Trịnh Khả Nguyên
20-8-2020
Mẹ kiếp, cái con Covid nầy nó làm cho thiên hạ thêm lo, phải đề phòng và bực nhất là mất tự do. Chán thật!
Đành rằng, đối với dịch bệnh, nói chung, thì cách ly, giãn cách xã hội là biện pháp ngăn ngừa lây lan hữu hiệu. Nếu không có việc, hoặc nhiệm vụ gì thì ở đâu ở yên đấy, bớt đi ra ngoài, hạn chế các giao dịch không cần thiết, tránh đám đông, thực hiện các biện pháp vệ sinh cơ bản theo các chỉ dẫn của chuyên môn để được an toàn. Nhưng thực tế, cũng có những khó chịu.
Chỉ một việc rửa tay thôi, mới nghe thì đơn giản, song cũng phải chi ly, ý tứ. Trước khi ăn, rửa tay. Vừa quét nhà xong, lại rửa tay. Lát sau, lau cái bàn, rửa tay nữa. Theo thói quen, gặp ai đó, bắt tay, họ đi rồi lại vội vã rửa tay. Tính ra một ngày rửa tay cả mấy chục lần, qua loa thì rửa bằng nước, kỹ hơn thì rửa bằng xà phòng sát khuẩn. Còn phải nhớ mang khẩu trang, mang găng tay.
Việc trao đổi tiền bạc cũng là vấn đề đáng nói. Đồng bạc luân chuyển qua nhiều tay, từ tay sạch đến tay bẩn, đúng cả nghĩa đen, nghĩa bóng. Ai cũng biết nó chẳng sạch sẽ gì và nó là phương tiện tốt nhất mang con Covid đi mọi nơi. Thế mà ai cũng cầm giữ, cất kỹ nó trong người, trong những nơi chắc chắn, kín đáo.
Người ta mong sao có được nhiều tiền, thật nhiều tiền. Có ai từ chối tiền đâu? Ta hay nghe, đây là thời buổi kim tiền. Kim tiền là gì? Bằng thực tế, nhiều người “nổi danh” vì/ nhờ có tiền. Vì tiền người ta đưa dẫn người ngoại quốc đến xứ nầy mang theo Covid; vì tiền người ta bán danh dự, bán đất, bán nước; vì tiền mà biết bao vụ “tiêu cực” đã xảy ra; vì tiền người ta đã tha hóa, suy đồi đạo đức, lối sống v.v…và v.v. “Tiền nhiều để làm gì”? Câu nói của người quá nhiều tiền, nhưng cảm thấy chán nản, thất vọng. Tiền để làm gì ư? Bất kỳ ở đâu, làm việc gì, ngay cả “từ thiện” nếu không có tiền thì…xin lỗi, không làm gì được.
Những ngày đại dịch, cảnh giác thường xuyên, mệt bỏ xừ, chẳng đi đâu được, thậm chí đi cà phê cũng kiêng luôn. Nhưng cà phê, cà pháo là chuyện nhỏ, không đi cũng chả sao. Những việc “phải không” như thăm bệnh, dự những đám đình cũng giảm, các việc hiếu hỷ, trong lúc nầy cũng đơn giản. Hóa ra, bình thường nhiều người được phú quý sinh lễ nghĩa. Nhìn lại, những người thuộc “diện” phú quý hôm nay, phần lớn họ “đi lên” từ giai cấp vô sản trước kia.
Việc hạn chế ra đường, tiếp xúc với người khác cũng là vấn đề. Những người đi ra để góp mặt cho vui thì không nói làm gì, còn những người đi vì sinh kế, chạy ăn từng bữa thì khó thật, không chạy thì chết đói, trước khi chết dịch, mà chạy nhiều thì nguy cơ bị bệnh cao. Còn nữa, chính những người nầy cung ứng những nhu cầu hằng ngày cho người khác. Họ mất vệ sinh để cho chúng ta được sạch sẽ, như Phùng Quán đã viết:
“…Tôi đã gặp
Chị em công nhân đổ thùng
Yếm rách chân trần
Quần xắn quá gối
Run lẩy bẩy chui vào hầm xia tối
Vác những thùng phân
Ta thuê một vạn một thùng
Có người không dám vác
Các chị suốt đêm quần quật
Sáng ngày vừa đủ nuôi con…” (Chống tham ô lãng phí – Phùng Quán).
Đừng gọi họ là ký sinh trùng của xã hội như một BTV đài truyền hình đã gọi. Nói vậy, vừa vô đạo đức vừa sai quan điểm. Nhưng thôi, chắc đây là lỗi của “anh đánh máy”. Hẳn người ta còn nhớ chuyện môt công nhân nữ quét rác ở chợ Bến Thành, Sài Gòn, ngay sau năm 1975 đã trở thành Đại biểu Quốc hội.
Chẳng biết làm gì, đi đâu, mang khẩu trang, găng tay loanh quanh mấy chậu cây trước nhà “Chăm cây mà cũng bảo hộ cẩn thận thế à?”. Nhìn lên, thấy ông bạn đứng ngoài cổng ngõ. Định mở cửa mời khách vào, nhưng ông ta ra dấu, thôi đứng đây nói chuyện cũng được, thời Covid. Rồi ông ta nói:
– Con Covid mắc dịch nầy, nó làm mình mất tự do, chán quá ông nhỉ. Muốn đến bạn bè chơi, nói tào lao, nhưng ngại.
– Covid hay bất kỳ việc gì hạn chế tự do của người ta đều là các thứ không ai thích. Và thêm:
– Đúng vậy, nhưng với riêng dịch Covid thì biết làm sao, ráng chịu thôi, chờ đến khi dịch qua, hoặc tệ nhất là chấp nhận sống chung với nó, có điều phải đề phòng. Còn vaccine ư? Chắc hơi lâu.
– Lâu thì lâu, cũng phải hy vọng. Xưa nay đối với các dịch bệnh, thiên tai sớm muộn người ta cũng tìm ra thuốc chữa, tìm cách ứng phó. Đối với các vấn đề xã hội cũng thế, các thể chế hà khắc, bất nhân, thì người ta phải “làm cách mạng”, nôm na là thay đổi nó bằng cái tốt hơn. Điều nầy sách vở, các vị tuyên huấn cũng đã nói.
Ông bạn chuyển hướng:
– Vừa rồi nhiều ông lớn bị mất chức, bị bắt. Mới hôm trước, họ là ông nầy, ông kia quyền lực đầy mình, mỗi lời họ nói là một “chỉ đạo”. Thế mà, ai biết thế nào ông nhỉ.
– Thế nào là thế nào? Biết để làm gì. Đó là chuyện của “người ta”. Nhưng mọi chuyện đều có nguyên do của nó. Đời mà, có chơi thì có chịu. Lại nữa, ma bắt coi mặt người ta, ma không phải bắt tất những người “bạc mênh”, có kẻ bị bắt, có kẻ được “lơ”, chỉ kiểm điểm. Ma chỉ bắt những kẻ tới số thôi.
– Chuyện của “người ta”, ai chẳng biết. Nhưng ảnh hưởng tới người khác, như con Covid ban đầu ở bên Tàu, bây giờ qua ta, khiến ta phải chịu và nhiều nước phải chịu.
– Mà sợ nữa, có phải trước đây nghe rằng con vi rút nầy thích hợp với nhiệt độ thấp, xứ lạnh, nhưng nay là mùa nắng nóng nó cũng phát triển như thường. Người ta nghiên cứu, thấy nó có thể biến thể để thích nghi với môi trường. Thông thường, những thứ nguy hiểm như vi rút, vi trùng hay biến thể, tạo thành kén, vỏ bọc chui vào ẩn núp để tồn tại, chờ thời. Trong khi đó việc tìm ra thuốc chữa phải mất một thời gian khá dài.
Đó là chưa nói tới việc vi rút thành “tinh”, kháng thuốc. Cũng như trong xã hội, cái ác luôn nấp dưới nhiều hình thức, danh nghĩa khác nhau. Cái ác, cái xấu sinh ra cái ác, cái xấu hơn, nó phát triển nhanh hơn, lấn lướt cái hay, cái tốt… Cái hay, cái tốt như vaccine phòng bênh luôn phải “thử nghiệm”, ở thế bị động phải chống đỡ, đôi khi là nạn nhân.
Tới đó ông bạn chào tôi. Tôi trở vào. Thêm một ngày tự cách ly.
Covid hay thứ gì đe dọa sự sống, hạn chế tự do của con người, đều nguy hiểm, chẳng ai thích, phải sống chung với nó là khổ nạn.