Tại sao lại tổ chức Quốc tang cho Lê Khả Phiêu?

Âu Dương Thệ

12-8-2020

Đỗ Mười thao túng – Lê Khả Phiêu thất sủng!

LGT: Cựu Tổng bí thư (TBT) Lê Khả Phiêu (LKP) vừa mất ngày 7.8.2020 (89 tuổi) và được ông Tổng-Chủ Nguyễn Phú Trọng cho tổ chức “Quốc tang” trong hai ngày 14 và 15.8.2020. Các báo lề Đảng đều viết bài ca tụng ông “là người CS vì dân vì nước”! Còn Tổng-Chủ CS Trung quốc Tập Cận Bình trong thư chia buồn đã gọi “đồng chí Lê Khả Phiêu cũng là người đồng chí thân thiết và bạn bè thân mật của Đảng và nhân dân Trung Quốc” (BBC 8.8).

Tuy nhiên đây vẫn chỉ là thói quen thích giả dối giữa họ với nhau và giữa họ với nhân dân. Trong thực tế thì lại trái ngược hoàn toàn. Chính Lê Khả Phiêu đã bị Đỗ Mười và Lê Đức Anh ép phải bỏ chức TBT, mặc dù trước đó trên 3 năm chính hai người này đã vụng trộm đặt ông Phiêu vào chức vụ này trong Hội nghị Trung ương (HNTU 4) (22 — 29.12.97) (Khóa 8). Theo Điều lệ Đảng thì TBT phải được bầu trong một Đại hội (ĐH). Sở dĩ có giải pháp bất thường này vì trước đó không lâu giải pháp đưa Đào Duy tùng và Nguyễn Hà Phan làm TBT và Thủ tướng (TT) bất thành, do bị phe TT Võ Văn Kiệt phá vào phút chót tại HNTU 10 (10 — 20.4.1996) Khóa 7 chỉ vài tuần trước ĐH 8 (28.6.96 — 1.7.96).

Nhưng không lâu sau khi nắm chức TBT, LKP lại tìm mọi cách ngăn chặn sự can thiệp của của hai “Thái thượng hoàng” Đỗ Mười và Lê Đức Anh. Cuối cùng hai người này đã vận động trực tiếp các đương kim và cả các cựu ủy viên Bộ chính trị (BCT) và Trung ương đảng (TUĐ) kể cả đại thần cuối cùng của chế độ khi đó là tướng Võ Nguyên Giáp, để áp lực mở cuộc “đảo chính” trong đảng để loại LKP mất chức TBT tại ĐH 9 (4.2001). Sau đó Đỗ Mười đã lạm dụng uy quyền đặt Nông Đức Mạnh lên làm TBT để đứng đằng sau giựt dây suốt trên 10 năm liên tiếp. Đây là giai đoạn cực kỳ rối loạn trong cung đình CS. Những “đồng chí” có “quyền uy” tìm mọi thủ đoạn cực kỳ hạ cấp xấu xa thanh toán các “đồng chí” có “quyền lực”!

Về các “thành tích” của LKP trong hơn ba năm làm TBT: Ông tôn thờ Bắc kinh (BK), đã chọn chuyến thăm Trung quốc (TQ) lần đầu vào cuối tháng 2.1999, đúng vào thời điểm kỷ niệm 20 năm BK mở cuộc chiến tranh biên giới “dạy  cho VN bài học”. Vì thế cũng như nhiều năm trước, chế độ toàn trị đã phải thực hiện đòi hỏi của BK là “khép lại quá khứ”, nên không cho binh sĩ và nhân dân kỷ niệm cũng như thăm viếng các nghĩa trang bộ đội và nhân dân đã hi sinh trong cuộc chiến chống xâm lược của Trung quốc.

Dịp này LKP cùng phái đoàn lại lấy làm vinh hạnh về thăm Thành Đô và tới nhà khách “Kim ngưu”, nơi Hội nghị Thành Đô đã diễn ra vào tháng 9.1990. Trong đó phái đoàn Nguyễn Văn Linh – Đỗ Mười phải chịu làm thân phận con “trâu vàng” kéo cày cho BK. Trong Thông cáo chung kết quả chuyến thăm này, LKP đã chấp nhận các đòi hỏi của Chủ tịch nước (CTN) và TBT Giang Trạch Dân là, “Ký kết Hiệp ước về biên giới trên bộ trong năm 1999; giải quyết xong vấn đề phân định Vịnh Bắc bộ trong năm 2000”.

Vì vậy để lấy lòng BK chính LKP đã “đích thân chỉ đạo”, nên ngày 30.12.1999 tại Hà Nội hai bên đã ký Hiệp ước Biên giới, mặc dù các cuộc thảo luận chưa kết thúc và tới khi ký kết thì văn bản Hiệp ước vẫn chưa được công bố. Khi ấy LKP tôn thờ BK và từng nói: “Nếu BK trụ được thì Hà Nội cũng trụ được”. Khi đó hiểu là, nếu BK trợ lưng thì LKP sẽ trụ được ghế TBT tiếp! Chính vì vậy tờ Nhân dân đã viết bài Xã luận ngày 31.12.99 lên tiếng đe dọa về những bất bình và quan ngại cả trong đảng lẫn nhân dân về những nhượng bộ đất đai cho TQ: “Cần quán triệt tới toàn thể cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân nội dung, ý nghĩa của hiệp ước, tạo ra sự thống nhất nhận thức, thống nhất hành động… Cần giải thích rõ cho các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân ở từng địa phương biên giới về các thỏa thuận cụ thể, hướng dẫn các công viêc thực hiện Hiệp ước”.

Trong khi ấy LKP lại tìm mọi cách cản trở bang giao với Hoa Kỳ, như không để ký “Hiệp định Thương mại” (Bilateral Trade Agreement – BTA) giữa hai nước trong dịp Tổng thống Clinton và TT Phan Văn Khải cùng dự hội nghị cấp cao Apec ở Auckland (Tân Tây Lan) tháng 9.1999, mặc dù hai bên đã thỏa thuận xong từ cuối tháng 7.1999 và phải đợi thêm hơn một năm sau khi TQ gia nhập WTO.

Về đối nội, LKP mở phong trào thanh lọc trong đảng với kế hoạch chống tham nhũng, qui định “cấm các điều đảng viên không được làm”, “kê khai tài sản cán bộ”… Mở phong trào rầm rộ Tự phê bình và Phê bình (TPB &PB) suốt hai năm (19.5.99 – 19.5.2001). Mặc dù khi ấy được Nguyễn Phú Trọng tiếp tay, nhưng chỉ là đầu voi đuôi chuột, nên cuối cùng các kế hoạch này đều thất bại. Để trốn tránh trách nhiệm, LKP đã đổ tội cho khuynh hướng đòi đổi mới thực sự khi ấy với các đại diện nổi tiếng như TT Võ Văn Kiệt và trung tướng Trần Độ, Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo). Tại ĐH đảng bộ thành phố HCM ngày 20.12.2000 ông Phiêu đã vừa mạ lị, vừa kết án:

[Thành phố HCM đang đứng] “giữa hai con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa XHCN và công nghiệp hóa, hiện đại hóa Tư bản chủ nghĩa, giữa quyết tâm giữ vững chế độ XHCN trong quá trình phát triển và âm mưu thủ đoạn kiềm chế, thúc ép, ràng buộc, lợi dụng để đưa nước ta vào quĩ đạo khác, không còn là CNXH.

Phải đề phòng hiện tượng “nói vậy mà không làm vậy”, nói tán thành “định hướng XHCN”, “đọc lập tự chủ”, “phát huy nội lực”, nhưng việc làm thì đi theo các lời khuyên đường mật và mua chuộc vật chất của kẻ xấu, ỷ lại vào bên ngoài. Kẻ thù hiểu rằng, muốn xóa bỏ CNXH ở VN thì phải chuyển hóa ĐCS, làm cho ĐCS còn tên mà đã biến chất”. Khi đó (1997) NPT vừa nhảy được vào BCT và là cánh tay mặt của ông Phiêu trong việc chống Võ Văn Kiệt và chống tham nhũng. Đặc biệt của LKP còn rất mê tín, dị đoan và tìm cách coi là hậu duệ của nhà Lê!

Chỉ hơn ba năm làm TBT nhưng lập trường, thái độ và những việc làm của LKP đã dẫn đến xung đột cực kỳ nghiêm trọng giữa LKP với những người có quyền lực nhất khi ấy. Khiến Đỗ Mười và Lê Đức Anh đã phải ra tay tổ chức “đảo chính” để hạ bệ làm nhục LKP. Như vậy Nguyễn Phú Trọng lấy lý do gì để tổ chức “Quốc tang” cho LKP? Ngay cả “Đảng tang” cũng còn không xứng! Liệu ông Trọng có thể xuất hiện vào ngày mai và sẽ nói gì về “thành tích” của LKP với Đảng và Nhân dân?

***

Dưới đây là trích phần “Đỗ Mười thao túng – Lê Khả Phiêu thất sủng” trong XII, Chương bốn, Tập I sách Việt Nam “Đổi mới”?! Hay: Treo đầu dê, bán thịt chó! của tác giả, xuất bản cuối năm 2019.

***

Vào đúng ngày 1.1.2001, ngày đầu năm và cũng là ngày đầu của Thế kỷ 21 và Thiên niên kỷ thứ 3, tờ Nhân dân đã đưa trên trang nhất ảnh đương kim ba Cố vấn BCHTU Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt tiếp F. Castro khi ông thăm VN tháng 12.1995 –nhân dịp kỷ niệm 42 năm Cách mạng Cuba (1.1.59 — 1.1.2001). Trong một xã hội kín độc tài lại nặng tinh thần Á đông, nhiều khi một ánh mắt hay cử chỉ, một hình ảnh còn tượng trưng và có ý nghĩa nhiều hơn cả một bài dài. Có lẽ việc đăng ảnh ba Cố vấn ngay vào ngày đầu năm này không phải chuyện tình cờ, mà là một cách bắn tin trong đảng và trong dân biết là, ba nhân vật này trước sau vẫn còn “quyền uy” rất lớn, tuy không còn giữ “quyền lực” trực tiếp, nay tạm thời hòa lại và bắt tay lại với nhau cho một mục tiêu chung quan trọng sẽ diễn ra. Nhưng cho tới khi đó hầu hết trong TU chưa biết chuyện gì sẽ xẩy ra.

Sự xuất hiện bằng hình ảnh trước công chúng của cả ba Cố vấn không chỉ trong dịp đầu năm 2001 mà còn diễn ra liên tục trong nhiều dịp khác nhau cho tới ĐH 9 (4. 2001). Cho tới nay người ta chưa biết được, vì lí do gì và vì động cơ nào ông Kiệt lại nắm tay lại với hai ông Mười và Anh. Việc này có phải do chủ động từ phía Lê Đức Anh và đặc biệt là Đỗ Mười, hay đã có sự đồng thuận của Võ Văn Kiệt ngay từ ban đầu?

HNTU 11 diễn ra đúng vào những ngày đầu của Thế kỷ 21 và kéo dài từ 7.-16.1.01 để tổng kết ý kiến đóng góp của đảng viên về Dự thảo Báo cáo Chính trị của ĐH 9 và chuẩn bị bước đầu về nhân sự ĐH. Mở đầu diễn văn khai mạc Lê Khả Phiêu ngỏ lời chào theo thứ tự “Thưa các đồng chí Cố vấn” lên đầu, sau đó mới tới “Thưa Trung ương”.[1] Nghĩa là vào thời điểm đó chuyện ba Cố vấn đồng ý loại Lê Khả Phiêu chưa thực sự rõ ràng, hay ít nhất Lê Khả Phiêu vẫn tìm cách vận động quyết liệt và hi vọng sẽ trụ được để nắm tiếp chức TBT trong ĐH sẽ diễn ra vài tháng sắp tới. Mặc dầu sau 10 ngày họp, nhưng vấn đề nhân sự ở cấp cao nhất cho ĐH 9 vẫn chưa rõ ràng, như Thông báo của HNTU 11 cho biết: “BCHTU cũng đã thảo luận một bước và cho ý kiến tiếp tục chuẩn bị nhân sự để phiên họp sau hoàn thiện trước khi trình ĐH”.[2]

Giữa trong thời gian này Đỗ Mười xông xáo nhất, có mặt trong nhiều dịp lễ và kỷ niệm quan trọng. Như cùng Chủ tịch QH Nông Đức Mạnh dự kỷ niệm 55 năm Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên (6.1.46)[3], thăm Hội báo Xuân[4], nhân dịp Tết Tân Tỵ đứng ngang hàng với Lê Khả Phiêu viếng lăng HCM[5], thăm thành phố HCM vào dịp Tết[6]; cùng với Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt tham dự Mittinh 71 năm thành lập Đảng.[7], dự trao Huy chương Độc lập hạng nhất cho Ban Khoa giáo TU[8], cùng Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt dự HNTU 11/2.[9] Trong khi Lê Khả Phiêu chỉ gởi vòng hoa thì Đỗ Mười, Lê Đức Anh,Võ Văn Kiệt và Phạm Thế Duyệt, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải viếng Nguyễn Xuân Yêm, cựu Tổng thư ký Đảng Dân chủ VN.[10] Tại HNTU 12 –Hội nghị cuối cùng của Khóa 8 – Đỗ Mười tham dự cùng với Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt; tại ĐH 9 Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt tham dự, chỉ vắng mặt Lê Đức Anh, không những thế còn đi cạnh Lê Khả Phiêu viếng lăng HCM.[11]

Cũng chính lúc Đỗ Mười xông xáo trong những dịp quan trọng như vậy thì Lê Khả Phiêu càng tỏ ra mất uy thế và tỏ vẻ bực bội. Trong diễn văn khai mạc HNTU 11/2 (13-24.3.2001) Lê Khả Phiêu đã thay đổi thứ tự lời chào, để “Thưa TU” trước rồi mới tới “Thưa các Cố vấn”.[12] Tờ Nhân dân đưa ảnh Lê Khả Phiêu có vẻ buồn bực.[13] Trong diễn văn bế mạc Lê Khả Phiêu đã tóm tắt kết quả thảo luận về đề án nhân sự cấp cao nhất: “Bộ chính trị đã trình Trung ương những kết quả bước đầu việc chuẩn bị giới thiệu nhân sự, cung cấp cho TU những tài liệu, thông tin cần thiết… tới HNTU 12 sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị giới thiệu nhân sự”.[14] Như vậy là sau 12 ngày họp nhưng đề án nhân sự cấp cao mới cho ĐH 9 vẫn chưa được thông qua. Nghĩa là, ai sẽ giữ chức TBT cũng chưa rõ ràng, dù đã quyết định là ĐH 9 sẽ diễn ra vào 19.4.01. Đáng chú ý nữa là, theo Thông báo HNTU 11/2, sau khi TPB & PB theo “Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết TU 6 (lần 2) [tức Nghị quyết về chống tham nhũng] nhiều nhân vật đã bị thi hành kỷ luật. Như các UVTU Đoàn Văn Kiển (Tổng giám đốc Tổng công ti than VN), Hoàng Đức Nghi (Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc miền núi), Hà Quang Dự (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban thể dục-thể thao bị kỷ luật với “hình thức cảnh cáo”. Hai tướng lãnh cao cấp khác là Ủy viên BCT kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà và Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Lê Văn Dũng bị “kỷ luật khiển trách”.[15] Có phải các nhân vật trên đã bị kỷ luật vì tham nhũng, hay để tham nhũng diễn ra trong cơ quan thuộc thẩm quyền, hoặc còn vì những lý do khác không được nói rõ. Cần để ý là, cũng trong thời gian này, đồng bào Thượng ở Tây nguyên đang nổi dậy ở nhiều nơi chống lại nhà cầm quyền và nhiều người đã chạy trốn sang Campuchia, sau đó được Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc cho định cư ở nước ngoài, nhất là Hoa Kỳ.[16]

HNTU 12 (7-10.4 ) chỉ diễn ra 12 ngày trước khi ĐH 9 khai mạc. Mãi khi đó đề án nhân sự ở cấp cao mới được giải quyết. Trong Thông báo kết thúc đã viết “ giới thiệu ĐH xem xét bầu vào BCTTU 9, thông qua chương trình làm việc, qui chế bầu cử”.[17] Lê Khả Phiêu đã chỉ nói rất ngắn trong các diễn văn khai mạc và bế mạc Hội nghị, các ảnh đưa trên tờ Nhân dân cho thấy, ông càng xa cách và bực bội, dĩ nhiên phần chào mừng trong hai diễn văn này ông vẫn đặt TU lên trên “Các cố vấn”.

Các chứng tích công khai, như sự có mặt thường xuyên và dồn dập của ba Cố vấn, đặc biệt là Đỗ Mười, vào những tháng cuối trước khi ĐH 9 diễn ra; cách Lê Khả Phiêu cố ý đảo ngược thứ tự trong các diễn văn khai mạc và bế bạc vào hai HNTU 11/2 và 12 cận kề ĐH 9, thay vì từ “Thưa các cố vấn” lên đầu rồi mới tới “Thưa Trung ương” như trong HNTU 11/1, chuyển thành “Thưa TU” rồi mới tới “Thưa các Cố vấn” tại HNTU 11/2. Rồi tới những hình ảnh vừa buồn bực vừa xa cách trong hai HNTU cuối chỉ mới là bề nổi của trận cuồng phong chính trị đã được nạn nhân dù phải “đắng cay ngậm quả bù hòn” nhưng vẫn cố gắng làm như tình đồng chí. Nhưng thực tình trận cuồng phong chính trị đã nổ rất mãnh liệt giữa Lê Khả Phiêu với ba Cố vấn, nhất là với Đỗ Mười và Lê Đức Anh. Không những thế nó còn diễn ra rất căng thẳng với nhiều cựu Ủy viên Bộ chính trị và cả với đại thần chế độ là Võ Nguyên Giáp.

***

Trái với xã luận của Tạp chí Cộng sản số 8 tháng 4.2001 đặt tên rất kêu cho ĐH 9 là “ĐH 8 chữ vàng” và giải thích “8 chữ vàng” đó là “ĐH 9 là ĐH của Trí tuệ, Dân chủ, Đoàn kết và Đổi mới”. Với tiêu ngữ “ĐH 8 chữ vàng” cho thấy, những người cầm đầu chế độ toàn trị không đếm xỉa đến sự thực, không biết tự trọng, không nề hà tuyên bố bịa đặt những điều không có thực! Trong khi một số người cầm đầu đang xâu xé thanh toán nhau bằng những thủ đoạn rất hạ cấp thì lại hô hoán không biết hổ thẹn bảo đấy là “Trí tuệ, Dân chủ, Đoàn kết và Đổi mới!” Tâm địa dựng lên dối trá rồi bảo đó là sự thực và sự thực thì lại bảo là giả dối; đổi đen thành trắng lại được họ bảo đó chính là “đạo đức cách mạng” của người lãnh đạo!

Những cử chỉ không bình thường của Lê Khả Phiêu chỉ mới như phần nổi của tảng băng tranh chấp quyền hành giữa những người đang nắm quyền lực và những người còn quyền uy chính trị mạnh ở cấp cao nhất trong chế độ toàn trị. Cựu Ủy viên BCT kiêm Trưởng ban Tổ chức TU (Khóa 6) Nguyễn Đức Tâm đầu tháng 3. 01, tức là chỉ hai tuần trước khi họp HNTU 11/2, một Hội nghị tới nay được coi là số phận của Lê Khả Phiêu bị quyết định, được nói là đã viết thư gởi TBT, BCT và ba Cố vấn tố cáo hoạt động của Đỗ Mười và Lê Đức Anh nhằm loại trừ Lê Khả Phiêu. Trong thư này -lộ ra bên ngoài- ông Tâm cho biết là, đã khai triển thêm những gì ông đã trình bày –cùng với “một số cán bộ cách mạng lão thành”- với Thường trực BCT Phạm Thế Duyệt ngày 24.2.01. Từng là Ủy viên BCT và Trưởng ban Tổ chức TU nên Nguyễn Đức Tâm nắm hồ sơ các cán bộ cao cấp từ BCT, BBT tới TUĐ. Trong thư trên ông kết án rất mạnh Đỗ Mười và Lê Đức Anh:

“Những hoạt động gần đây của các đồng chí đó, chính là đồng chí Đỗ Mười và đồng chí Lê Đức Anh, xung quanh vấn đề nhân sự của ĐH 9 đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều, nên tôi không thể không phát biểu ý kiến để đấu tranh với những hoạt động mà tôi cho là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức của Đảng, là lộng quyền, là đặt mình lên trên Đảng”.

Tiếp đó Nguyễn Đức Tâm đã dẫn chứng một số việc cụ thể trong cuộc nói chuyện sau Tết giữa ông với Đỗ Mười vào ngày 6.2.01:

“Khi gặp tôi anh Mười [Đỗ Mười] hỏi ngay: Anh Lê Đức Anh cho người thông báo với anh, anh có ý kiến gì? (Tôi nghĩ ngay là hai người đã bàn bạc với nhau và phân công nhau đi thông báo). Tôi trả lời là, tôi nghe qua như thế, còn phải tìm hiểu thêm rồi mới có ý kiến được. Anh Mười nói ngay: Rõ ràng rồi, còn phải tìm hiểu gì? Có gì không rõ sao không hỏi mình? Thế rồi anh phân tích, phê phán những sai trái về quyết định thành lập A 10.

Sau đó anh đưa cho tôi một bản dài 7-8 trang, bảo tôi xem đi rồi nói chuyện. Bản này có những báo cáo về hoạt động và nhận xét về ba người: Đặng Thị Thu Hà, Vũ Thị Dung và một người nữa tôi không nhớ tên. Với ý chính là, Thu Hà bám rất chặt đồng chí Lê Khả Phiêu, mà Thu Hà lại quan hệ rất chặt chẽ với Thị Dung và người thứ ba nữa (hai người này là tình báo, một là tình báo của Đức).

Ghi chú: Bản báo cáo này không đề ngày tháng, không nói nguồn những tin đã được cung cấp. Cũng chẳng nói là do ai gửi và gửi cho ai. Tôi nghĩ, tài liệu này vô giá trị.

Tiếp đó anh Mười đưa cho tôi xem một số ảnh, cũng nói là ảnh thu thập được từ báo chí nước ngoài. Rồi anh Mười lại hỏi: Anh làm tổ chức, theo anh thì giải quyết thế nào? Tôi nói: Theo tôi, căn cứ tình hình các mặt trong nước và ngoài nước, kẻ địch đang tìm cách phá hoại ta; ở biên giới thì Gia lai, Đắc lắc vừa có bạo loạn, cho nên ta rất cần phải ổn định chính trị, xã hội. Nếu thay đổi đến 50% số Ủy viên BCT, nhất là thay đổi ba đồng chí chủ chốt và đồng chí Nông Đức Mạnh cũng phải chuyển vị trí công tác thì phức tạp quá. Anh Mười suy nghĩ một chút rồi nói: Có thể để Phan Văn Khải lại vài năm, nhưng cũng phải có nghị quyết Khải chỉ được làm đến thời gian đó để chuẩn bị người thay rồi phải nghỉ. Còn Lê Khả Phiêu thì phải xét kỷ luật trước ĐH. (Tôi nghĩ: Tại sao lại có cách giải quyết như thế này? Phải chăng đó là ý đồ lật đổ đồng chí TBT?)

Về đồng chí Lê Đức Anh thì khoảng 16, 17.1.2001 có đồng chí Son, thư ký riêng của Anh đến gặp tôi để thông báo về quyết định thành lập A 10 và nói, đây là vi phạm nguyên tắc Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước, và thông báo cho tôi về báo cáo của anh Lê Đức Anh với BCT và TU về 6 hay 7 điểm gì đó sai lầm của đồng chí Lê Khả Phiêu. Đồng chí Son cũng nói: Hôm qua tôi đã báo cáo với anh Tố Hữu, anh Tố Hữu cũng cho đây là vi phạm nguyên tắc rất nghiêm trọng phải xử lí. Sau đó một vài ngày, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên [cựu UVBCT] gọi dây nói hỏi tôi: Tôi vừa nghe thư ký của anh Lê Đức Anh tới báo cáo, anh có biết không? Rồi anh Nguyễn Thanh Bình [cựu UVBCT] cũng gọi dây nói hỏi tôi như vậy. Anh Chu Huy Mân [cựu UVBCT] cũng nói vậy.

Tôi thấy đây là cuộc vận động có chuẩn bị khá kỹ, có phân công rõ ràng, với ý đồ không trong sáng trước thềm ĐH 9, là vi phạm nguyên tắc tổ chức của Đảng, vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm Thông báo số 554 ngày 29.11.00 của BCT vì:

– Đã tổ chức cuộc vận động của cá nhân mấy người nhằm loại trừ một số cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ra khỏi cương vị của họ.

– Nội dung cuộc vận động là đả kých nhằm buộc đồng chí TBT phải từ chức, thâm chí phải bị kỷ luật trước ĐH họp, trong khi đó BCT, TUĐ chưa có nhận xét kết luận gì về đồng chí TBT”.[18]

Phần cuối thư gởi BCT và TUĐ, cựu Ủy viên BCT kiêm Trưởng ban Tổ chức TU Nguyễn Đức Tâm còn nhắc lại việc, một số cựu cán bộ cao cấp tố cáo Lê Đức Anh nhiều vấn đề từ thời Lê Đức Thọ làm Trưởng ban Tổ chức TU và Nguyễn Văn Linh khi làm Bí thư thành ủy thành phố HCM và cả sau này khi làm TBT, nhưng đều bị những người có quyền lực vất vào sọt rác!

Cũng vào thời gian này có tin là, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại thần của chế độ, đã 90 tuổi, đang nghỉ dưỡng bệnh ở thành phố HCM cũng viết thư cho TBT, BCT, BCHTU và ba Cố vấn. Thư này đề ngày 8.3.01 chỉ sau thư của Nguyễn Đức Tâm một tuần- nghĩa là cũng đúng vào dịp chuẩn bị HNTU 11/2, trong đó số phận Lê Khả Phiêu được quyết định. Cũng như thư của Nguyễn Đức Tâm, thư của tướng Giáp cũng thoát ra bên ngoài, như là cách cho biết, nếu chỉ gởi nội bộ thì thư sẽ bị vứt vào thùng rác! Một đoạn trong thư đã chỉ trích rất nặng những nhân vật đang vận động lật Lê Khả Phiêu:

“Trong lúc Trung ương đang tiếp tục chuẩn bị ĐH thì ở nhiều nơi trong Đảng, trong cán bộ, bộ đội và nhân dân đang rộ lên một tình hình bất thường, lo lắng xôn xao về vấn đề nhân sự, về tình hình mất đoàn kết ở ngay cấp cao. Có những việc cơ mật “trong nhà chưa biết mà bên ngoài đã hay”. Người ta bàn tán ngay ở cấp cao của Đảng có hiện tượng phê phán đả kých, nêu lên nội dung cụ thể phê phán TBT, thậm chí có dư luận cho rằng, có sự lũng đoạn cá nhân, có mưu đồ đảo chánh trong Đảng…

Chưa bao giờ trong Đảng ta có tình hình bất thường như vậy. Tôi thực sự lo lắng và được biết, nhiều đồng chí lão thành cách mạng, kể cả trong quân đội, cũng hết sức lo lắng…

Tôi mong rằng, BCT và TU làm đúng theo lời Bác, nêu tấm gương trong Đảng. Kiên quyết đấu tranh chống mọi hiện tượng cá nhân chủ nghĩa, bè phái…

Nếu cứ để tình hình phức tạp diễn ra như hiện nay, lại không ngăn chặn được tệ nạn tham nhũng, thoái hóa biến chất trong một bộ phận không ít đảng viên thì đây là một nguy cơ làm suy yếu Đảng cực kỳ nghiêm trọng…

Tôi đề nghị về nhân sự cấp cao phải hết sức cân nhắc thận trọng, không để xẩy ra một sự xáo trộn bất thường, làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, quân đội xao xuyến lo lắng, bạn bè quốc tế khó hiểu, kẻ thù lợi dụng…”

Cuối thư Tướng Giáp đi thẳng vào đề nghị, nên bãi bỏ Ban cố vấn:

“Trong một lần gặp nhau vào dịp Tết, anh Mười [Đỗ Mười] có nói với tôi rằng, sắp tới sẽ xin thôi cố vấn vì đã nhiều tuổi rồi. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của anh Mười. Tôi thấy Đảng ta đã trưởng thành, các đồng chí kế tục đủ năng lực để đảm đương trách nhiệm. Vì vậy, đề nghị từ nay nên thôi chế độ cố vấn, đó cũng là ý kiến đề nghị của nhiều đảng viên và đảng bộ cơ sở”.[19]

Việc ba cố vấn bắt tay nhau hạ Lê Khả Phiêu và phản ứng ở trong đảng bất bình với việc làm của ba cố vấn, nhất là những cựu ủy viên BCT và cựu cán bộ cao cấp –tiêu biểu là thư của tướng Võ Nguyên Giáp và cựu Trưởng ban Tổ chức TU Nguyễn Đức Tâm- đặt ra nhiều câu hỏi và những giả thuyết. Có phải do tính đa nghi nên Lê Khả Phiêu lập cơ quan A10 để kiểm soát nội bộ đảng TUĐ, đặc biệt là cả Ban Cố vấn và những nhân vật chống đối Lê Khả Phiêu trong TU, là động cơ chính để ba Cố vấn loại tướng Phiêu? Hay còn cả việc Lê Khả Phiêu để lộ quá rõ muốn dùng lá bài BK để xây dựng quyền lực? Việc này thể hiện công khai qua nhiều việc, như ngăn cản chuyến đi VN đầu tiên từ sau chiến tranh VN của Bộ trưởng Quốc phòng Mĩ W.S.Cohen suốt nửa năm (9.99 tới tháng 3. 2000); hủy bỏ chuyến đi của Đô đốc Blair, Tư lệnh Thái bình dương của Hải quân Mĩ (1.01), nhưng lại tiếp Bộ trưởng Quốc phòng TQ Trì Hạo Điền (2.01), dẫn tới tranh cãi gay gắt giữa phe CS miền Nam với Lê Khả Phiêu cũng vào thời gian này. Câu hỏi quan trọng khác là, động cơ nào khiến Võ Văn Kiệt đã thỏa hiệp lại với hai đối thủ cũ Đỗ Mười và Lê Đức Anh để hạ Lê Khả Phiêu? Chắc chắn ở đây không phải vì động cơ lí tưởng CS. Động cơ chính ở đây của ông Kiệt có lẽ là để trả thù lại Lê Khả Phiêu, vì ông này đã từng đi đầu mạt sát và kết án các quan điểm trong thư của Võ Văn Kiệt gởi BCT 9.8.1995 (xem Chương ba, XII)? Nên nhân cơ hội này Võ Văn Kiệt cũng muốn loại ông Phiêu –người cực kỳ bảo thủ cả trong kinh tế dưới con mắt của ông Kiệt – để ủng hộ phe cánh ở miền Nam với mục đích là giữ vững một phần quyền lực trong BCT tại ĐH 9 trước mắt. Vì ngay tại ĐH đảng bộ thành phố HCM cuối năm 2000 chính Lê Khả Phiêu đã kết án và chụp mũ rất thậm tệ đảng bộ lớn nhất miền Nam, nơi có nhiều vây cánh của ông Kiệt, là đang ngấm ngầm đi với tư bản (xem Chương bốn, IX).

***

Trong các xã hội Dân chủ Đa nguyên những câu hỏi này nếu không được giải đáp công khai toàn bộ thì ít nhất những nguyên do chính sẽ phải được công khai giải thích từ các nhân vật có dính líu trực tiếp hay các cơ quan công quyền và các đảng cầm quyền cũng như qua hệ thống báo chí độc lập và các chuyên gia. Nhưng cho tới nay gần hai thập niên đã trôi qua, đảng toàn trị vẫn cố tình dấu nhẹm những tài liệu liên quan tới việc tranh chấp quyền lực giữa Lê Khả Phiêu với ba Cố vấn. Mặc dầu họ tự nhận là đảng cầm quyền. Nếu ý thức trách nhiệm cao thì họ phải thông báo rõ ràng trong công luận về biến cố lớn này. Vì trong điều kiện độc đảng, những quyết định quan trọng của những người có quyền lực đều ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của nhân dân và vận mạng đất nước, cho nên đúng lí ra họ phải trình bày cho dân biết đầu đuôi.

Không chỉ dấu dân, họ còn tìm cách ém nhẹm cả với đảng viên. Xét theo Điều lệ đảng CSVN – một qui chế về tổ chức và hoạt động của một đoàn thể, ở đây là một chính đảng- nó có giá trị mang tính cưỡng bách cho các đảng viên, bất kể ở vị thế nào. Ban Cố vấn TUĐ được thành lập từ ĐH 6 (1986), tuy trên danh nghĩa chỉ giúp cố vấn, tham gia ý kiến với BCHTU và BCT, chứ không trực tiếp vào các hoạt động và quyết định của các cơ quan cao nhất của đảng. Nhưng trên thực tế có một số lí do khiến cho những người cố vấn này trong thực tế trở thành các “Thái thượng hoàng” như dưới triều đình nhà Trần, coi các TBT và Ủy viên BCT như con cháu trong nhà. Lí do dễ hiểu nhất là, các Cố vấn đầu tiên như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ là những nhân vật sáng lập chế độ, đã đóng góp công lao lớn vào việc cướp và nắm chính quyền cho đảng, nên quá nổi trội và cầm quyền trong nhiều thập kỷ…Khi đó Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt… chỉ mới là các tiểu tướng, tay em mà thôi. Hai yếu tố khác đóng vai trò tích cực cho vai trò nổi bật của các Cố vấn, ấy là yếu tố tổ chức và văn hóa. Hệ thống tổ chức độc tài dựa trên nguyên tắc trên bảo dưới phải nghe và văn hóa Khổng giáo Á đông ăn quả nhớ kẻ trồng cây và kýnh lão đắc thọ, khiến cho những người vừa được chỉ định vào các chức vụ mới từ TBT tới các Ủy viên BCT thường đều giữ thái độ kýnh nể các Cố vấn. Vì thế theo Võ Văn Kiệt thì tuy những vị này không còn giữ “quyền lực” trực tiếp trong Đảng và Chính phủ, nhưng “quyền uy” của họ vẫn còn rất lớn.

Các sự kiện này chứng mính rõ ràng, quyền lực đã làm biến thái con người; người có quyền đã tự biến thể, tự chuyển biến thành một con người khác do quyền lực sai khiến. Từ tư duy chống phong kiến, chống độc tài, chống các hình thức cha truyền con nối, coi công việc nước và các chức vụ công như chuyện riêng tư cá nhân, nhưng những người CS nắm quyền lực lâu đã trở thành người tù của quyền lực. Họ đang theo đuổi và thực hiện những gì mà ban đầu họ từng chống đối. Họ độc tài phong kiến hơn cả các vua chúa; tuy không còn nắm quyền lực nhưng lại muốn như các “thái thượng hoàng” chọn người kế vị dễ sai bảo để đứng sau giật dây! Họ ham muốn quyền lực và để cho quyền lực sai khiến họ. Tâm trạng chuyển biến này thường phát triển tuần tự với thời gian họ nắm quyền hành và cùng với mức độ quyền hành họ nắm được. Càng có quyền lực cao và càng nắm quyền lâu thì sẽ tạo ra cho họ một thói quen mới, hoàn toàn khác với con người ban đầu. Chế độ toàn trị đã nắm toàn quyền từ giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, nhiều người trong thành phần lãnh đạo đã nắm quyền bính liên tục 20-30 năm. Cho nên họ có những thói quen mới, tập quán mới, từ đó tạo ra những thái độ mới và tư duy khác hoàn toàn trái với thủa ban đầu trong con người của họ. Trong các chế độ độc tài (cá nhân hay đảng trị) quyền lực làm biến dạng người nắm quyền và từ đó làm biến dạng chế độ. Đây là một qui luật lịch sử từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim!

Riêng đối với Đỗ Mười thì phải kể thêm yếu tố trình độ học vấn và bệnh tâm thần của ông. Nếu theo dõi những hoạt động của Đỗ Mười chỉ từ sau 1975 trên nhiều lãnh vực ông phụ trách, như Phó TT kiêm Trưởng ban Cải tạo Tư thương miền Nam, TT, TBT và Cố vấn TUĐ nổi lên điểm chung lớn là cực kỳ bảo thủ, võ đoán, cực đoan, niềm tin như đóng đinh vào cột. Những tuyên bố công khai của ông về các đảng không CS vào giai đoạn 1945 và cách xử thế với những người dưới cho thấy, Đỗ Mười không đủ năng lực để nhận diện, phân tích và giải thích chính xác và khách quan một sự việc, đã đánh mất khả năng tự kiềm chế, không phân biệt được ranh giới, chỉ hành động theo bản năng…Đây là những tín hiệu của người thiếu học vấn và nguy hại hơn nữa là, không còn biết nhận thức ranh giới giữa hành động cho phép và không được phép, cũng như sự khác biệt giữa việc riêng với việc công.

Một người hầu như không có trình độ học vấn và mang bệnh tâm thần như vậy mà vẫn được giao nắm nhiều chức vụ quan trọng cả trong đảng lẫn chính quyền, kể cả mấy thập niên đóng vai cầm trịch đảng và chính phủ và cả nhiều năm làm Cố vấn, tổng cộng lại cả nửa thế kỷ! Một người có quyền lực và quyền uy bao trùm đảng và nhà nước cả nửa thế kỷ. Thậm chí cựu Ủy viên BCT Nguyễn Đức Tâm đã phải gọi những mưu đồ và hành động của Đỗ Mười và Lê Đức Anh là “vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức của Đảng, là lộng quyền, là đặt mình lên trên Đảng”. Còn cựu đại thần Võ Nguyên Giáp thì kết luận là, “có sự lũng đoạn cá nhân, có mưu đồ đảo chính” và “chưa bao giờ trong Đảng ta có tình hình bất thường như vậy”. Hai nhân vật này đã từng làm việc với Đỗ Mười và Lê Đức Anh hàng vài chục năm, nên hẳn hiểu rõ khả năng, tính khí và sức khỏe về lãnh vực tâm thần của Đỗ Mười như thế nào. Các nhận xét này phản ảnh rất chính xác về con người thực đầy bệnh hoạn, nhưng lại đầy quyền lực của Đỗ Mười![20]

Tuy vậy, cả BCT lẫn TUĐ vẫn phải chịu theo mưu đồ và áp lực của ba ông “Cố vấn”, người chủ mưu là Đỗ Mười. Chẳng những thế, sau khi thành công trong việc hạ Lê Khả Phiêu quyền uy của Đỗ Mười càng mạnh, chọn Nông Đức Mạnh làm TBT như con cờ trong tay, tiếp tục lộng hành cả thập niên tiếp theo. Một người có tầm vóc kiến thức quá thấp lại bị bệnh tâm thần nặng mà lại quán xuyến các trọng trách trong Đảng lẫn Nhà nước trực tiếp và gián tiếp suốt cả nửa thế kỷ thì dĩ nhiên cả chế độ lẫn đất nước sẽ rơi vào tê liệt trong mọi mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục và xã hội; đồng thời còn rơi vào nhiều sai lầm khủng khiếp. Như Phong trào đánh đổ tư sản mại bản ở miền Nam do ông làm Trưởng ban sau 1975 đánh tan hoang hệ thống kinh tế tư nhân, đôn đốc Quốc doanh ở miền Bắc trước 1975 và lập hệ thống Doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đạo sau 1975; trong tư cách TBT tham dự Hội nghị bí mật Thành Đô 1990 buộc Đảng và lôi cả nước phải thuần phục BK; ngăn cản Phan Văn Khải sớm ký Hiệp định Thương mại với Mĩ và ép Nông Đức Mạnh không để VN tham gia sớm WTO…

Các sự kiện này chứng minh, cơ chế tổ chức và vận hành của một chế độ toàn trị tạo những cơ hội rất tốt để các nhà độc tài lạm dụng quyền lực, dùng nó phục vụ những tham vọng điên rồ cả một thời gian rất dài. Stalin đã cai trị cựu Liên xô trên 30 năm, giết hại nhiều đồng chí là đối thủ chính trị, đày ải và giết hại bao nhiêu triệu người, chưa kể tới việc mở rộng đế quốc Nga sang cả Đông Âu. Mao Trạch Đông cũng đã độc quyền cả Đảng lẫn Nhà nước trên ¼ thế kỷ. Trong thời gian đó cũng đã tiêu giệt các đối thủ chính trị ngay trong đảng, điên rồ phát động “Cải cách ruộng đất”, “Cách mạng Văn hóa”, “Công xã nhân dân”…giết hại hàng chục triệu người TQ, phá hủy văn hóa và đạo đức, phung phí sức lực nhân dân và tài nguyên đất nước.

Những người bị bệnh tâm thần ờ VN thuộc giới thường dân thì bị bỏ rơi, coi như người điên rồ, không được chữa trị và chăm sóc. Nhưng trong giới nắm quyền lực thì những nhân vật này nếu bị bệnh tâm thần lại mặc nhiên coi như người bình thường. Điều này có thể hiểu dưới nhiều mặt khác nhau: Kiến thức về bệnh trạng tâm thần còn rất sơ sài ở nhiều giới, phương tiện y khoa để quan sát, chẩn đoán và chữa trị còn rất giới hạn, nên không rõ như thế nào là người đang bị bệnh tâm thần, khác với người bình thường ở những mức độ như thế nào, tới đâu sẽ được coi là nguy hiểm tới các người chung quanh và cộng đồng. Ở trong những xã hội độc tài, những người có quyền lực tuyệt đối và lại được văn hóa bảo thủ phù trợ thì chẳng ai dám bảo những hành động thái quá và cực đoan của họ là không bình thường, vì sợ phạm thượng, mất hết quyền lợi, hay bị theo dõi, bỏ tù!

12.8.2020

_____

[1] . Nhân dân (ND) 7.1.01

[2] . ND 17.1.01

[3] . ND 5.1.01

[4] . ND 19.1.01

[5] . ND 20.1.01

[6] . ND 26.1.01

[7] . ND 3.2.01

[8] . ND13.2.01

[9] . ND 14.3.01

[10] . ND 21.-23.3.01

[11] . ND 19.-20.4.01

[12] . ND 13.-24.3.01

[13] . ND 14.3.01

[14] . ND 25.3.01

[15] . Theo Điều lệ Đảng, có 4 mức kỷ luật từ nhẹ đến nặng là khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ

[16] . ND 14.3.01

[17] . ND 8. và 11.4.01

[18] . Thư của Nguyễn Đức Tâm gởi BCT và TUĐ 1.3.01, DC&PT số 24, 11.02, tr. 34-36); Âu Dương Thệ, ĐH 9 ĐCSVN, „ĐH 8 chữ vàng“ hay ĐH 8 chữ đen? DC&PT 21, 9.01, tr.6-12

[19] . Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gởi BCT, TUĐ và ba Cố vấn trước ĐH 9, DC&PT số 24, 11.02, tr. 32-33

[20] . Nhà văn Vũ Thư Hiên, một người hiểu rất rõ nội tình của lãnh đạo CSVN và cả cá tính cũng như hoàn cảnh của nhiều nhân vật cao cấp CS thời 1945-90,  đã nói thẳng bệnh của Đỗ Mười là bệnh “điên”, sđd, tr. 339 t.th.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Nên QUỐC TÁNG tại QUẢNG ĐÀ nếu môkt mai NGÔ KỶ tri kỷ tri âm của NGƯỜI VIỆT TỰ DO qua đời


    Thân gởi Một Tấm lòng Tri kỷ xuyên Hai Thế Kỷ bên Trời Cali .. ..
    *********************************

    https://www.youtube.com/watch?v=2PnZBZVJGxQ&t=4755s

    Anh Ngô Kỷ đặt vấn đề với Cộng Đồng Việt Nam / Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ
    do Anh Bùi Dương Liêm phỏng vấn

    Ngô Thế Kỷ ! Ngô Tri Kỷ !
    Vận Nước thăng trầm quyết đi
    Không bán Hồn cho Quỷ Đỏ
    Trong óc tim Ngọn Hoàng kỳ .. ..
    Ngô Trí Kỷ ! Ngô Tâm Kỷ !
    Thủy chung Đứa con Xứ Quảng
    Cho ta điểm tựa vẫn đi
    Đứng thẳng trong ngoài Nước Việt
    Tim Anh bất dịch bất di

    https://www.youtube.com/watch?v=5jrLQYAxf4Q
    Ngô Kỷ: Thâm Cung Bí Sử Little Saigon. Phần 2/2

    Chí Phèo Thời đại khả kính !
    Bên Sài Gòn Nhỏ Cali .. ..
    Ai ác mồm nguyền «homeless ! » (1) ? ? ?
    Cả Đời vì Homeland (2) quá đi ! .. ..
    Giữa Thế giới đầy bất định
    Quê Hương Dân chủ Hoàng kỳ !
    Chế độ suy tàn hấp hối
    Quê Mẹ Tự do Hoàng kỳ .. ..
    Ngày mai về Chàng trai trẻ
    Cờ Vàng sơn xe Hoa Kỳ
    Bên Hàn Giang chạy phóng đãng
    Tự do – Dân chủ – Hoàng kỳ ! .. ..
    Lưu vong lưu đày nay hết
    Bên Cô gái Quảng như ri .. ..
    Ngô Trí Kỷ ! Ngô Tâm Kỷ !
    Ngàn năm Việt sử – Sử thi .. ..

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

    (1) «Homeless ! » = «Kẻ không nhà ! »

    (2) Homeland = Quê Hương, Quê Nhà

  2. “Tại sao lại tổ chức Quốc tang cho Lê Khả Phiêu?”
    Tại vì luậtcủa VC là nhứ vậy!

    https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BB%91c_tang_t%E1%BA%A1i_Vi%E1%BB%87t_Nam

    Trích tí xíu cho nó rõ:
    – “Chức danh được tổ chức lễ Quốc tang Sửa đổi

    Theo Nghị định 105/2012/NĐ-CP, cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức lễ Quốc tang:[1]

    Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng;
    Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
    Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
    Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

    Chỉ có thế! Nói lung tung NQ tui đọc mà chả hiểu gì sất!

Comments are closed.