Hoàng Hưng
2-10-2017
Trải nghiệm bản thân:
1. Quen biết khá thân với nhà văn Nhật Tiến từ sau 1975 ở Sài Gòn, trước khi ông vượt biên (do tôi chơi rất thân với nhà văn Nhật Tuấn em trai ông). Sau khi VN “Đổi mới”, ông đã giúp tái bản một số tác phẩm Văn học Miền Nam và Văn học Hải ngoại ở VN và bị một số người “chống Cộng” lên án. Ông cũng giúp ra tập san “Văn học và dư luận” ở SG (tôi cùng Nhật Tuấn làm), ra được 3-4 số là bị rút giấy phép vì không “đúng đường lối”.
Mãi đến 2003 mới liên lạc với ông khi sang Mỹ lần đầu (làm việc với mấy đại học Mỹ). Vậy mà ông nói (qua ĐT): Rất muốn giới thiệu Hoàng Hưng với anh em văn báo nhưng chắc chưa tiện. Năm 2014, khi Văn Việt khởi thảo chuyên đề Văn học Miền Nam 54-75, tôi gửi thư riêng xin ông góp ý, bị ông mắng cho rất gay gắt vì cái tựa đề dự kiến “Văn học Đô thị miền Nam”. Thư của ông lọt trên mạng, tôi bị một số nhà văn hải ngoại mắng tiếp té tát, tuy đã cho sửa ngay sau khi nhận thư Nhật Tiến rồi mới công bố. Nhưng sau đó ít lâu, nhà văn Nhật Tiến trở thành 1 tác giả quý của trang Văn Việt. Và 2 lần gặp nhau gần đây trên đất Mỹ thật vui, cảm động, khi sức khỏe ông đã kém nhiều.
2. Sang Mỹ rất nhiều lần (từ 2003), mà mãi 2016 tôi mới “dám” chính thức gặp mặt các bạn văn báo người Việt ở Mỹ. Buổi đầu tiên là ở nhà riêng nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình, có đông nhà văn, nhà báo, trí thức, cả các vị thủ lãnh cộng đồng người Việt miền Đông Hoa Kỳ. Tôi được mời phát biểu. Có 2 ý tôi nói mà cũng hơi ngại bị ném đá nên “rào trước: “Tôi xin nói rất thật những gì mình nghĩ, quý vị có đồng ý hay không, tôi vẫn nói”.
A. Xin đừng đổ hết mọi cái xấu ở VN cho CS. Có nhiều cái xấu là từ bản tính người Việt, mà CS khai thác tối đa như: ganh ghét, chia rẽ, bè phái… nâng lên thành đấu tranh giai cấp, đấu tranh tư tưởng. Lịch sử VN rất oái oăm: tại sao lúc ban đầu, rất đông trí thức VN đi theo CS (trong đó có ông thân sinh của tôi, được đào tạo rất sớm bên Pháp, nhưng 1954 đã từ chối lời mời của ông Ngô Đình Diệm vào Sài Gòn tham gia chính quyền, ở lại thay mặt nhân dân Hà Nội đón ông HCM?). Nay hầu như ai cũng biết con đường CS là sai, vấn đề là tìm cách thoát ra thế nào cho thực tế, hiệu quả, mà không núi xương sông máu lần nữa.
B. Trả lời câu hỏi của nhà khoa học Trương Vũ (vì sao đến nay chưa có tác phẩm lớn về chiến tranh VN?), tôi nói: một lý do quan trọng là hình như chưa có tác giả nào vượt lên trên các phe phái để nhìn lịch sử như tấm lòng người mẹ VN nhìn những đứa con trong nhà đánh giết nhau.
Nói xong, tôi không bị “ném đá” mà được… hoan hô!
Ảnh chụp trong buổi ra mắt các nhà văn, nhà báo, trí thức người Việt ở Mỹ – Virginia, tháng 10/2016
Tạm kết luận: sau 70 năm chia rẽ khốc liệt, muốn “hòa giải, hòa hợp” phải mất 1 quá trình dài, trong đó trước hết phải hoàn toàn “thật lòng”, đâu thể dễ dãi “vui vẻ cả” qua vài cuộc liên hoan bia bọt, phải không ạ?
Đừng hô hào hòa hợp hòa giải nữa! Cả hai phía hảy tạo điều kiện cho lớp trẻ đấu tranh cho nhân quyền , đân chủ xây dựng đất nước văn minh. Hảy phơi bày cái sai, cái đúng của cả hai phía một cách trần trụi để lớp trẻ học được kinh nghiệm xương máu, xây dựng tương lai. Hòa giải như các ông chỉ tổ để xuề xòa uống bia, uống rượu với nhau rồi lại chửi nhau tiếp mà thôi! Các ông và cả cha các ông đã bị lừa rồi, đừng vì tự ái, sỉ diện của mình mà tiếp tục lừa con cháu nữa!