Nhân kỷ niệm 75 năm ngày hai quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản

New York Times

Tác giả: Yoko Ogawa

Dịch giả: T.Vấn

6-8-2020

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cúi đầu trước đài tưởng niệm sau khi đọc bài diễn văn nhân kỷ niệm lần thứ 75, tưởng nhớ các nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử tại công viên tưởng niệm Hòa Bình ở thành phố Hiroshima hôm thứ Năm 6-8-2020. Nguồn: Philip Fong/ AFP — Getty Images

Lời người dịch: Hôm 6 tháng 8 năm 2020, thế giới kỷ niệm lần thứ 75 ngày hai quả bom nguyên tử được ném xuống hai thành phố lớn của Nhật bản: Hiroshima và Nagasaki. Tưởng không cần phải nhắc lại những thiệt hại về người, của và tinh thần người dân Nhật Bản và những hệ quả tai hại khôn lường từ 75 năm qua. Điều cần nói đến là sự quên lãng của nhân lọai về một tai họa nhãn tiền, một tai họa đã xảy ra cách đây 75 năm, nhưng cũng có thể xẩy ra lần nữa vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu.

Sự quên lãng vốn là điều không thể tránh khỏi của con người. Nhưng quên lãng đi những nguyên nhân gây nên những cái chết tập thể, chết lần chết mòn vì nhiễm thể, vì môi trường sống chung quanh bị hủy họai, lại là một thái độ vô trách nhiệm với chính mình, với đồng lọai, với các thế hệ mai sau.

Một cuộc khảo sát mới đây của hãng truyền thông quốc gia Nhật Bản NHK (Nippon Hoso Kyokai -Japan Broadcasting Corporation) cho biết, chỉ có 30% dân số Nhật Bản nhớ được chính xác ngày, tháng và năm quả bom nguyên tử được ném xuống thành phố Hiroshima. Đó là một báo động đỏ cho những người còn quan tâm đến sự sinh tồn chung của nhân lọai.

Đã đành, 75 năm là một quãng thời gian không phải ngắn nhưng mỗi năm, cứ đến ngày đầu tháng 8 là những nạn nhân còn sống sót của vụ nổ hai quả bom nguyên tử lại rủ nhau về tụ họp ở thành phố Hiroshima, nơi tọa lạc của viện bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima để cùng nhau nhớ đến hơn 200 ngàn nạn nhân đã thiệt mạng vì cuộc ném bom và nỗi thống khổ của những người còn sống sót dù đã nhiều năm trôi qua.

75 năm qua là 75 lần người ta được nhắc nhở. Và nhớ đến những thảm kịch quá khứ không phải chỉ để ngồi khóc thương những người, những gì đã mất mà quan trọng hơn, nhớ để mỗi người tự nỗ lực bằng cách riêng của mình không để cho thảm kịch xẩy ra thêm một lần nữa. Đó là lý do chính cho con người chúng ta cần đến trí nhớ. Nhưng, buồn thay, như đã nói, quên lãng là một thuộc tính của con người.

Vậy, làm cách nào để bù đắp cho những quên lãng không thể tránh khỏi ấy?

Nhà văn Nhật bản Yoko Ogawa, một tiếng nói nổi bật và mạnh mẽ trong văn đàn Nhật bản đương đại, tác giả nhiều tác phẩm được quan tâm không chỉ ở Nhật bản, còn ở Pháp, Mỹ và nhiều nước trên thế giới, đã đưa ra đề nghị của mình trong một bài viết được đăng tải trên tạp chí The New York Times số đặc biệt tưởng niệm Hiroshima và Nagasaki.

Yoko Ogawa tin rằng, bằng văn chương, chúng ta sẽ lưu giữ được những ký ức cần thiết về hai quả bom nguyên tử đã được ném xuống Nhật Bản tháng 8 năm 1945.

Liệu Yoko Ogawa có thuyết phục được người đọc hay không, xin để mỗi người tự trả lời. Riêng người Việt Nam chúng ta, sinh sống trong nước hay hải ngọai, rất cần tìm ra một phương cách phù hợp để làm sao gìn giữ được trí nhớ, cho mình và cho các thế hệ tương lai, về những gì đã xảy ra cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam trong giai đọan lịch sử độc nhất vô nhị của hơn 45 năm qua.

Xin mời quý độc giả cùng theo dõi.

***

Bằng văn chương, chúng ta sẽ lưu giữ những ký ức về hai quả bom nguyên tử đã được ném xuống Nhật Bản

Thành phố Hiroshima (sau vụ ném bom khỏang chừng một hay hai tháng) nhìn từ phía Higi-Yama, một ngọn đồi tọa lạc ở phía đông thành phố. Nguồn: Collection Japanese/Magnum

Chúng ta tìm đến văn chương như là một nơi chốn ẩn náu mỗi khi phải đương đầu với những nghịch lý vượt quá tầm kiến giải của lý trí con người.

Ngày 6/8/1945, một quả bom nguyên tử được ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản. 3 ngày sau, 9/8, một quả bom nguyên tử nữa được ném xuống thành phố Nagasaki. Ngày 15/8/1945, Nhật bản tuyên bố đầu hàng.

Từ đó, ở Nhật Bản, tháng 8 hàng năm được coi là tháng để tưởng nhớ người chết.

Năm nay 2020, kỷ niệm lần thứ 75 ngày ném hai quả bom nguyên tử, lẽ ra sẽ được tưởng niệm vào dịp khai mạc Thế Vận Hội Tokyo 2020, nhưng vì dịch bệnh Covid-19 hiện đang hoành hành khắp nơi, nên Thế Vận Hội Tokyo đã bị hoãn lại. Và chúng ta sẽ âm thầm lặng lẽ cầu nguyện cho những người chết trong một không khí tĩnh lặng ít có ai mong đợi.

Tại Thế Vận Hội Tokyo 1964, người cầm đuốc thế vận chặng cuối cùng là một thanh niên vô danh 19 tuổi, một vận động viên điền kinh tên Yoshirori Sakai. Anh sinh ra tại Hiroshima đúng vào ngày thành phố bị ném bom. Hình ảnh người thanh niên, đơn giản trong trang phục áo trắng, quần đùi trắng chạy từng bước trên bậc thang dẫn tới chỗ tọa lạc của đài lửa thế vận mang một nét rất khác thường. Trong anh, người ta thấy toát lên một vẻ thuần khiết, sự vững chãi và tính cách mạnh mẽ của tuổi trẻ.

Những người hiện diện trong buổi lễ hẳn sẽ phải mang một cảm giác khó tả khi nhận ra rằng, cả thế giới đang tụ họp về Nhật Bản để tham dự ngày lễ hội thể thao trọng đại chỉ mới 19 năm sau ngày đệ nhị thế chiến chấm dứt. Vậy mà giờ đây, ngay trước mặt họ, một thanh niên sinh ra từ đổ nát hủy họai khủng khiếp chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, một sinh vật người ôm trong mình ngọn lửa của sự sống đang từng bước một tiến lên đỉnh đài thế vận. Không một ai bận tâm than phiền đến ý đồ chính trị trong việc lựa chọn người cuối cùng mang lửa thế vận, nhưng cũng không một ai không nhận ra sức sống mãnh liệt tiềm ẩn trong hình ảnh chàng thanh niên đến từ thành phố Hiroshima.

Đáng buồn thay, với thời gian qua đi từ bấy đến nay, chúng ta đã thất bại trong việc hoàn thành giấc mơ về một thế giới không còn bóng dáng vũ khí hạt nhân. Ngay đến ở Nhật Bản, những hồi ức năm xưa, nay cũng đã ngày một phai mờ. Trong một cuộc khảo sát của hãng truyền thông Nhật Bản NHK, chỉ có 69% cư dân Hiroshima và 50% cư dân Nagasaki có thể nhớ được chính xác ngày, tháng, năm quả bom nguyên tử được ném xuống thành phố Hiroshima. Trong khi đó, ở mức độ toàn quốc, con số phần trăm cũng chỉ đạt tới 30. Những đám mây quên lãng ngày một dầy đặc hơn. Và sẽ đến lúc chúng ta sẽ không còn được nghe trực tiếp từ những chứng nhân lịch sử còn sống sót kể về những gì họ đã trải qua.

Tâm điểm của quả bom nguyên tử ném xuống trung tâm thành phố. Nơi đây, trước đó là nơi tọa lạc một trại lính. Nguồn: Wayne Miller/Magnum

Chúng ta, những người may mắn không được chứng kiến tận mắt những gì đã xảy ra – phải làm gì để gìn giữ ký ức của những người đã từng sống qua giai đọan lịch sử ấy?

Sau tất cả những kinh hoàng khủng khiếp, thách đố khả năng của trí tưởng tượng con người đã xảy ra – Những cuộc chiến tranh lê thê, cuộc diệt chủng Do Thái, vụ nổ nhà máy nguyên tử ở Chernobyl, ở Fukushima … không kể tới Hiroshima và Nagasaki – nhân lọai đã thường xuyên đối đầu với việc bảo tồn kho tàng ký ức để nhắc nhở người đời về những gì đã xảy ra.

Làm cách nào chúng ta có thể khắc sâu vào trong lòng những gì đã xảy ra từ một quá khứ xa xăm, ở một nơi cũng xa xăm không kém, mà chúng lại không có một mối quan hệ trực tiếp đến sự sống hàng ngày của chúng ta? Quan trọng hơn, nhớ đến chúng không chỉ như một mảnh kiến thức thông thường, mà phải mang cảm giác như chính mình là một phần trong biến cố ấy?

Làm cách nào chúng ta có thể đóng được chiếc thuyền con, tuy mong manh, nhưng đủ sức chuyên chở những mảnh ký ức ấy vượt trùng khơi đến những bến bờ xa xăm cho những thế hệ nối tiếp?

Có một điều chắc chắn: Đây là nhiệm vụ không một chút nào phù hợp với những tổ chức chính trị, những cơ chế hàn lâm. Đơn giản chỉ vì với họ, việc chia sẻ những hồi ức của con người, về cơ bản, là một công việc hoàn toàn bất hợp lý.

Vì vậy, chúng ta sẽ viện dẫn đến văn chương, xem văn chương như là một nơi chốn ẩn náu mỗi khi phải đương đầu với những nghịch lý vượt quá tầm kiến giải của lý trí con người. Qua ngôn ngữ của văn chương, chúng ta cuối cùng sẽ cảm thông được với những đau khổ của những người vô danh chưa hề quen biết. Hoặc, ít nhất, chúng ta sẽ đủ can đảm buộc mình nhìn thẳng vào sự ngu xuẩn của những kẻ gây nên những lỗi lầm không thể tha thứ và tự hỏi chính mình, liệu mầm mống của những điều điên rồ ấy có đang ẩn nấp trong chính con người mình hay không.

Tôi đã từng chăm chú lắng nghe tiếng kêu của những người đã từng sống qua kỷ nguyên cai trị của Đức Quốc Xã, bằng cách đọc đi đọc lại “Nhật Ký của một cô gái trẻ” của Anne Frank, “Đi tìm ý nghĩa con người” của Victor Frankl, “Nếu đây là một con người” của Primo Levi.

Chẳng hạn như, từ Anne Frank, tôi học được một chân lý vô giá về con người, rằng con người có thể trưởng thành và phát triển kể cả trong lúc sống trốn chui trốn nhũi như một con thú. Từ những tiết lộ trong ghi chép của Victor Frankl “những con người ưu tú nhất đã không trở về” từ những trại tập trung, tôi nhận ra được nỗi thống khổ vô bờ của những người sống sót khi bị buộc phải kéo lê sự sống. Và khi mà, qua những trang sách vừa đọc, tôi cảm thấy một sợi dây nối kết giữa sự tồn tại hôm nay, ở đây của tôi với một khoảnh khắc nào đó xa xăm trong quá khứ lúc tôi chưa được sinh ra, cũng có nghĩa là chân trời của tôi đã được mở rộng và một thế giới mới đang mở ra trong tôi.

Cũng tương tự như vậy, văn học Nhật Bản vẫn tiếp tục đề tài về bom nguyên tử. Đề tài này chiếm một vị trí đặc biệt trong mỗi thể lọai văn học – tiểu thuyết, thi ca, kịch, khảo cứu. Thí dụ, những ai sinh năm 1962 như tôi, hẳn phải quen thuộc với tác phẩm “Hai cô gái nhỏ có tên là Iida” của Miyoko Matsutani, câu chuyện về chiếc ghế biết nói kỳ diệu đã nối kết hai bé gái nhỏ sống ở hai thời đại khác nhau trong một căn nhà nơi tờ lịch đã bị đóng băng vào ngày 6/8/1945. Hoặc, với một trong những tác phẩm không thể không biết đến của văn học Nhật Bản đương đại, “Mưa đen” của Masuji Ibuse kể lể hết sức tỉ mỉ về những hậu quả của vụ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Nhật Bản.

Nhà văn lừng danh Kenzaburo Oe, lúc còn ở tuổi hai mươi vừa mới bước chân vào thế giới văn chương đã đến thăm Hiroshima và cho chúng ta tập “những ghi chép ở Hiroshima” nói đến tính cách khác thường về phẩm giá con người nơi những nạn nhân còn sống sót của vụ ném bom đang trải qua những thống khổ vượt quá sức con người. Và còn rất nhiều những thí dụ tương tự khác.

Nhưng có một tác phẩm khác từ lâu được ngưỡng mộ và say sưa tìm đọc, kể cả hiện tại, và thường được trích dẫn trong các sách giáo khoa: Đó là tiểu thuyết “Những đóa hoa mùa hè” của Tamiki Hara. Tác giả là một nạn nhân trực tiếp của vụ ném bom nguyên tử, ghi lại trong tác phẩm những điều tai nghe mắt thấy chính xác đến từng chi tiết nhỏ.

Sinh ra ở Hiroshima năm 1905, Hara đang sống ở Tokyo, viết tiểu thuyết và làm thơ gởi đăng ở các tạp chí văn học, thì vợ ông đột ngột qua đời năm 1944. Tháng 2 năm 1945, ông quay về nơi chôn nhau cắt rốn, như thể ông “có hẹn với tấn thảm kịch sắp xảy đến cho thành phố Hiroshima” như sau này ông đã viết. Buổi sáng ngày 6/8/1945, Hara ngồi ở nhà – trong căn phòng tắm kín mít không có đến một cửa sổ – chi tiết này có lẽ đã giúp ông thoát chết. Một cách may mắn, ông chỉ bị xây xát nhẹ, và sau đó lang thang khắp thành phố đổ nát để ghi nhận những chi tiết có thật trong tập bản thảo, sau đó trở thành tác phẩm lừng danh “Những đóa hoa mùa hè”.

Hình ấn bản bằng Nhật ngữ của tác phẩm “Những đóa hoa mùa hè” của Tamiki Hara, một nạn nhân của vụ ném bom. Nguồn: Shinchosha

Quyển truyện bắt đầu với sự kiện diễn ra 2 ngày trước khi thành phố bị ném bom, nhân vật chính đến thăm mộ vợ mình. Anh ta lau chùi sạch sẽ tấm bia và đặt ở đó những đóa hoa mùa hè rực rỡ giữa một khung cảnh êm dịu và tươi mát. Nhưng dù vậy, một nỗi buồn tràn ngập hồn anh về sự mất mát trước cái chết của người vợ yêu quý, như một linh cảm về những xác người nằm la liệt đến độ không thể đếm được, mà chỉ một thời gian ngắn sau này anh sẽ chứng kiến.

Đoạn mô tả nhân vật chính chạy đến dòng sông để tìm nơi trú ẩn có những chi tiết rất nhỏ bằng một giọng văn lạnh đến rợn người. Ngôn ngữ được dùng thật ngắn gọn, không có chỗ cho những từ dùng mô tả cảm xúc. Sự khủng khiếp mà nhân lọai chưa bao giờ chứng kiến lần lượt được mở ra trước mắt người kể, khủng khiếp đến độ anh ta không thể nào thốt ra được một lời nào mơ hồ dù chỉ để diễn tả cảm xúc của mình.

Những mặt người sưng vù khiến không thể nói xác nằm đó là đàn ông hay đàn bà. Đầu người cháy đen thành than với những chỗ lồi lên trông như hạt đậu đen. Tiếng người kêu gào liên tục xin được uống ngụm nước. Trẻ con nắm chặt tay nhau, miệng thì thầm yếu ớt, “Mẹ ơi … Bố ơi,”. Người đi ngang qua, xăm soi từng móng tay người chết, hay rút lấy sợ dây lưng trên thi hài như muốn lưu giữ làm kỷ vật từ người chết. Thành phố được mô tả như chìm trong một không khí sặc mùi tử khí: “Trong cái hư không mênh mông lóng lánh sắc bạc, ẩn hiện những con đường, những dòng sông và những cây cầu bắc ngang; rải rác đây đó là những xác người đã sưng phù hay thối rữa. Một địa ngục thật mới mẻ, được tạo nên bởi một thứ kỹ thuật hết sức tinh vi và phức tạp”.

Khi quả bom nguyên tử tước đi khỏi mặt đất tất cả những gì gọi là thuộc về con người, dường như cùng lúc, nó đã hỏa thiêu luôn cả ngôn ngữ của nhân lọai. Tuy nhiên, có lẽ do bởi ý trời định, Hara đã mang theo trong người không chỉ thực phẩm, thuốc men mà còn có một quyển sổ và một cây viết chì. Thế nên, những gì ông ghi lại trong quyển sổ của mình không chỉ đơn thuần là những con chữ. Ông đã tạo nên một biểu trưng cho những gì ông nghe được từ người chết, từ những người đang hấp hối, những điều mà không thể chỉ đơn giản được biểu lộ bằng chữ viết. Những dấu tích, những vật chứng mà những người đã lặng lẽ biến mất khỏi đời này từng sở hữu, chúng thực sự vẫn còn tồn tại.

Trong lúc sống cô đơn vì bệnh tật đã cướp đi của Hara người vợ thân yêu, ông còn đối mặt với thảm kịch bom nguyên tử. Thế nên, các sáng tác của Hara đều có gốc rễ từ nỗi im lặng khủng khiếp của sự chết. Là một nhà văn, một nhà thơ, Hara đứng giữa thanh thiên bạch nhật, không phải để phát biểu với đồng lọai mà để lặng lẽ cam chịu sự dằng xé của nghịch lý: Tìm lời cho những tiếng kêu không thành tiếng của những người đã bị tước đọat mất khả năng nói thành lời của mình.

Hara còn là tác giả một bài thơ ngắn nhan đề “Đây là con người nhân lọai”, một tác phẩm vượt lên trên mọi đắng cay, giận dữ, để tìm cách vừa dịu dàng, vừa tinh tế làm sống lại tiếng nói đã bị hủy diệt của những con người đã không còn mang hình dạng con người:

Đây là một con người nhân lọai

Hãy xem họ đã bị bom nguyên tử làm biến dạng như thế nào

Thân xác họ đã sưng phù hư hại

Đàn ông đàn bà nhìn cũng giống như nhau

Này đây những lời kêu cứu

Tiếng nói câm lặng đang tìm cách vượt thoát

Khỏi những đôi môi sưng vù trên khuôn mặt thối rữa

Đây là một con người nhân lọai

Đây là một con người nhân lọai

Đọc bài thơ, chúng ta không thể không liên tưởng đến tác phẩm “Nếu đây là một con người” của Primo Levi, một nhà hóa học và cũng là một người sống sót từ trại tập trung. Ngay từ đọan mở đầu, Levi đã đặt câu hỏi:

Hãy xem liệu đây có phải là một con người

Khi anh ta đầm mình lao động trong đám bùn lầy

Người chưa hề biết thế nào an lạc hòa bình

Người đã phải giành giật đến từng mẩu bánh nhỏ

Người chết chỉ bởi một câu trả lời có hay không

Tôi không biết hai nhà văn Hara và Levi có từng quen biết nhau không, nhưng chúng ta có thể nhận ra mối đồng cảm trong ngôn ngữ của họ. Một người hỏi liệu đây có phải là một con người hay không; người kia trả lời rằng đúng vậy, đây là một con người nhân lọai. Trong tác phẩm của họ, chúng ta chứng kiến cuộc gặp gỡ giữa một người luôn phấn đấu để bảo tồn phẩm chất nhân lọai và người kia lúc nào cũng dõi mắt canh chừng không để cho phẩm chất ấy bị hư mất – một cuộc hội ngộ tư tưởng mang tầm mức ảnh hưởng sâu rộng đến các thế hệ tương lai. Trong thế giới văn chương, một chân lý quan trọng nhất có thể được tìm thấy ở những trùng hợp ngẫu nhiên, đơn giản và đôi khi, vô nghĩa. Với sự tiếp tay của văn chương, lời của người khuất vãng sẽ được gom lại và cẩn trọng đặt vào trong lòng những chiếc thuyền nhỏ bé để chúng tiếp tục hòa nhập vào với dòng sống của thực tại.

Hiroshima ngày 8/9/1945, một tháng sau vụ ném bom. Nguồn: Wayne Miller/ Magnum

Thêm một trùng hợp ngẫu nhiên khác nữa: Có lẽ với cảm thức cho rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ với tư cách kẻ sống sót sau một tấn thảm kịch; hoặc cũng có lẽ do bởi gánh nặng trên vai về một quá khứ quá khủng khiếp, vượt sức chịu đựng con người, cả hai nhà văn đã tự kết liễu đời mình; Hara năm 1951 và Levi năm 1987 (có người cho rằng cái chết của Levi không phải do tự sát)*.

Trong lúc ngồi viết những dòng này, trước mặt tôi là bộ sưu tập những bức ảnh của Hiromi Tsuchida, chụp những phiên bản được tái tạo từ những tàn tích của vụ ném bom do viện bảo tàng hòa bình Hiroshima thực hiện. Tôi đặc biệt bị ấn tượng bởi một bức ảnh chụp hộp đựng thức ăn và bình đựng nước mang theo đến trường của một học sinh trung học đệ nhất cấp tên là Shigeru Orimen. Lớp học của cậu được trưng dụng làm nhiệm vụ quốc phòng và có mặt trong thành phố vào buổi sáng ngày 6 tháng 8 năm 1945.

Lúc quả bom được ném xuống, Shigeru cách tâm điểm nơi quả bom tiếp xúc mặt đất khỏang 500 mét. Mẹ cậu tìm được con nằm lẫn trong đống xác chất đống dọc theo bờ sông và lục lại được hộp thức ăn và bình nước trong túi xách của Shigeru. Bà còn nhớ buổi sáng hôm đó, cậu rời nhà với niềm mong ước sao cho chóng đến giờ ăn trưa vì hôm đó bà nấu món cơm chiên đậu là món khoái khẩu của Shigeru. Cái hộp đựng thức ăn đã bị móp méo thảm hại, nắp bật ra và thức ăn bên trong chỉ còn là vài cục nhỏ cháy thành than.

Thực ra, cái hộp đựng thức ăn trưa nhỏ bé đã chứa đựng một điều gì đó quan trọng hơn: đó là sự ngây thơ vô tội của một bé trai chỉ háo hức mong được thưởng thức món ăn ưa thích của mình và tấm lòng người mẹ dành cho con. Ngay cả khi nạn nhân cuối cùng của vụ ném bom đã biến mất khỏi trần gian, và cả khi bộ đồ đựng thức ăn trưa này chỉ còn là một tàn tích trơ trơ như gỗ đá, nhưng bao lâu vẫn còn có một ai đó sẵn lòng lắng nghe tiếng nói ẩn giấu trong cái hộp cơm móp méo của Shigeru, thì những ký ức này sẽ vẫn còn sống sót.

Tiếng nói của người chết luôn luôn là vĩnh cửu, bởi vì nhân lọai lúc nào cũng sở hữu một chiếc thuyền nhỏ – ngôn ngữ của văn học – để đưa tiếng nói ấy vào với các thế hệ tương lai.

______

Tác giả: Yoko Ogawa là một nhà văn Nhật Bản đương đại. Bà sinh năm 1962, tác giả nhiều tác phẩm đã được dịch sang nhiều thứ tiếng. Các tác phẩm tiêu biểu: Viên quản gia và vị giáo sư (The housekeeper and the professor – 2003); Tập truyện Báo thù (Revenge – 1998); Khách sạn Iris (Hotel Iris – 1996); Cảnh sát ký ức (The Memory Police – 1994) v..v… Trong số đó, quyển The Memory Police được coi là tác phẩm mang ý nghĩa và tầm vóc của những tác phẩm nói về các chế độ chuyên chế độc tài của George Orwell.

Bà Ogawa đã từng vào đến chung kết giải thưởng văn chương cao quý của Mỹ National Book Foundation 2019; nằm trong danh sách chung kết giải Man Booker International Prize 2020. Ngòai ra, bà đã đọat nhiều giải thưởng quan trọng của văn học nhật Bản. Hiện Yoko Ogawa đang cộng tác với nhiều tạp chí quốc tế, phải kể đến: the New York Times Magazine, A Public Space …

Nhà văn Nhật bản Yoko Ogawa (1962- ). Nguồn: goodreads.com

Chú Thích:

* Ngày 11/4/1987, người gác cửa của một căn chung cư ở thành phố Turin, nước Ý, nơi Primo Levi đã sống hầu như cả trước lẫn sau chiến tranh đã tìm thấy nhà văn nằm chết dưới chân cầu thang. Chuyên viên giảo nghiệm xác định ông chết do tự sát. Những người quen biết ông đều đồng ý với giả định đó, sau những đau khổ ông đã chịu đựng trong chiến tranh và sống với chúng trong suốt quãng đời còn lại. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, cái chết của nhà văn là một tai nạn, vì ông mắc phải chứng bệnh hay bị choáng váng, đi đứng không vững. Cho đến nay, sự tranh cãi vẫn còn và chưa có thêm chứng cớ để xác định chính thức rằng Primo Levi chết vì tai nạn hay do tự sát.

Nhà văn Primo Levi ở New York (1919-1987). Nguồn: primolevicenter.org

** Shigeru Orimen, một học sinh lớp 6 (ngày xưa thời VNCH gọi là lớp đệ Thất), vào buổi sáng ngày 6/8/1945, đang làm công việc dọn dẹp một tòa nhà vừa bị đập phá theo sự trưng dụng của chính phủ ở Hiroshima thì quả bom nguyên tử ném xuống cách chỗ của cậu khoảng 500 mét. Mãi đến ngày 9/8, tức 3 ngày sau, mẹ cậu mới tìm được xác con nằm trong một đống đổ nát dọc theo bờ sông, cùng với hộp đựng thức ăn trưa và bình nước trong túi cặp.

Cha và anh Shigeru đã đi phục vụ ở tiền tuyến. Ở nhà, cậu phải thay cha anh làm công việc cày bừa, gieo hạt, tưới cây giúp mẹ. Bữa ăn hôm đó là sản phẩm thu họach từ công khó của Shigeru sau nhiều ngày miệt mài đồng áng. Nỗi đau của bà mẹ còn nặng nề hơn nữa khi biết con mình không bao giờ còn có dịp thụ hưởng thành quả lao động do chính tay mình làm ra, do chính tay mẹ nấu cho mình. Hai di tích của Shigeru Orimen do gia đình lưu giữ và hiến tặng cho viện bảo tàng Hòa Bình của thành phố Hiroshima.

Di ảnh cậu học trò lớp 6 Shigeru Orimen. Nguồn: Chugoku Shimbun
Bình Luận từ Facebook