S. Alexievich
Tôi đã từng có dịp được chia sẻ nỗi thống khổ của rất nhiều người. Nhưng ở đây, tôi chỉ là một chứng nhân, như bất cứ chứng nhân nào khác. Đời tôi gắn liền với biến cố Chernobyl, như một phần của nó. Tôi sống ở đây cùng với tất cả những gì xẩy ra chung quanh biến cố đó.
Trên mảnh đất này, hiện có 350 quả bom nguyên tử. Chúng ta đã sống qua một cuộc chiến tranh nguyên tử – mặc dù khi cuộc chiến ấy bắt đầu, không một ai chú ý đến.
Hiện giờ, dân chúng đang đổ xô về đây để tránh những cuộc chiến tranh đang xẩy ra ở những nơi khác. Hàng ngàn dân tị nạn gốc Nga đến từ Armenia, Georgia, Abkhazia, Tajikistan, Chechnya – từ bất cứ nơi nào đang có tiếng súng nổ – Họ đến với mảnh đất bị bỏ hoang, những ngôi nhà không người ở mà những đơn vị đặc biệt đã không phá hủy đi rồi vùi sâu chúng dưới lòng đất. Với 25 triệu người thiểu số gốc Nga sống bên ngoài nước Nga – con số đủ để tạo nên cả một quốc gia – không nơi nào có thể dung chứa được họ ngoài mảnh đất Chernobyl này.
Đối với họ, những mối đe dọa như đất, nước, không khí ở mảnh đất này có thể giết họ chẳng khác gì một câu chuyện truyền thuyết chỉ để nghe. Họ vốn đã có chuyện phải ưu tư của riêng mình, chuyện rất cổ xưa, nhưng họ tin là có thật – câu chuyện người ta giết chóc lẫn nhau bằng súng đạn.
Trước đây, tôi nghĩ mình có thể hiểu rõ và biểu tỏ mọi chuyện. Chí ít cũng là hầu hết mọi chuyện. Tôi nhớ lúc đang viết quyển sách về cuộc chiến tranh ở Afghanistan, Zinky Boys, tôi đã đến Afghanistan. Ở đó, người ta cho tôi xem những thứ vũ khí chế tạo ở nước ngoài mà họ đã tịch thu được từ quân đội Afghanistan. Tôi kinh ngạc trước sự hoàn hảo về hình dạng của chúng, sự hoàn hảo tuyệt đối của tư tưởng con người được biểu lộ qua những gì tôi thấy trước mắt. Một vị sĩ quan đứng bên cạnh tôi nói: “Nếu có ai đó dẫm lên bãi mìn chế tạo ở Ý mà bà đã khen trông đẹp như một cây Giáng Sinh được trang hoàng lộng lẫy, thì sau tiếng nổ sẽ chỉ còn lại một bãi thịt bầy nhầy, mà để hốt nó người ta phải dùng muỗng múc trên mặt đất.”
Khi viết lại những dòng này,lần đầu tiên tôi tự hỏi mình: “ Có nên nói ra những điều như thế này không ?”. Tôi được nuôi dưỡng từ nền văn chương Nga, vốn tin rằng người ta có thể đi rất xa trong khi diễn tả sự việc, thế nên tôi viết lại ở đây hình ảnh bãi thịt bầy nhầy ấy. Còn Khu Cấm – đó là một thế giới riêng biệt, một thế giới nằm trong phần còn lại của thế giới – thì quyền lực của nó lớn hơn bất cứ thứ gì văn chương có thể bàn luận tới.
Trong suốt 3 năm trời tôi đi đây đi đó đặt câu hỏi cho mọi tầng lớp dân chúng tôi đã gặp: các công nhân làm việc ở nhà máy hạt nhân, các khoa học gia, các cựu viên chức cán bộ đảng viên Cộng Sản, các bác sĩ, các quân nhân, các phi công lái máy bay trực thăng, dân tị nạn, dân tái định cư. Tất cả họ đều có những số phận khác nhau, nghề nghiệp khác nhau và tính khí khác nhau. Nhưng với tất cả họ, Chernobyl là nội dung chính trong thế giới mà họ vừa sống qua. Họ là những con người rất bình thường nhưng lại có thể trả lời những câu hỏi quan trọng nhất trong đời họ.
Tôi vẫn thường có ý nghĩ rằng, một dữ kiện đơn giản, một dữ kiện thuần túy, nhiều khi chưa chắc đã gần với sự thật hơn một cảm giác mơ hồ, hay những tin đồn, kể cả sự tưởng tượng. Tại sao cứ lập lại dữ kiện – nó chỉ che đậy cảm giác của chúng ta. Chính khi những cảm giác phát triển, thay đổi, vượt qua giới hạn của những dữ kiện, là lúc chúng có khả năng quyến rũ, ít nhất là đối với tôi. Và tôi cố gắng đi tìm chúng, thu thập chúng, bảo vệ chúng.
Những con người ở đây đã nhìn thấy điều mà nhiều người khác chưa từng bao giờ thấy, biết. Tôi có cảm tưởng mình đang làm công việc ghi chép tương lai.
Svetlana Alexievich
Bản chuyển ngữ tiếng Việt hoàn tất tháng 5 năm 2016
*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.
Về lại MỤC LỤC