Đừng kêu ca. Nộp nhanh đi!

Võ Xuân Sơn

5-9-2020

Khi chính phủ đưa ra yêu cầu đóng phí bảo trì đường bộ, người ta cho rằng như vậy là để đỡ phải đóng phí lắt nhắt ở các trạm dọc đường. Sau khi thu phí bảo trì đường bộ thường niên trên đầu xe, các trạm thu phí mọc lên như nấm, giá cũng tăng lên vùn vụt.

Người ta bảo người dân bị trấn lột. Nghe thì có vẻ là như vậy. Nhưng nếu gọi là trấn lột, thì phải có bọn cướp giựt nào đó, chứ ở đây thì mọi việc diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, nói từ trấn lột nghe nó sao sao ấy, mặc dù hiện tượng thì có vẻ như vậy. Hình như có ông nào bảo, hãy quan tâm đến bản chất, đừng dùng hiện tượng mà qui ra bản chất.

Rồi chúng ta đi mua xăng. Giá xăng tăng giảm theo thị trường thế giới. Thì đó là chuyện thường. Nhưng ở Việt nam, khi mua xăng, chúng ta phải đóng rất nhiều thuế, đặc biệt là thuế môi trường. Và khi thuế môi trường lên cao, thì mức độ ô nhiễm của chúng ta cũng lên cao, tỉ lệ thuận với số tiền thuế chúng ta đóng.

Thế là người ta bảo do chúng ta gãi đầu, thậm chí là do chúng ta xì hơi… cũng làm cho không khí ô nhiễm. Mặc dù vậy, đảng và Chính phủ của chúng ta đã rất nhân đạo và sáng suốt, khi không thu thuế gãi, thuế xì hơi, và các loại thuế lên các hành vi làm ô nhiễm môi trường.

Hàng tháng chúng ta đóng tiền điện. Đùng một cái, tiền điện tăng lên vòn vọt. Người ta bảo nếu không tăng tiền điện thì sẽ sụp đổ. Và họ cho chúng ta chọn, muốn kiểu nào, kiểu trả gấp 3 lần trước đây, hay trả gấp 3 lần rưỡi. Chọn đi. Vẫn không thể gọi họ là cướp được, bởi họ là cơ quan nhà nước, được quản lí bởi chính phủ. Không biết bản chất là gì, dù hiện tượng thì có gọi như vậy thì vẫn có vẻ đúng.

Trong bối cảnh đó thì 800.000 đồng một bộ sách giáo khoa lớp 1, hay tăng giá vài lần trang thiết bị y tế thì có gì mà phải xoắn. Các ngành làm được, thì y tế và giáo dục cũng làm được. Chúng ta cùng thi nhau làm cái việc mà không biết gọi là gì nếu xét về bản chất, còn nếu thiển cận, nhìn theo hiện tượng thì bảo là trấn lột hay cướp giật gì cũng được.

Tại sao các bạn có thể đóng phí BOT cho vợ của ông cán bộ cao cấp này, cho tập đoàn của đồng chí kia, để các đồng chí ấy có thể uống những chai rượu hàng trăm triệu đồng, để họ làm tiệc mừng sinh nhật bố họ với nhiều tỉ đồng, để họ mua quốc tịch nước nọ nước kia… mà không thể giúp cho những người đang chăn dắt các thầy cô giáo, đang nắm giữ sự sống của cái bọn thợ chữa bệnh mà các bạn vẫn chửi rủa? Sao lại bất công như vậy chứ.

Nhưng lưu ý nhé. Vì chúng ta không biết bản chất của vấn đề là gì, nên nếu chỉ nhìn vào hiện tượng, thì có thể chúng ta sẽ bị coi là phản động. Nhiệm vụ của chúng ta là nộp, nộp, và nộp. Đừng kêu ca. Nộp nhanh đi.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết rất chân lý XHCN, nhiệm vụ của chúng ta là nộp, nộp nữa, và nộp mãi. Hiện tượng và bản chất vấn đề chỉ là một trừ khi chúng ta giả vờ không nhìn thấy thôi.
    Một là ĐM. đảng CP (bản chất), hai là Đảng CP muôn năm (hiện tượng), tôi chỉ đơn giản thích nghiên cứu bản chất vậy thôi.

  2. “Chúng ta cùng thi nhau làm cái việc mà không biết gọi là gì nếu xét về bản chất, còn nếu thiển cận, nhìn theo hiện tượng thì bảo là trấn lột hay cướp giật gì cũng được. …” (VXS)
    Hình như có người gọi là “Vặt lông vịt!”

  3. Trích: “Tại sao các bạn có thể đóng phí BOT cho vợ của ông cán bộ cao cấp này, cho tập đoàn của đồng chí kia, để các đồng chí ấy có thể uống những chai rượu hàng trăm triệu đồng, để họ làm tiệc mừng sinh nhật bố họ với nhiều tỉ đồng, để họ mua quốc tịch nước nọ nước kia… mà không thể giúp cho những người đang chăn dắt các thầy cô giáo, đang nắm giữ sự sống của cái bọn thợ chữa bệnh mà các bạn vẫn chửi rủa? Sao lại bất công như vậy chứ.“.

    Đóng phí BOT là …. nghĩa vụ. Đã là “nghĩa vụ” thì dân phải làm. Quan không cần chú ý tới.

    Nghề của “các thầy cô giáo”, theo cách nhìn của VTV, cũng có thể coi là nghề “ký sinh trùng”, ăn bám vào xã hội. Cho được có chỗ làm việc là “đảng ta” đã khoan hồng lắm rồi.

Comments are closed.