Nhã Duy
20-10-2020
Nếu Phó TT Joe Biden đắc cử tổng thống Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử lần này, ông sẽ là tổng thống Mỹ người Công Giáo thứ nhì sau Tổng Thống John F. Kennedy.
Là một cộng đồng đức tin chiếm khoảng một phần năm dân số Hoa Kỳ, người Công Giáo hay Cơ Đốc Giáo nói chung đã đóng vai trò quan trọng trong các cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ. Câu hỏi đặt ra là, liệu lá phiếu cử tri của người Công Giáo sẽ như thế nào với những ứng viên thuộc đảng Dân Chủ như Joe Biden?
Trong vòng hai thập niên qua, hầu như các liên danh tranh cử tổng thống đều có ứng viên là người Công Giáo. Tuy nhiên, như những cộng đồng đức tin khác, không phải lúc nào cộng đồng người Công Giáo Hoa Kỳ cũng sẽ dồn phiếu cho ứng cử viên có chung đức tin với mình. Lịch sử cho thấy họ cũng đã bỏ phiếu cho các ứng viên có liên đới chính trị đi ngược lại một số chuẩn mực của giáo hội nhưng lại chia sẻ những nền tảng và giá trị đức tin theo luân lý cùng tinh thần bác ái qua chính đời sống đạo đức, thực thi theo tinh thần đức tin, bất kể quan điểm chính trị thế nào.
Đó là lý do các cử tri Công Giáo Hoa Kỳ không phải lúc nào cũng bỏ phiếu cho ứng viên đảng Cộng Hòa và ngược lại, họ cũng đã bỏ phiếu cho các ứng viên thuộc đảng Dân Chủ, cho dù đảng này có đường lối cấp tiến trong một số vấn đề xã hội chưa được chấp nhận theo giáo luật như đồng tính, phá thai…
Cũng có khi là cùng trong Cơ Đốc Giáo nhưng họ đã phản đối nhau như đã từng xảy ra, như trong cuộc bầu cử tổng thống 1960 thì giới lãnh đạo Tin Lành đã công khai hay ngấm ngầm kêu gọi tẩy chay tổng thống Kennedy vì lo ngại ông sẽ thực hiện chính sách điều hành quốc gia phù hợp theo đường lối giáo hội Công Giáo.
Theo nghiên cứu từ Pew Research Center thì số người Công Giáo Hoa Kỳ hiện nay xem mình thuộc đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ là tương đương, với tỉ lệ ngang ngửa là 48% và 47% (*). Lá phiếu của họ cũng thay đổi theo từng ứng viên trong các cuộc bầu cử tổng thống, ví dụ như trong cuộc bầu cử 2008 thì lá phiếu của họ dành cho TT Barack Obama đến 54 % so với 45 % cho TNS John McCain. Năm 2016 thì họ dành cho TT Donald Trump là 52% so với 44% dành cho cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton. Còn trong mùa bầu cử năm nay, thì số người Công Giáo ủng hộ Phó TT Joe Biden có tỉ lệ 52 % so với 42 % dành cho TT Donald Trump, theo tờ National Catholic Reporter. (**)
Các số liệu trên cho thấy, cộng đồng người Công Giáo Hoa Kỳ đã có sự chọn lựa khá cân nhắc dựa theo các vấn đề chính sách quốc gia cùng tư cách, khả năng các ứng viên một cách phù hợp theo hướng dẫn về bổn phận công dân của người Công Giáo do Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đưa ra, thay vì chỉ tập trung vào một đôi vấn đề nào đó riêng biệt hay chỉ thuần túy dồn phiếu cho ứng viên một đảng phái hay đức tin nào.
Trong bản hướng dẫn Định Hình Lương Tâm cho Bổn Phận Công Dân có Đức Tin (Forming Consciences for Faithful Citizenship) của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (USCCB) có viết rằng, “Một cử tri không nên sử dụng việc chống đối sự xấu trong bản chất từ một ứng viên để biện minh cho sự thờ ơ hoặc vô tâm đến các vấn đề đạo đức quan trọng khác liên quan đến cuộc sống và phẩm giá con người”. Và ngược lại, cũng theo hướng dẫn này thì, “Đôi khi một người Công Giáo bác bỏ quan điểm không thể chấp nhận được của ứng viên qua các chính sách thúc đẩy một hành động mang bản chất xấu, thì họ vẫn có thể quyết định bỏ phiếu cho ứng viên đó một cách hợp lý dựa theo lý do quan trọng về mặt đạo đức”.(***)
Như vậy, hiểu rõ hơn về các hướng dẫn này là nếu một ứng viên chống đối sự xấu theo giáo luật như phá thai, đồng tính… nhưng lại là người vô đạo đức, dối trá hay bất lương thì lá phiếu cử tri người Công Giáo không thể bỏ cho ứng viên này. Và ngược lại, cho dù ứng viên có thuộc đảng phái chính trị mang chính sách đi ngược lại giáo luật vẫn có thể được chấp nhận theo chuẩn mực đạo đức phổ quát.
Giáo Sư John Carr, một cựu cố vấn thâm niên và cao cấp cho Hội Đồng Giám Mục đồng thời là Giám Đốc chương trình “Sáng Kiến về Tư Tưởng Xã Hội Công Giáo và Đời Sống Công chúng” tại Đại Học Georgetown cũng đã tái xác nhận những ý nghĩa bản hướng dẫn được nêu ra bên trên trên tờ Religion News Service.
Các đảng phái chính trị cũng như các chính khách không phải là các tổ chức hay lãnh đạo tôn giáo để luôn thực hiện theo giáo điều của bất cứ một tôn giáo nào. Họ đại diện cho người dân và một quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo như Hoa Kỳ, đề ra chính sách cấp tiến hay bảo thủ phù hợp theo các cương lĩnh hành động của đảng mình, không ngoài mục đích đặt quyền lợi quốc gia và người dân trong xu hướng đa dạng đó.
Cách riêng thì dù Cộng Hòa hay Dân Chủ cũng không đáp ứng hết các giá trị hay tiêu chuẩn của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. Bởi nếu chính sách cấp tiến của đảng Dân Chủ về các vấn đề phá thai, đồng tính, cần sa… là lý do để một số người Công Giáo phản đối thì việc gia tăng các biện pháp xiết chặt di dân tị nạn, cổ vũ súng đạn, duy trì các trừng phạt nặng nề như tử hình là đi ngược tinh thần bác ái, cưu mang giúp đỡ người tị nạn cùng sự yên bình cho mọi người do Giáo Hội và đức Giáo Hoàng kêu gọi.
Có thể hiểu tại sao Vatican chưa bao giờ đưa ra các tuyên bố ủng hộ hay phản đối ứng viên chính trị nào, đặc biệt trong các cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Hồi đầu tháng này, khi Ngoại Trưởng Mike Pompeo khi sang Rome và xin diện kiến đức Giáo Hoàng Francis đã bị ngài từ chối. Hồng Y Piero Parolin phát biểu rằng, “Pompeo thỉnh cầu nhưng Đức Giáo Hoàng đã nói rất rõ ràng là ngài không tiếp các chính khách khi gần đến các cuộc bầu cử”.
Cần nói thêm, không phải cộng đồng đức tin nào cũng đã truyền tải các hướng dẫn và thông điệp giáo hội đến các tín hữu của mình một cách rộng rãi và chính xác để các cử tri có đức tin quyết định lá phiếu của mình một cách công bằng và chính xác, đúng theo tinh thần bác ái của giáo luật và giáo hội. Điều này đã làm không ít cử tri Công Giáo nghĩ rằng cần bỏ phiếu cho các ứng viên đảng Cộng Hòa với lý do duy nhất là tôn trọng sự sống mà bất chấp tư cách, khả năng của ứng viên đó ra sao.
Dù thế nào, trong tư cách một người Công Giáo chân chính và am hiểu giáo huấn xã hội Công Giáo, hãy hãnh diện và mạnh dạn bỏ lá phiếu của mình cho ứng viên xứng đáng theo đúng tinh thần bác ái và công chính.
____
Tham khảo:
Khi Vatrican từ chối tiếp BT/QP.thì có nghĩa là không muốn mang tiếng cạn dự
vào việc tranh cử TT.Mỹ,chứ không nên suy diễn tùy tiện theo ý mình.
Điều này hơi khác với việc từ chối tiếp đón TT.NVThiệu trước 1975 vì họ sợ giới
thiên tả thân cộng toàn cầu lúc đó lên án “ủng hộ chiến tranh” theo quan điểm
“phản chiến” của giới này !
Đúng là kẻ “ngoại đạo” nhưng cũng …lên giọng khuyên răn người khác !