.

Ra Bắc, Côn Đảo hay Phú Quốc?

Những khuôn mặt hốc hác, bơ thờ. Những đôi mắt của loài thú bị đông lạnh, sâu trũng, thâm quầng. Tuyệt vọng. Đã biết là tù, đi đâu cũng là tù, đến đâu cũng là tù, thế giới của tù thì nơi nào cũng như nhau, bị hăm dọa, đày ải giống nhau, nhưng tù vẫn mong được ra Côn Đảo hoặc Phú Quốc hơn là đi Bắc, dù Côn Đảo đã nổi tiếng trong lịch sử. Cái bén nhạy của tù cho biết dù là Côn Đảo vẫn còn hơn thiên đường ở miền Bắc. Trong lúc nầy, chỉ cần một địa danh nào đó còn liên hệ với miền Nam cũng là điểm bám víu trong bước khốn cùng!

Buổi chiều, khi thấy những giọt nắng bò dần trên vách trái về hướng mũi tàu, tù hy vọng sẽ được ra Côn Đảo hay Phú Quốc.

Cũng buổi chiều, quang cảnh trung tâm của hầm tàu bắt đầu đổi khác. Khu vực quanh các buồng xí dần dần trở nên mất trật tự. Những dòng tù hướng về đó vì nhu cầu khẩn thiết, đều bị cự tuyệt, phản đối. Đám tù quanh các buồng xí la ó, kêu gào. Những tù đã giải quyết xong nhu cầu, trên đường về trở lại, cũng bị la ó, phản đối. Phân người và nước tiểu tràn dần ra, chảy ướt chung quanh. Những đôi bàn chân tù đến đó hoặc trở về đều ướt đẫm. Cứ thế. Cứ thế. Nhầy nhụa từ từ lan dần khắp nơi. Tiếng văng tục, kêu gào, la ó từ trung tâm hầm tàu cũng lan dần, lớn dần ra chung quanh.

Mấy ông bộ đội ở trên cao vẫn ghìm súng nhìn xuống. Họ điếc đặc như những bức tượng! Người lái tàu chỉ có nhiệm vụ lái con tàu. Người cầm súng canh giữ chỉ có nhiệm vụ canh giữ. Không có ai giải quyết chuyện dưới hầm tàu hoặc đã được quyết định từ trên với ông hạm trưởng rồi (?) Tất cả đều im lặng như những con người máy. Tù chưởi rủa: tù nghe. Tù kêu gào, la ó: tù khô hơi tắc tiếng. Những con người máy vẫn đứng ở trên cao với khẩu súng! Đám tù vẫn kêu gào từ địa ngục. Địa ngục không thể cao dần lên. Địa ngục chỉ có chiều sâu. Thăm thẳm. Chiều sâu không bao giờ thấy đáy!

Sức khỏe cạn kiệt. Phải vật lộn với nhầy nhụa hôi thối mấy ngày đêm, đôi bàn tay không thể còn sạch nhưng không có nước để rửa. Chính mình phải sợ hãi đôi bàn tay của mình như của một người xa lạ! Đầu óc tù đã hoảng loạn hoặc đã thành đá, thành băng. Lũ tù là lũ heo đang ở trong chuồng, không phải là loại heo nuôi theo công nghiệp, nhưng là loại heo nuôi để lấy phân ở các chuồng vùng quê! Không cần biết nơi nào sẽ đến. Côn Đảo, Phú Quốc hay thiên đường miền Bắc, nơi nào cũng được. Phải đến. Con tàu phải dừng lại trước khi mọi người đi vào hôn mê.

Số tù di chuyển cùng xe với Nghiêm có chút may mắn hơn là được sắp xếp ở cạnh bên hông tàu, gần phía sau cùng. Độ nhầy nhụa, ướt át ít hơn. Dù vậy, mọi người đều phải ngồi lên túi áo quần và bên dưới đã bắt đầu ngấm nước! Khi không còn sức để gìn giữ, mọi việc đều phải buông trôi.

Không còn sức để lên tiếng, không còn nghe tiếng sóng vỗ bên ngoài, chỉ có tiếng máy tàu nổ đều đều ghê khiếp. Tiếng máy như lớn dần, lớn dần. Có phải tiếng T 54, tiếng M 113 hay là M 48 đang chồm tới, sắp cán qua người… trong hôn mê, hoảng loạn! Lượng nhầy nhụa và nước lại từ từ dâng lên, dâng lên gần đến mắt cá chân. Rồi lại từ từ rút dần xuống chỉ để lại nhớp nháp, nhèm nhẹp. Thì ra chiếc tàu đang chuyển mình! Nghiêng qua, đảo lại. Hai bên hông hầm tàu cứ như triều dâng, lúc đầy lúc vơi.

Lại đến lúc mấy chiếc quạt khổng lồ đang hút gió từ đại dương, thổi vào hầm tàu, bỗng im bặt! Không còn dưỡng khí, tù ngạt thở. Không khí như đặc lại. Mọi người đang lịm đi. Một số tù nào đó ở phía đuôi tàu, đang cố gắng kêu gào lần cuối cùng. Họ đang nâng một xác người trần truồng, mềm nhão, lên khỏi đầu, như đang dâng một con vật trong lễ tế thần. Ở hành lang phía trên kia, vẫn những bức tượng cầm súng. Điếc đặc!

Hơi người đọng lại chảy thành dòng trên vách sắt.

Khi ngạt thở con người thường dướn cổ dài ra hoặc chúi mũi vào góc kẹt tìm chút sinh khí. Hình ảnh con người trong các lò hơi ngạt thời Đức Quốc Xã đang bắt đầu.

Trong giây phút tử thần xuất hiện thì cánh cửa sắt khổng lồ trước mũi tàu từ từ mở ra. Một mảnh trời trong xanh cứ lớn dần, lớn dần. Luồng sinh khí tràn vào.

Biển nước trong xanh, trời trong xanh, không khí trong lành. Giây phút cõi thiên đường mở cửa!

Những chiếc quạt lớn để thông gió trong hầm tàu ngưng lại, không phải vì lý do kỹ thuật khi mở cửa con tàu![1] Chắc ông hạm trưởng đã nhận được lệnh trên, làm tù hoàn toàn kiệt sức, để tránh mọi phản ứng tuyệt vọng của tù khi đổ bộ lên bờ (?)

Tù dắt dìu nhau lội xuống biển. Tầm nước ngang ngực. Hành trang nổi lềnh bềnh trên sóng nước. Là không khí. Là nước. Là gió. Chưa bao giờ, tuyệt đối chưa bao giờ, tù cảm thấy tuyệt vời như vậy! Không một ai có thể hình dung ra được niềm hạnh phúc lớn lao nầy!

Nhìn lại, đây không phải là 2000 tù đang đổ bộ lên đảo! Là một đàn chim biển bị ô nhiễm sinh thái, do một chiếc tàu dầu khổng lồ nào đó bị tai nạn gây ra!

Tù lần lượt về các trại, trong liên trại tù binh Cộng Sản trước kia. Đơn vị tù bọn Nghiêm vào trại 11, liên trại 3. Hệ thống nước cũ trong trại đã bị phá hỏng. Mỗi người chỉ được cấp phát một ca nước làm vệ sinh cá nhân. Hành trang ba ngày đêm ướt đẫm không thể nào giặt, đành trải ra phơi. Không đủ chỗ, tù phải phơi cả trên nền cát. Cả trại tù như không phải của con người, là mùi vị, hang ổ của một loài thú ăn thịt sống lâu ngày!

Vào buổi chiều, ba ngày sau, bọn Nghiêm mới được dẫn ra ngoài tắm giặt. Đám tù vác toàn bộ hành trang đi trên con đường mòn, khúc khuỷu hơn hai cây số để ra biển. Vài căn nhà lá lụp xụp bên đường đã đốt hương đèn trên bàn thờ. Một bà mẹ quê đang ngồi làm thịt gà bên lu nước, cạnh bụi chuối. Mấy em bé đã mặc đồ mới, ngơ ngác nhìn tù. Ai đó trong đám tù mới sực nhớ ra, lên tiếng:

– Ba mươi Tết, chuẩn bị đón ông bà.

Một người khác tiếp:

– Không biết người Cộng Sản có ông bà không nhỉ?

_____

[1] Người viết đã phối kiểm với vài vị Sĩ Quan Hải Quân, được biết, không có lý do kỹ thuật nào bắt buộc khi mở cửa tàu phải tắt quạt thông gió.

Bình Luận từ Facebook