Đấu tranh cho quyền sở hữu vũ khí

Tác giả: Thor Steinhovden

Dịch giả: Hoàng Thủy Ngữ

13-7-2020

Khi nói đến chiến thắng trong đấu trường chính trị, những ai hành xử đúng đắn ít thành công hơn những người có quan điểm thực tế thống trị chiến trường” – Robert Bothwell, National Committee for Responsive Philanthropy.

Mỗi buổi sáng, vào lúc 9 giờ 30’, các cánh cửa trong nhà trường tự động khóa lại. Thứ Sáu ngày 14/12/2012 cũng không ngoại lệ.

Sáu phút sau, một giọng nói hốt hoảng gọi đến trung tâm báo động địa phương – ai đó đã điện thoại cho 911 từ văn phòng trường tiểu học ở Sandy Hook. “Có tiếng nổ lớn tại lối đi chính”, tiếng nói sợ hãi lại vang lên.

Một phút sau, có báo cáo cửa kính lối đi chính bị vỡ. Phó hiệu trưởng Natalie Hammond và nhà tâm lý học Mary Sherlach của trường đi kiểm tra xem chuyện gì đã xảy ra. Sherlach không bao giờ trở lại.

Chỉ hơn hai phút, sau cú điện thoại lần đầu gọi đến trung tâm báo động, các nhân viên cảnh sát đầu tiên đã có mặt tại trường. Càng lúc càng nhiều người điện thoại đến trung tâm báo động cho biết họ nghe thấy tiếng súng và đang tìm cách giấu các học sinh nhỏ tuổi nhất trong lớp. Vài phút sau một sĩ quan cảnh sát báo qua điện đài là họ đã tìm thấy người chết.

Mười lăm phút sau, tính từ cú gọi điện đầu tiên đến 911, cuộc tấn công chấm dứt. Adam Lanza, 20 tuổi, đã bắn xuyên qua các cửa kính trường học, giết chết 20 đứa trẻ từ sáu đến bảy tuổi và 6 phụ nữ làm việc trong trường. Mẹ của Lanza nằm chết tại nhà. Bà bị chính con mình bắn chết. Kẻ giết người hàng loạt kết thúc cuộc tắm máu bằng cách tự sát khi bị cảnh sát đối đầu.

Adam Lanza bắn chết mẹ ruột rồi mang súng vào trường Tiểu học Sandy Hook, bắn chết thêm 26 người, sau đó kết liễu đời mình ngày 14/12/2012. Nguồn: Des D.Y.

Cuộc thảm sát tại Sandy Hook Elementary School là một trong những vụ giết người hàng loạt thảm khốc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, nhưng không là vụ duy nhất.

Cuộc thảm sát Columbine đã để lại 12 xác chết tại trường trung học ở Colorado và được cho là khởi đầu của một loạt các vụ nổ súng trong học đường. Virginia Tech shooting năm 2007 là vụ nổ súng trong trường học trầm trọng nhất từ trước đển nay, với 32 người chết.

Những năm kế tiếp, các thảm kịch tương tự tiếp tục xảy ra ở Mỹ. Vài tháng trước cuộc bầu cử năm 2016, Omar Mir Seddique Mateen đã tấn công một hộp đêm ở Orlando và giết chết 49 người. Vụ thảm sát Las Vegas năm 2017 là vụ giết người hàng loạt lớn nhất nước Mỹ, với 58 nạn nhân và trong vụ Parkland shooting năm 2018, Nicholas Cruz, 19 tuổi, đã bắn chết 17 người.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số trong bối cảnh lớn hơn, tổng số những vụ bắn giết ở Hoa Kỳ đã giảm bớt từ những năm 1990, nhưng các vụ nổ súng giết người hàng loạt là hiện tượng ngày càng tăng. Kể từ năm 2006, đã có trên 45 vụ nổ súng hàng loạt, trong đó có bốn hay nhiều người bị thương hoặc chết. Trong khoảng 40 năm, đã xảy ra hơn 80 lần.

Bất kỳ nỗ lực nào muốn hạn chế các biến cố như vậy bằng kế hoạch kiểm soát vũ khí đều bị đình chỉ, phần lớn do sự can thiệp của tổ chức vận động hành lang của Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA: National Rifle Association).

Từ thập niên 1990, đảng Cộng hòa đã nhận được rất nhiều tiền của NRA nên họ khó có thể đưa ra các kế hoạch kiểm soát vũ khí chặt chẽ hơn. Những thay đổi mà NRA đã phê chuẩn tập trung vào việc tăng cường kiểm tra sức khoẻ tâm thần, một hệ thống điều tra lý lịch kỹ lưỡng hơn, và kiểm soát nghiêm ngặt việc sử dụng cò lẩy (bump stocks) giúp vũ khí bán tự động có thể bắn nhanh gần như vũ khí tự động.

Sau vụ thảm sát Parkland, Donald Trump đã nói đến chuyện tăng giới hạn tuổi đối với việc mua bán một số loại súng bán tự động, nhưng rồi cũng chẳng có đề xuất cụ thể nào. Bây giờ cũng như mọi lần trước, sau vụ thảm sát Parkland, những người yêu chuộng vũ khí mong muốn có cuộc tranh luận về tình trạng sức khoẻ tâm thần hoặc vũ trang cho giáo viên.

Wayne LaPierre, người cầm đầu NRA, đã từng nói sau vụ thảm sát Sandy Hook: “Chúng ta không thể để mất thời gian quý báu trong một cuộc thảo luận chính trị vốn không đi tới đâu”. Và LaPierre muốn là được.

Quy định về vũ khí trước thời của NRA

NRA là một trong những nhóm lợi ích thành công nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Trong vòng 50 năm, tổ chức này đã có thể biến cuộc tranh luận về vũ khí trở thành một trong những vấn đề tranh cãi lớn nhất trong chính sách quốc gia.

Cao bồi trên thảo nguyên, xã hội đen trong các thành phố lớn và những người hùng trong phim hành động của Hollywood đã góp phần tạo ra ấn tượng vũ khí là thứ người Mỹ cần nhiều nhất. Thật ra điều này chỉ đúng phần nào thôi.

Thời gian sau cuộc chiến tranh giải phóng, vào cuối những năm 1700, Hoa Kỳ rất chật vật về chuyện thiếu vũ khí. Quốc gia mới thành lập có khoảng 36000 ngàn quân nhưng chỉ một nửa trong số đó có vũ khí hoạt động được. Đồng thời, Hoa Kỳ bị các kẻ thù hùng mạnh bao vây: Người Anh, Tây Ban Nha và Pháp hiện diện rất đông trên lục địa.

Do đó, giới lãnh đạo quốc gia đã ký hai mươi hợp đồng với các nhà sản xuất tư nhân để họ sản xuất thêm vũ khí. Chính nhà nước Mỹ đã trợ cấp cho các nhà sản xuất vũ khí để đối mặt với các đối thủ nước ngoài, điều mà ngày nay hiếm khi được nói đến.

Thị trường trong nước tăng tốc với sự xuất hiện của “Manifest Destiny” – học thuyết giữa những năm 1800. Đây là tư tưởng chính trị được đảng Dân chủ đặc biệt quảng bá: Thượng đế cho người Mỹ cái quyền chinh phục toàn thể Bắc Mỹ.

Cuộc xâm chiếm những vùng đất mới phía Tây của thực dân Mỹ để mở rộng biên giới đã gặp sự kháng cự của cả dân bản địa lẫn địa hình hoang dã – súng ống hiện đại trở thành giải pháp của thực dân Mỹ.

Mặc dù vũ khí có vai trò quan trọng nổi bật trong quốc gia tân lập này, nhưng không phải ai cũng đi loanh quanh với khẩu súng bên hông. Miền Tây hoang dã không phải lúc nào cũng hoang dã. Câu trả lời cho sự vô pháp luật đặc trưng trong thời đại cao bồi là đôi khi có thể chính quyền địa phương yêu cầu cư dân để súng và các vũ khí khác tại văn phòng cảnh sát trưởng. Khi xong việc ở trong phố, người ta đến đó nhận lại vũ khí của mình.

Vũ khí có thể cần thiết với một số người nhưng không phải với tất cả mọi người. Quy định về vũ khí trước và sau cuộc nội chiến thường để ngăn chặn những “kẻ xa lạ” có vũ trang: Người nhập cư, dân bản địa, người bị bệnh tâm thần, thành viên nghiệp đoàn và người Mỹ gốc Phi châu. Địa chủ da trắng nam giới theo đạo tin lành là thành phần có quyền ưu tiên sở hữu và mang súng.

NRA được thành lập vào năm 1871 bởi hai cựu chiến binh đã chiến đấu cho các tiểu bang miền Bắc trong cuộc nội chiến. Cả hai, William Church và George Windgate, rất bực bội trước khả năng yếu kém trong việc sử dụng súng của các chiến hữu.

Mục đích của NRA là hỗ trợ quân đội bằng cách huấn luyện thêm cho những binh lính này. Tiểu bang New York thậm chí còn tặng thêm vũ khí để giúp tổ chức khởi động. Dần dần, NRA phát triển lớn hơn và nhiệm vụ của họ mở rộng sang việc huấn luyện cho các thợ săn và những người có thú chơi súng. Rất hiếm khi tổ chức dính dáng đến chính trị.

Trong thời kỳ cấm đoán rượu bia từ 1920 đến 1933, một số băng đảng đã làm nhà chức trách Mỹ điên đầu, trong đó có nhóm John Dillinger.

Để chống lại bọn tội phạm như Dillinger, lần đầu tiên Quốc hội đưa ra đạo luật về vũ khí có hiệu lực trên toàn quốc, bao gồm việc bán súng ngắn và người mua phải trả phí cao hơn khi mua súng máy. Trong buổi hội thảo cứu xét dự luật, Karl T. Frederick, lãnh đạo NRA, tuyên bố, không phải ai cũng cần phải có súng – một tuyên bố khiến ông gặp vấn đề sau này.

Khi Frederick làm chứng trước một ủy ban ở Quốc hội, ông vẫn phủ nhận việc siết chặt kiểm soát vũ khí là vi hiến trong khi hiện nay, nó là lập luận cốt lõi của NRA khi họ chống lại các quy định chặt chẽ hơn. Sau này, Frederick viết rằng, quyền cầm súng không nên biện luận bằng hiến pháp, mà nên bằng cách phổ biến thông tin hướng dẫn người dân có những hiểu biết tốt hơn khi sở hữu súng.

NRA thời đó đã ủng hộ một số quy định về việc bán vũ khí nhưng phản đối những hạn chế của chính phủ đối với việc sử dụng súng.

Tổ chức này không dùng cách vận động hành lang, nhưng ngay từ thập niên 1930, đã thành lập một văn phòng chuyên trách cập nhật các đạo luật mới về vũ khí, cả ở cấp tiểu bang và quốc gia. Nếu văn phòng phát hiện những xu hướng thắt chặt, NRA yêu cầu các thành viên của mình gửi thư đến các đại diện dân cử của họ.

Một bài báo trên tờ Jackson Daily News từ năm 1963 đã kết luận rằng, khả năng của NRA trong việc huy động thành viên viết thư như vậy là “một trong những lý do” tại sao Hoa Kỳ có những đạo luật về vũ khí lỏng lẻo hơn các quốc gia khác.

NRA chiếm Washington D.C.

Thứ Sáu ngày 22/11/1963, tổng thống John F. Kennedy bị bắn chết ở Dallas. Sau đó cùng ngày, Lee Harvey Oswald bị bắt. Oswald khai đã mua khẩu súng trường từ một cửa tiệm ở Chicago, bằng cách đặt hàng qua đường bưu điện. Cửa hàng này quảng cáo bán vũ khí trên một tạp chí dành cho thành viên của NRA.

Vụ giết người lần này cùng những vụ ám sát nhiều nhà lãnh đạo chính trị khác khiến Quốc hội cố tìm cách thắt chặt các quy định mua vũ khí. Cùng khoảng thời gian đó, phó chủ tịch NRA viết rằng, tổ chức chống lại các cải cách lớn như vậy, nhưng ủng hộ việc cấm bán vũ khí cho trẻ vị thành niên, tội phạm và những “phần tử không thể chấp nhận được”.

Ngoài ra, các nhà vận động vũ khí hành lang cũng có cái nhìn tích cực đối với một số quy định về vũ khí bất hợp pháp. NRA giờ đã có 640.000 thành viên và tổ chức đang trên đường trở thành một đối thủ mạnh hơn để đối phó với kế hoạch kiểm soát vũ khí.

Đồng thời, cuộc thảo luận về vai trò của NRA trong lãnh vực chính trị cũng diễn ra sôi nổi trong nội bộ tổ chức này. Các bất ổn xã hội trong thập niên 1960 đã thúc đẩy người Mỹ mua súng ngắn ngày càng nhiều vì sự an toàn của chính họ. Số lượng các vụ giết người và số lượng người sở hữu vũ khí tăng lên cùng lúc và, trong nội bộ NRA, ngày càng nhiều thành viên bắt đầu lập luận tổ chức cần phải có vai trò chính trị và quyết liệt hơn.

Harlon Carter là một trong những thành viên tin rằng, NRA nên theo đuổi một chính sách khác. Carter lớn lên ở biên giới Mexico và ngay khi còn là thiếu niên đã bắn chết một đứa trẻ 15 tuổi cầm dao quấy rối mẹ mình. Carter bị kết án giết người nhưng bản án bị đảo ngược do một lỗi thủ tục. Sau này ông trở thành người cầm đầu cảnh sát biên giới Hoa Kỳ. Giờ đây, Carter nhận nhiệm vụ lên kế hoạch vận động hành lang cho những người ủng hộ vũ khí và từ vị trí này ông đã làm cú “đảo chính” giành quyền lực trong tổ chức.

Đêm 22/05/1977, NRA mở hội nghị thường niên với tất cả các thành viên tại Cincinnati ở Ohio. Trong nỗ lực kìm hãm xung đột nội bộ, ban lãnh đạo đề xuất dời trụ sở chính từ Washington D.C về Colorado. Mục đích để hướng NRA thành tổ chức sinh hoạt dã ngoại. Đây là đề xuất hoàn toàn tự nhiên vì NRA luôn có nhiều thợ săn là thành viên.

Kế hoạch thất bại. Carter và đồng bọn chiến thắng trong cái được gọi là “cuộc nổi loạn Cincinnati”. Các thành viên chính trị đảo chính giành quyền quản trị và tự phong vai trò lãnh đạo. Harlon Carter trở thành giám đốc mới của tổ chức và nhanh chóng bảo đảm cho NRA một vị trí vững chắc ở Washington. Khi Ronald Reagan trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, NRA lần đầu tiên lao vào chiến dịch tranh cử và ủng hộ nhân vật được cánh hữu ưa chuộng.

Sự chuyển hướng mau chóng đem lại nhiều phần thưởng. Chỉ sau một năm, trong nhiệm kỳ tổng thống của Reagan, NRA đã có được 30 triệu dollar trong ngân sách thường niên và khối lượng thành viên tăng lên gấp ba lần. Khi Harlon Carter được bầu lại vài năm sau đó, tờ New York Times viết rằng, NRA là một trong những tổ chức vận động hành lang quyền lực nhất nước Mỹ.

Theo Carter, mục tiêu của tổ chức là “trở nên mạnh đến mức không một chính trị gia nào quan tâm đến sự nghiệp của mình lại dám thách thức mục đích của chúng tôi”. Chẳng bao lâu sau, chuyện này trở thành hiện thực. Năm 1986, Quốc hội thông qua dự luật ngăn chặn nhà nước thiết lập sổ đăng ký sở hữu chủ vũ khí trên toàn quốc. Báo chí dành nhiều vinh dự cho NRA trong đạo luật này.

Tuy vậy, vào cuối thập niên 1980, Quốc hội lại đưa ra một cải cách mới và nghiêm khắc hơn. Khi muốn mua súng, người ta phải qua thủ tục kiểm tra lý lịch áp dụng trên toàn quốc và thời gian chờ đợi là 5 ngày. Luật còn cấm bán súng trường tự động. Mặc dù thất bại, NRA vẫn đưa được vào trong đạo luật một điều khoản tên là Sunset Clause, theo đó nếu không gia hạn, luật sẽ hết hiệu lực sau 10 năm (chuyện này cũng đã xảy ra). Ngay cả khi đã thất bại, những người đấu tranh cho vũ khí vẫn tìm cách khiến các quy định mới về vũ khí tự biến mất theo thời gian.

Luận thuyết báo động

Trong giai đoạn sau khi Clinton được bầu vào Nhà Trắng năm 1992, có khoảng 600.000 thành viên mới đã đăng ký gia nhập NRA. Số lượng thành viên tăng lên phần lớn có lẽ vì một luận thuyết báo động đã trở thành thương hiệu của NRA. Luận thuyết này liên quan đến việc sở hữu vũ khí vì lý do an toàn và quyền tự vệ. Đó là quyền tự vệ cá nhân trong trường hợp bị trộm cắp tại tư gia và ngay cả khi nhà nước trở thành một chính quyền chuyên chế ở Hoa Kỳ (một thuyết âm mưu của cánh hữu rất phổ biến). NRA cảnh báo rằng quyền sở hữu vũ khí sẽ bị đe dọa nếu đảng Dân chủ thắng cử hay nếu luật về vũ khí nghiêm ngặt hơn, trở thành đề tài trên báo.

Theo tuyên bố của tổ chức này, đó là bước đầu trên con đường tước quyền tự do của đại đa số quần chúng. Kiểu thông điệp như vậy được liên tục lặp đi lặp lại bởi các chính trị gia đảng Cộng Hòa và truyền thông bảo thủ. Và nó có kết quả. Barack Obama được gọi là “tay bán súng giỏi nhất nước Mỹ” bởi vì các quan điểm chính thức của ông trong việc thắt chặt luật pháp đã thúc đẩy người đã sở hữu súng từ trước mua thêm nhiều vũ khí, trong thời gian ông ở tòa Bạch Ốc.

Sau vụ Parkland năm 2008, NRA cho biết, họ phải quay ngược trở về tận năm 2003 để tìm ra cái tháng họ đã thu được số tiền lớn tương đương như vậy. Tổ chức đã lợi dụng cơ hội tung ra chiến dịch chiêu mộ thêm 100.000 thành viên mới vì “mối đe dọa đối với tu chính án hiến pháp thứ nhì chưa bao giờ lớn hơn”. Điều này có nghĩa là NRA đã tìm ra cách củng cố vị trí của mình, cả khi cuộc thảo luận vũ khí thuận lợi cho họ lẫn lúc họ gặp môi trường tranh luận khó khăn hơn.

Kinh doanh vũ khí từ lâu đã là “chuyện làm ăn lớn” (big business) nhưng thị trường này ngày càng ít khách hàng. Giữa những năm 2007 và 2013, số lượng vũ khí sản xuất tăng từ 4 triệu đến 11 triệu mỗi năm. Sự gia tăng này góp phần rất lớn vào việc lưu hành hàng trăm triệu vũ khí ở Mỹ, có lẽ còn nhiều hơn tổng số dân cư trong nước. Số lượng thống kê rất ít chính xác vì vào năm 1996, NRA và đảng Cộng hòa đã theo luật định không cho phép Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC: Center for Disease Control and Prevention) tiến hành nghiên cứu về tội phạm sử dụng vũ khí. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, số người sở hữu vũ khí không tăng.

Vào thập niên 1970, khi NRA tiến vào D.C., khoảng một nửa dân số Mỹ đã mua súng. Con số này giảm mạnh từ đó. Doanh số tăng là do những người thật sự thích vũ khí mua thêm. Một nghiên cứu của Harvard cho thấy, mỗi người này, còn được gọi là siêu sở hữu chủ, có trung bình 8 khẩu súng.

Trên thực tế, số vũ khí họ có chỉ chiếm ba phần trăm trong tổng số vũ khí đang lưu hành trong nước. Điều này cho thấy những người đấu tranh, đồng thời cũng sản xuất vũ khí và NRA đầy quyền lực chỉ đại diện cho quyền lợi của số lượng cử tri càng lúc càng giảm.

NRA quả quyết tổ chức có hơn 5 triệu thành viên đóng lệ phí, bằng khoảng 0,5% tổng dân số Hoa Kỳ. Bù lại, nhóm này tham gia tích cực vào các cuộc tranh luận công cộng nhằm giúp NRA duy trì vị thế quyền lực. Quyền lực này tập trung chính trong đảng Cộng hòa.

Cả Donald Trump và phó tổng thống Mike Pence đều đã diễn thuyết trong cuộc họp thường niên của tổ chức năm 2018. Quyền lực không chỉ ở trong tay cấp lãnh đạo đảng mà còn được phân chia cho cấp dưới tùy theo thứ bậc. Các chính trị gia cả hai cấp địa phương lẫn quốc gia gắn liền với tổ chức qua sự kết hợp giữa củ cà rốt và roi da. Cà rốt xuất hiện dưới hình thức quyên góp tiền bạc và hỗ trợ chính thức các ứng cử viên. Roi da bao gồm việc công bố, cho điểm mức độ thiện cảm của chính trị gia đối với việc sở hữu vũ khí. Tổ chức không quan tâm đến các chiến dịch bôi nhọ̣ hay chụp mũ công khai những người vượt ngoài các giới hạn đã định sẵn. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm thắt chặt đạo luật về vũ khí đều bị xem là sự phản bội.

NRA cũng thành công trong việc gây ảnh hưởng đến các cuộc tranh luận về vũ khí. Chẳng có gì lạ khi nghe những lập luận như sau: “Chúng ta phải có khả năng tự bảo vệ mình trong trường hợp bị bọn khủng bố tấn công hay nếu nhà nước quay lại chống chúng ta”. Một lập luận phổ biến khác là: “Điều duy nhất có thể ngăn chặn một ‘bad guy’ mang vũ khí là một ‘good gu’ có vũ khí”. Các lập luận này được cử tri yêu chuộng vũ khí, giới truyền thông bảo thủ và các chính trị gia Cộng hòa sử dụng liên tục.

Các cảnh báo trên có giọng điệu của bi kịch. Chúng tạo ra ấn tượng bất kỳ sự thay đổi nào trong đạo luật về vũ khí đều có thể kết thúc bằng cái chết hay sự chuyên chế. Kiểu biện luận này gây ra nỗi sợ hãi trong cử tri, từ đó làm cuộc thảo luận thêm căng thẳng bởi vì khi đề cập đến sự sống và cái chết, rất ít khi có được sự thỏa hiệp cân bằng.

Thành công của NRA dẫn đến hậu quả các chính trị gia Cộng hòa và cử tri bị dính chặt trong vũng lầy chính trị. Cho dù bao nhiêu vụ xả đạn giết người xảy ra ở trường học, dường như tổ chức này vẫn quyết tâm duy trì vị thế của mình. Việc này làm ranh giới giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ càng đậm nét và góp phần phân hóa chính trị nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, không chỉ một mình NRA góp phần vào việc chia đôi cuộc thảo luận xã hội. Cánh hữu trong xã hội Mỹ kêu gọi chiến tranh với câu “God, Guns and Country” (Thượng đế, súng đạn và đất nước). Mặc dù NRA rất mạnh, họ vẫn phải chia sẻ quyền lực với các nhóm tôn giáo: Kitô hữu truyền giáo.

Trích dịch từ sách: Det Amerikanske Marerittet (The American Nightmare)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Xin được nói thẳng ra là quyền sở hữu súng là quyền tự do nguy hiểm nhất
    và đáng lên án vì làm nguởi chết nhiều qúa,nhất là khi người có súng cố tình
    giết người hàng loạt thì càng khủng khiếp hơn nữa.
    Đây là quyền tự do gây ra biết bao thảm nạn nhưng tiếc thay nước Mỹ lại có
    kiểu tự do dễ gây haị cho người khác và gây bất ổn cho xã hội như vậy !

Comments are closed.