Tỉnh Thức Về Dân Quyền Để Tránh Hoạ Diệt Vong

Đỗ Kim Thêm

2-10-2017

Hiện trạng

Nếu ĐCSVN thức thời tận dụng các tiềm lực của miền Nam đúng mức và chuyển hướng đúng lúc sau khi thống nhất, thì Việt Nam đã có một vận hội mới để xây dựng thành một quốc gia dân chủ, phú cường và văn minh.

Nhưng đến nay, thời gian qua đã quá đủ để chứng tỏ là ĐCSVN chỉ còn biết dùng bạo lực trấn áp để bảo vệ chế độ và không còn đủ sức để giải quyết các vấn đề sinh tử cho đất nước. Cụ thể là nợ công tràn ngập và thất thoát ngân sách làm cho kinh tế nội địa bế tắc, đất nước cạn kiệt môi sinh, suy đồi đạo đức, lạc hướng giáo dục, vi phạm nhân quyền, bất ổn xã hội, tất cả làm tình hình ngày càng trầm trọng hơn. Gần đây nhất là tổ chức khủng bố của công an tại hải ngoại vừa làm ô danh ngoại giao với phương Tây, vừa công khai lừa dối dân chúng.

Khi đại hoạ Bắc thuộc là thực tế, thì các hy vọng về phát huy dân chủ, tăng trưởng kinh tế và công bình xã hội chỉ còn là ảo vọng: Tổ quốc đang lâm nguy là hiện trạng báo động.

Nguyên nhân

Ai tạo ra các thảm họa hiện nay cho đất nước? Đảng hay dân chúng? Cả hai.

Đảng?

Đảng chi phối toàn bộ mọi sinh hoạt của đất nước với mô hình: “Đảng lãnh đạo nhà nước, quản lý nhân dân, làm chủ đất nước”. Cơ chế chính trị này mang quá nhiều tác hại khôn lường.

Một là, hiệu ứng của Mật ước Thành Đô đã thể hiện khi Đảng phải dâng đất và biển cho Tàu để có hỗ trợ chính trị. Hiện nay, Đảng phải tìm cách thân Mỹ để tìm chính danh, nhưng Mỹ không quan tâm Việt Nam đúng mức và Mỹ cũng không có phép lạ làm chuyển biến nội tình cho Việt Nam.

Hai là, ĐCSVN biến Việt Nam thành một nền kinh tế trọng thương bất phú, tư bản thân tộc và xã hội thị trường. Đảng không cần chứng minh có khả năng lãnh đạo và đáng được hưởng thành quả tương xứng. Chuyện lạ nhất thế giới là Đảng viên không bị truy tố theo pháp luật khi sai phạm mà chỉ bị kỷ luật và xử lý nội bộ; thậm chí có trường hợp mà cả nước không ai dám gọi đích danh phạm nhân và còn ca ngợi là người tử tế.

Giải pháp trước mắt là tận diệt tham nhũng. Lý giải này đúng một phần về nguyên nhân và sai là về thực hiện: biện pháp không triệt để vì chỉ là để thanh toán các phe nhóm tranh ăn lẫn nhau, luật lệ không nghiêm minh và tài sản bất chánh của lãnh đạo bất lương đã theo con cháu ra ngoại quốc từ lâu. Chống tham nhũng là quan trọng nhưng giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ và tồn vong của dân tộc trở thành sinh tử hơn bao giờ hết.

Dân chúng?

Quyền dân tộc tự quyết là thiêng liêng, tối thượng và bất khả xâm phạm, nhưng toàn dân chưa bao giờ có cơ hội và đủ can đảm hành xử quyền này. Hội nghị Diên Hồng là một trường hợp duy nhất trong lịch sử. ĐCSVN chưa bao giờ hỏi toàn dân muốn gì để giải quyết các vấn đề trọng đại của đất nước. Đâu là lý giải cho thực trạng này?

Một là độc tôn Đảng quyền. Đảng khám phá ra được hai chữ “Nhân Dân” và nhờ thế Đảng định đoạt thay cho toàn dân, nằm trên và ngoài hệ thống pháp luật. Việc phát động các cuộc đấu tranh chống Pháp và Mỹ là Nghị Quyết của Đảng; về hiệu lực pháp lý của Bản Tuyên ngôn Độc Lập, Hiệp định Genève và Paris thì không ai đặt ra quyền phúc quyết của toàn dân theo thủ tục hiến định.

Hai là vi phạm thẩm quyền lập hiến. Việt Nam chưa bao giờ có một Hiến Pháp thể hiện đúng theo ý chí chung sống của toàn dân và là một khuôn mẫu quy phạm chung cho toàn xã hội, mà chỉ là một bản sao Nghị Quyết của Đảng về những đường lối đấu tranh.

Hiến Pháp có xác định thẩm quyền lập hiến là chủ quyền của nhân dân, nhưng lại đề cao vai trò tối thượng của Quốc Hội, một cơ chế Đảng cử dân bầu và không phân định rõ phạm vi. Tất cả quyền lực của Nhà nước đều thuộc về nhân dân nhưng người dân không thể thực hiện quyền này trong thực tế, vì phải thông qua Quốc Hội và Hội đồng Nhân dân. Quốc Hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp và chỉ có Quốc Hội mới có quyền sửa đổi Hiến Pháp.

Hiến Pháp không minh thị thẩm quyền phúc quyết, đó là một sự thiếu nhất quán trong quy định quyền lực của nhân dân. Hiến Pháp không phát huy đúng mức quyền làm chủ của nhân dân vì cho phép Quốc Hội không thực hiện trưng cầu dân ý, một lổi hệ thống. Đây là hai đặc thù nhưng cũng là một nghịch lý cho đất nước.

Tại sao người dân lại chấp nhận như vậy? Phải chăng là vì các biện pháp đàn áp và mua chuộc của Đảng thành công đến độ phải khuất phục? Phải chăng chỉ còn di cư, vượt biên hay hạ cánh an toàn là giải pháp? Phải chăng không ai còn sức lực và cơ hội đấu tranh và chỉ sống trong tinh thần nô lệ tự nguyện? Có nhiều câu hỏi về sức mạnh dân tộc mà không có ai có thể trả lời một cách thoả đáng.

Giải pháp

Để đất nước có thể khởi đầu cho một kỷ nguyên mới, chúng ta hãy tỉnh thức và phải đòi quyền dân tộc tự quyết để buộc Đảng phải trả.

Để đạt được mục tiêu, chúng ta nên can đảm hơn để sống trong sự thật, sống tự do trong một đất nước không tự do, dám đối kháng đòi ĐCSVN phải tạo ra những giá trị mới cho Hiến Pháp. Đó là điều kiện khởi đầu. Tại sao? Vì chúng ta muốn là tự đặt mình trong khuôn khổ của luật Hiến Pháp mới.

Việt Nam hoàn toàn không có một khế ước nguyên thủy giữa người dân và  chính quyền theo ý nghĩa của một contrarius originarius trong lý thuyết Luật học, một vấn đề nền tảng cho Hiến Pháp. Vì thế, chính quyền không thể giải quyết các vấn đề chung sống trong xã hội và dân chúng không thể  thoát khỏi tình trạng vô luật lệ. Khế ước nguyên thuỷ là một vấn đề khái niệm ưu tiên.

Hiện nay, khái niệm NNPQXHCH không đủ sức thuyết phục, khái niệm về chuyên chính vô sản đã bị chôn vùi; khái niệm thế lực phản động cũng không phù hợp trào lưu dân chủ hoá; những khái niệm về đối lập, quyền tư hữu và tự do báo chí tư nhân cũng không được chấp nhận. Khi toàn dân can đảm nói lên được là mình thực sự muốn gì và Đảng phải đồng tình thì kết quả này sẽ trở thành vấn đề kỹ thuật cho các nguyên tắc hiến định và có tác dụng hình thức căn bản khởi đầu cho một Hiến Pháp Tự Do (constitutio libertatis). Tất cả các khó khăn về khái niệm sẽ được làm lại khi lòng dân đủ mạnh để ý Đảng phải tuân theo và một khế ước nguyên thủy hình thành. Điểm chính là toàn dân sẽ cùng gặp nhau trong một điểm chung nhất định, đó là lòng yêu nước.

Tình thế đổi thay, lòng yêu nước ngày nay phải khác xưa và có một nội dung cảm xúc mới, đó là toàn thể phải biết nổi giận trước hiểm hoạ diệt vong, khinh bỉ thái độ hèn với giặc và ác với dân, đồng cảm với bất hạnh của người cô thế, tìm hiểu, mến yêu và bảo vệ những giá trị phổ quát và cao cả của Hiến Pháp Tự Do mà nguyên tắc dân chủ đại nghị, tam quyền phân lập, tôn trọng thực thi nhân quyền và dân quyền và bảo vệ thiên nhiên là các giá trị mới.

Ý Đảng?

Theo quan điểm lịch sử, Đảng muốn cầm quyền toàn diện, triệt để và muôn đời. Cho dù các biến động tại Liên Xô và Đông Âu sau 1989 là một phản chứng lịch sử, nhưng Đảng không thay đổi các lập luận bảo vệ và không muốn tự bỏ điạ vị cai trị. Đảng chưa phân biệt được một sự thật đơn giản: dân tộc là vĩnh cữu, không phải là chế độ chinh trị.

Thực tế cho thấy mọi chế độ chính trị thịnh rồi suy, chỉ có thể đem lại một giải pháp tạm thời cho các vấn đề của đất nước. Quan trọng nhất là Luật Hiến Pháp sẽ làm nền tảng cho các nguyên tắc tổ chức chính quyền và xã hội. Khi uy lực nghiêm minh của pháp quyền loan toả và tinh thần trọng pháp của chính quyền và dân chúng lên cao, đó là cơ sở để làm ổn định cho việc phát triển chính trị dân chủ.

Lòng dân?

Có hai phạm vi khác nhau cần phân biệt, đó là nhân quyền nguyên thuỷ là bẩm sinh và lòng mong muốn của người dân sống trong một chế độ chính trị. Lòng dân mong gì trong thực tế? Muốn sống đời tự do đích thực hay nô lệ trong chế độ độc tài?

Tĩnh thức thân phận là vấn đề kiến thức; tìm lại tự do cúa chính mình đã mất nhằm xác định ý muốn để hành động là vấn đề quyết tâm. Bất phục tùng của người dân không phải là sử dụng bạo lực mà là không còn muốn hỗ trợ cho bạo quyền tiếp tục cai trị.

Kinh nghiệm về lòng dân của miền Nam trước 1975 còn đó. Dân chúng hỗ trợ cho MTGPMN thường là bao che cho thân nhân tập kết theo Cộng sản hoặc muốn yên thân mà thờ ơ trước các biến chuyển của thời cuộc. MTGPMN còn móc nối được một thành phần mới hoạt động tích cực hơn được gọi chung là ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản. Họ trực tiếp hay gián tiếp làm việc cho MTGPMN trong tinh thần chống Mỹ cứu nước. Đa số dân chúng không ý thức là họ làm suy yếu miền Nam trước hiểm hoạ xâm lăng của Cộng Sản.

Trong khi cấu trúc của chính quyền VNCH còn phôi thai và cần nhiều thời gian và nỗ lực để xây dựng, nhưng giới lãnh đạo lại không tìm ra một khái niệm phù hợp để có thể đấu tranh chính trị với đối phương. Ý thức về một thể chế cộng hoà và dân chủ cũng chưa được phổ biền qua chương trình giáo dục công dân. Tình trạng chung là bất ổn chính trị liên tục tạo ra chính phủ không đoàn kết; bộ máy hành chánh quá nặng nề, sinh hoạt công quyền đều lệ thuộc vào tham nhũng, phân hoá chính trị là vì tinh thần kỳ thị địa phương và dị biệt tôn giáo; tất cả các yếu tố này làm xã hội ung thối và gây thuận lợi cho Cộng sàn thành công về địch vận và ngoại vận.

Ngày nay, dù có thuận lợi là được trang bị vũ khí tối tân, nhưng ĐCSVN đang thất bại trong việc thu phục nhân tâm với nhiều lý do tương tự. Lòng dân chưa tỏ ra quyết liệt về thái độ thần phục Bắc triều của Đảng, yếu tố này gây thuận lợi cho tiến trình Hán hoá. Lịch sử thương đau của sự sụp đổ miền Nam đang lập lại trong một bối cảnh mới với quy mô cả nước và tốc độ trầm trọng hơn. Nếu muốn sống vô cảm và chờ đợi hạnh phúc giả tạo do bạo quyền bố thí, thì người dân sẽ không thể thoát khỏi hiểm hoạ Bắc thuộc. Sự chọn lựa là khẩn thiết hơn, dù chỉ là các suy đoán

Suy đoán?

Đảng tự hào thu phục nhân tâm khi dựa vào thành tích đấu tranh giải phóng và Đổi Mới; thế hệ tham chiến tự hào là từ ngày có Đảng đã một lòng một dạ đi theo Đảng; thế hệ hậu chiến trưởng thành và đồng tình cho các thái tử Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước.

Thiểu số đã có một số góp ý sửa đổi trong sự dè dặt thường lệ hoặc với tất cả thiện chí. Đóng góp này dù rất đáng được trân trọng nhưng không gây tiếng vang vì tiếp tục chấp nhận duy trì nguyên trạng vô luật pháp. Các phản biện cũng không phải là chung quyết của tất cả dân Việt, nên chưa phải là một khởi điểm cho tiến trình cải cách triệt để.

Dù ý thức về bất công xã hội càng tăng, người bất đồng chính kiến thấy mình là thiểu số; vì họ không thể xác định được mức độ. Hiện nay, niềm tin của dân chúng về sự lãnh đạo của Đảng không còn. Đã đến lúc Đảng không thể suy đoán thiếu cơ sở mà cần xét lại xem lòng dân đích thực muốn gì, đó là một mệnh lệnh của thời đại.

Các phương pháp thăm dò lòng dân về nguy cơ diệt vong là không được phép. Ý kiến của toàn dân trước vấn đề hệ trọng của đất nước cần được tìm hiểu, luận chứng và trình bày công khai với các phương pháp thăm dò dư luận một cách khoa học khả tín; đó là một chuyện dễ làm, xảy ra hàng tuần và hằng tháng tại các nước phương Tây, nhưng chưa hề có tại Việt Nam.

Làm gì?

Nguyên ủy cho mọi chuyển động tương lai của đất nước là cần xác định lòng dân, một tiền đề theo phương cách khách quan cho mô hình tương lai của Hiến Pháp mà điều kiện khả thi cần có là tỉnh thức của Đảng và dân chúng.

Tỉnh thức của Đảng?

Có nhiều suy đoán về các chuyển biến, nhưng không ai có thể biết chính xác. Vũ khí của Đảng hiện nay không còn là độc quyền ban phát chân lý của Ban Tuyên Giáo và bạo lực của Công An mà là lập luận của lý trí dựa trên khái niệm pháp luật để thuyết phục, một hình thức mà Đảng tự khai sáng và vận dụng.

Trong bối cảnh mới, Đảng phải tự diễn biến hoà bình, tạo thu hút hơn bằng cách chấp nhận thảo luận là một trò chơi mới và đồng ý với kết quả luật chơi khi tham dự. Đảng cần lập luận và thuyết phục dân chúng, không phải chỉ đem hết sức ra mà đấu đá nội bộ đến chết người và tàn ác với dân như là thế lực thù địch mà hãnh diện gọi là dân chủ vạn lần hơn các nước phương Tây, một thực tế thương đau hơn là khi hèn với giặc mà ca ngợi là hợp tác toàn diện.

Đảng là người đầy tớ của nhân dân, đại biểu trung thành của giai cấp, có thành tích trong chiến tranh chống Mỹ và Đổi Mới, tất cả các thành tích này không bảo chứng cho Đảng có khả năng lãnh đạo đất nước trong thời kỳ hiện đại. Lập luận này cũng không phải là khái niệm pháp luật có thể tạo ra sự đồng thuận của dân chúng về hình thức cai trị và chính danh cho một nhà nước pháp quyền.

Tỉnh thức của dân chúng?

Toàn dân phải có ý thức về việc sử dụng quyền dân tộc tự quyết. Đây là chuyện xa vời vì đa số luôn xem cơm áo là thực tế quan trọng nhất; quyền lực, thân tộc và tiền là phương tiện tốt nhất để giải quyết mọi tranh chấp; nếu luật pháp là không cần thiết trong đời sống hằng ngày, thì việc sử dụng thẩm quyền lập hiến không thể đặt ra. Họ có lý do để thờ ơ về vai trò của luật pháp.

Cảm nhận giá trị về dân quyền là kết qủa của một nền giáo dục tự do, nhân bản và trọng pháp, nó mang lại kiến thức và trở thành ý thức cho người dân. Nhưng lạc hướng giáo dục nên chỉ làm ngu dân, các tác dụng khai dân trí không thể đạt được.

Ngược lại, một thực tế sinh động khác đang xảy ra: các cuộc biểu tình của dân oan đòi công lý, bảo vệ lãnh thổ, biển đảo, ngư dân, sáng tỏ những cái chết do bạo lực công quyền trở thành bức thiết hơn bao giờ hết. Đó là những tín hiệu khởi đầu cho một sự bất ổn thường trực, làm cho động loạn xã hội trầm trọng hơn mà chính quyền sẽ tập trung hết nguồn lực và  cũng không thể giải quyết.

Ở đây, phải kể đến các phương tiện truyền thông xã hội đang nối kết mạng lưới thông tin hiện đại. Tuy là trong thế giới ảo, nhưng cộng đồng mạng là tác nhân tạo nên một hệ thống thông tin trung thực và nhanh chóng cho đa số. Tác dụng của các chương trình khai dân trí và xướng nhân quyền làm kiến thức và ý thức của dân chúng được nâng cao; phản ứng của xã hội dân sự có hiệu ứng làm thay đổi chính kiến nhiều hơn so với trước đây, mà kết quả các góp ý, thỉnh nguyện, giải ảo và phản hồi trong và ngoài nước là thí dụ.

Dù tỉnh thức của dân chúng có trong mức độ, nhưng cũng khó xác định chiều hướng và tốc độ chuyển biến toàn xã hội dân sự thành một triển vọng khả tín.

Ai mang lại giải pháp?

Bạo lực của Đảng quyền hay sức mạnh mềm của xã hội dân sự, ai sẽ thắng ai? Trước mắt, không ai biết được vì trận chiến vừa khởi đầu. Nhưng thành tích đấu tranh bất bạo động của Mahatta Ghandi là một biểu tượng. Tình hình của Việt Nam ngày nay không thể phức tạp hơn Ấn Độ trước đây.Trong các tranh luận về việc Đảng và dân muốn gì, thì các lập luận này của cả hai phải cùng tuân thủ theo lý trí trong tinh thần trọng pháp. Đảng không thể giử mãi độc quyền ban phát chân lý và tận dụng bạo lực, còn toàn dân tiếp tục thản nhiên trước hoạ diệt vong của giống nòi.

Nếu dân chúng là vấn đề mà Đảng có thể đem lại giải pháp, thì chính danh của Đảng thêm ngời sáng. Thay vì thuần phục Tàu và chờ Mỹ thả tín hiệu, Đảng nên có can đảm hỏi lòng dân đang muốn gì, đó là vấn đề. Ngược lại, khi dân chúng ý thức rằng sẽ đem lại giải pháp cho đất nước  thì mức độ tỉnh thức sẽ cao hơn và việc đòi hỏi trả lại dân quyền là một cơ hội lịch sử để toàn dân tham gia.

Triển vọng

Lịch sử của đất nước là sự phát triển tất yếu của tinh thần dân tộc. Bao thế hệ đã thử nghiệm tiến trình phát triển này, họ hãnh diện vì đã đổ máu xương nhưng phát hiện ra là lạc đường lịch sử; họ lầm lẫn vì bị lừa đảo mà cái gian dối và độc ác đã chiến thắng và cuối cùng toàn dân tộc đại bại. Dù nhận trách nhiệm cho tương lai của đất nước, đa số thuộc thế hệ hậu chiến quên đi kinh nghiệm về sự thờ ơ chính trị của người dân miền Nam trước năm 1975, nay lại tiếp tục lạnh lùng trước thảm hoạ diệt vong.

Đảng đã tước đoạt quyền dân tộc tự quyết và không tận dụng các cơ hội để canh tân đất nước và con người; toàn dân chưa bao giờ có ý thức hành sử dân quyền. Cả hai đã cùng gây thảm hoạ và đến nay đều chưa thể hiện đúng mức các nỗ lực tất yếu để chuyển hoá cho đất nước. Dân đang muốn gì và làm gì, Đảng còn có khả năng lãnh đạo được ai và đất nước rồi sẽ đi về đâu? Đó là các vấn đề sôi bỏng cần thảo luận để giúp chúng ta nhận ra các điều kiện thay đổi đất nước lạc hướng và con người lạc hậu.

Tỉnh thức về dân quyền để làm thay đổi vai trò của Đảng và Hiến Pháp không là mơ ước hàn lâm hoang tưởng mà là một khảo hướng thực tiễn. Nhận chân các giá trị này là vấn đề tỉnh thức hiện trạng và thực hiện là vấn đề quyết tâm chuyển hướng.

Việt Nam đang cần có một cuộc tái khởi động lịch sử, dù là đã quá muộn. Đã đến lúc toàn dân cùng nhau: Hãy Tỉnh Thức Về Dân Quyền: Dân phải đòi và Đảng phải trả để tránh hoạ diệt vong.

***

Giới thiệu sách mới của tác giả sắp xuất bản:

Nhà Nước Pháp Quyền: Kinh Nghiệm Quốc Tế về Lý Thuyết và Thực Tế

Rule of Law là một thành tựu kết hợp từ văn hoá, giáo dục, luật pháp và lịch sử của các nước phương Tây mà Việt Nam đã đến lúc cần chọn lọc và tiếp thu các tinh hoa này để xây dựng một thể chế nhà nước pháp quyền. Để đạt được tính nghiêm minh, luật pháp cần có một sức mạnh vô hình, nhưng không phải là do huyền thoại tôn giáo, cuỡng chế kinh tế và bạo lực của quân đội và công an. Khi người dân và chính quyền có tinh thần trọng pháp, thì luật pháp sẽ trở thành phương tiện hữu hiệu để giải quyết các tranh chấp xã hội, quốc gia và quốc tế.

Phần lý thuyết giới thiệu nội dung của Rule of Law tại các nước Anh, Pháp, Đức và Hoa Kỳ, khái niệm luật pháp của Herbert Lionel Adolphus Hart (Anh), Immanuel Kant (Đức)và Emmanuel Joseph Sieyès (Pháp).

Phần thực tế nêu lên các triển vọng và thách thức khi du nhập thể chế pháp quyền tại các nước đang chuyển đổi, vai trò Toà Bảo Hiến tại các nước Đông Âu và điều kiện cá nhân và xã hội để nâng cao tinh thần trọng pháp tại Việt Nam.

Global Governance of Competition Law and Policy: Key Issues

What should the global governance of competion serve? Why do major emerging market countries have no resources to take charge of the future competition regime? Why do developed countries have no incentive to support this project? How do international institutions make this approach happen? Is a shift of climate in international politics needed for it to be possible to thrash out a new cooperation?

This is an erudite, rich, and realistic book about the paradox of the need for a global (albeit flexible) competition regime and the practical impossibility of achieving one under traditional conceptions. . . .

The author delves deeply into international relations theory, global political strategies, the nature of cultural differences, the history, evolution and capacities of the international institutions, the emergence of regional institutions, the impacts of business firm practices, discourses and norms, and the needs of developing countries, in clear, readable, rewarding and sometimes provocative prose.

Fox, Eleanor, Walter J. Derenberg Professor of Trade Regulation at New York University School of Law.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây