Thạch Đạt Lang
16-8-2017
Cuối tuần vừa qua, báo chí Việt Nam ở hải ngoại hầu hết tập trung vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, nên một biến cố xảy ra ở Charlottesville, Virginia ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý người da màu ở Mỹ đã không được chú ý. Biến cố không quá lớn để làm rung chuyển nước Mỹ nhưng vì phản ứng chậm chạp, tránh né vấn đề của tổng thống Donald Trump, đã khiến người dân Mỹ phẫn nộ.
Một vụ bạo động của nhóm thượng tôn sắc tộc da trắng (White Supremacists) dùng xe hơi lao vào đám đông đang biểu tình chống phân biệt chủng tộc vào ngày thứ bảy 12.08.2017, gây thiệt mạng cho cô Heather Heyer, một phụ nữ 32 tuổi, cũng như làm nhiều người khác bị thương, ở Charlottesville, tiểu bang Virginia.
Một ngày sau biến cố, ông Donald Trump đã lên tiếng trên Twitter, nhưng tìm cách lãng tránh vấn đề, bằng cách đổ lỗi mọi phía, không dám gọi tên nhóm thủ phạm chính gây ra sự cố này là những người da trắng kỳ thị chủng tộc. Trump viết trên Twitter hôm Chủ Nhật 13/8: “TẤT CẢ chúng ta phải đoàn kết và lên án TẤT CẢ sự thù ghét mà nó đại diện cho. Không có chỗ cho loại bạo lực này ở Mỹ. Tất cả chúng ta hãy đến với nhau như một!”
Dù Trump không gọi tên bất kỳ nhóm nào, nhưng Trump đã bị David Duke, cựu thủ lĩnh KKK, thuộc nhóm Tân Phát xít, đã viết trên Twitter, khuyên Trump nên soi gương lại để biết ai đã đưa mình lên địa vị tổng thống.
Sau khi lên tiếng chỉ trích tất cả mọi phía, Trump bị lên án từ nhiều phía, trong đó có cả đảng Cộng Hòa lẫn đảng Dân Chủ. Dưới sức ép của người dân, những người đứng đầu các doanh nghiệp và các chính trị gia Mỹ, cuối cùng ông Trump buộc phải lên tiếng, gọi đích danh phần tử KKK, Tân Phát xít và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là độc ác.
Trên cương vị tổng thống, phản ứng của ông Trump được đánh giá là quá chậm. Bởi nếu Trump có một lời giải thích đúng với sự thật sau khi biến cố xảy ra, đúng với truyền thống nước Mỹ, có thể giúp an ủi tinh thần, làm giảm đau đớn cho gia đình nạn nhân và người dân sẽ không quá lo lắng trước một viễn cảnh tồi tệ về nạn phân biệt chủng tộc trỗi dậy.
Donald Trump đã bị ép buộc, thật lòng ông ta hoàn toàn không muốn lên tiếng gọi đích danh những kẻ khủng bố, bởi vì chính những phần tử bạo loạn đó đã ủng hộ ông, “đưa ông lên làm tổng thống” như lời của David Duke.
Các nhóm Tân Phát xít ăn mừng, đánh giá sự thụ động của Trump là sự yểm trợ ngấm ngầm hành động của chúng. Sau khi nhiều người Mỹ xuống đường tại hơn 800 địa điểm trên nước Mỹ, chống lại phái hữu cực đoan, cùng những cuộc tranh luận công khai diễn ra gay gắt về tệ nạn phân biệt chủng tộc, cũng như con gái ông ta là cô Ivanka cùng các giám đốc điều hành của các tập đoàn công nghiệp lớn nhất ở Mỹ, đồng loạt công khai lên án bạo động, ông Trump mới buộc lòng phải mở lời lên án bọn kỳ thị chủng tộc.
Lời tuyên bố của Trump hôm thứ hai về vụ bạo động đã không đúng với tầm mức quan trọng của sự việc. Trump là một con người cứng rắn, cương quyết và nóng tính. Nếu biến cố do người Mexico gây ra, chắc chắn Trump sẽ chửi rủa gay gắt: “Đó là bọn tội phạm, buôn bán ma túy, những kẻ hiếp dâm”, hoặc nếu thủ phạm là người Hồi giáo, Trump sẽ chẳng ngần ngại gì mà không nói: “Họ thù ghét chúng ta, họ muốn tiêu diệt chúng ta”.
Cũng không quá khó khăn để tưởng tượng, Trump sẽ phản ứng như thế nào nếu thủ phạm là một người ngoại quốc. Cơn giận dữ của Trump sẽ bùng nổ ngay sau khi nhận tin tức và có thể sẽ có một sắc luật điên cuồng nào đó được ký vào sáng thứ hai chứ không phải chỉ là những lời tuyên bố yếu ớt, kết án chung chung.
Phản ứng của Trump về biến cố ở Charlottesville, thật ra chẳng có gì khó hiểu. Dù luôn phủ nhận mọi sự liên hệ với nhóm KKK nhưng Trump không muốn mất đi sự yểm trợ của đám phát xít, cực hữu này. Cựu thủ lãnh KKK, ông David Duke là người đã đăng tải trên Twitter chúc mừng Trump ngay sau khi ông ta đắc cử tổng thống như sau: “Chúa ban phước cho Donald Trump! Đã đến lúc làm đúng. Đến lúc lấy lại nước Mỹ!”
Trang mạng The Daily Stomer của tổ chức Tân Phát xít, viết về phản ứng trì hoãn của Trump như sau: “Ông thương yêu tất cả chúng ta”. Nguyên văn: ‘He Loves Us All’.
Kể từ khi vụ bạo loạn chấn động nước Mỹ xảy ra hôm thứ Bảy vừa qua, đã có 4 lãnh đạo rút lui khỏi Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Trump. Hôm thứ Hai, ngày 14.08.2017, ba lãnh đạo cao cấp nhất trong ngành công nghiệp Mỹ đã rút lui khỏi hội đồng cố vấn này, là các CEO: Ken Frazier – công ty dược phẩm Merck, Kevin Plank – Under Amour Inc., là công ty sản xuất quần áo thể thao và Brian Krzanick – hãng Intel, công ty sản xuất Chip cho computer lớn nhất thế giới.
Nối tiếp sự từ chức của 3 lãnh đạo nói trên, sáng hôm sau 15.8.2017, ông Scott Paul, chủ tịch Alliance for American Manufacturing cũng đã rút lui. Ông Paul viết trên Twitter như sau: “Tôi từ chức khỏi Hội đồng này là vì đó là điều đúng đắn mà tôi phải làm”.
Brian Krzanick đã viết hôm qua: “Sáng sớm hôm nay, tôi đã rút lui khỏi Hội Đồng Cố Vấn Công Nghiệp Mỹ. Tôi từ chức để kêu gọi mọi người quan tâm đến sự tổn hại nặng nề vì sự chia rẽ chính trị đang gây ra bởi những vấn đề chính trị, cùng với những câu hỏi cần thiết đặt ra, vì sao có sự suy thoái của nền công nghiệp Mỹ”.
Sự đồng loạt rút lui khỏi Hội đồng Cố vấn của các Giám đốc Điều hành các ngành công nghiệp hàng đầu ở Mỹ, khiến cho Tổng thống Trump trở thành người anh hùng càng lúc càng cô đơn hơn. Đến bao giờ thì nước Mỹ sẽ vĩ đại trở lại dưới triều đại của Donald Trump?
© Copyright Tiếng Dân