Công binh kiến tạo Mỹ và đường đến Việt Nam: Còn bao xa?

Blog VOA

Trân Văn

2-9-2020

USS Nimitz được tiếp liệu tại Biển Đông. Hình minh họa/ Reuters

Đông Nam Á có thể sẽ là một khu vực mới cho các Đội Công binh kiến tạo chuyên thực hiện các công trình dân sự (Civic Action Team – CAT) của quân đội Mỹ. Đó là điều mà ông Mark Esper – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vừa nêu ra với Military Times, sau khi ông thăm Palau tuần trước (1).

Palau là một quốc gia tập họp chừng 340 hòn đảo ở phía Tây Thái Bình Dương dưới một lá cờ, phía Bắc giáp hải phận quốc tế, phía Nam giáp hải phận của Indonesia, phía Đông giáp Liên bang Micronesia và phía Tây giáp hải phận của Philippines. Sau khi 2.000 Thủy quân lục chiến Mỹ tử trận khi giành lại Palau từ tay người Nhật năm 1944 (Thế chiến thứ hai), Palau trở thành một trong những đồng minh gần gũi nhất với Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Từ thập niên 1970 đến nay, năm nào quân đội Mỹ cũng gửi một số CAT đến Palau. Trong vòng sáu tháng, những CAT này luân phiên giúp Palau xây dựng đủ thứ, từ phi đạo để mở rộng khả năng vận tải hàng không, trạm xá, trường học, nhà cửa, sân chơi cho trẻ con, các bãi chiếu phim ngoài trời, những chương trình phát thanh kết nối cư dân sống trên hàng trăm hòn đảo của Palau với nhau, sửa xe miễn phí,… đến huấn nghệ (thợ mộc, thợ hàn, thợ xây dựng, thợ sửa xe,…) cho dân chúng địa phương.

Trò chuyện với Military Times sau chuyến thăm Palau, ông Esper bảo rằng, Bộ Quốc phòng Mỹ đang nghĩ đến việc mở rộng phạm vi hoạt động của các CAT tại những quốc gia khác ở khu vực Thái Bình Dương. Esper tin rằng, trong bối cảnh như hiện nay, các CAT là phương thức giúp gia tăng sự hiểu biết và gắn bó giữa Mỹ và các quốc gia trong khu vực này. Nôm na thì các CAT chính là một kiểu củng cố – phát triển quan hệ ngọai giao hết sức cần thiết.

Military Times kể thêm, sau Mark Esper, một viên chức của Bộ Quốc phòng Mỹ nói riêng với phóng viên của tờ báo này rằng, quân đội Mỹ xem các CAT sẽ giúp thực hiện chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Mở rộng sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương ra bên ngoài lãnh thổ Nhật và Nam Hàn (hai quốc gia vốn đã có hàng chục ngàn quân nhân Mỹ đồn trú trong hàng chục căn cứ quân sự).

Viên chức yêu cầu ẩn danh vì không được phép phát biểu chính thức, tiết lộ với Military Times, có thể các CAT sẽ sớm được điều động để thực hiện những dự án như đã thực hiện suốt 50 qua ở Palau, theo nhu cầu của Sri Lanka, Bangladesh, Campuchia, có thể cả Indonesia… Cũng theo ông ta thì các CAT có nhiều loại việc để hỗ trợ khu vực tam giác Mekong, chẳng hạn như hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án hộ đê xung yếu và hàng loạt dự án hạ tầng khác.

***

Tuy nhiên cần nhớ, những thông tin vừa kể là quan điểm và mong muốn của Mỹ, Việt Nam có tán đồng quan điểm và chia sẻ những mong muốn đó hay không lại là chuyện khác. Chỉ vì loại Huawei ra khỏi danh sách nhà thầu có thể tham gia xây dựng mạng 5G tại Việt Nam mà Hoàn Cầu Thời Báo – cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc – đã cảnh cáo… kinh tế Việt Nam sẽ bị tổn hại nặng nề vì… ngả về phía Mỹ (2) thì khó mà đoán định, con đường cho các CAT của quân đội Mỹ đến Việt Nam dài hay ngắn.

Chú thích

(1) https://www.militarytimes.com/news/your-military/2020/09/01/for-engineers-deployments-to-pacific-islands-southeast-asia-could-be-in-the-works/

(2) https://www.youtube.com/watch?v=m-vDv_zH0SM

Bình Luận từ Facebook